maandag 24 december 2012

Truyền thống Giáng sinh tại châu Âu

Chủ nhật 23 Tháng Mười Hai 2012
Truyền thống Giáng sinh tại châu Âu
DR
Hoàng Nguyễn / Huê Đăng / Thanh Hà
Ý nghĩa của mùa Giáng sinh rất khác nhau trong tâm niệm của người châu Âu. Đối với người Anh và người Đức, thì Noel trước hết là một Đêm Thánh. Còn theo phong tục của người Bulgari, lễ mừng Chúa giáng trần chỉ thực sự bắt đầu khi đồng hồ điểm 12 tiếng chuông nửa đêm 24.
Truyền thống Giáng sinh đối với người châu Âu trước hết là một dịp đoàn tụ gia đình, để mỗi người nói lên tình yêu của mình với những người thân với bạn bè, hàng xóm. Trong Liên Hiệp Châu Âu, truyền thống và phong tục đón mừng Noel của 27 nước thành viên có rất nhiều khác biệt.
Khác biệt đầu tiên liên quan đến ngày lễ Giáng sinh : nếu như ở Pháp đỉnh điểm của mùa Noel là đêm 24 và ngày 25 tháng 12 kỷ niệm Chúa giáng trần thì ở phần lớn các nước Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển … ngày 13 tháng 12 tức lễ thánh Lucie, nữ thánh đem lại ánh sáng cho muôn loài, được coi như là lễ chính.
Đúng ngày 13, người Phần Lan bầu ra một nữ thánh Lucie. Mặc áo đầm trắng, đội vương miện bằng đèn nến, nữ thánh Lucie này có trọng trách đem ánh sáng, niềm vui và hy vọng đến cho những thiếu may mắn, cho người già yếu, bệnh tật.
Còn đối với con trẻ ở những quốc gia như Bỉ hay Đức, Áo thì lễ thánh Nicolas 6 tháng 12 được coi là một ngày đặc biệt, vì thánh Nicolas là người đem quà tặng cho những đứa bé ngoan suốt cả năm.
Tại Tây Ban Nha mùa Giáng sinh kéo dài cho đến hết ngày 6 tháng Giêng, khi Ba Vua tìm đến được hang đá Bêlem và người đem quà đến cho trẻ con không phải là ông già áo đỏ, râu tóc trắng như tuyết như ở Pháp mà lại chính là ba vua Melchior, Balthazar et Gaspard.
Ý nghĩa của mùa Giáng sinh cũng rất khác nhau trong tâm niệm của người châu Âu. Đối với người Anh và người Đức, thì Noel trước hết là một Đêm Thánh và quan trọng hơn cả là Thánh lễ nửa đêm. Còn theo phong tục của người Bulgari, lễ mừng Chúa giáng trần chỉ thực sự bắt đầu khi đồng hồ điểm 12 tiếng chuông nửa đêm 24, và Giáng sinh còn là mùa để cho những đôi trai gái đến tuổi lập gia đình tìm đến với nhau.
Người Đan Mạch xem mùa Giáng sinh như một chiếc « bánh xe » lăn tròn từ năm cũ sang năm mới. Noel là lễ hội của mặt trời, của ánh sáng, gieo mầm cho sự sống và hạnh phúc. Vì thế mỗi gia đình đều phải đốt một khúc gỗ sồi để giữ được ngọn « lửa thiêng ».

Hang đá sống tại Ý : Chúa hài đồng
Huê Đăng/RFI
Phong tục “hang đá sống” ở Ý

Về tập tục dựng hang đá, ôn lại chuyện xưa mừng Chúa hài đồng, nên biết rằng hang đá đầu tiên của nhân loại đã xuất hiện trên đất Ý. Theo truyền thống thì người Ý dựng hang đá 9 ngày trước đêm Thánh, và một nét đặc thù khác nữa là truyền thống dựng hang đá sống đã trở thành rất phổ biến trên toàn quốc.
Thông tín viên Huê Đăng từ Roma cho biết thêm về tập tục đặc biệt này của người dân Ý :
"Ở Ý hàng năm, cứ vào khoảng cuối tuần đầu của tháng Giêng, rất nhiều làng mạc hay thành phố có tục lệ tổ chức “hang đá sống”.
Đó là cảnh dàn dựng lại Hang đá Bêlem. Theo truyền thuyết công giáo thì Đức Chúa sinh ra trong một hang đá nhỏ, nơi máng cỏ của các mục đồng chăn chiên tại thành Bêlem.
Gọi là “hang đá sống” bởi vì trong dịp này các nhân vật trong truyền thuyết đều được tái diễn bằng người thật: người thì đóng vai Thánh Joseph, dưỡng phụ của Đức Chúa, người thì thủ vai Đức Mẹ Đồng Trinh Maria. Cả hai quỳ bên một cái máng rơm trong đó người ta để một đứa bé sơ sinh đóng vai Đức Chúa mới ra đời. Chung quanh máng rơm có ba người sắc phục uy nghiêm thủ vai Ba Vua mang theo châu báu ngọc ngà, trầm hương loại quý giá đến để dâng tặng Đức Chúa. Chung quanh là các thiên thần ca hát. Trong hang đá sống người ta còn để chung quanh những chú lừa, chiên và trâu bò để làm sống lại cảnh Chúa ra đời trong hang đá bên máng lừa.
Không chỉ dừng lại cảnh tái dựng của hang đá nơi Chúa giáng trần, nhân dịp này người ta còn dàn dựng lại nguyên cảnh của một góc thành phố Bêlem với những cửa tiệm thủ công thời đó: tiệm làm nông cụ, tiệm làm giày, quầy bán tơ lụa, quầy bán hàng hóa thực phẩm và những trẻ chăn chiên dẫn thú đi quanh làng ... tất cả với những nhân vật vận theo trang phục thời đó.
Để làm sống động thêm truyền thuyết, có người được thủ vai làm quan chức hay lính La Mã vì theo lịch sử thì ở vào thời điểm Đức Chúa ra đời vùng đất Bêlem thuộc quyền cai trị của đế quốc La Mã.
Đây cũng là những dịp để các làng mạc hay thành phố thi đua nhau xem nơi nào tổ chức “hang đá sống” hay nhất. Du khách các nơi cũng đổ xô về dự các buổi lễ hang đá sống này.
Người ta kể rằng “hang đá sống” đầu tiên là do sáng kiến của ông Thánh San Francesco D’Assisi, một nhà chân tu sinh năm 1182 ở vùng Umbria (Trung Ý), và là người lập ra dòng tu Francescano, một dòng tu khổ hạnh với mục tiêu đi làm nhiệm vụ tông đồ.
Năm 1223, trên đường đi hành đạo, khi đến làng Greccio dưới chân núi Lacerone (thuộc thành phố Rieti, Trung Ý), San Francesco muốn làm sống lại hình ảnh Giáng sinh của Chúa Hài Đồng nên nẩy ra sáng kiến dàn dựng lại trong một hang đá cảnh Giáng sinh với những con người thật đóng vai Thánh Giuse, Đức Mẹ Đồng Trinh Maria, máng cỏ với Chúa Hài Đồng và Ba Vua với các thiên thần cùng các thú vật như lừa, chiên vây quanh máng đồng.
Từ đó, cứ hàng năm đến mùa Giáng sinh là người ta dàn dựng hang đá với cảnh Đức Chúa ra đời.
Theo đúng tục lệ, hang đá được lập lên vào ngày lễ Thánh San Nicola (khoảng 5 hay 6 tháng 12), nhưng lúc đó thì máng đồng để trống cho đến đêm 25 là đêm Giáng sinh thì mới có tượng Chúa Hài Đồng trong máng cỏ.
Trong khi đó, vẫn theo truyền thuyết, thì có Ba Vua biết tin Chúa giáng trần, nhưng không biết ở đâu, may nhờ có một vì sao sáng dẫn đường, Ba Vua cứ theo ánh sao và mãi đến ngày 6 tháng giêng Ba Vua mới đến được hang đá, dâng lên Chúa Hài Đồng châu báu ngọc ngà trầm hương quý giá.
Đấy cũng là lý do vì sao mãi khi ra Giêng, ăn Tết xong rồi người ta mới tổ chức tục làm “hang đá sống”, bời vì lúc đó mới có Chúa Hài Đồng và có đủ Ba Vua.

Reuters
Giáng sinh Hungary và vị vua lập quốc

Noel là lễ trọng đại nhất trong năm của Hungary và người dân xứ này tỏ ra rất mê tín trong công việc sửa soạn bữa tiệc Giáng sinh. Mùa Giáng sinh với ngày lễ chính vào 24-25/12 hàng năm luôn là dịp lễ quan trọng nhất đối với người dân Hungary, một đất nước có chừng 75% cư dân theo Kitô giáo. Đặc biệt, nó gắn liền với tên tuổi István Đệ nhất, vị vua lập quốc của nước này, “lưỡng thánh” của cả hai giáo hội Công giáo và Chính thống giáo.
Noel có lẽ là ngày lễ cổ xưa nhất của Hungary vì nó có cùng niên đại với sự ra đời của quốc gia Hung. Vốn là một dân tộc mang tính du mục nay đây mai đó, sau những cuộc di cư vĩ đại từ Châu Á sang vùng Đông Âu, vào năm 896, các bộ lạc Hung cắt máu ăn thề dừng lại và định cư tại mảnh đất nay gọi là Hungary.
Tuy nhiên, phải tới mốc thời gian 01/01/1001, khi István Đệ nhất được nhận chiếc “vương miện thiêng liêng” từ Đức Giáo hoàng Sylvester Đệ nhị và đăng quang như vị vua đầu tiên, đồng thời cũng là người sáng lập Giáo hội Công giáo Hungary, thì Giáng sinh mới trở thành ngày lễ chính thức ở nước này, trước hết là đối với các tín hữu Công giáo.
Giáng sinh ở đâu trên thế giới cũng mang những đặc điểm và tập tục chung, như tặng quà gửi thiếp cho bạn bè, người thương, trang trí cây thông Noel, dọn dẹp trang hoàng cửa nhà, đi lễ nhà thờ, v.v... Bên cạnh đó, Hungary có thêm một số phong tục ít nhiều khác biệt và khá đặc sắc, được duy trì từ đời này qua đời khác và bảo tồn tới ngày nay.
Như đã biết, ở các nước, Mùa vọng (Advent) được khởi đầu từ ngày Chủ nhật bốn tuần trước ngày lễ cho đến ngày 24 tháng 12. được coi là khoảng thời gian để ăn chay, cầu nguyện và tĩnh tại tinh thần trước lễ Giáng sinh. Nhưng tại Hungary, có thể coi mùa Giáng sinh còn kéo dài tới ngày mồng 1 năm mới, với tên gọi Tiểu Giáng sinh, để phân biệt với Đại Giáng sinh vào 25/12.
Tất nhiên, điểm sáng của cả mùa Noel tại Hungary là dịp Lễ thánh Giáng sinh, tổ chức vào đêm 24 (lễ vọng), hoặc trong ngày 25/12 (lễ chính ngày). Các gia đình Hung bao giờ cũng tập trung vào tối 24, Đêm Thánh vô cùng.
Bàn tiệc của người Hungary
Theo truyền thống, trong ngày 24/12, các gia đình Hung vẫn ăn chay và bữa chay tối hết sức được coi trọng với các món táo, hạnh nhân, mật và tỏi, kèm xúp đậu nấu với bơ nhưng không có thịt. Về sau, khi những tập tục chay không còn quá bó buộc, thêm món cá hoặc bắp cải nhồi thịt được đặt lên bàn tiệc.
Tập tục Hungary cho rằng bàn tiệc Noel đóng vai trò rất quan trọng trong dịp lễ, việc trang trí bàn bà trình tự các món ăn phải được tuân thủ một cách ngặt nghèo. Những món ăn trong lễ Giáng sinh được coi là có sức mạnh kỳ diệu và huyền bí.
Trước đây, tại Hungary, chiếc khăn trải bàn trong dịp Giáng sinh được dùng để gói hạt ngũ cốc đề chờ gieo hạt vào mùa xuân với niềm tin là sẽ được mùa màng bội thu. Cụ thể, sau khi trải khăn ra bàn, các bà nội trợ đặt hạt ngũ cốc lên trên, rồi đem cho gia cầm ăn để chúng đẻ nhiều trứng.
Ngoài ra, rơm thì được đặt dưới bàn để tưởng nhớ sự tích Chúa Giêsu ra đời trong máng cỏ. Sau đó, rơm này được đặt trong chuồng gia súc đề chúng khỏe mạnh, chống được bệnh tật và hay ăn chóng lớn. Rơm cũng còn được buộc lên cây ăn quả để có nhiều trái ngọt.
Bữa tối 24/12 bắt đầu khi sao Hôm hiện trên bầu trời. Bà chủ nhà, sau khi bày biện các món ăn lên bàn, sẽ không được rời bàn trong suốt bữa ăn để lũ gà để được nhiều trứng. Hơn thế nữa, cả gia đình sẽ phải đứng ăn từ đầu đến cuối. Bánh mì, bánh kalács (làm từ bột, sữa, bơ và rồi đan xoắn vào nhau và nướng trong lò) được đặt nguyên lên bàn tiệc với hy vọng năm mới sẽ no đủ.
Mùa chay kết thúc vào đêm 24/12 nên trong bữa trưa và bữa tối Giáng sinh 25/12, thịt và cá đã xuất hiện. Theo tập tục dân gian, dân Hung thích thịt lợn quay trong ngày lễ vì lợn được coi là biểu tượng của sự no đủ, sung túc, trong khi gia cầm thì bị coi là trì trệ vì luôn vẫy cánh về phía sau và như thế, hạnh phúc sẽ bay đi.
Tuy nhiên, truyền thống này những năm gần đây không còn được tuân thủ: ảnh hưởng của Âu - Mỹ, nhiều người dân Hung cũng ăn đùi vịt rán, hoặc gà tây bỏ lò, bên cạnh món xúp cá “quốc hồn quốc túy” (halászlé), niềm tự hào của nghệ thuật ẩm thực Hungary.
Cho đến nay, trong lễ Giáng sinh, rất nhiều người dân Hung vẫn ưa ăn các loại đỗ, đậu, đậu ván, hạt anh túc... là những loại ngũ cốc được coi là mang lại tiền tài, tài lộc. Bên cạnh đó, táo được xem như biểu hiện của sự mật thiết, gắn bó giữa các thành viên trong gia đình.
Sau các bữa ăn, chủ gia đình đếm xem có bao nhiêu thành viên thì bổ táo theo đúng từng ấy miếng. Mỗi người nhận được một lát với hy vọng trong năm mới, cả gia đình sẽ gắn bó với nhau như trái táo tròn, các thành viên sẽ tìm lại được nhau và được đường về gia đình, dù có lang bạt nơi đâu đi nữa.
Tất nhiên, Giáng sinh không chỉ là ngày hội ẩm thực. Phong tục Noel quan trọng bậc nhất tại Hungary - tới nay vẫn được diễn ở rất nhiều nơi - là một trò trơi được trẻ em rất thích thú, khi các em diễn lại sự tích Chúa Giêsu chào đời tại Bethlehem, thoạt tiên diễn trong nhà thờ, sau đó đến từng gia đình trong làng. Sau khi diễn trò, các em sẽ được gia chủ thết đãi và trao quà tặng.
DR
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten