Hà Tường Cát/Người Việt Hôm 20 Tháng Tư người ta được biết Hoa Kỳ sẽ đưa nhiều loại vũ khí mới đến khu vực Á Châu-Thái Bình Dương trong khuôn khổ chuyển trọng tâm chiến lược về Châu Á như đã được xác định gần đây.
Thông tấn xã Pháp AFP dẫn lời một giới chức cao cấp Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, yêu cầu không nêu danh tánh, cho biết Hải Quân Hoa Kỳ đang triển khai một số hệ thống vũ khí tới khu vực Á Châu-Thái Bình Dương. Giới chức này nói với các phóng viên: “Những gì quý vị thấy là một phần của nỗ lực lớn hơn, và tiền tuyến Á Châu sẽ là nơi đầu tiên nhận được những vũ khí mới nhất.” Trong vòng ít năm sắp tới Ngũ Giác Ðài sẽ đưa đến những cảng và căn cứ ở Á Châu các máy bay săn tàu ngầm P-8 Poseidon, hỏa tiễn bình phi, tiềm thủy đĩnh nguyên tử thế hệ Virginia, tàu tác chiến duyên hải và máy bay chiến đấu F-35. Phản ứng đầu tiên của Trung Quốc về việc này tỏ ra ôn hòa hiếm thấy, cho rằng nên ứng xử với chiến lược tái quân bình thế lực của Hoa Kỳ một cách hợp lý. Một bài viết trên trang mạng của tờ Nhân dân Nhật báo hôm Thứ Năm nói là trong năm 2012 Trung Quốc phải đương đầu với nhiều thách thức, phần lớn do kế hoạch tăng cường lực lượng của Hoa Kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương và chiến lược bành trướng trong khu vực. Theo tờ báo, việc Hoa Kỳ củng cố liên minh quân sự ở khu vực, phát triển các căn cứ quân sự, triển khai chiến hạm đến vùng biển gần Trung Quốc và hiện đại hóa phương tiện do thám chiến lược là mối đe dọa trực tiếp và tiềm tàng với Trung Quốc và an ninh của nước mình. Tuy nhiên tất cả những động thái ấy mang tính cách đề phòng hay răn đe hơn là đối đầu, nhằm duy trì hòa bình ổn định ở Châu Á-Thái Bình Dương và chưa vượt khỏi lằn ranh trực tiếp đụng độ với Trung Quốc. Về vấn đề chủ quyền biển đảo, tờ Nhân dân Nhật báo phàn nàn là Hoa Kỳ trắng trợn can thiệp vào tranh chấp ở Nam Hải (Biển Ðông) và Ðông Hải bằng cách công khai hay ngấm ngầm tán trợ các quốc gia có những bất đồng với Trung Quốc. Bài báo cũng tỏ ra không hài lòng với chiến lược hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ cổ vũ, mà cho rằng Trung Quốc “vẫn duy trì được mối bang giao thân hữu lâu đời với các nước láng giềng” và là đối tác mậu dịch chính của hầu hết các quốc gia Á Châu-Thái Bình Dương. Mặt khác Nhân dân Nhật báo tìm cách ca ngợi ý nghĩa tích cực của chiến lược chuyển trọng tâm về Châu Á của Hoa Kỳ bằng lời lẽ vuốt ve rằng “bang giao tốt đẹp giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc không thể nào đảo ngược” và trong mọi hoàn cảnh Hoa Kỳ đừng quên là cần củng cố mối quan hệ ấy cũng như phát triển hợp tác với cường quốc kinh tế đứng đầu Châu Á. Tờ báo còn tán tụng là ngay cả liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản dù cho nhằm mục tiêu đối phó với Trung Quốc nhưng vẫn có một lợi ích khác đáng kể là ngăn ngừa Nhật phát triển vũ khí nguyên tử và tái võ trang. Những lập luận vừa nói cho thấy Trung Quốc không thể nào phản đối vai trò của Hoa Kỳ trong khu vực và buộc phải chấp nhận thực tế về nhu cầu tăng cường lực lượng quân sự Mỹ cần thiết cho chiến lược này. Từ ít năm gần đây, lực lượng quân sự Trung Quốc đã phát triển đáng kể, đặc biệt là Hải Quân và Không Quân, để trở thành mối đe dọa nặng nề cho các quốc gia Á Châu. Hầu hết các cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ từ sau Thế Chiến 2 phải sử dụng tới lực lượng bộ binh lớn thường đưa tới nhiều khó khăn và không đạt kết quả dứt khoát khi phải chiến đấu lâu dài. Có lẽ rút kinh nghiệm ấy và để thích ứng với chiến tranh tương lai và trong hoàn cảnh chủ yếu là những khủng hoảng khu vực, các giới quân sự Hoa Kỳ trong chiến lược Á Châu đặt trọng tâm vào lực lượng Hải Quân, Không Quân cùng những đơn vị bộ chiến nhỏ cấp lữ đoàn, thích ứng với điều kiện can thiệp nhanh và xung đột ngắn ngày. Vì vậy theo loan báo mới đây, Hoa Kỳ chủ trương triển khai đến vùng Á Châu-Thái Bình Dương những hệ thống vũ khí mới nhất của Hải Quân. Tiềm thủy đĩnh thế hệ Virginia là loại tàu ngầm nguyên tử xung kích thích ứng với chiến đấu ngoài đại dương cũng như trong những vùng biển duyên hải. Không quá đắt tiền như thế hệ tàu ngầm Seawolf thời Chiến Tranh Lạnh, các tàu ngầm loại Virginia (SSN-774) đầu tiên sử dụng từ năm 2000 trị giá $2.5 tỷ mỗi chiếc và phí tổn hoạt động $50 triệu một năm, có lượng giãn nước 7,800 tấn chiều dài 115 mét, rộng 10 mét và vận tốc 25 gút (29 dặm/giờ). Ðặc điểm của loại tàu ngầm này là động cơ êm hơn, có nghĩa là khó bị địch phát hiện hơn, trang bị điện tử và vũ khí thuộc thế hệ mới nhất. Hải Quân Trung Quốc cũng đã tiến rất nhanh về lực lượng tàu ngầm nguyên tử, nhưng về khả năng chiến đấu chưa từng được thử thách và người ta tin rằng trang bị điện tử cũng như hệ thống vũ khí còn dưới Hải Quân Hoa Kỳ một bậc. Hải Quân Trung Quốc mới sử dụng máy bay tuần thám biển Y-8F-600, biến thể của máy bay vận tải An-12 của Liên Xô, cho chiến tranh chống tiềm thủy đĩnh. Ký giả Bill Sweetman trong tạp chí Aviation Week nhận định rằng Y-8F tương đương loại máy bay chống tàu ngầm thế hệ thứ hai, có lẽ chưa có khả năng chống các tiềm thủy đĩnh nguyên tử của Hoa Kỳ, chỉ có thể dò tìm được các loại tàu ngầm động cơ diesel của Ðài Loan và Việt Nam. Theo Owen Cote Jr., phân tích gia quân sự thuộc MIT thì Trung Quốc phát triển rất chậm về kỹ thuật chiến đấu chống tàu ngầm và chỉ đủ khả năng phòng thủ duyên hải. Trong số những vũ khí mới được biết sẽ triển khai cho Hải Quân Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương có máy bay chống tàu ngầm P-8 Poseidon. Thay thế cho loại P-3 Orion đã dùng từ nửa thế kỷ có nhược điểm là rất vất vả cho phi hành đoàn khi bay thấp, P-8 bay ở cao độ hay gần mặt biển đều hoàn hảo. P-8 là máy bay tuần thám Hải Quân đầu tiên dùng hai động cơ phản lực, bay lần đầu hồi Tháng Ba năm nay. Những chuyên gia quân sự nói rằng P-8 là một bước tiến lớn về phi hành cũng như kỹ thuật điện tử dò tìm và tiêu diệt tàu ngầm địch. Hoa Kỳ có kế hoạch triển khai khoảng hơn phân nửa lực lượng Hải Quân tới vùng Á Châu-Thái Bình Dương và sẽ có 4 chiến hạm tác chiến thủy bộ luân phiên đặt căn cứ tiền phương ở Singapore. Mỗi chiến hạm này là trung tâm của một hải lực đặc nhiệm bao gồm tàu đổ bộ có sân bay trực thăng và những tàu tác chiến duyên hải. Hôm Thứ Ba, Bộ Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta cho biết máy bay chiến đấu tàng hình F-35 đang phát triển và là loại máy bay hiện đại nhất cho đến nay, sẽ được triển khai tới căn cứ Không Quân Iwakuni ở Nhật Bản từ năm 2017. Hải Quân Hoa Kỳ trên các hàng không mẫu hạm sẽ có loại F-35B Lightning II (STOVL) nghĩa là có thể cất cánh và hạ cánh trên đường bay ngắn hoặc lên xuống thẳng như trực thăng. Khu vực trách nhiệm của Hạm Ðội 7 Hoa Kỳ đặt căn cứ tại Nhật bao gồm cả Biển Ðông thường xuyên có một hải đội mà trung tâm là một hàng không mẫu hạm nguyên tử, sẽ được tăng cường bởi Hạm Ðội Thái Bình Dương đặt căn cứ ở Hawaii. Ðề cập đến tình trạng Philippines và Việt Nam cùng các nước Ðông Nam Á đang có những tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc và muốn gia tăng quan hệ quân sự với Hoa Kỳ để trung hòa ảnh hưởng Trung Quốc, giới chức Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nói rằng đang theo dõi chặt chẽ ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc xem họ sẽ có động thái nào trong vấn đề này. Ông nói: “Chắc chắn chúng tôi quan tâm sâu sắc đến những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Ðông,” bao gồm việc lập thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam cho phép cảnh sát biển khám xét các tàu nước ngoài, va chạm với tàu đánh cá cũng như tàu dò tìm dầu khí của Việt Nam và cả một việc ngớ ngẩn là phát hành hộ chiếu có bản đồ lưỡi bò. Hồi Tháng Mười Một, Hải Quân Hoa Kỳ và Hải Quân Nhật Bản trong cuộc tập trận thường lệ mỗi hai năm đã cùng đi vào vùng biển Ðông Hải nơi có tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Ðiếu Ngư với Trung Quốc. Các chiến hạm Hải Quân Hoa Kỳ trong mấy năm gần đây đã thường xuyên ghé cảng Việt Nam và từng tập trận chung với Phlippines cũng như cho Hải Quân Việt Nam tham gia với tính cách quan sát viên. Mặc dù các quốc gia Ðông Nam Á còn muốn trông đợi vào sự hiện diện của Hải Quân Ấn Ðộ và Nga, nhưng thực tế hiện nay cũng như tương lai, lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ vẫn có vai trò chính trong vùng Tây Thái Bình Dương và là chỗ dựa chính yếu cho những quốc gia có va chạm với Trung Quốc. (HC) http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=159360&zoneid=403 |
vrijdag 21 december 2012
Hoa Kỳ đưa vũ khí mới đến Á Châu
Hoa Kỳ đưa vũ khí
mới đến Á Châu Thursday, December 20, 2012 6:58:30
PM
Geen opmerkingen:
Een reactie posten