woensdag 21 november 2012

Chiến tranh Israel-Palestine: Chuyện dài không dứt

November 20, 2012
GAZA - Một lần nữa, quân lực Israel lại tấn công vào dải Gaza của dân Palestine, sau cuộc chiến tranh ba tuần lễ từ cuối năm 2008 đến đầu năm 2009, làm 1,100 người Palestine và 13 binh sĩ Israel thiệt mạng.

Quân đội Israel đụng độ với sinh viên Palestine ở Ðại Học Birzeit hai ngày liên tiếp vì các cuộc biểu tình chống tấn tấn công vào Gaza. (Hình: Abbas Monani/AFP/Getty Images)


Ngoài hai cuộc xung đột lớn ấy, bạo lực lẻ tẻ luôn luôn xảy ra bằng những vụ nổ bom khủng bố, hỏa tiễn bắn từ Gaza sang đất Israel, và Không Quân Israel xạ kích các mục tiêu ở Gaza. Trong vòng ba năm từ 2009 đến trước khi xảy ra cuộc xung đột hiện nay, ít nhất 271 người ở Gaza đã bị giết.

Dải Gaza là phần đất nhỏ bé tách rời với lãnh thổ Tây ngạn sông Jordan thuộc Palestine, diện tích 365 km2, có dạng gần như một hình chữ nhật, chiều dài 41 km cạnh Tây Nam 11 km giáp Ai Cập, cạnh phía Ðông và Bắc 51 km giáp Israel và phía Tây là biển Ðịa Trung Hải. Dân số Gaza khoảng 1.7 triệu gồm hầu hết là dân tị nạn Palestine từ cuộc chiến tranh năm 1948 giữa Israel với các nước Á Rập.

Tháng 1 năm 2006, đảng Hồi Giáo Hamas thắng cuộc bầu cử Quốc Hội Palestine, tới tháng 6 năm 2007 xung đột xảy ra giữa hai tổ chức Palestine là Fatah và Hamas, lực lượng võ trang chiếm được chính quyền ở Gaza, tách rời khỏi lãnh thổ Palestine tự trị ở Tây ngạn sông Jordan của Tổng Thống Mahmoud Abbas. Ngay sau đó Israel và Ai Cập đóng cửa biên giới và phong tỏa Gaza thành một khu vực biệt lập với thế giới bên ngoài cho đến nay. Hoa Kỳ, Canada, Liên Âu, Nhật Bản xếp lực lượng võ trang Hamas vào thành phần khủng bố. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy không coi như vậy nhưng cũng không công nhận Hamas.

Là một tổ chức vũ trang Hồi Giáo cực đoan, từ khi thành lập năm 1988 Hamas kiên quyết với chủ trương tiêu diệt quốc gia Israel của dân Do Thái. Mặc dầu bị phong tỏa, với sự trợ giúp ngầm của các chuyên gia kỹ thuật Iran và chính quyền Sudan, Hamas đã nhập lậu hoặc chế tạo vũ khí sử dụng cho cuộc chiến đấu chống Do Thái. Hỏa tiễn Fajr-5 của Iran được cải tiến từ Gaza có tầm bắn tới hầu hết các thành phố ở Israel trở thành mối đe dọa thường trực cho dân chúng.

Theo cơ quan an ninh Israel, trong tháng 10 vừa qua đã có 92 cuộc pháo kích với 171 hỏa tiễn và đạn súng cối bắn từ Gaza sang đất Israel. Những cuộc pháo kích và trả đũa qua lại gia tăng từ đầu tháng 11, có ngày hơn 100 hỏa tiễn được phóng đi và ngược lại Israel mở nhiều cuộc không kích bằng máy bay và trực thăng chiến đấu nhắm vào các mục tiêu trong lãnh thổ Gaza.

Chiến sự mở rộng từ vụ Không Quân Israel oanh kích hạ sát Ahmed Jabari, chỉ huy trưởng lực lượng võ trang Hamas. Buổi chiều ngày 14 tháng 11, máy bay Israel tấn công khoảng 20 mục tiêu ở Gaza bao gồm những kho cất giấu vũ khí và hầm đặt hỏa tiễn. Jabari tử nạn trên chiếc xe đang đi bị trúng phi đạn từ máy bay bắn xuống nổ tung và bốc cháy. Trả đũa tức khắc, Hamas phóng hàng trăm hỏa tiễn sang lãnh thổ, một hỏa tiễn Grad rớt trúng căn cứ nghiên cứu nguyên tử trong vùng sa mạc Negev gần thành phố Dimona. Hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn gọi tên là Iron Dome đã ngăn chặn được 130 hỏa tiễn của Hamas, theo lời Bộ Quốc Phòng Israel.

Israel tiếp tục những cuộc oanh kích Không Quân trong đêm và ngày hôm sau với trên 100 phi xuất. Hamas loan báo 15 thường dân thiệt mạng, ngược lại 13 dân Do Thái bị thương vì pháo kích của súng cối và hỏa tiễn Hamas. Các trường học của Israel trong tầm pháo kích của hỏa tiễn được đóng cửa.

Tới chiều 16 tháng 11, Hamas gia tăng cuộc pháo kích, bắn đi 500 hỏa tiễn từ Gaza trong số đó hệ thống phòng thủ Iron Dome của Israel hạ được 184, đồng thời Không Quân Israel mở 500 phi xuất tấn công vào Gaza. Nội các Israel chấp thuận cho lệnh động viên từ 30,000 đến 75,000 quân trừ bị và quân đội Israel đưa chiến xa đến vùng biên giới. Tuy nhiên Ngoại Trưởng Avigdor Lieberman nói rằng Israel không có mục tiêu lật đổ chính quyền Hamas ở Gaza.

Thủ Tướng Ai Cập Hisham Qandil hôm 16 tháng 11 đã đến thăm Gaza trong vòng 3 tiếng đồng hồ với mục đích được tuyên bố là “bày tỏ tình đoàn kết với dân chúng Palestine.” Ông đã đề nghị hai bên ngưng bắn trong thời gian ở Gaza nhưng Israel cho biết đã có 50 hỏa tiễn bắn sang miền Nam nước họ vào lúc này.

Ngày 17 tháng 11, chiến tranh gia tăng cường độ. Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) cho biết các bệnh viện ở Gaza vượt quá khả năng chữa trị cho những người bị thương và số người chết lên tới gần 200. Bộ Quốc Phòng Israel loan báo cho mở cửa khẩu Karem Shalom ở biên giới để đưa thuốc men và phẩm vật cứu trợ vào Gaza. Hỏa tiễn Fajr-5 của Hamas bắn tới Jerusalem và Tel Aviv nhưng theo lời Bộ Quốc Phòng Israel đã bị Iron Dome ngăn chặn. Tuy nhiên có tổn thất nhân mạng xảy ra tại nhiều thành phố và làng mạc.

Cơ quan phòng thủ Israel cho biết kể từ đầu chiến cuộc đến ngày 19 tháng 11, Hamas đã phóng 540 hỏa tiễn từ Gaza sang trúng nhiều khu vực dân cư của Israel, không kể 290 hỏa tiễn bị hệ thống Iron Dome bắn hạ. Hôm 18 tháng 11, lần đầu tiên hải pháo từ chiến hạm Israel tham gia cuộc pháo kích Gaza. Hai tòa nhà nơi các phóng viên ngoại quốc trú ngụ tại Gaza bị trúng đạn trong cuộc tấn công của Israel nhưng không thương vong, trong khi đó 7 phóng viên Palestine bị thương do những cuộc xạ kích của Không Quân và pháo binh Israel.

Nhiều quốc gia trên thế giới lên án cuộc xung đột và mặc dù chỉ trích Hamas phóng hỏa tiễn đến những khu vực dân cư của Israel nhưng phê phán Israel luôn luôn sử dụng vũ lực quá mức độ. Các nước Á Rập mạnh mẽ đả kích Israel và đòi hỏi chấm dứt hành động tấn công xâm lăng vào Gaza, tuy nhiên cũng như từ trước đến nay không có phản ứng cụ thể nào khác.

Cuộc xung đột Israel-Palestine luôn luôn đặt Hoa Kỳ vào tình thế khó xử. Ngoại Trưởng Hillary Clinton đang tháp tùng Tổng Thống Obama ở Phnom Penh đã được phái đi thẳng sang Trung Ðông, theo dự tính sẽ gặp Thủ Tướng Benjamin Netanyahu của Israel, sau đó gặp các giới chức Palestine và lãnh đạo Ai Cập để thúc đẩy cuộc ngừng bắn.

Trong buổi họp báo chung với Thủ Tướng Netanyahu, bà Clinton tuyên bố: “Tổng Thống Obama yêu cầu tôi tới Israel với một thông điệp hết sức rõ ràng là sự cam kết của Hoa Kỳ về an ninh cho Israel là vững chắc không thể lay chuyển.”

Bà nói tiếp: “Các cuộc pháo kích bằng hỏa tiễn của những tổ chức khủng bố ở Gaza vào thành phố và thị trấn Israel phải chấm dứt, bình an cần được vãn hồi. Mục tiêu của chúng tôi là một giải pháp cổ vũ ổn định và an ninh khu vực, đáp ứng nguyện vọng của cả hai dân tộc Do Thái và Palestine.”

Những điều kiện ngừng bắn do Tổng Thống Ai Cập Mohamed Morsi dàn xếp chưa được tiết lộ. Ai Cập đã đứng làm trung gian hòa giải với sự trợ lực của Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ. Tòa Bạch Ốc cho biết trong vòng 24 giờ hôm Thứ Ba, Tổng Thống Obama đã ba lần gọi điện thoại đến Tổng Thống Morsi đề nghị ông thúc đẩy thỏa hiệp ngừng bắn. Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng đã đến Jerusalem thảo luận với Thủ Tướng Netanyahu. Trước đó ông đã gặp Chủ Tịch Liên Ðoàn Á Rập Nabil el-Araby ở Cairo.

Hamas nói rằng họ đã chấp thuận ngừng bắn nhưng phía Israel còn trì hoãn. Truyền hình Al-Jazeera dẫn nguồn tin từ các giới chức Do Thái không nêu danh tánh, cho biết Ngoại Trưởng Hillary Clinton sẽ công bố thỏa hiệp ngừng bắn do Hoa Kỳ, Ai Cập, các nước Á Rập và Liên Âu đứng điều giải.

Chiến sự vẫn còn tiếp diễn hôm Thứ Ba, 20 tháng 11. Qua 6 ngày giao tranh, quân lực Israel đã đánh 1,450 mục tiêu ở Gaza. Phía Hamas bắn đi 1,160 hỏa tiễn trong đó 400 bị ngăn chặn bởi giàn phòng thủ Iron Dome. Ít nhất 150 người Palestine thiệt mạng và hơn 900 người bị thương. Phía Do Thái 4 thường dân và 1 binh sĩ chết cùng hàng chục người khác bị thương. (HC)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=158020&zoneid=403

Geen opmerkingen:

Een reactie posten