woensdag 31 oktober 2012

Kinh tế Nhật có nguy cơ bị tê liệt do hết ngân sách

Thứ hai 29 Tháng Mười 2012

Kinh tế Nhật có nguy cơ bị tê liệt do hết ngân sách

Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda và bọ trưởng Tài chính Seiji Maehara tại Tokyo (REUTERS /Issei Kato)
Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda và bọ trưởng Tài chính Seiji Maehara tại Tokyo (REUTERS /Issei Kato)

Đức Tâm
Hôm nay, 29/10/2012, thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ nền kinh tế và bộ máy Nhà nước xứ hoa anh đào bị tê liệt do ngân sách cạn kiệt và vì lý do chính trị, phe đối lập không chấp nhận để cho chính phủ phát hành công trái mới, đi vay trên thị trường.

Tại Hạ viện Nhật Bản, thủ tướng Yoshihiko Noda tuyên bố rằng nếu tình hình này tiếp tục, các cơ quan hành chính sẽ phải ngừng hoạt động, điều này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của người dân và gây khó khăn cho việc phục hồi kinh tế.
Việc phát hành công trái mới sẽ cho phép đáp ứng được 40% tổng số chi ngân sách, từ tháng Tư năm nay đến tháng Ba năm 2013. Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles tường trình :
« Nếu chính phủ của thủ tướng Yoshihiko Noda không thuyết phục được phe đối lập cho phép phát hành các công trái mới, Nhật Bản có nguy cơ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, từ nay đến cuối tháng 11/2012. Lần đầu tiên kể từ sau Đệ nhị Thế chiến, các khoản chi ngân sách cho các trường đại học và các chính quyền địa phương đã bị đẩy lùi lại.
Phe đối lập từ chối chấp thuận cho phát hành công trái mới chừng nào chính phủ chưa thông báo ngày tổ chức bầu cử lập pháp trước thời hạn. Từ bốn năm nay, nguồn tài chính của hơn một nửa ngân sách hàng năm của Nhật Bản được huy động qua việc phát hành công trái. Nợ công của Nhật Bản tương đương 236% tổng sản phẩm quốc nội, mức cao nhất so với tất cả các nước công nghiệp phát triển khác.
Hiện giờ, Nhật Bản hầu như không có khoản nợ nào phải trả cho các nhà đầu tư nước ngoài, thế nhưng trong vòng ba năm tới, mức tiết kiệm của Nhật Bản không đủ để thanh thoán các khoản nợ công. Chính phủ cần phải thoát ra khỏi sự bế tắc ngân sách này, bởi vì nền kinh tế Nhật Bản, chủ yếu dựa vào xuất khẩu, có nguy cơ rơi vào suy thoái bất kỳ lúc nào ».
Giống như trường hợp của Mỹ trong dịp hè năm 2011, Nhật Bản đang đứng bên bờ vực của tình trạng mất khả năng thanh toán, vì bất đồng giữa phe đối lập và phe đa số. Trong trường hợp của Tokyo, đây chỉ là một đạo luật mang tính kỹ thuật, nhưng vì là một đạo luật ngân sách, do vậy, cần phải có sự chấp thuận của cả Thượng viện và Hạ viện.
Bình thường ra, việc thông qua đạo luật nói trên chỉ là một thủ tục, nhưng giờ đây, phe đối lập, chiếm đa số tại Thượng viện đã sử dụng lá bái này để gây sức ép, buộc thủ tướng Noda cho tổ chức bầu cử lập pháp trước thời hạn.
Nếu không có nguồn tài chính qua phát hành công trái, vào đầu tháng 12 tới, ngân sách Nhật Bản cạn kiệt. Tuy vậy, giới phân tích cho rằng giả thuyết này khó xẩy ra. Ông David Rea, thuộc Viện Nghiên cứu Capital Economics, nhận định là việc ngừng hoạt động của các cơ quan chính phủ, về mặt lý thuyết, là có thể xẩy ra, nhưng trên thực tế, điều này không bao giờ diễn ra cả.
Hai đảng chính, đảng trung tả Dân chủ Nhật Bản (PDJ) và đảng đối lập cánh hữu Tự do Dân chủ (PLD) sẽ bị mất uy tín nghiêm trọng nếu không đạt được đồng thuận và để xẩy ra tình trạng hỗn loạn. Có nhiều khả năng, hai đảng này sẽ có được đồng thuận vào giờ chót, cuối tháng 11.
Sở dĩ phe đối lập lần này tỏ thái độ cứng rắn, bởi vì trong tháng 8 vừa qua, thủ tướng Noda đã hứa với phe đối lập là sẽ cho sớm tổ chức bầu cử lập pháp khi nghị viện bỏ phiếu thông qua một dự luật nâng thuế tiêu dùng.
Quốc hội hiện nay sẽ mãn nhiệm kỳ vào mùa hè năm tới. Nhưng phe đối lập muốn bầu cử càng sớm càng tốt, tranh thủ việc đảng cầm quyền và thủ tướng bị mất uy tín nghiêm trọng.
Cuộc đấu đá trên chính truờng Nhật Bản làm rõ thêm thực trạng tài chính của nền kinh tế đứng hàng thứ ba trên thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF – nợ công của Nhật Bản lên tới 236% tổng sản phẩm nội địa, khoảng 10 000 tỷ euro, trong khi đó, tỷ lệ này của Hy Lạp là 170%, Ý 126% hoặc Tây Ban Nha 90%.
Đáng chú ý là 90% số nợ công của Nhật Bản do chính người dân nước này cho vay, nhờ vậy, nguồn tài chính công của xứ hoa anh đào không bị giới đầu tư ngoại quốc tấn công. Bên cạnh đó, Nhật Bản có mức dự trữ ngoại tệ lớn và đồng tiền có giá.
Tuy nhiên, các ưu thế này sẽ không tồn tại lâu do thâm thủng ngân sách ngày càng lớn, khoảng 10% trong năm nay. Với đà này, theo giới phân tích, tài chính công sẽ trở thành một gánh nặng cho các thế hệ tương lai tại một đất nước mà dân số ngày càng già đi.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121029-kinh-te-nhat-ban-co-nguy-co-te-liet-do-het-ngan-sach

Geen opmerkingen:

Een reactie posten