Cứ 12 tiếng lại có một tê giác bị giết
Số lượng tê giác bị giết trên thế giới tăng đột biến trong những
năm qua, trung bình cứ 12 đến 15 tiếng lại có một con tê giác mất mạng.
>
Tê giác một
sừng tuyệt chủng ở Việt Nam
> Sừng
tê đắt như vàng, người Việt vẫn mua
“Việt Nam từng có tê giác sinh sống. Sự kiện tê giác được cho là
cuối cùng ở Vườn Quốc gia Cát Tiên bị giết hại năm 2010 là một bài học về bảo
tồn các loài hoang dã nguy cơ tuyệt chủng", tiến sĩ Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục
Trưởng Tổng cục Lâm nghiệp phát biểu trong một sự kiện nhân "Ngày tê giác thế
giới" 22/9.
Trong những năm qua Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp
với cơ quan tăng cường bảo vệ động vật hoang dã.
“10 năm qua, Việt Nam bắt giữ 17 nghìn vụ liên quan động vật
hoang dã. Riêng sừng tê giác lực lượng chức năng thu giữ trên 100 kg, đây là con
số không nhỏ”, ông Đỗ Quang Tùng, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý động vật hoang dã
CITES Việt Nam cho hay.
Nhu cầu sử dụng sừng tê giác là nguyên nhân chính dẫn đến Tê giác đang ngày đêm bị săn lùng và buôn bán trái phép xuyên quốc gia với sự tham gia của các tổ chức tội phạm quốc tế. Trong ảnh là mô hình một phần tê giác và sừng của nó. Ảnh: Hương Thu. |
Các chuyên gia cảnh báo, Nam Phi - nơi chiếm tới 95% số lượng tê
giác toàn thế giới có thể có “số phận” giống Việt Nam nếu không có biện pháp
tích cực để bảo vệ loài động vật quý hiếm này.
Theo công bố của Nam Phi, trước năm 2008, nước này mất trên dưới
10 con tê giác mỗi năm, nhưng số lượng tê giác bị săn trộm đột biến cũng từ năm
2008 khi có trên 50 vụ bị bắt giữ; năm 2010 là 333 con bị bắn chết, năm 2011 là
448 con bị giết. Trong 8 tháng đầu năm nay con số tê giác bị giết hại là 381
con.
“Như vậy, trung bình cứ 12 đến 15 tiếng, một con tê giác bị săn
bắn trái phép ở Nam Phi. Theo dự đoán của nhiều giới chuyên gia, năm nay Nam Phi
có trên 500 con sẽ bị săn bắt”, ông Tùng cho biết.
Bà Nontatu Skolo, Tham tán Chính trị Đại sứ quán Nam Phi tại
Việt Nam lo lắng. “Ngành du lịch của chúng tôi phụ thuộc vào năm loài thú lớn mà
tê giác là một trong số đó. Do vậy, săn bắn tê giác trái phép đã ảnh hưởng mạnh
mẽ đến ngành du lịch của đất nước chúng tôi” .
Nguyên nhân khiến tê giác bị tiêu diệt do mức giá cao ngất
ngưởng của sừng tê giác ở châu Á. Nhiều người châu Á tin rằng sừng tê giác là
một phương thuốc hữu hiệu. Sở thích của con người muốn treo sừng tê giác trên
tường làm chiến lợi phẩm cũng là nguyên nhân dẫn đến bi kịch của Tê giác Nam
Phi.
“Sừng tê giác không phải là để treo trên tường hay để làm dược
phẩm như suy nghĩ của nhiều người, mà chúng thuộc về các con tê giác khỏe mạnh
sinh sống trong sinh cảnh tự nhiên của chúng. Ngày Tê giác thế giới là một cơ
hội tuyệt vời để xua tan câu chuyện hoang đường về sừng tê giác", bà Laura
Stone, Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, nói.
Stone kể về nỗ lực bảo tồn con đại bàng đầu hói - biểu tượng của
nước Mỹ. Bà cho biết, bà chỉ nhìn thấy những con đại bàng đầu hói khi nó còn bé.
Do bị thợ săn và thuốc trừ sâu nên chúng đã gần tuyệt chủng. "Nước Mỹ đã vào
cuộc vào giờ tôi đã thấy nó bay trên nóc nhà người dân ở Mỹ, đến nay có khoảng
10.000 đại bàng đầu hói ở Mỹ”, bà Stone nói.
Tiến sĩ A. Christy Williams, chuyên gia về tê giác và voi của
WWF nói: “Chỉ còn lại một vài quần thể nhỏ tê giác Java và Sumatra. Loài động
vật thời tiền sử này có nguy cơ biến mất vĩnh viễn nếu như không có các biện
pháp để gia tăng số lượng các cá thể, ngăn chặn việc săn bắn trộm và buôn bán
bất hợp pháp sừng tê giác".
Một biên bản Hợp tác về Bảo tồn đa dạng sinh học với nội dung
chính là ngăn chặn, kiểm soát buôn bán trái phép mẫu vật tê giác giữa Việt Nam
và Nam Phi đã được Chính phủ hai nước thông qua và dự kiến sẽ được ký kết trong
năm nay.
Hương Thu
Tê giác một sừng tuyệt chủng ở Việt Nam
Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) và Quỹ bảo tồn tê giác
quốc tế (IRF) hôm nay cho biết, tê giác một sừng đã tuyệt chủng ở Việt
Nam.
> Tê giác hy sinh
sừng để giữ tính mạng
> Nguyên nhân án mạng tê giác ở Nam Cát
Tiên
"Con tê giác Java cuối cùng tại Việt Nam đã chết”, bà Trần Minh
Hiền, Giám đốc WWF tại Việt Nam thông báo.
“Thật đau lòng khi những nỗ lực bảo tồn đã không bảo vệ được
loài tê giác Java này. Chúng ta đã đánh mất vĩnh viễn một phần di sản của thiên
nhiên, một biểu trưng của giá trị đa dạng sinh học tại Việt Nam", bà Hiền
nói.
Tê giác một sừng không còn tồn tại ở Việt Nam. Ảnh: WWF. |
Kết quả phân tích gene của 22 mẫu phân do nhóm khảo sát của WWF
và vườn quốc gia Cát Tiên thu thập từ trong hai năm 2009 - 2010 cho thấy, tất cả
các mẫu này đều thuộc về xác tê giác được tìm thấy tại vườn vào tháng 4 năm
ngoái.
WWF chỉ rõ nạn săn trộm có thể là nguyên nhân gây ra cái chết
của con tê giác nói trên bởi khi tìm thấy, trong chân của nó đã bị găm một viên
đạn và sừng tê giác đã bị mất.
Tê giác Java từng được coi là tuyệt chủng tại đất liền châu Á
cho đến khi người ta phát hiện một con tê giác bị săn bắn vào năm 1988 tại khu
vực Cát Tiên.
Ông Nick Cox, quản lý Chương trình loài của WWF khu vực Mekong
cho biết: “Thảm kịch của tê giác Java Việt Nam là một minh chứng đáng buồn cho
cuộc khủng hoảng tuyệt chủng này”.
Theo Cox, vấn đề được cho là yếu tố quan trọng nhất để bảo vệ
các loài tê giác khỏi sự tuyệt chủng là bảo vệ môi trường sống tự nhiên và ngăn
chặn nạn săn bắn và buôn bán động vật hoang dã trái phép, nhưng Việt Nam chưa
thực hiện được điều này.
"Nếu tình trạng trên không được cải thiện, nhiều loài khác tại
Việt Nam sẽ bị tuyệt chủng là điều không thể tránh khỏi. Các khu bảo tồn tại
Việt Nam cần phải có nhiều kiểm lâm hơn, họ cần được đào tạo và giám sát tốt hơn
nữa, đồng thời chịu trách nhiệm giải trình cao hơn", ông Nick Cox cho hay.
Ông Trần Văn Thành, giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên cho biết,
lực lượng kiểm lâm chỉ có vài người trong khi có khoảng 100.000 người sống quanh
khu vực vườn quốc gia tham gia săn bắn. Trung bình, một người nông dân ở đây có
thể kiếm được 150.000 đồng/ngày từ hoạt động này.
“Không phải chúng tôi trốn trách nhiệm về cái chết của con tê giác nhưng chúng tôi đã cố gắng hết sức để bảo vệ chúng”, ông Thành nói.
“Không phải chúng tôi trốn trách nhiệm về cái chết của con tê giác nhưng chúng tôi đã cố gắng hết sức để bảo vệ chúng”, ông Thành nói.
Báo cáo của WWF cho rằng, mất sinh cảnh sống là yếu tố then chốt
dẫn đến sự tuyệt chủng của tê giác Java tại Việt Nam, đồng thời cảnh báo rằng
việc thực thi pháp luật không thỏa đáng, quản lý thiếu hiệu quả, xâm lấn đất và
xây dựng cơ sở hạ tầng bên trong và gần các khu vực được bảo vệ chỉ làm tăng
thêm áp lực cho các quần thể loài vốn đã dễ bị tổn thương trong các khu vực
này.
Ông Christy Williams, điều phối viên Chương trình voi và tê giác
châu Á của WWF cho rằng: “Xét cả về mặt kinh tế hay trên phương diện thực tiễn,
việc tái du nhập tê giác Java vào Việt Nam là không hề khả thi. Vì thế, chúng ta
sẽ không còn cơ hội nhìn thấy tê giác Java trên dải đất hình chữ S”.
Hiện chỉ còn lại một quần thể tê giác Java duy nhất tại một vườn
quốc gia nhỏ của Indonesia với số lượng chưa đến 50 con. Loài này đang bị đe dọa
nghiêm trọng, trong khi nhu cầu đối với sừng tê giác dùng cho các loại thuốc cổ
truyền ở châu Á gia tăng mỗi năm khiến cho hoạt động bảo vệ và mở rộng quần thể
tê giác tại Indonesia trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu.
Bà Susie Ellis, Quỹ Bảo tồn Tê giác Quốc tế cho biết: “Sự kiện
này khiến cho hoạt động của chúng tôi ở Indonesia càng trở nên cấp thiết. Chúng
ta cần phải đảm bảo rằng kết cục đáng buồn của tê giác Java tại Việt Nam sẽ
không được phép lặp lại đối với quần thể tê giác tại Indonesia".
Đây là cuộc điều tra quần thể loài tê giác Java thứ hai tại Việt
Nam. Cuộc đầu tiên do trường đại học Queen, Canada thực hiện năm 2004 đã nhận
định có ít nhất hai con tê giác còn sống tại vườn quốc gia tại thời điểm đó.
Tê giác Java Việt Nam (tên khoa học là rhinoceros sondaicus
annamiticus, còn gọi là tê giác một sừng) được cho là tuyệt chủng
ở khu vực Đông Nam Á cho đến khi những người thợ săn giết chết một con vào năm
1988. Theo các chuyên gia, trong môi trường hoang dã thì tuổi thọ của tê giác
Java khoảng 40-45 năm.
Trong tự nhiên, tê giác gần như không có kẻ thù nào trừ con
người.
Hương Thu
http://vnexpress.net/gl/khoa-hoc/2011/10/te-giac-mot-sung-tuyet-chung-o-viet-nam/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten