Chùa Việt ở Ba Lan, nơi sinh hoạt tâm linh vẫn nhuốm màu chính trị
Lễ cúng dường và tiếp nhận chùa Thiên Phúc ở Ba Lan (DR)
Cộng đồng người Việt ở Ba Lan vừa khánh thành ngôi chùa Thiên Phúc nằm ở phía nam Warszawa. Trưởng đoàn hoằng pháp trung ương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong chuyến công du châu Âu trong dịp lễ Vu Lan đã ban đạo từ tiếp nhận ngôi chùa mới từ tay ông Bùi Anh Thái, một người đã nhiều năm tâm huyết với việc xây chùa ở Ba Lan.
Chùa Thiên Phúc có lối kiến trúc giống như Chùa Một Cột, có đền thờ Mẫu cùng Tứ Phủ và Đền Hùng. Rất nhiều linh kiện được thi công ở Việt Nam rồi chuyển sang và lắp đặt trong mùa hè vừa qua, cộng thêm khuôn viên thôn dã ruộng đồng, cho nên ngôi chùa khiến khách đến thăm có cảm giác như đang sống trong không gian tâm linh của một làng quê Bắc bộ.
Có thể nói, cũng giống như tình hình của người Việt ở các nước đông Âu khác như Nga và Cộng hòa Séc, người Việt ở Ba Lan cũng rất tích cực trong việc lễ bái, đi kèm với chùa chiền Phật pháp là đền thờ Mẫu và Tứ phủ. Trong bối cảnh công việc kinh doanh khó khăn, phụ thuộc nhiều vào ngoại cảnh, và rất nhiều rủi ro như bể tín dụng và cháy chợ liên tục trong ba năm qua, không có gì khó hiểu tại sao các doanh nhân Việt Nam ở Ba Lan rất cần đến tâm linh. Điều đó cũng đúng với đa số người Việt ở Đông Âu, ví dụ như khu chợ Sapa của người Việt ở Praha còn xây riêng một khu nhà nhỏ để phục vụ nhu cầu thờ cúng tại đây.
Dựng chùa , câu chuyện không đơn giản trong cộng đồng
Thế nhưng yếu tố kinh doanh và chính trị cũng theo đó mà bước vào cửa chùa. Câu chuyện mâu thuẫn giữa chùa Thiên Việt và Thiên Phúc ở Ba Lan có thể minh họa cho sự phức tạp và cách suy nghĩ của người Việt ở đông Âu. Ban đầu tất cả đều khởi dụng lên từ ngôi chùa do trung tâm văn hóa Thăng Long của ông Bùi Anh Thái xây dựng, nhưng rồi mâu thuẫn cá nhân xen kẽ với các lợi ích nhóm và quyền lực chính trị khiến người ta chia rẽ sâu đậm.
Trong chuyến công du Ba Lan hồi đầu tháng, bộ trưởng văn hóa và thông tin Việt Nam trang trọng trao ngân phiếu 2.500 USD cúng vào việc xây chùa Nhân Hòa, tức là tên mới của Thiên Việt, có đại diện một nhóm người yêu đạo Phật và chủ tịch một hội người Việt đứng ra đón nhận, không thấy nhắc gì đến ngôi chùa Thiên Phúc.
Suốt nhiều tháng qua trên các trang mạng và ngay cả tờ báo chính thức của Hội người Việt Nam đoàn kết hữu nghị liên tục có nội dung tuyên truyền chứng minh tính chính danh cho nhóm Thiên Việt. Lễ Vu Lan do đoàn hoằng pháp trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam trong chuyến công du châu Âu thực hiện ở chùa Nhân Hòa có đại sứ và đầy đủ lãnh đạo cao cấp nhất của hội đoàn chính thức đến dự, trong khi lễ khai trương chùa Thiên Phúc phía sứ quán chỉ cử tham tán thương mại đến chứng kiến.
Tình hình căng đến nỗi trong bài đạo từ tiếp nhận chùa Thiên Phúc, thượng tọa Thích Đức Thiện phải nhiều lần nhắc đến sự đoàn kết và hòa hợp. Ngài còn nói thẳng rằng các Phật tử đừng so đo tính toán 1,2, hay 3 chùa mà quan trọng là bảo đảm chính pháp để mỗi mái chùa đều là ngôi nhà chung để gửi gắm tâm linh và sinh hoạt cộng đồng để đạt Tam Bảo.
Chùa Việt ở Ba Lan : sinh hoạt tâm linh hay sinh hoạt đoàn thể chính trị?
Đoàn kết và hòa hợp cũng là chủ đề thường được nhắc đến trong chuyến hoằng pháp của phái đoàn giáo hội Phật giáo Việt Nam đến nhiều nước Đông Âu như Ba Lan, cộng hòa Séc, đông Đức, và cả Hy Lạp. Thế nhưng bản thân chữ đoàn kết đó cũng mang đậm ý nghĩa chính trị vì có thể thấy phái đoàn không hề ghé đến các chùa do người Việt tị nạn ở các nước phương Tây dựng lên, vốn vẫn tiếp tục ủng hộ hệ phái Phật giáo Việt Nam thống nhất đang bị cấm đoán ở trong nước, và người đứng đầu là hòa thượng Thích Quảng Độ vẫn bị kiểm soát nghiêm ngặt.
Nhiều người tu hành nói đến chuyện tách riêng đạo với đời, nhưng trong hoạt động hàng ngày ở đây chính trị vẫn tiếp tục ảnh hưởng sâu vào hoạt động của các ngôi chùa Việt Nam ở Ba Lan. Một số Phật tử vì muốn tránh không khí nặng nề trong đời sống cộng đồng người Việt mà tìm đến khu Phật đường của người Malaysia và chuyên tâm hơn vào đạo pháp, dù vướng rào cản ngôn ngữ và văn hóa. Một số nhóm còn vươn xa hơn, mời những nhà sư gốc Việt không muốn dính líu tới chính trị đến hoằng pháp, như thầy Huyền Diệu từ Nepal.
Tuy nhiên, nhìn rộng ra thì chính hoạt động mang tính tuyên truyền của các tổ chức cộng đồng người Việt ở Đông Âu đã tạo cơ hội để một loạt các cơ sở Phật giáo Việt Nam bám rễ trên mảnh đất mới này. Nhìn danh sách các điểm tổ chức đại lễ Vu Lan trong tháng Chín vừa qua của phái đoàn hoằng pháp trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì chúng ta có thể điểm hết tất cả những thành phố lớn của Cộng hòa Séc, Hungary và Ba Lan, cũng như một phần Đông Đức và Hy Lạp. Các hội đoàn người Việt cũng theo đó mà nối kết hoạt động. Cũng xin nhắc thêm là phó chủ tịch hội người Việt tại Ba Lan là ủy viên trung ương của Mặt trận tổ quốc Việt Nam.
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120919-chua-thien-phuc-va-nhu-cau-tin-nguong-cua-nguoi-viet-o-ba-lan
Geen opmerkingen:
Een reactie posten