donderdag 2 augustus 2012

Nữ khoa học gia Mỹ gốc Việt Tara Van Toại

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2012-08-02
Những giống đậu nành khác nhau được gieo trồng trên những cánh đồng xanh tươi vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là nguồn cung cấp gen thiết yếu để giúp đậu nành trồng trên đất Mỹ thích ứng được với môi trường ủng nước và chống lại những loại bệnh phát sinh trong vùng đất trồng ngậm quá nhiều nước.
Ảnh do TS cung cấp
Tiến sĩ Tara Van Toại.

Nghiên cứu đậu nành biến đổi gen

Bản tin trên tờ báo Khoa Học của USDA, Bộ Canh Nông Hoa Kỳ, nói rằng đây là công việc mà tiến sĩ Tara Van Toại, khoa học gia Mỹ gốc Việt, đang thực hiện cùng các nhà chuyên môn trong nhóm của bà như nhà nghiên cứu bệnh học Ann Dorrance từ Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển Nông Nghiệp Ohio State University, chuyên gia giống cây trồng Grover Shannon và khoa học gia Henry Nguyễn Đại Học Missouri.
Tiến sĩ Tara Van Toại còn cộng tác với một số nhà khoa học đến từ Pháp, Trung Quốc, Brazil, Hungary và cả Việt Nam. Đó là khoa học gia Trần Thị Cúc Hoa và người cộng sự Nguyễn Thị Ngọc Huệ thuộc Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Đồng Bằng Sông Cửu Long của Việt Nam.
Tất cả những công trình nghiên cứu, nhằm mục đích tìm kiếm, lai giống và tích hợp các gen có khả năng kháng nước vào những giống đậu nành trồng ở Mỹ, đều được tài trợ bởi Bộ Nông Nghiệp Mỹ, Chương Trình Nghiên Cứu Đậu Nành Bắc Và Trung Mỹ, cùng một số tổ chức khác ở Hoa Kỳ.
"Nhưng mà khi bài báo nói tôi là khoa học gia Việt Nam đã khai sinh ra ngành chuyển gene về đậu nành thì tôi thấy nói hơi quá đáng, tôi không dám nhận. Cái ngành tôi làm được công nhận nhiều nhất được xác nhận và có thể bảo là một trong mười lăm khoa học gia làm về ngành chống ẩm ướt của cây đậu nành, thì trong đó có tên tôi. Thành nếu tôi làm về chuyển gene, về lai giống hoặc làm về bịnh, tất cả đều liên quan đến làm sao để cho cây đậu nành sống được và sản xuất tối đa trong hoàn cảnh ngập lụt, đất bị ẩm ướt bị úng nước."
Đến với mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay, khoa học gia Tara Van Toại đã trải suốt hai mươi bảy năm của đời mình để nghiên cứu, trình bày:
"Khoa học của tôi là khoa học về canh nông, một phần là production physiology hoặc là về bio-technology, thành ra về sau này những công trình nghiên cứu của tôi là thuộc về hoặc là crop physiology và crop biotechnology, tiếng Việt Nam là công nghệ sinh học mà về cây trồng như bắp, đậu nành hay lúa.
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, quanh tôi là đồng lúa, bà con chú bác đều là nông dân. Từ lúc còn nhỏ là tôi đã thích học về canh nông. Tôi biết và nghe nói nhiều nơi trên thế giới, ngay cả ở Việt Nam, rất nhiều người không đủ ăn. Thành tôi nghĩ trong tương lai ngành nghiên cứu về nông nghiệp có thể giúp cho con người mà trước nhất là cho nông dân thâu hoạch mùa màng nhiều hơn, có được thực phẩm nhiều hơn để nuôi sống dân số trên thế giới càng ngày càng cao hơn."
Vì lẽ đó, sau khi tốt nghiệp trung học, cô Kiều Nga, sau này là bà Tara Van Toại khi lập gia đình, xin học bổng đi du học ở New Zealand:
"Thì tôi là một trong những người đầu tiên, mà là đàn bà, xin đi học về ngành canh nông. Thành ra họ rất ngạc nhiên. Từ đó thì bắt đầu mấy chục năm liên tiếp nghiên cứu về canh nông và sinh lý thực vật ( Plant Physiology)."
Hoàn tất việc học ở New Zealand, bà Tara Van Toại theo chồng về Việt Nam, học tiếp và đỗ đầu Cao Đẳng Nông Nghiệp tại Sài Gon năm 1972, được nhận vào làm giảng nghiệm viên môn Nông Học tại trường:
"Khi đó cơ quan USAID giúp đỡ nhiều cho Việt Nam khá nhiều về huấn luyện chuyên viên, thành tôi được học bổng của USAID để đi học tại trường Florida ở Gainesville. Nhưng cuối cùng chiến tranh xảy ra nên không đi được".
Năm 1975, bà Tara Văn Toại vượt biên và sang Hoa Kỳ, đoàn tụ với chồng đã qua đây học từ năm 1974.
"Và khi tôi qua Mỹ thì được nhận vào học tại trường Cornell ở New York cho đến khi có bằng Master rồi từ đó theo chồng đến Ohio và có bằng PhD. Tất cả ba cái bằng của tôi đều về nông nghiệp hết.
Khi tôi còn học ở Cornell khoảng năm 1978 thì ngành Công Nghệ Sinh Học tức là Bio Technology chưa bắt đầu. Thành ra học về gene hoặc DNA hoặc RNA đều là học tại Bio Chemistry hết. Sau đó tôi đổi đến Ohio State University để học PhD thì cũng học về Crop Physiology và thêm một ngành nữa là Seed Biology tức ngành về hạt giống nhưng mà phần lớn đều chuyên về ngành nông học hết.
Lúc còn ở Việt Nam, khi đi dạy ở trường Canh Nông thì có làm về lúa nhưng về sau khi học về Seed Biology thì chuyên về đậu nành thành ra đã học đã làm về đậu nành cũng hai ba chục năm rồi."

Tìm giống đậu nành chịu nước

Untitled-1-Recovered-200.jpg
Tiến sĩ Tara Van Toại (hiện đã về hưu) đã phát triển được các giống đậu nành phát triển mạnh trong vùng ẩm ướt ở đồng bằng sông Mississippi, nơi chúng được trồng luân canh với lúa. Photo courtesy of ars.usda.gov
Dưới mắt khoa học gia Tara Van Toại, thực tế cho thấy những giống đậu nành trồng ở Mỹ không thể sống được trong một thời gian ngắn nếu như đất bị ngập nước. Kết quả thử nghiệm trên hai mươi mốt giống đậu nành trồng ở Cần Thơ của Việt Nam cho thấy có ba giống là VND2, Nam Vang và ATF15-1 có khả năng chịu ngập nước và khả năng kháng bệnh trong môi trường ngập nước:
"Cây đậu nành được trồng nhiều nơi trên thế giới. Ở Việt Nam và ở bên Trung Quốc có những vùng bị ủng nước thì cây đậu nành thích hợp được trong hoàn cảnh đó bằng cách thay đổi về phương diện sinh lý cũng như về phương diện Anatomical. Thí dụ bình thường thì cái thân của cây đậu nành ở trong nó đặc, còn cây đậu nành khi gặp ủng nước mà muốn sống được thì thân của cây phải thay đổi đi, có những cái gọi là channel tức mấy cái ống đặng mà dẫn không khí từ ở trên thân cây đi xuống rễ. Mà muốn biến đổi như vậy tất nhiên là ở hàng gene phải có cái chi thay đổi thì mới thay đổi được ở cái level mà con mắt mình thấy được.
Vì lý do đó, một trong những nghiên cứu của tôi là lấy những giống ở hoặc là Việt Nam hoặc là Thái Lan và bên Trung Hoa, rồi đưa về làm chung với mấy người plant breeders để mà lai giống đó với cái giống của Mỹ mà không thích hợp với ủng nước. Khi lai giống rồi thì cho ra một cái population, tiếng Việt Nam gọi là quần thể. Quần thể này hoặc có đặc tính chống ủng nước hoặc là không có đặc tính đó."
Mục đích của công trình thử nghiệm này là tìm kiếm cây nào có thể chống ủng nước thì đương nhiên phải có cái gene và từ cái gene đó bắt đầu lần ra cái ADN nhìn thấy được, tiếp tục theo dõi ADN đó để chuyển gene đó qua cây đậu nành có năng suất cao ở Mỹ và làm cho cây này có thêm đặc tính chịu được ủng nước.
"Việc này tôi với anh Henry Nguyễn với chị Trần Thị Cúc Hòa, chúng tôi được một quĩ của USDA cho, dùng tiền đó đưa về Việt Nam nghiên cứu cùng bà Trần Thị Cúc Hòa với một nhân viên nữa tên Nguyễn Thị Ngọc Huệ, nghiên cứu 21 giống. Hai mươi mốt giống này bà Cúc Hoa xin từ những Seed Bank, Ngân Hàng Hạt Giống, ở Việt Nam. Rồi bà Cúc Hoa cũng có đi qua Mỹ, cùng làm những chuyện này với anh Henry Nguyễn và với tôi. Dự án của chúng tôi có đủ ngân quĩ để đưa chị Cúc Hoa qua Mỹ ba tháng để làm về chuyển gene."
Công trình thử nghiệm, mà tiến sĩ Tara Van Toại đang kể, khởi sự từ phòng thí nghiệm ra đến nhà kính rồi đến những cánh đồng ở Ohio và Missouri, từ đó khẳng định loại giống nào và gene nào giúp cây đậu nành thở và sống được trong môi trường ngập nước.
Cùng các chuyên gia cộng sự, khoa học gia Tara Van Toại thiết lập một gene map, bản đồ về gene của những giống cây này, thấy rằng có sự tái lập gene nơi những loại cây chịu nước cũng như kháng lại các loại bệnh phát sinh trong môi trường ngập nước thí dụ bệnh thối rể hay thối gốc:
"Khi làm thí nghiệm này thì chúng tôi cộng tác với bà Ann Dorrance, chuyên về bịnh học. Bà làm về bịnh, chúng tôi làm về gene, từ đó mới tìm ra được một số gene chống được bịnh, mới biết rằng trong những gene mà chúng tôi tìm ra và chống được ủng nước và những gene tìm ra mà chống được bịnh thì có một số cùng map với nhau tức là cùng ở một vùng của bản đồ DNA, nhưng mà cũng có một số khác nhau. Vì lý do đó chúng tôi kết luận rằng hai đặc tính chống ủng nước và chống bịnh có phần giống nhau nhưng cũng có phần khác nhau."
Việc làm của tiến sĩ Tara Van Toại và các chuyên gia trong nhóm dẫn tới kết quả là lai tạo được một số giống đậu nành mang đặc tính của đậu nành vùng Đông Nam Á song lại trồng được ở Hoa Kỳ, như giống ARS đang được trồng ở tiểu bang Illinois.
"Ngoài cái này ra chúng tôi cũng biết được có một số những giống khác cũng có thể kháng được nạn ủng nước, trong đó có một giống từ bên Korea, Triều Tiên, gọi là PI408-105- A . Giống này khi đưa ra ngoài đồng trồng, cũng cho ngập nước đến mười ngày, thì chỉ giảm năng suất hạt 30% thôi trong khi có nhiều giống giảm đến 80%, có cây chết luôn.
Vì thế chúng tôi hợp tác với ông Grover Shannon là soy bean breeder, ông lai cái giống PI 408-105-A với một giống khác gọi là S99-2281, thì cái giống này là một trong những giống mà hợp với phong thổ của vùng Missouri nhưng không kháng được ủng nước. Khi lai giống được với nhau thì tạo nên một quần thể gồm 200 giòng, bọn này trồng hai cây cha cây mẹ với lại hai trăm cây con tại Ohio và Missouri. Trồng như vậy cũng cho ngập lụt thì tìm ra được trong 200 giống đó có ba bốn cây kháng lại ủng nước, tức là có cái gene của cây PI 408- 105-A đó."

Giá trị của cây đậu nành

Với câu hỏi tại sao phải chuyên chú với việc nghiên cứu cây đậu nành vừa phức tạp vừa công phu đến vậy, khoa học gia Tara Văn Toại xác định đậu nành đóng vai trò thực phẩm cần thiết và bổ dưỡng cho con người từ ngàn xưa cho đến giờ và mãi về sau này. Trong suy nghĩ của một người sinh trưởng từ vùng châu thổ sông Cửu Long, được coi là vựa lương thực của cả nước, bà giải thích:
"Ở Việt Nam mình thì cây đậu nành so với Mỹ là năng suất tương đối thấp hơn ở Mỹ. Hiện thời Việt Nam nhập cảng đậu nành rất nhiều vì Việt Nam đamg mở mang kỹ nghệ nuôi cá hoặc là kỹ nghệ nuôi heo, nuôi bò, nuôi gà, những thực phẩm cho gà cho cá cho heo này kia đều có đậu nành hết. Hy vọng trong tương lai có thể dùng khám phá này để mà tìm ra được hoặc là lai được những giống đậu nành có thể chịu được úng nước và chống được bệnh thối rễ trong tình trạng ủng nước."
Thiết thực hơn nữa, nông nghiệp, canh nông là căn bản của sự an toàn thực phẩm cho nhân loại, điều bà muốn chia sẻ thêm là:
"Ngành canh nông thì tương đối khi ra trường khó kiếm được việc làm, thành ra giới trẻ Việt Nam lớn lên ở Mỹ không đi học về canh nông. Khi mình đi những hội nghị quốc tế về canh nông mình ít gặp giới trẻ của Việt Nam, điều đó cũng hơi buồn.
Nhưng mà có lẽ bắt đầu hơi có thay đổi, nhất là những người đang học ở Việt Nam. Việt Nam bây giờ đang đào tạo nhiều người trẻ, những người đó có đi du học ở Mỹ, hy vọng cũng sẽ trở về để giúp đỡ Việt Nam.
Ý mình muốn nói chuyện sản xuất thực phẩm cho nhân loại , nhất là để nuôi số người trên thế giới, sẽ gia tăng gấp đôi trong vòng hai mưới lăm năm nữa, là một điều rất cần thiết cho tương lai của nhân loại. Học về canh nông hoặc nghiên cứu về canh nông chắc sẽ cần thiết hơn nữa trong tương lai. Thành ra mình hy vọng thế hệ trẻ có nhiều em bắt đầu con đường này đặng mà giúp phát triển về khoa học đồng thời giúp phát triển về canh nông."
Câu chuyện của mục Đời Sống Người Việt kết thúc ở đây. Thanh Trúc hẹn lại quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Theo dòng thời sự:

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-ame-scientist-pro-soybean-tt-08022012121957.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten