maandag 27 augustus 2012

Ðấu đá ở thượng tầng trong đảng CSVN tăng cường độ

August 26, 2012
HÀ NỘI (NV) - Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa. Không phải chỉ người Việt Nam ở trong nước nhìn thấy những dấu hiệu bất bình thường ít khi lộ diện ở thượng tầng quyền lực đảng CSVN, giới chuyên gia ngoại quốc theo dõi chuyện Việt Nam cũng nhìn thấy ngay sự việc.


Ông Nguyễn Ðức Kiên, tức bầu Kiên, người có nhiều cổ phần tại một số ngân hàng ở Việt Nam, được coi là nhân vật thân cận với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, bị bắt ngày 21 tháng 8 với cáo buộc kinh doanh tài chính “bất hợp pháp.” (Hình: STR/AFP/Getty Images)


Ngày Thứ Ba, 21 tháng 8, ông Nguyễn Ðức Kiên, tức bầu Kiên, cựu phó chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Ngân Hàng Á Châu (ACB), người có nhiều cổ phần tại một số ngân hàng thương mại tại Việt Nam, bị bắt giam với cáo buộc kinh doanh tài chính “bất hợp pháp.” Ba ngày sau, ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ACB, bị bắt theo với cáo buộc “cố ý làm trái các quy định về quản lý tài chính...”

Những tin đồn đãi râm ran từ nhiều tháng qua về một số người trong hậu trường thâu tóm một số ngân hàng, trong đó nổi lên những tên như bầu Kiên, Trầm Bê, Nguyễn Thanh Phượng, Nguyễn Văn Hưởng, lũng đoạn thị trường tài chính tại Việt Nam.

Ðằng sau những tên tuổi vừa kể là “ông bầu” Nguyễn Tấn Dũng, tức đương kim thủ tướng.

Việc bắt giữ bầu Kiên và Tổng Giám Ðốc Lý Xuân Hải gây rúng động cả nước. Thị trường chứng khoán hoảng loạn. Người có tiền ký thác tại ngân hàng ACB và một số ngân hàng khác dính tới tên bầu Kiên hoảng loạn.

Chỉ trong ba ngày, thị trường chứng khoán tại Việt Nam mất giá trị khoảng $5.62 tỉ. Cổ phiếu của ngân hàng ACB mất đến 20% trị giá. Thiên hạ nối đuôi nhau rút tiền ra khỏi ACB và nói chung cả hệ thống ngân hàng. Tin tức cho hay, chỉ trong bốn ngày, từ 21 đến 24 tháng 8, Ngân Hàng Nhà Nước đã phải bơm tới 23,310 tỉ đồng (tương đương khoảng $1.12 tỉ) nhằm cung ứng cho hệ thống ngân hàng thương mại khỏi sụp đổ.

Các tội trạng của bầu Kiên và ông Lý Xuân Hải mới chỉ được đề cập tổng quát, cần chờ thêm ít ngày nữa, người ta hy vọng hệ thống báo đài nhà nước mới bật mí các “phi vụ” của hai người này, để thiên hạ biết rõ hơn.

Nhưng bầu Kiên, người xưa nay được mô tả là một nhân vật thân cận với ông thủ tướng và con gái của ông, là Nguyễn Thanh Phượng, thì không thể dễ dàng bị đạp cho ngã ngựa. Phải có một áp lực nào đó đủ mạnh mới làm nổi.

Theo nhận định của hãng thông tấn AFP, ông Nguyễn Tấn Dũng là người thủ tướng thâu tóm được nhiều quyền lực nhất, mạnh nhất trong số các thủ tướng trong chế độ độc tài đảng trị ở Việt Nam. Ông Dũng là một trong những người cổ võ cho kế hoạch thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam “tiến lên xã hội chủ nghĩa đầu ngô mình sở” theo kiểu lập những tập đoàn kinh tế nhà nước thật mạnh, bắt chước các tập đoàn kinh tế của Nam Hàn.

Tuy nhiên, khi có chỗ dựa ngon lành và nguồn tiền bất tận, đám tay chân của ông Dũng lợi dụng cơ hội để tham nhũng, ăn cắp của công, biến các tập đoàn, tổng công ty quốc doanh thành những “sân sau” toàn là “lời giả, lỗ thật.” Vinashin, Vinalines, tập đoàn điện lực EVN, tập đoàn Than-Khoáng Sản TKV và những đại gia khác, khi bới ra đều chỉ là những núi rác khổng lồ che phủ bên ngoài bằng cái vỏ hào nhoáng.

Nhờ khéo léo dụ dỗ, và khi thấy mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hàng năm hơn 7%, giới đầu tư ngoại quốc hăm hở dồn đến Việt Nam. Trong đó, ngân hàng Standard Chartered Bank của Anh mua 15% cổ phần của ACB. Nhưng năm ngoái, có lúc lạm phát lên hơn 23%, xuất cảng giảm sút nghiêm trọng, nền kinh tế Việt Nam sáu tháng đầu năm nay chỉ đạt 4.4%. Ðầu tư ngoại quốc vào Việt Nam giảm mất 30% so với cùng thời kỳ nửa đầu năm ngoái. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam người ta chỉ biết là rất cao, rất nguy hiểm, nhưng không ai biết đích thực bao nhiêu vì sự thật luôn luôn được che đậy.

Người gián tiếp đả kích người cầm đầu guồng máy kinh tế tài chính (ông Dũng) là Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang. Nhiều hơn một lần, ông chủ tịch nước đả kích ông thủ tướng về các sai trái trong guồng máy điều hành đất nước.

Trong bài diễn văn đọc ngày 23 tháng 8, ông Trương Tấn Sang nói về “những đổ vỡ, kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước,” về cái thứ luật lệ đã đẻ ra những vụ chống đối ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên), Vụ Bản (Nam Ðịnh).

Một đất nước được điều hành bởi những “nhóm lợi ích” chỉ chú ý tới đặc quyền đặc lợi của mình cho nên “như cái chăn ấm vô tình kéo sang bên này thì bên kia lạnh.”

AFP thuật lời nhận định của ông Carl Thayer, chuyên viên các vấn đề Việt Nam của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc, cho rằng một giai đoạn mới về đấu đá tranh giành quyền lực đang diễn ra ở thượng tầng đảng CSVN. Theo ông “chiến trường” chính là cải cách kinh tế và sự trung thực bao gồm luôn cả hệ thống quốc doanh và ngân hàng cũng như phải trừ diệt các ổ tham nhũng nằm ở khắp nơi.

Ông Thayer cho rằng hai ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Phú Trọng (tổng bí thư đảng CSVN) đang lập lại những kêu gọi đánh tham nhũng vốn là một trong những đe dọa chính có khả năng “chôn” đảng độc tài này. Nhưng có vẻ như không đủ thế.

Những cuộc biểu tình ở Văn Giang, Vụ Bản, tiếng súng hoa cải chống đối ở Tiên Lãng tuy làm chế độ giật mình nhưng không được hưởng ứng nhanh chóng và đồng loạt nên không có tác dụng lật được chế độ.

Khi vụ Vinashin bùng nổ hồi năm 2010, một số đại biểu đòi bỏ phiếu bất tín nhiệm ông thủ tướng ở Quốc Hội thì những người này vài tháng sau bị cưa ghế. Ông Dũng chỉ ra trước Quốc Hội nói vài lời “nhận trách nhiệm” là xong. Nay bầu Kiên, tay chân của ông Dũng, có bị đánh ngã cũng vẫn không đủ làm té ông thủ tướng.

Bầu Kiên sẽ không phải là người cuối cùng bị lôi vào tù trong cuộc đấu đá quyền lực ở Hà Nội, theo ý kiến ông Thayer.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=154001&zoneid=1

Geen opmerkingen:

Een reactie posten