dinsdag 21 augustus 2012

Ăn xin xứ người, và ăn mày xứ ta

August 20, 2012
Phi Khanh/Người Việt

Cách nhau khoảng hơn một giờ đồng hồ ngồi trên máy bay, nhưng Việt Nam và Singapore là hai hình ảnh và hai quốc gia vô cùng khác biệt.


Người ăn xin này chiều chiều ra đứng trên cầu dành cho người đi bộ để nhảy múa! (Hình: Phi Khanh/Người Việt)

Khi lên máy bay, nhìn xuống mặt đất Sài Gòn bây giờ, thấy một dãy nhà hộp chen chúc, tịnh không bóng cây. Cũng nhìn từ cửa sổ máy bay, đất nước Singapore như một cánh rừng xanh ngút mắt, xen lẫn những mái nhà, những cao ốc. Ðời sống con người ở đây thì miễn bàn.
Trong giới hạn bài viết này chỉ đề cập đến những người ăn xin xứ đảo sư tử để nhìn lại người ăn xin xứ Việt.
Thành phố Singapore, quốc gia Singapore, nói cách nào cũng đúng, với mức thu nhập bình quân đầu người $55,000 mỗi năm, một con số cao ngất, nhưng khi dạo phố vẫn nhìn thấy lác đác vài người ăn xin. Chỉ khác là cách ăn xin và phong thái ăn xin của họ làm mình ngạc nhiên.
Ðầu tiên, có lẽ phải nhắc đến người mù hát rong dưới đường hầm ở Trung tâm thương mại YiShun. Một người mù, với đầy đủ các đạo cụ nào Keyboard, guitar điện, trống điện tử, micro, loa điện tử, dàn đèn chớp nháy... Nói chung, nhìn sơ qua “tài sản” của người ăn xin này cũng ngót nghét $3,000, tương đương với tài sản của một ban nhạc đám cưới ở Việt Nam.
Sau nhiều lần đứng nghe anh chàng này hát và bắt chuyện làm quen, anh cho biết tên là Yang Yang, người gốc Hoa (Singapore có ba nhóm người cơ bản: Mã Lai, Ấn Ðộ và Trung Hoa), năm nay 30 tuổi, vợ anh làm công nhân, các con anh đang học tiểu học, và anh thì làm nghề ‘ăn xin’.

Yang Yang và bộ đồ nghề khá “ngon lành” để ăn xin. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)

Nhìn cách anh trò chuyện và kể về nghề của mình, có thể nói là anh rất đỗi tự hào và không hề có chút mặc cảm nào về công việc kiếm sống hằng ngày. Thỉnh thoảng, mệt quá, anh chuyển sang mở đĩa và hát nhép...
Người thứ hai, một ông chừng 60 tuổi, đứng trên một cây cầu dành cho người đi bộ ở khu Garlang, cứ chiều đến, chừng độ 5 giờ (tương đương 4 giờ chiều Việt Nam), ông mang một chiếc máy CD to tướng, một chiếc giỏ đựng rác văn phòng có bọc giấy nhìn rất khéo, ăn mặc sạch sẽ, tươm tất, đến giữa cầu và “hành nghề”.
Ông mở vài bản nhạc dạo điệu slow, sau đó chuyển qua mấy bản chachacha và bắt đầu trổ tài vũ đạo của mình. Ông cứ nhảy theo điệu nhạc một cách hồn nhiên, vô tư, trông như con chim đang bay hót giữa trời, tịnh không chút vướng vất u hoài của kiếp người khổ lụy.
Nếu không có chiếc giỏ và vài người đi ngang qua bỏ tiền vào giỏ, không ai dám nghĩ ông là người ăn xin. Hơn nữa, khi nhìn chiếc áo khoác trên người, quần tây, giày tây của ông, trông không khác nào một công chức bậc trung ở Việt Nam.
Người thì vậy, còn cây cỏ, thôi thì miễn bàn, đáng sợ nhất là cây gỗ huỳnh đàn hoa đỏ, đây là giống lâm mộc đang gây sóng gió ở Việt Nam vì mấy “thương vụ” người Tàu sang dụ dỗ dân Việt chặt trộm rừng bảo tồn bán cho họ với giá vài tỉ đến vài ngàn tỉ. Ở Singapore thì đầy cả đường phố, có cây nở hoa đỏ chót. Thế mới hiểu thế nào là văn minh, văn hóa!

Lại ngẫm ăn mày ở “thiên đường xã hội chủ nghĩa”

Vừa bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất, cảm giác đầu tiên sau một tuần ở xứ người là xứ mình ồn ào quá, nhếch nhác quá, rác nhiều quá.
Còn người ăn xin xứ mình thì miễn bàn, trông rách rưới, thảm não và đau khổ.
Ðiều này làm nhớ lại câu nói của anh chàng Yang Yang: “Ở đây, một người bước xuống đường ăn xin, cũng có nghĩa là anh bắt đầu cuộc đời của một nghệ sĩ đường phố, anh phải tập cho mình thói quen của một nghệ sĩ phục vụ một lượng lớn công chúng có văn hóa...”
Gặp người ăn xin ở đường Nguyễn Thái Sơn, gần sân bay Tân Sơn Nhất, anh này ôm cây đàn guitar điện tự chế, đánh một khúc bolero, hát bài Quê ngoại xưa. Nhìn vẻ mặt buồn bã, sầu thảm.
Hỏi thăm, anh cho biết anh vốn là một cựu sinh viên nhạc viện, bị tai nạn xe, sau khi chữa chạy bệnh tật, anh không thể đủ tiền để theo đuổi nghệ thuật, tự biến mình thành kẻ ăn mày rày đây mai đó.
Anh nói: “Ðã làm kiếp ăn mày rồi thì cuộc đời hết hy vọng gì nữa, nghệ thuật mà làm chi, có tiếc cũng vậy thôi, nghệ thuật lớn nhất của ăn mày là đánh động lòng thương của kẻ lành lặn, để họ nhịn bớt một miếng trong bữa ăn mà nhường cho mình, thế thôi!”
Nghe anh nói vậy, ý định kể cho anh nghe về chuyện ăn xin ở Singapore hầu làm anh vui một chút trong chúng tôi tiêu tan theo mây khói.
Và, trên đất nước hình chữ S này, nói về ăn mày, chắc con số không dừng ở vài ngàn, thậm chí vài chục ngàn. Và, chắc chắn một điều, họ có chung bộ dạng thảm não, sầu khổ và đói rách. Có như vậy mới đánh động lòng thương của đồng loại, đồng tộc.
Tự dưng, điều này làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều, Singapore từ lâu, họ đi theo con đường Tư Bản Chủ Nghĩa - cái mà mấy nhà lý luận Chủ Nghĩa Xã Hội bảo là “chúng đang giãy chết”.
Nhìn cách người ta cư xử với nhau và giá trị con người ở xứ “tư bản giãy chết” rồi nhìn lại cách mà con người đối đãi với nhau ở “thiên đường xã hội chủ nghĩa”, chẳng biết nói gì hơn là buồn!
Việt Nam không biết còn bao nhiêu năm nữa, có người nói là hai trăm năm, tôi lại thấy chừng ba trăm năm nữa mới có thể bằng được cái xứ “tư bản giãy chết” này.
Nếu không tin, hãy nhìn những người ăn xin xứ người, rồi nhìn lại ăn mày xứ mình!



« Trở về trang trước




http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=153664&zoneid=1=

Geen opmerkingen:

Een reactie posten