zaterdag 14 juli 2012

Mỹ vẫn muốn sử dụng cảng Cam Ranh

4 tháng 6, 2012
Lễ đón tiếp ông Leon Panetta tại trụ sở Bộ Quốc Phòng
Ông Panetta được tiếp đón long trọng tại trụ sở Bộ Quốc Phòng

Có mặt tại Cam Ranh (Khánh Hòa) hôm Chủ nhật 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta nói việc tàu Mỹ được tiếp cận cảng này là một yếu tố quan trọng cấu thành quan hệ Mỹ-Việt.

Ông cũng nói trong cuộc họp báo trên khoang tàu tiếp vận hải quân Richard E. Byrd rằng cảng Cam Ranh có thể đóng vai trò lớn trong chiến lược chuyển dịch cơ cấu quân sự của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.



Ông bộ trưởng bổ sung thêm, rằng Hoa Kỳ muốn đưa quan hệ với Việt Nam lên một cấp độ mới và "đặc biệt, chúng tôi muốn hợp tác với Việt Nam trong các chủ đề hàng hải quan trọng, trong đó có bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông".

Phát biểu hào hứng của ông Panetta, bộ trưởng quốc phòng Mỹ đầu tiên từ sau 1975 tới thăm hải cảng Cam Ranh mà Mỹ từng sử dụng trong cuộc chiến Việt Nam, có khả năng gây khó xử vì nó hàm chứa thông điệp cho Trung Quốc, láng giềng khổng lồ của Việt Nam.

Bắc Kinh vẫn tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông và cách hành xử ngày càng hung hăng của nước này đang gây quan ngại lớn cho các nước trong khu vực.

Quan hệ đối tác


Sau Cam Ranh, ông Leon Panetta đã bay ra Hà Nội và được các quan chức quân sự Việt Nam chào đón ở sân bay Nội Bài.

Lễ đón chính thức dành cho bộ trưởng quốc phòng Mỹ được tổ chức vào sáng thứ Hai 4/6 ở Bộ Quốc phòng, tiếp theo là hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh.

Bộ trưởng Panetta tại Cam Ranh
Mỹ đang muốn có thêm trợ giúp trong khu vực

Hai ông bộ trưởng được trông đợi đề cập tới nhiều khía cạnh trong quan hệ hợp tác đã được khởi thảo bằng Bản ghi nhớ về Hợp tác quốc phòng mà hai bên ký kết năm 2011 tại Hoa Kỳ.

Ông Panetta theo kế hoạch cũng sẽ tới chào Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vào chiều thứ Hai.

Trong các cuộc tiếp xúc với phía Việt Nam, bộ trưởng Panetta được cho sẽ thúc đẩy yêu cầu cho hải quân Mỹ được tăng cường tiếp cận hải cảng Cam Ranh, một trong các cảng nước sâu có vị trí địa lý-chiến lược thuận lợi nhất khu vực.

Ông nói với các nhà báo trên tàu USNS Richard E. Byrd hôm Chủ nhật: "Việc tàu hải quân Mỹ được tiếp cận cơ sở này là yếu tố quan trọng cấu thành quan hệ [Mỹ-Việt] và chúng tôi thấy tiềm năng to lớn ở đây".

Sử dụng cảng Cam Ranh còn có ý nghĩa lớn trong chiến lược chuyển dịch sang Á châu-Thái Bình Dương của Mỹ.

"Đặc biệt quan trọng là chúng ta phải có khả năng hợp tác với các đối tác như Việt Nam, được sử dụng các cảng biển như cảng [Cam Ranh] này, trong khi chúng ta chuyển dịch tàu thuyền từ các cảng của chúng ta trên Bờ Tây [Đại Tây Dương] và giữa các đồn trạm của chúng ta tại Thái Bình Dương".

Với ngân sách quốc phòng bị cắt giảm và một chiến lược mới, Hoa Kỳ chắc chắn đang phải tìm kiếm thêm trợ giúp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nếu muốn thực hiện thành công việc chuyển dịch quân sự.

Thông điệp cho Trung Quốc


Việt Nam tới nay đã cho phép các tàu của Mỹ được qua sửa chữa và bào trì ở Cam Ranh, thế nhưng con số còn hạn chế và các tàu phải thuộc hoặc dân sự, hoặc quân sự không vũ trang.

Giới chức quốc phòng Việt Nam đã nhiều lần nói rõ điều này, nhằm giảm thiểu suy đoán là một quan hệ thân cận về quân sự đang được hình thành với Mỹ để đối phó với Trung Quốc.

"Thực tế là đang có một sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc về tầm ảnh hưởng đối với các nước trong khu vực và điều này làm cho một số nước cảm thấy lúng túng khó xử."
Bonnie Glaser, chuyên gia khu vực tại CSIS

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, trong phỏng vấn mới đây với BBC cũng nhấn mạnh hoạt động của tàu Mỹ tại Cam Ranh chỉ là "hoạt động kinh tế bình thường".

Một số chuyên gia theo dõi tình hình khu vực lâu năm cho rằng Việt Nam không muốn có bất kỳ hành động nào bị cho là khiêu khích và đối đầu.

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia khu vực từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, nhận định tại diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La vừa diễn ra tại Singapore:

"Thực tế là đang có một sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc về tầm ảnh hưởng đối với các nước trong khu vực và điều này làm cho một số nước cảm thấy lúng túng khó xử."

Tuy nhiên khó xử đến đâu và quyết định thế nào là phụ thuộc vào từng quốc gia, và dường như bộ trưởng Leon Panetta đang tìm kiếm chỉ dấu từ Hà Nội trong chuyến thăm lần này.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/06/120604_panetta_vietnam.shtml

Geen opmerkingen:

Een reactie posten