LTS: Thời sự dồn dập hàng ngày trên cả địa cầu có thể giúp chúng ta biết được là chuyện gì đang xảy ra trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta không hiểu được vì sao lại xảy ra một biến cố như vậy, và hậu quả sau này sẽ ra sao... Cũng vì lý do ấy, nhật báo Người Việt mở thêm một tiết mục và lưu trữ trên trang mạng Người Việt Online để quý độc giả tham khảo. Ðó là mục “Hồ Sơ Người-Việt”, xuất hiện Thứ Năm mỗi tuần, với nội dung trình bày khung cảnh khách quan của một vấn đề và, nếu có thể, một số dự báo về tương lai hầu độc giả khỏi ngỡ ngàng khi sự biến xảy ra. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả...
Hùng Tâm/Người Việt
Từ năm 2009 đến nay, tin tức hàng tuần rồi hàng ngày từ Âu Châu khiến dư luận phải quan tâm đến tình hình của lục địa này.
Âu Châu là nơi xuất phát ra các quy ước sinh hoạt phổ biến, từ luật lệ thời La Mã đến tôn giáo thời Trung Cổ, hay cách mạng về kiến thức và nghệ thuật thời Phục Hưng vào thế kỷ 16, về chính trị thời Minh Triết vào thế kỷ 17, về khoa học kỹ thuật từ thế kỷ 19.
Một đồng “coin” Euro với lá cờ Tây Ban Nha trên nền. (Hình: PHILIPPE HUGUEN/AFP/GettyImages) |
Âu Châu cũng là nơi xuất hiện các đế quốc đã chinh phục và chi phối thế giới sau kỷ nguyên Cristobal Columbus mà xưa kia chúng ta dịch là Kha Luân Bố. Rất nhiều địa danh của thế giới đã mang tên Âu Châu, từ Nam Mỹ đến Hoa Kỳ hay cả Viễn Ðông. Philippines là một thí dụ Á Châu vì xứ này từng là thuộc địa của đế quốc Tây Ban Nha và quốc hiệu là từ vua Philippe II. Sau cùng, Âu Châu cũng là nơi xuất phát hai trận đại chiến thế giới vào các năm 1914-1919 rồi 1939-1945.
Ngày nay, Âu Châu quy tụ một dân số hơn 500 triệu của 27 quốc gia trong một tổ chức thống nhất là Liên Hiệp Âu Châu, có thể gọi tắt là Liên Âu. Bên trong có 17 quốc gia đang sử dụng chung đồng Euro với ký hiệu là ú.
Vì tin hàng ngày về nguy cơ khủng hoảng Âu Châu có thể làm khối Euro tan vỡ hoặc gây sứt mẻ cho cả cơ chế Liên Âu, Hồ Sơ Người-Việt sẽ tìm hiểu chuyện này.
Liên Âu là Liên Bang hay Bang Liên?
Về pháp lý, Liên Âu là một thể chế chính trị “confederation” chứ chưa là một “federation” như Hoa Kỳ hay Cộng Hòa Liên Bang Ðức. Về từ ngữ để diễn tả hay phiên dịch cách gọi hai thể chế này thì người ta phân vân. Các từ Hán-Việt gọi “confederation” là “bang liên” và “federation là... “liên bang”. Từ điển Ðào Duy Anh thì không phân biệt, gọi chung là liên bang. Nhiều từ điển ở trong nước thì không nói đến hai thể chế khác biệt và có khi dịch “confederation” thành liên minh hoặc liên đoàn của các tổ chức bên trong một lãnh thổ.
Về đại lược, “federation” hay thể chế liên bang là khi một tập thể chấp nhận hòa nhập chủ quyền quốc gia vào một cơ chế duy nhất và cao nhất, có quyền lực được quy định bởi một Hiến pháp Liên bang, với Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp thống nhất cho toàn quốc. “Confederation” là một chế độ liên kết thấp hơn vì các quốc gia chỉ nhượng lại một phần quyền hạn cho cơ chế thống nhất trong một số lãnh vực nhất định chứ vẫn giữ nguyên chủ quyền quốc gia ở bên trong. Dù văn kiện quy định thể thức này có thể được gọi là Hiến pháp, nó không có tính chất toàn diện và khả năng cưỡng hành như một bản Hiến pháp Liên bang.
Cũng xin nhắc lại là ban đầu, Hoa Kỳ dự tính thành lập thể chế “confederation” với các tiểu bang chỉ nhượng một phần quyền lực cho cấp liên bang. Sau Nội Chiến 1861-1865, khi các tiểu bang miền Nam muốn ly khai và giữ lại chế độ “confederation” - vì vậy họ có tên là “Confederates” - bị đánh bại thì nước Mỹ theo hẳn chế độ liên bang như chủ trương của các tiểu bang miền Bắc.
Chuyện lịch sử này của Hoa Kỳ không lạc đề vì giả dụ như nếu có một số quốc gia Âu Châu đòi tách riêng, hoặc không chấp hành những quy định của cơ chế Âu Châu, thì liệu quân đội của các cường quốc như Ðức, Anh, Pháp có được phái tới để áp dụng kỷ luật chung hay không? Dĩ nhiên là không. Âu Châu đã từng bị chinh chiến quá nhiều từ những yêu cầu thống hợp đó.
Chúng ta xin tạm để qua một bên chi tiết pháp lý để nói về Liên Âu và vấn đề Euro. Diễn tiến hình thành Liên Âu có thể phần nào giải thích các vấn đề này.
Tiến trình thống nhất tiền tệ
Sau Ðại Chiến II, các nước Âu Châu đều muốn tránh chiến tranh. Họ tìm cách hợp tác từ kinh tế trở đi với ước mong là quyền lợi kinh tế gắn bó giữa các thành viên sẽ giúp cho hòa bình.
Bước đầu là Cộng Ðồng Than Thép giữa 6 nước sáng lập là Pháp, Ðức, Ý và tập thể Benelux (gồm 3 nước Bỉ, Hòa Lan và Luxemburg) rồi Thị Trường Chung Âu Châu EEC và sau cùng là Cộng Ðồng Âu Châu mở rộng hơn để quy tụ 12 nước, kể cả Anh và các nước Bắc Âu cùng các nước miền Nam đã ra khỏi chế độ độc tài (Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha và Hy Lạp).
Sự hợp tác có một phần thành công trong mục tiêu duy trì hòa bình, nhưng chính yếu thì nhờ sự bảo vệ của Hoa Kỳ qua Minh Ước Phòng Thủ Bắc Ðại Tây Dương NATO trong thời Chiến Tranh Lạnh. Khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc và Liên Bang Xô Viết tan rã năm 1991, các nước Âu Châu càng đẩy mạnh chế độ hợp tác kinh tế lên một cấp cao hơn về chính trị.
Chúng ta nên chú ý đến nỗ lực đó vì cũng là nguyên nhân của chuyện thời nay khi Liên Âu tròn 20 tuổi.
Ðầu năm 1992, các nước Âu Châu đạt một hiệp ước tại thành phố Maastricht của Hòa Lan - gọi là Thỏa ước Maastricht - để chuyển từ Cộng Ðồng 12 nước Âu Châu qua cơ chế rộng lớn hơn, đó là Liên Hiệp Âu Châu ngày nay, có 27 nước hội viên. Thỏa ước đó nhắm vào việc thống nhất tiền tệ đã manh nha từ năm 1979, với chỉ tiêu là hoàn thành vào năm 1999, rồi tiến dần đến thống nhất chính trị về hai lãnh vực chính là đối ngoại và an ninh.
Ngày nay, việc thống nhất tiền tệ đang trở thành vấn đề.
Về nỗ lực thống nhất tiền tệ từ năm 1979. Thời đó các nước Âu Châu lập ra quy ước hối đoái - trao đổi đồng bạc của từng nước với nhau - là ERM Exchange Rate Mechanism, theo đó hối suất giao dịch các đồng bạc nằm trong một biên độ nhất định quanh một đơn vị tổng hợp là đồng ECU (European Currency Unit). Các quốc gia có thể tự nguyện (chứ không bắt buộc) gia nhập hệ thống ERM để ổn định hối suất, tránh giao động quá đáng và tiến dần đến đồng tiền chung.
Thỏa ước Maastricht vạch lộ trình cho đồng tiền chung đó, trong hệ thống tiền tệ Âu Châu thống nhất, gọi là EMU (European Monetary Union) với kỳ hạn là năm 1999 để chuyển đồng ECU ra đồng Euro theo hối suất một ăn một. Muốn được vào khối EMU và dùng đồng Euro, các thành viên Liên Âu phải đạt bốn “tiêu chuẩn đồng quy” sau khi cam kết gia nhập hệ thống hối đoái ERM vạch ra từ năm 1979.
Ðáng chú ý là các nước đều lần lượt phải gia nhập, nhưng nếu muốn gia nhập thì phải đạt một số điều kiện qua những chánh sách kinh tế tài chánh áp dụng ở bên trong.
Tiêu chuẩn đồng quy
Từ nguyên thủy, người ta thật tình muốn các nước chấp hành một số điều kiện để cơ cấu kinh tế sẽ cùng đạt một số tiêu chuẩn. Gọi là “đồng quy” vì cùng tiến tới một điểm là công chi thu và chánh sách tiền tệ phải đi vào quy chế chung.
Thí dụ như không bị bội chi ngân sách quá 3% Tổng sản lượng, gánh công trái (nợ của khu vực công quyền) không quá 60% Tổng sản lượng, có mức lạm phát hoặc lãi suất nhất định chứ không quá cao. Các nước tham dự có kỳ hạn là 1999 để hoàn tất việc này và qua năm 2001 thì không dùng đồng nội tệ nữa. Quốc gia nào mà đạt tiêu chuẩn thì mới được gia nhập. Hy Lạp chỉ vào khối Euro từ năm 2001 và Estonia là nước mới nhất, dùng Euro từ đầu năm 2011.
Ngay từ năm 1992, 15 nước thành viên mới (cộng với 12 nước nguyên thủy) phải cam kết gia nhập khối Euro, vậy mà trong tiến trình phê chuẩn Thỏa ước Maastricht, Anh và Ðan Mạch lại khéo cài vào một điều khoản là họ có quyền không gia nhập.
Thế rồi, một vụ khủng hoảng hối đoái Âu Châu lại bùng nổ vào các năm 1992-1993 khiến nhiều nước phải bước ra và biên độ giao dịch của ERM phải mở rộng đến độ vô nghĩa. Năm 1999 chế độ ERM này mới được tái lập, gọi là ERM Hai (ERMII).
Bây giờ, 20 năm sau Thỏa ước Maastricht và 10 năm sau đồng Euro, người ta gặp khủng hoảng. Ðây không là chuyện lạ nếu mình biết chuyện xưa. Cũng thế, nếu quý độc giả có thấy hồ sơ này quá phức tạp thì chẳng nên ngạc nhiên vì thật ra nó rắc rối thật.
Diễn tiến xé rào
Xin nhắc lại ở đây những biến cố dẫn tới hiện tượng bất thường nằm bên ngoài quy trình thống nhất tuần tự này.
Tháng 2 1992 thì Thỏa ước Maastricht ra đời, tháng 9 thì hệ thống ERM bị khủng hoảng, ba nước phải phá giá đồng bạc là Ý, Anh và Tây Ban Nha. Biên độ ERM mở rộng vì khoảng cách quá lớn giữa hối suất đồng bạc của các nước.
Năm 1997, Ðức đề nghị quy chế ổn định và tăng trưởng gọi là “Stability and Growth Pact” SGP theo đó thành viên nào mà bị khiếm hụt ngân sách (bội chi, chi nhiều hơn thu) quá 3% thì bị phạt. Quyết định ấy rất quan trọng như chúng ta sẽ thấy sau này.
Ðầu năm 1999, chỉ có 11 nước đạt tiêu chuẩn và dùng chung đồng Euro, đó là Áo, Bỉ, Phần Lan (Finland), Pháp, Ðức, Ái Nhĩ Lan (Ireland), Ý, Luxembourg, Hòa Lan, Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha. Ðấy là lúc quy chế ERMII được áp dụng. Hy Lạp được vào từ năm 2001, sau này người ta mới biết là nhờ khai gian sổ sách kế toán quốc gia để coi như đạt tiêu chuẩn.
Tức là xứ này xé rào để được vào khối Euro. Cuối năm 2003, có hai nước lại xé rào nữa, nhưng theo hướng ngược lại. Ðó là Ðức và Pháp cùng thông báo rằng họ không đạt tiêu chuẩn bội chi dưới 3%. Hai năm sau, các nước nới rộng tiêu chuẩn SGP này, chấp nhận mức bội chi cao hơn.
Cùng với vụ khủng hoảng 1992-1993 và quy chế ERMII, chi tiết về việc nới rộng tiêu chuẩn SGP vào năm 2005, sau khi hai cường quốc kinh tế hàng đầu của khối Euro là Ðức và Pháp đều phạm kỷ luật, đã cho thấy hệ thống tiền tệ này có tinh thần duy ý chí, voluntarist, mà không đi sát thực tế nên cứ phải điều chỉnh. Dầu vậy, người ta vẫn tiếp tục, từ 2007 đến 2009, bốn nước khác vào khối Euro, là Slovenia, Cyprus, Malta và Slovakia. Vị chi là 16 nước (Estonia là nước sau cùng, thứ 17, gia nhập giữa cơn khủng hoảng từ đầu năm 2011).
Cũng do tính chất bất toàn đó của hệ thống Euro, khủng hoảng mới bùng nổ và các giải pháp cứu nguy đều không hiệu quả.
Châm tiền cứu nguy
Biến cố ghi dấu vụ khủng hoảng là tháng 10 năm 2009, khi chính quyền Hy Lạp thông báo bị bội chi nặng hơn những gì đã được báo cáo trước đấy.
Hai tháng sau, Liên Âu kết án những “bất thường trầm trọng” của Hy Lạp và cho biết là năm 2009 xứ này thật sự bị bội chi đến 12.7% Tổng sản lượng (gấp bốn tiêu chuẩn). Tháng 4 năm 2010 thì Liên Âu điều chỉnh lại mức bội chi 12.7% đó thành 13.6%, còn tệ hơn những gì đã tính. Ái Nhĩ Lan bị bội chi 14.3%.
Lập tức, tháng 5 2010, Liên Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) tung ra 110 tỷ Euro (143 tỷ Mỹ kim tính theo hối suất 1.30) để cứu nguy Hy Lạp và còn lập quỹ dự phòng 440 tỷ Euro để ổn định tài chánh Âu Châu. Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu (ECB) lập chương trình mua trái phiếu (Security Market Program) của Hy Lạp, Ái Nhĩ Lan và Bồ Ðào Nha trong chín tháng kế tiếp để lãi suất khỏi tăng và thị trường khỏi hốt hoảng.
Sau đó, tháng 11 2010 thì Liên Âu cùng IMF châm 85 tỷ Euro cứu Ái Nhĩ Lan. Tháng 5, 2011 châm thêm 78 tỷ Euro cứu Bồ Ðào Nha, tháng 7 thì đòi các ngân hàng tư nhân Âu Châu chấp nhận bị mất 50% số tiền cho vay (gọi là bị gọt tóc) khi mua trái phiếu của Hy Lạp. Tháng 11 thì chính phủ Hy Lạp đổ.
Trong ba tháng sau đấy, Liên Âu cùng IMF tới tấp thương lượng với các nước để kiểm soát bội chi với kết quả là một hiệp ước về ngân sách được 25 nước đồng ý (trừ Anh và Cộng Hòa Tiệp) và một gói cấp cứu Hy Lạp trị giá 130 tỷ Euro.
Ngày nay, khi một số quốc gia kể cả Hy Lạp lại phủ nhận kỷ luật ngân sách và nói đến nhu cầu đạt mức tăng trưởng cao hơn, chứ không thể giảm chi nữa, chúng ta thấy tái diễn chuyện cũ.
Kết luận ở đây là Âu Châu đặt ra luật lệ mà không thể tôn trọng và mỗi khi bế tắc thì lại xé rào và đổi mục tiêu qua hướng khác. Cho nên mỗi giải pháp cấp cứu, kể cả đề nghị mới nhất của nhóm G-7, sẽ báo hiệu nhiều khó khăn mới. Euro bị khủng hoảng là như vậy.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=149868&zoneid=403
Geen opmerkingen:
Een reactie posten