Trung úy Mark Jenkins là một phi công giàu kinh nghiệm của không lực hoàng gia Anh. Thực hiện nhiều chuyến bay chiến đấu trên bầu trời Afghanistan, song anh chưa từng rời khỏi mặt đất khi làm nhiệm vụ.
Một nữ phi công điều khiển máy bay không người lái Reaper tại Mỹ. Ảnh: militaryconnection.com. |
Hiện tại Jenkins làm việc tại một căn cứ không quan ở bang Nevada, Mỹ. Theo BBC, Jenkins là một trong số những phi công điều khiển máy bay không người lái, viết tắt là UAV.
Như nhiều phi công khác trong không quân hoàng gia, anh chưa bao giờ rời khỏi mặt đất. Đó là lời khẳng định của phó thống chế không quân hoàng gia Tim Anderson – nhà hoạch định chiến lược hàng đầu của quân đội Anh.
UAV giống máy bay truyền thống trên nhiều phương diện, song buồng lái của chúng chứa những thiết bị do thám và chúng cũng thường được trang bị tên lửa và bom.
UAV được phóng lên không trung gần những khu vực chiến sự. Sau khi cất cánh chúng được điều khiển từ xa thông qua tín hiệu vệ tinh. Người điều khiển chúng là những phi công ở cách xa chiến trường hàng nghìn km.
Sự xuất hiện của UAV giải quyết được hai yêu cầu hàng đầu của quân đội hiện đại: hạn chế thương vong và giảm thiểu chi phí. Thứ nhất, nếu chúng bị bắn hạ thì sẽ chẳng có phi công nào mất mạng. Thứ hai, chi phí để sản xuất và vận hành UAV thấp hơn nhiều so với phản lực cơ chiến đấu truyền thống. Hiện nay quân đội Mỹ có hơn 7.000 UAV.
Phi đội 39 của không quân Anh – gồm những máy bay Reaper không người lái - thực hiện các chuyến bay trên bầu trời Afghanistan từ căn cứ không quân tại bang Nevada, Mỹ.
Andy Baverstock, một quân nhân Anh làm việc cho phi đội 39, chịu trách nhiệm phân tích những hình ảnh mà những chiếc Reaper gửi về. Anh đã kể cho BBC nhiều điều về công việc.
“Nếu làm công việc phân tích ảnh trong một thời gian dài, khi nhìn thấy một nhóm người bạn có thể xác định họ là chiến binh đang dàn thế trận hay nông dân đang dẫn nước vào ruộng”, anh nói.
Trong những trường hợp nào các phi công điều khiển UAV quyết định phóng tên lửa hoặc ném bom khi mà họ ở một nơi rất xa chiến trường? Jules Ball, một trung tá không quân thuộc quân đội Anh, nói rằng các phi công thường chỉ thực hiện yêu cầu yểm trợ từ binh lính dưới mặt đất.
“Nếu không nhận được yêu cầu hỗ trợ từ mặt đất, chúng tôi sẽ phải liên lạc với các trung tâm chỉ huy để đảm bảo rằng những hành động mà chúng tôi thực hiện là hợp lý, cần thiết và hợp pháp. Chúng tôi không được tự ý làm bất cứ điều gì bởi chúng tôi cách chiến trường hàng nghìn km”, Ball nói.
Quân đội không phải tổ chức duy nhất sử dụng UAV. Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu của al-Qaeda và Taliban. Đôi khi các cuộc không kích diễn ra trên lãnh thổ Pakistan – một đồng minh của Mỹ.
Chính phủ Mỹ tin UAV giúp họ tiêu diệt những lãnh đạo của bọn khủng bố ở những nơi mà các phương tiện quân sự truyền thống không phát huy tác dụng. Giới truyền thông Pakistan từng đưa tin về cái chết của vài trăm dân thường trong những cuộc không kích của UAV.
Những chiến dịch không kích như vậy của CIA cần nhận được sự chấp thuận của Tổng thống Mỹ. Theo Quỹ New America – một tổ chức nghiên cứu – số lượng các cuộc không kích của UAV mà Tổng thống Barack Obama phê chuẩn lớn hơn hẳn so với Tổng thống George Bush.
Vicky Divoll, người từng làm việc nhiều năm cho CIA với tư cách luật sư, nói rằng có sự chia rẽ trong nội bộ CIA về việc sử dụng máy bay không người lái.
“Sử dụng UAV để giết người là vấn đề gây tranh cãi trong CIA, đặc biệt là khi người điều khiển chúng ngồi tại Washington chứ không có mặt tại chiến trường”, cô tiết lộ.
Quân đội Mỹ đã và đang tuyển những phi công lái UAV từ những thanh niên chơi game giỏi. Thay vì bay vào vùng chiến sự nguy hiểm, họ chỉ việc ngồi trong một phòng chứa đầy máy tính trên mặt đất.
Cuộc cách mạng của UAV sẽ làm thay đổi quan điểm về việc giết người? Liệu các chính phủ nghĩ rằng chiến tranh ngày càng đỡ tốn kém và nguy hiểm hơn nhờ UAV? Phó thống chế không quân Anh Tim Anderson thừa nhận ông cảm thấy lo ngại về vấn đề này.
Phi công Mark Jenkins sẽ nghĩ gì khi anh giết người từ xa bằng cách nhấn nút để phóng tên lửa hoặc ném bom?
“Đó là vấn đề luôn lởn vởn trong tâm trí chúng tôi. Thực tế đúng như vậy. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ không còn là con người nếu không cảm thấy bị ám ảnh bởi việc giết người từ xa”, Jenkins tâm sự với BBC.
Thái Dương
Geen opmerkingen:
Een reactie posten