vrijdag 8 juni 2012

Bí ẩn ở pháp trường Long Bình

8/6/2012

Hỏi đường vào trường bắn Long Bình, một người lái xe ôm gần đó can: "Vào đó làm gì, âm khí nặng lắm, không chừng bị nhiễm bệnh chứ chẳng chơi. Tôi là thổ địa ở đây mà còn không dám vào nữa là”.
> Trộm xác tử tội ở pháp trường Long Bình/ Quy trình trộm xác tử tội


Trường bắn nằm tách biệt với khu dân cư, trên một thung lũng nhỏ được vài cây lớn che bóng mát. “Ở đây không bao giờ thấy một bóng người, dạo trước Tết chỉ có thân nhân của tử tù tìm đến. Hình như họ cũng xấu hổ khi có người thân bị tử hình”, anh Thái, nhà ở gần trường bắn nói.

Ngôi mộ nằm ở vị trí đắc địa của nghĩa trang, dưới bóng mát một cây cổ thụ là nơi an nghỉ của Phước “tám ngón” (tên thật là Nguyễn Hữu Thành). Ngày 29/4/1996, 13 bị cáo trong băng cướp Phước “tám ngón” đã bị đưa ra xét xử tại TAND TP HCM.

Phước "tám ngón" lãnh án tử hình thứ hai (án tử hình thứ nhất Phước bị tuyên trong phiên tòa ngày 24/6/1994). Mãi đến năm 1998, Phước mới bị thi hành án tử. Gia đình hắn đã xây bia mộ khá đẹp nhưng đến nay thì ngã chỏng trơ vì thời gian.

Sở dĩ hài cốt của tử tội vẫn còn nằm tại đây vì theo nhiều nguồn tin, đám đàn em của Phước "tám ngón" từng đến đòi khai quật, đưa thân thể hắn về. Tuy nhiên, khi mở hòm ra thì mùi tử khí bốc lên nồng nặc, bọn chúng đều bỏ chạy tán loạn. Ông Ba Soan, phu trường bắn, là người sắp xếp lại thân thể của Thành và hương khói đến tận giờ.

Những thành viên cuối cùng của nghĩa trang chính là Trịnh Tiến Hoạt, quê Hà Nội và Nguyễn Thị Hòa, quê Hải Phòng. Họ tham gia một đường dây bán ma túy và bị bắt. Năm 2008, cả hai bị đưa ra pháp trường. Hôm đó, sau giờ hành quyết thì người thân của họ mới tìm được pháp trường, khóc lóc, vật vã bên nấm mộ đất rồi cúng kiếng. Sau đó, người thân của họ đã bỏ tiền xây mộ bằng xi măng khá khang trang.

Giữa những đám cỏ tranh cao cả mét, không khí rờn rợn bao trùm xung quanh. Ngôi mộ “đẹp” nhất ở đây là của sát thủ Nguyễn Việt Hưng (biệt danh Hưng mi-nhon, người được trùm giang hồ Hải Bánh ra lệnh bắn chết nữ quái Dung Hà). Sau khi bắn Dung Hà, Hưng bỏ trốn và bị bắt năm 2002 và nhận án tử cùng lúc với Năm Cam. Mộ Hưng được xây bằng xi măng, quét vôi màu xanh nước biển.

Nơi Năm Cam từng bị chôn tại pháp trường Long Bình. Ảnh: Công an TP HCM

Ở trường bắn này từng xảy ra vụ trộm xác của tử tù Năm Cam và đồng bọn Châu Phát Lai Em, Phạm Văn Minh... khiến tất cả “phu” trường bắn đến giờ vẫn còn lạnh gáy.

Rạng sáng 3/6/2004, sau khi Năm Cam và đồng bọn bị thi hành án, có người đã đặt vấn đề với gia đình “ông trùm” lấy xác đem về chôn cất. Theo nhiều nguồn tin, xác của Năm Cam và Nguyễn Hữu Thịnh được đưa ra khỏi pháp trường với giá 140 triệu đồng. Xác “ông trùm” được mang đi thiêu tại Biên Hòa, Đồng Nai. Xác Lai Em được đưa đến nghĩa trang Gò Dưa an táng với giá 60 triệu đồng. Đi cùng đợt với Lai Em là xác của Phạm Văn Minh (tức Minh “Bu”) với giá 55 triệu đồng.

Sau vụ trộm xác kinh thiên động địa, người ta mới vỡ lẽ xác một loạt tử tù “đại gia” trong các vụ án kinh tế như: Phạm Huy Phước, Lê Hữu Cảnh và Trần Quang Vinh (Tamexco) hay Tăng Minh Phụng và Phạm Nhật Hồng (Epco) cũng đã “bốc hơi” khỏi pháp trường từ trước đó.

Sau vụ trộm xác Năm Cam, nhiều người trộm xác đã bị xử lý và giã từ cái nghề kinh khủng này. Họ lắc đầu không nói gì về việc “giúp sức” đưa xác tử tù ra khỏi trường bắn. Có người đến bây giờ vẫn khó khăn, sống gần trường bắn trong ngôi nhà tuềnh toàng. Với họ, quá khứ đã qua và họ chỉ muốn một cuộc sống lương thiện.

Bên cạnh trường bắn bây giờ đã mọc lên một ngôi trường khang trang do Pháp đầu tư. Trường bắn đã không còn phận sự thực hiện nhiệm vụ trừng trị tử tù như trước đây nữa. Những nấm mộ mới sẽ không còn được tăng thêm qua thời gian, nhiều nấm mộ cũ đang bị cỏ tranh chen lấn, xô ngã. Chỉ một, hai năm nữa thôi, trường bắn sẽ bị cỏ tranh xóa nhòa tất cả.

Từ 1/1, tử tù không bị áp giải ra trường bắn mà bị trừng phạt bằng cách tiêm thuốc độc. Trường bắn Long Bình đã thực hiện xong “sứ mệnh” xóa sổ cái ác, và bây giờ tử tù sẽ được đưa lên tận Bình Dương để “trả nợ đời” tại trại giam Bố Lá.

Thượng tá Phan Văn Tám - Phó giám thị - cho biết, trại giam đang gấp rút xây dựng khu vực tử hình ân huệ hình thành từ một chòi canh. Cạnh đó là những ô rau muống xanh ngát một màu và những cánh rừng cao su trải dài do cán bộ chiến sĩ và phạm nhân lao động công ích hằng ngày tạo dựng nên. Trong thời gian không xa nữa, khi khu vực tử hình này đi vào hoạt động, xác tử tù sẽ được chôn cất cạnh đó, dưới bóng mát của những cây cao su.

Không còn những tiếng đạn thi hành án tử, tử tù sẽ được tiêm thuốc độc để đền tội những gì đã gây ra cho xã hội. Hẳn lúc đó họ có sám hối cũng đã quá muộn màng.

Theo Công an TP HCM

* Đêm cuối cùng của Năm Cam
* Rạng sáng ở pháp trường
* Giây phút cuối cùng của tử tù
* Chuyện nữ quản giáo ở khu giam tử hình

http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2012/06/bi-an-o-phap-truong-long-binh/

24/8/2004
Trộm xác tử tội ở pháp trường Long Bình

Gia đình Năm Cam không phủ nhận việc đã nhờ người lấy trộm xác ông trùm và đàn em Nguyễn Hữu Thịnh ra khỏi pháp trường Long Bình (quận 9, TP HCM) đưa đi chỗ khác an táng. Tại nơi chôn tử tù này, Năm Cam không phải là ngoại lệ, từ lâu ở đây đã tồn tại một dịch vụ "đặc biệt" với chi phí cắt cổ.

Pháp trường là bãi đất hoang, rộng lọt thỏm giữa một bên là đường quốc lộ, một bên là khu du lịch Suối Mơ. Cây cao, rậm rạp che khuất tầm nhìn. Từ lối chính vào chừng 300 m, bên phải là nơi thi hành án tử hình, bên trái chôn tử tội, không theo hàng lối nào cả.


Sau khi bị đưa ra trường bắn Long Bình, xác của Năm Cam cùng 4 đàn em là Nguyễn Hữu Thịnh, Phạm Văn Minh (Minh "Bu"), Châu Phát Lai Em và Nguyễn Việt Hưng (Hưng "Mi-nhon") được chôn ở đây. Tuy nhiên, ngày 15/6 một người dân làm "hướng dẫn viên" đi lại trong pháp trường tiết lộ: "Người nhà Năm Cam và cả người nhà Thịnh, Minh "Bu", Lai Em đều lấy xác về gần hai tuần rồi, chỉ Hưng còn nằm lại vì gia đình tận ngoài Bắc. Nghe đâu để lấy 4 xác người kia thân nhân phải trả trên hai trăm triệu đồng". Anh này giải thích, gia đình tử tội thường thuê người trộm xác, trừ khi quá nghèo, ở xa hoặc không còn thân nhân. Bởi vậy, người ta đào huyệt nông, lấp đất sơ sơ để dễ lấy lên khi lực lượng bảo vệ rời hiện trường. Mộ Năm Cam bị canh chặt quá nên 3-4 ngày sau mới lấy được.

"Hướng dẫn viên" chỉ vào ngôi mộ còn nguyên vẹn của Nguyễn Việt Hưng để làm chứng cho lời nói. Cạnh đó là 4 nấm mồ đắp đất sát nhau đã bị xới tung rồi lấp lại qua loa, bia gỗ ghi tên tử tội và ngày thi hành án không còn nữa. Anh khẳng định đây là mộ Nam Cam và đàn em, chôn ở dưới chỉ là quan tài rỗng.

Len lỏi đám cỏ dại ở pháp trường Long Bình có khoảng 40 ngôi mộ, trong khi 6 năm trước con số này là 70. Nhiều mộ chỉ là nấm đất lâu ngày bị rửa trôi, thấp dần hoặc gần như bằng phẳng. Một số bị cây cỏ phủ lấp hoặc chỉ còn là hố nước đục mà lúc bị trượt xuống mới biết là sâu tới đầu gối. Tại đây, không tìm thấy dấu vết các hố mộ của 3 tử tội Phạm Huy Phước, Lê Hữu Cảnh và Trần Quang Vinh (vụ Tamexco) bị tử hình cách đây 6 năm. Tương tự, mộ của Tăng Minh Phụng và Phạm Nhật Hồng (tử hình năm 2003) cũng biến mất. "Hướng dẫn viên" giải thích: "Họ có nghèo khó, mồ côi đâu mà nằm ở đây. Thân nhân đưa về rồi".

Người nhà Năm Cam không phủ nhận đã thuê người lấy xác, nhưng từ chối cung cấp số tiền chi phí cho việc này. Theo một nguồn tin, người thân của tử tù Tăng Minh Phụng phải khó khăn, tốn khoảng 60 triệu đồng mới đưa được xác Minh Phụng từ pháp trường về một ngôi chùa ở Vũng Tàu an táng. Tương tự, để lấy được xác Phạm Huy Phước, Lê Hữu Cảnh, Trần Quang Vinh ra khỏi pháp trường, mỗi gia đình chi khoảng 30 triệu đồng. Phước và Vinh được đưa về quê an táng. Cảnh được thân nhân đem thiêu và gửi tro trong một ngôi chùa.

Việc lấy xác nếu không thuê đường dây chuyên nghiệp ở đây thì khó mà thực hiện được. Hai thiếu niên hằng ngày vào pháp trường chơi cho biết: "Trông hoang vắng như vậy chứ đứng đây một chập có người hỏi ngay; đào bới chút xíu thôi, người ta bắt liền. Dân phòng, công an đi qua hoài". Theo lời mách nước của họ cứ ra hỏi thăm các quán nước bên cạnh pháp trường là có người chỉ dẫn tới dịch vụ ăn trộm xác.

Tuy nhiên, đây chỉ điểm môi giới, nơi giao dịch là quán cà phê cách pháp trường khoảng 2 km. Tại đây, một thanh niên tự giới thiệu: "Cỡ xác như Năm Cam và nhiều tay cộm cán tôi còn lấy được thì người không có tên tuổi là cái đinh gì". Anh ta cho biết, luật không cho lấy xác mà phải chôn tại chỗ. Ai lấy mà bị phát hiện không chỉ phải chôn lại như cũ mà còn bị công an phạt tới bến. Tuy nhiên nếu chịu chung chi thì họ sẽ cho đàn em móc xác lên, tắm rửa sạch sẽ, quấn chiếu gọn gàng đem ra tận xe (do người nhà lo) chở về nơi an táng.

(Theo Pháp Luật TP HCM)

25/8/2004
Dừng trước mộ của một tử tội vừa bị bắn trước đó vài giờ, 4 người trong đường dây trộm xác ở pháp trường Long Bình (TP HCM) nói với khách: "Chị cho địa chỉ điện thoại, có gì liên hệ. Tụi tôi làm chôn cất ở đây. Khi nào chôn xong sẽ liên lạc gia đình đến dàn xếp lấy xác. Giờ thì chưa bàn được".
Rồi họ tiếp thị: "Vụ tử hình Năm Cam và đồng phạm canh gắt lắm mà sáng bắn tối tụi này đã móc được 1 xác. Năm Cam và 2 xác còn lại thì 3 ngày sau. Bọn này đã đưa xác về tận nơi người nhà muốn và còn chở đi vòng vòng Biên Hoà quay phim nữa. Tử tội loại thường chôn xong chỉ một chốc móc lên được liền, miễn là chịu chi".
Công việc trộm xác thường được giữ bí mật, những người trong nghề giải thích: "Nghề này là phạm pháp, phải giữ, lộ là chết". Một gã bật mí về quy trình hoạt động, theo đó tử tội bị tử hình xong nhóm của gã nhận công việc chôn cất tại chỗ và được cơ quan công an bồi dưỡng 200.000-300.000 đồng. Sau đó, họ liên hệ thân nhân để thỏa thuận chuyện bốc xác lên, tắm rửa, thay đồ, tẩm liệm và bỏ vào "hàng" (quan tài) rồi chở ra khỏi pháp trường đem về nơi muốn an táng. Hắn nói rằng trước đây có giúp thân nhân đưa xác đi thiêu, nhưng sau này các lò thiêu đòi giấy tờ nên chỉ nhận chôn cất. Việc ngại nhất là đưa xác về nhà, có những gia đình không chịu đem chôn ngay như đã hứa mà để lại làm đám ma mấy ngày. Việc này rất nguy hiểm vì nếu chính quyền nơi đó báo với công an, hắn sẽ bị "làm việc".
Vì thế, giá mỗi vụ trộm xác chẳng rẻ chút nào. Nếu bốc lên, tắm rửa, bỏ vào "hàng" (do gia đình tự mua) và chở về Bình Chánh phải 40 triệu chứ không bớt. Lo từ A đến Z, nghĩa là bao luôn "hàng" và huyệt tại chùa ở gần đó thì 50 triệu đồng. "Chỉ mình xác Năm Cam đưa về tới nhà tôi đã lấy 75 triệu, thêm thằng Thịnh (cháu Năm Cam) cộng lại là 140 triệu. Còn xác Lai Em đem qua Gò Dưa là 55 triệu và Phạm Văn Minh chôn ở chùa Thanh Sơn nữa. Tổng cộng 4 cái trên 200 triệu đồng", hắn tiết lộ về giá cả của việc trộm xác Năm Cam cùng 4 đồng phạm.
(Theo Pháp Luật TP HCM)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten