Từ cuộc gặp với 4 vị tiền nhiệm tại Nhà Trắng trước khi nhậm chức, sau 4 năm, ông Obama có quan hệ tốt với các cựu tổng thống và được họ "quân sư" nhiều điều để điều hành nước Mỹ.
> Cuộc hội ngộ của 5 đời tổng thống Mỹ
> Dấu ấn thời gian trên khuôn mặt các tổng thống Mỹ
Ngày 7/1/2009, nửa tháng trước lễ nhậm chức, Tổng thống đắc cử của Mỹ, Barack Obama, đã có một dịp may hiếm hoi khi cùng lúc được diện kiến 4 vị tiền nhiệm tại Phòng Bầu dục . Họ tập hợp lại để chuẩn bị làm "quân sư" hậu trường cho vị tân tổng thống sắp đăng quang. Obama đã xây dựng mối quan hệ với cả 4 vị ấy như thế nào và mỗi người đã dành cho ông những lời khuyên, những sự hỗ trợ gì? Bức ảnh chụp 5 đời Tổng thống Mỹ tại buổi họp mặt đặc biệt ở Phòng Bầu dục ngày 7/1/2009. Từ trái sang: Bush-cha, Obama, Bush-con, Clinton, Carter. Ảnh: Time |
Khi không còn nắm chức vụ nữa, các cựu tổng thống Mỹ đã tìm cách hàn gắn rạn nứt và xóa bỏ ranh giới đảng phái. Đối với họ chính trị không còn là điều quan trọng, và họ sẵn sàng ra tay giúp đỡ vị tổng thống đương nhiệm trong bất cứ chuyện gì, không cần biết vị tổng thống đương nhiệm thuộc đảng nào. Chẳng hạn như cựu Tổng thống Gerald R. Ford từng giúp ông Bill Clinton vượt qua cuộc luận tội tại Quốc hội do vụ bê bối Monica Lewinsky năm 1998.
Ngay khi có tin chiến thắng của Obama, tất cả 4 vị tiền nhiệm đã đồng loạt gọi điện chúc mừng, đưa ra những lời khích lệ, nhắn nhủ và những lời khuyên. Ông Obama nảy ra một sáng kiến muốn mời tất cả các thành viên Câu lạc bộ Tổng thống cùng họp mặt. Vì thế, ông đã nhờ cựu Tổng thống Bush (con) đứng ra tổ chức buổi tiệc đặc biệt đó, mời tất cả các vị cựu tổng thống còn sống đến dự vào ngày 7/1/2009.
Có một trục trặc nhỏ khi các nhân viên của Tổng thống Bush (con) chuẩn bị cho buổi họp mặt là việc phải mời cựu Tổng thống Jimmy Carter - người mà bản thân ông Bush không hề thích vì luôn luôn chê bai, phê phán tất cả những việc làm của ông trong suốt 8 năm. Tuy nhiên, để chiều lòng Obama, ông Bush đành phải gác lại hiềm khích riêng tư để thực hiện điều đặc biệt nhất.
Thư mời được gửi đi, tất cả cùng có mặt: 5 vị tổng thống của cả ba thời, quá khứ - hiện tại - tương lai, tại Phòng Bầu dục Nhà Trắng. Họ nói chuyện với nhau suốt một tiếng đồng hồ, chủ đề là những chuyện liên quan đến cách quản lý nhân viên trong Nhà Trắng, điều kiện sinh hoạt, ăn ở, cho con cái học hành và quan trọng hơn cả là việc bảo đảm an ninh cho cá nhân và gia đình tổng thống.
Tất cả những chuyện như thế được 4 vị "quân sư" truyền đạt cho Obama một cách khéo léo để ngài tân Tổng thống không cảm thấy mình bị nhồi nhét, giáo huấn.
George W. Bush: Phần thưởng là… không chỉ trích
Ông Obama và George W. Bush. Ảnh: Time |
Khác với những vị tiền nhiệm khác, Bush chẳng có "bí kíp" gì cụ thể để truyền đạt cho Obama, mà chỉ là những lời khuyên nhủ mang tính chất "giáo huấn" của một nhà tiên tri.
Đó là năm 2005, Obama có dịp đến thăm Nhà Trắng vào chiều hôm trước khi làm lễ tuyên thệ nhậm chức Thượng nghị sĩ, và chính Bush đã đưa ra những lời khuyên nhủ đầu tiên: "Ông có một tương lai tươi sáng, rất tươi sáng. Nhưng tôi là người đã ngồi vào vị trí này được một thời gian rồi, vậy để tôi nói cho ông biết, nó có thể vất vả lắm đấy". Bush cảnh báo: "Khi ngôi sao của ông đang lên nhanh, người ta sẽ bám theo ông từ mọi phía. Vì thế hãy cẩn thận".
Đúng như vậy, 4 năm trước khi Obama chính thức ngồi vào chiếc ghế quyền lực cao nhất nước Mỹ, thậm chí bản thân ông còn chưa biết được liệu mình có đi đến được cái đích vinh quang đó hay không, vậy mà Bush đã đưa ra những lời nói như thể ông nhìn thấy trước một Tổng thống tương lai - người sẽ kế nhiệm mình. Và Obama đã bước vào Nhà Trắng ở độ tuổi trẻ nhất kể từ thời John F. Kennedy và ít kinh nghiệm chính trường nhất kể từ thời Eisenhower.
Obama không có được cái "vía" áp đảo thần hồn người khác, nhưng bù lại, ông đại diện cho sự đổi mới, chịu khó học hỏi tất cả những cái hay và cả những sơ suất của người đi trước.
Từ khi bàn giao quyền hành lại cho Obama, ông Bush bỗng mất hút trên chính trường, nhưng không phải ông lui về ở ẩn đâu đó, không quan tâm đến chính trị nữa. Dù rất ít liên lạc, nhưng ông vẫn theo dõi từng bước đi hàng ngày của Obama, không bỏ sót một sự kiện nào. Chỉ có điều, ông chỉ "xem" mà không "nói".
"Ông ấy đáng nhận được sự im lặng của tôi. Tôi không muốn phí thì giờ chỉ trích ông ấy. Tôi nghĩ đã đến lúc người tiền nhiệm nên vui vẻ lui vào hậu trường, nhường chỗ cho người đương nhiệm thử tài xử lý các vấn đề của thế giới" , ông Bush nói với tạp chí Time.
Cựu tổng thống Bush có cách ủng hộ Tổng thống Obama hoàn toàn tích cực, và là một trong những thành viên đảng Cộng hòa ít chỉ trích Obama nhất.
George W.H. Bush: Như một người cha đáng kính
Ít tiếp xúc với George W. Bush (Bush con), nhưng Obama đối với Bush cha lại khác. Trong chiến dịch tranh cử năm 2008, Obama đã không tiếc lời khen ngợi Bush (cha). Và sau khi đã nhậm chức, Bush (cha) là người đầu tiên Obama đến thăm tại trang trại riêng ở bang Texas vào đầu năm 2009.
Tháng 10/2009, Obama lại đến thư viện của Bush (cha) đặt bên trong khuôn viên Đại học Texas A&M để đọc bài phát biểu ca ngợi công lao phục vụ nước Mỹ của ông.
"Ông George W.H.Bush không chỉ là một tổng thống, người tôn vinh đạo đức công vụ từ rất lâu, ông ấy còn là một công dân mang sẵn trong mình đạo đức phục vụ đó. Ông ấy có thể dễ dàng chọn lựa cho mình cuộc sống tiện nghi và hưởng thụ đặc quyền, nhưng thay vì thế, ông ấy luôn luôn tìm kiếm cơ hội để phục vụ", Obama phát biểu.
Đối với Obama, việc ca ngợi một trong số ít nhân vật được nhiều người kính trọng là điều rất nên làm, vì nó rất có ích về mặt chính trị. Và Obama cũng không bỏ lỡ cơ hội để được đối đãi ân cần với Bush (cha) khi ông này có dịp đến Washington. Đó là vào đầu năm 2010, khi Bush (cha) và con trai là Jeb Bush - cựu Thống đốc bang Florida đến Washington dự một lễ hội.
Khi Obama nghe tin Bush và con trai đăng ký nghỉ qua đêm tại ngôi nhà Câu lạc bộ ở số 716 khu Jackson Place, ông đã mời cha con nhà Bush đến dùng cà phê, và sáng sớm hôm sau, khi tuyết còn bay trắng xóa ven đường, chiếc Limousine sang trọng chở cha con Bush đã tiến đến khu vực cánh tây Nhà Trắng. Vài phút sau, Bush và Obama đã cùng nhau vừa nhâm nhi ly cà phê buổi sáng vừa kể chuyện "đời xưa" ở Phòng Bầu dục. Vài ngày sau, Obama gửi cho Bush cha tấm ảnh ghi lại buổi uống cà phê hôm đó.
Cách đối xử của Obama dành cho Bush cha quả nhiên đã thuyết phục được cả gia đình nhà Bush, và tất cả đều thừa nhận với bạn bè, thân hữu rằng họ quý trọng cách đối xử đó của Obama.
Jimmy Carter - Chuyên gia gỡ rối
Vào cái ngày ông Obama nhận được quyết định đề cử đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử với ứng cử viên đảng Cộng hòa, một sự kiện khác cũng đánh dấu một cột mốc nho nhỏ: ông Jimmy Carter trở thành cựu tổng thống sống lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ, với 31 năm, 7 tháng, 19 ngày, vượt qua kỷ lục cũ của ông Herbert Hoover (qua đời năm 1964).
Ông Jimmy Carter chỉ giữ chức tổng thống trong một nhiệm kỳ, thất bại khi tái tranh cử vào năm 1980, lúc ông mới 56 tuổi. Phải hai năm sau thất bại đó, J.Carter mới bắt đầu hoạt động trở lại trong vai trò một "chuyên gia gỡ rối" toàn cầu.
Ông bắt đầu những chuyến công tác nước ngoài thường xuyên, thực hiện các công việc như giám sát bầu cử, chống ô nhiễm sông ngòi, chống các dịch bệnh, xóa mù chữ, đàm phán với các lãnh chúa... Với tất cả các công việc đó, Carter được nhận Giải Nobel Hòa bình năm 2002. Ngay cả bản thân ông J.Carter cũng phải thừa nhận mình làm cựu tổng thống hay hơn khi còn đương nhiệm!
Hoạt bát, quyết đoán, nghiêm trang, cộng với các mối quan hệ rộng rãi và khả năng "nói chuyện" được với tất cả các chế độ "thù địch" của Mỹ và phương Tây khiến cho Carter trở thành nhân tố không thể thiếu đối với tất cả các tổng thống sau ông. Kể từ Bush (cha), Clinton rồi đến Bush (con) đều biệt phái Carter đi thực hiện những nhiệm vụ nhạy cảm nhất.
Nhưng ông cũng là một đồng minh phức tạp ngay cả với các tổng thống cùng đảng Dân chủ. Carter có xu hướng hay nói chuyện với báo chí trước khi nhiệm vụ hoàn thành và đôi khi ông chống lại cả những yêu cầu cấp bách của tổng thống.
Thế nhưng khi thực hiện nhiệm vụ cho Obama, tình hình bỗng đổi khác. Tháng 8/2010, Carter thực hiện chuyến đi đến CHDCND Triều Tiên để tìm cách giải thoát cho một công dân Mỹ tên là Aijalon Mahli Gomes bị bắt 7 tháng trước đó vì tội xâm nhập trái phép.
Chuyến đi trước đó một năm của Clinton đến Bình Nhưỡng được báo chí, truyền hình đưa tin rùm beng, nhưng chuyến đi của ông Carter lại diễn ra trong âm thầm, lặng lẽ cho đến khi kết thúc. Hóa ra, điều đó đã có chủ ý từ trước. Trước khi ông lên đường làm nhiệm vụ, các trợ lý của Tổng thống Obama đã buộc ông ký vào bản thỏa thuận gồm 12 điểm, trong đó có cam kết "không tiết lộ với báo chí" về nhiệm vụ của mình. Rồi Carter đến Bình Nhưỡng và đưa Aijalon Mahli Gomes trở về. Kết thúc nhiệm vụ, ông không hé môi lấy nửa lời.
"Huấn luyện viên danh dự" Bill Clinton
Obama và ông Clinton. Ảnh: Time |
Bill Clinton là một trường hợp khá đặc biệt, vì phải trải qua một bài kiểm tra "thử lòng trung thành" trước khi được Obama chấp nhận cho làm "quân sư". Nhưng cái cách kiểm tra của Obama đối với Clinton mới thật là đặc biệt.
Obama chọn bà Hillary Clinton làm Bộ trưởng Ngoại giao, và theo quy định của luật pháp thì buộc lòng ông Clinton phải công khai danh tính của những người đã từng quyên góp ủng hộ tổ chức từ thiện của ông, những bài phát biểu của ông phải thông qua các quan chức khác nhau, và thôi yêu cầu các quốc gia đóng góp cho các quỹ từ thiện của ông.
Với cách kiểm tra này, người khác có thể sẽ nghĩ lại việc có nên chấp nhận đề nghị đó hay không, nhưng Clinton thì chấp nhận. "Tôi sẽ làm bất cứ điều gì họ yêu cầu. Giờ đến lượt Hillary rồi", Clinton nói.
Điều mỉa mai ở chỗ, bộ máy nhân sự Nhà Trắng của Obama lại chứa đầy những con người của thời Clinton, có người đã từng giữ vị trí đó đến 12 năm. Trong khi ông Obama luôn chê các thành tựu của ông Clinton là "nhỏ nhặt", là "hình thức", thiếu chiều sâu, và cho rằng các kế hoạch, chương trình của mình lớn lao hơn nhiều.
Những "kế hoạch lớn" của Obama là gì? Đó là một chiến thắng áp đảo trong bầu cử, việc thông qua gói kích thích kinh tế khổng lồ và được Quốc hội thông qua dự luật y tế. Thế nhưng sau hơn ba năm ngồi trong Phòng Bầu dục, các "kế hoạch lớn" ấy đã lần lượt được Obama gọt cho nhỏ dần, Obama bắt đầu biết "thỏa thuận" và tìm kiếm thỏa hiệp để đạt mục tiêu đề ra.
Obama cũng bắt đầu đối mặt với khoảng cách quá lớn giữa lời hứa và thực hành. Hồi còn tham gia tranh cử ông Obama không cần quan tâm đến cựu tổng thống Clinton, nhưng ba năm sau, thật khó có thể phân biệt sự khác nhau giữa Clinton và Obama.
Gần đây, Clinton còn trở thành một "huấn luyện viên danh dự" cho Obama, xuất hiện trong đoạn phim video dài 17 phút để giúp Obama vận động tranh cử và công bố kế hoạch tham gia vận động gây quỹ tranh cử giúp Obama.
Trong một lần trả lời báo chí, ông Clinton nói rằng: "Tổng thống và tôi không nói chuyện về chính trị khi cùng nhau chơi golf. Cả hai chúng tôi đều mệt mỏi… Khi Tổng thống triệu tập, tôi đến ngay và chúng tôi chơi golf". Đó cũng là một nhiệm vụ đối với một thành viên Câu lạc bộ Tổng thống.
(Theo CAND)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten