zondag 13 mei 2012

Trung Quốc có thể di chuyển giàn khoan dầu vào vùng biển tranh chấp?

Việt Hà, phóng viên RFA
2012-05-12
Giàn khoan nước sâu khổng lồ của Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động chính thức vào ngày 9 tháng 5 vừa qua trên biển Đông giữa lúc những tranh chấp về chủ quyền trên vùng biển này vẫn đang tiếp diễn.
Imaginechina
Công nhân nhà máy đóng tàu tại Thượng Hải ăn mừng việc hoàn thành giàn khoan nước sâu đầu tiên của Trung Quốc ngày 23/05/2012.
Mặc dù giàn khoan dầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc nhưng vẫn có những lo ngại về hoạt động tương lai của giàn khoan này. Việt Hà phỏng vấn tiến sĩ Ian Story, chuyên gia thuộc viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore về vấn đề này. Phần chuyển ngữ do Mặc Lâm thực hiện.

Nếu VN và Philippines khai thác trước

Trước hết nói về hoạt động của giàn khoan dầu của Trung Quốc tại biển Đông, tiến sĩ Ian Storey nhận định:
TS Ian Storey: Vấn đề về giàn khoan dầu này đã phát sinh từ năm ngoái và đã có những đồn đoán là Trung Quốc sẽ khoan dầu ngay trong vùng biển tranh chấp và có thể là gần Philippines. Nhưng bây giờ thực tế cho thấy không phải vậy nên tôi không hiểu tại sao mọi người lại quá lo lắng. Giàn khoan vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, chỉ khoảng 199 hải lý từ bờ, và nó cũng không có liên hệ trực tiếp gì với những căng thẳng đang diễn ra tại bãi cạn Scarborough.
quan điểm của Trung Quốc là nếu Việt Nam và Philippines đã vi phạm bản tuyên bố chung của các bên được ký vào năm 2002 qua việc cho phép khai thác dầu tại vùng biển mà Trung Quốc cho là đang tranh chấp, và nếu là như vậy thì Trung Quốc sẽ theo bước và cho khai thác tại ngay vùng biển có tranh chấp.
TS Ian Storey
Việt Hà: Đã có những lo ngại cho rằng có thể Trung Quốc sẽ di chuyển giàn khoan này ra khỏi vùng biển hiện tại. Ông nghĩ thế nào về khả năng này và liệu các nước có cần phải quan ngại về hoạt động của giàn khoan này?
TS Ian Storey: Điều này có thể xảy ra và nếu vậy sẽ khiến các nước phải quan ngại. Nó tùy thuộc là Trung Quốc sẽ di chuyển giàn khoan này đi đâu. Nếu họ chuyển giàn khoan về gần Philippines hay Việt Nam thì sẽ gây quan ngại. Nhưng hiện tại thì giàn khoan vẫn trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc nên không thể là vấn đề vào lúc này. Nhưng cô nói đúng là có khả năng giàn khoan sẽ được dịch chuyển.
Việt Hà: Vậy trong tình huống nào, Trung Quốc sẽ di chuyển giàn khoan này vào vùng biển đang tranh chấp?
TS Ian Storey: Tôi cũng không chắc, quan điểm của Trung Quốc là nếu Việt Nam và Philippines đã vi phạm bản tuyên bố chung của các bên được ký vào năm 2002 qua việc cho phép khai thác dầu tại vùng biển mà Trung Quốc cho là đang tranh chấp, và nếu là như vậy thì Trung Quốc sẽ theo bước và cho khai thác tại ngay vùng biển có tranh chấp.
Việt Hà: Như vậy theo ông thì việc Việt Nam và Philippines tiếp tục kêu gọi các công ty khai thác dầu trong khu vực mà họ cho là thuộc chủ quyền của mình có thể dẫn đến khả năng Trung Quốc di chuyển giàn khoan?
TS Ian Storey: Đúng vậy
ban-do-vung-luoi-bo-250.jpg
Đường màu đỏ trên bản đồ là vùng biển hình “lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ để giành chủ quyền vùng biển Đông. (Đây là bản đồ nguyên gốc phổ biến trên nhiều website Trung Quốc:Tianyon/china).
Việt Hà: Có một điểm đáng chú ý ở đây là vùng lưỡi bò mà Trung Quốc đưa ra, chỉ có Trung Quốc nói là vùng đó thuộc Trung Quốc trong khi các nước không đồng ý, vậy làm sao có thể xác định được chính xác vùng tranh chấp để các nước có thể tiến hành khai thác dầu?
TS Ian Storey: Đường lưỡi bò mà Trung Quốc đòi chủ quyền không được xác nhận căn cứ theo luật biển quốc tế, cho nên Trung Quốc cần phải làm rõ đòi hỏi này của mình liên quan đến đường lưỡi bò, nhưng tôi không tin là họ sẽ làm như vậy, đặc biệt là trước khi diễn ra đại hội đảng ở Trung Quốc. Đây là một vấn đề rất nhạy cảm và họ không muốn đụng tới.
Việt Hà: Mới đây một công ty Philippines đã nói đến việc sẽ thảo luận với Trung Quốc về việc khai thác dầu chung trên biển Đông, ông nghĩ thế nào về khả năng một hợp tác khai thác dầu thực sự giữa các nước có tranh chấp trên biển Đông trong thời gian tới?
TS Ian Storey: Ý tưởng đó đã tồn tại khá lâu là các nước nên đặt vấn đề chủ quyền sang một bên và hợp tác để khai thác. Hợp tác khoa học duy nhất đã thành hình vào năm 2005 giữa Philippines, Việt Nam và Trung Quốc nhưng sau 3 năm thì hợp tác này chấm dứt và không được nối lại. Tôi nghĩ là rất khó để có thể có một hợp tác tương tự như vậy vào lúc này bởi vì cả Philippines, Việt Nam và Trung Quốc đều đang có lập trường rất cứng rắn. Cho nên việc tham gia khai thác chung sẽ đòi hỏi phải có những nhượng bộ và chúng ta đang tiến xa hơn khỏi những nhượng bộ trên biển Đông vào lúc này.

Anh láng giềng hung hăng

a5-250.jpg
Tàu hải giám số 84 đã trực tiếp cắt cáp của tàu Bình Minh 02. Photo courtesy of HDVietnam.
Việt Hà: Với những căng thẳng đang gia tăng hiện nay trên biển Đông, và những bất bình phản đối của người dân các nước Philippines, Việt Nam với các hành động của Trung Quốc trong khu vực, thêm vào đó là việc Trung Quốc cho vận hành giàn khoan dầu khí khổng lồ vào thời điểm nhạy cảm này, ông nghĩ hình ảnh mà lãnh đạo Trung Quốc muốn xây dựng với thế giới bị ảnh hưởng ra sao?
Cho nên những gì đang diễn ra tại biển Đông rõ ràng là đang làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Trung Quốc trong khu vực.
TS Ian Storey
TS Ian Storey: Tốt nhất là chúng ta không nên tập trung vào một sự kiện trên biển Đông mà phải nói đến nhiều sự kiện khác nhau. Trong vòng 2 hay 3 năm qua đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông đã trở nên mạnh mẽ và có lúc có tính hiếu chiến, điển hình là vụ cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam vào năm ngoái. Và sự kiện này đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Trung Quốc trong khu vực.
Sau một thập kỷ đầu thế kỷ 21, ngoại giao của Trung Quốc khá phức tạp với vấn đề biển Đông. Cho nên những gì đang diễn ra tại biển Đông rõ ràng là đang làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Trung Quốc trong khu vực. Đông thời với việc Mỹ quay trở lại châu Á, tình hình ở biển Đông đã giúp tăng cường mối quan hệ giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông.

Theo dòng thời sự:


http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/will-cn-move-oilrig-to-disputed-scsea-vha-05122012131839.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten