dinsdag 22 mei 2012

Thêm một doanh nhân người Pháp dính vào vụ Bạc Hy Lai

 21 Tháng Năm 2012
Bạc Hy Lai đã bị khai trừ khỏi ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 10/04/2012
Bạc Hy Lai đã bị khai trừ khỏi ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 10/04/2012
REUTERS/Jason Lee/Files

Trọng Thành
Trong vụ án chấn động Trung Quốc của gia đình cựu lãnh đạo Trùng Khánh Bạc Hy Lai, lại có thêm một doanh nhân người Pháp bị cuốn vào vòng xoáy. Le Figaro có bài « Những cuộc phiêu lưu ma quái ở Trung Quốc của Patrick Devillers ». Còn Le Monde chạy tựa « Patrick Devillers, một người Pháp cuốn vào cơn lốc của vụ bê bối Bạc Hy Lai ».

Trong số hai người bạn ngoại quốc thân thiết với gia đình Bạc Hy Lai, thương nhân người Anh – Neil Heywood đã chết tại một khách sạn ở Trùng Khánh. Thủ phạm của cái chết bất ngờ và bí ẩn này được quy cho bà Cốc Khai Lai, vợ của ông Bạc Hy Lai. Còn số phận của người bạn thứ hai thì sao ?
Phóng viên Le Monde đã tìm gặp được nhân vật bí hiểm kể trên tại một khách sạn ở Phnom Penh. Hai ấn tượng đầu tiên về Patrick Devillers qua cuộc gặp này, là thú xài loại thuốc lá Hongdashan từ khi ông còn ở Trung Quốc, và những hiểu biết sâu sắc về Lão giáo. Người từng rất thân thiết với gia đình họ Bạc dẫn lại một câu từ cuốn Đạo đức kinh, tương truyền là của Lão Tử : « không để hở cái gì cho ma quỷ nắm lấy, thì nó sẽ tự biến mất », như để khẳng định với phóng viên rằng, ông không liên quan gì đến các cáo buộc nhắm vào vợ chồng nhà Bạc Hy Lai.
Các phóng viên cũng tìm ra được hai công ty của Patrick Devillers, có sự tham gia của bà Cốc Khai Lai : một văn phòng kiến trúc có trụ sở tại Anh được lập vào năm 2000 và giải thể sau đó ba năm và một công ty đăng ký tại Luxembourg, có trụ sở tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, kiến trúc sư người Pháp khẳng định ông không nhận một xu nào từ chính quyền Trung Quốc.
Patrick Devillers tâm sự, ông đã bị cuốn vào thập kỷ phát triển điên cuồng tại Trung Quốc trong những năm 1990, với các hoạt động khởi đầu tại thành phố Đại Liên (miền đông bắc Trung Quốc), lãnh địa của Bạc Hy Lai, được coi như đại diện cho thế hệ trẻ đang lên, trong dàn lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc lúc đó.
Le Monde dựng lại hành trình của doanh nhân kiêm kiến trúc sư người Pháp, từ những năm 1990, trong các dính líu với phe cánh của cựu lãnh đạo Trung Quốc.
Nói thạo tiếng Trung, tốt nghiệp ngành kiến trúc tại Paris và đại học Giao Thông (Thượng Hải) – vốn nổi tiếng về khoa kiến trúc - Patrick Devillers nhanh chóng có được vị trí quan trọng trong các dự án phát triển tại Ủy ban thành phố Đại Liên do Bạc Hy Lai lãnh đạo từ năm 1992 đến 2000.
Một trong những điều cuốn hút nhà kiến trúc Pháp là nữ luật sư trẻ tuổi Cốc Khai Lai, với cái tên Phương Tây Horus. Trong con mắt ông Patrick Devillers, Cốc Khai Lai là một luật sư "đặc biệt xuất sắc". Nhiều người cho rằng kiến trúc sư Pháp có quan hệ tình ái với luật sư họ Cốc, nhưng cho đến nay, theo báo Pháp không có bằng chứng gì về mối quan hệ này.
Nhìn lại thời kỳ hoạt động tại Trung Quốc, kiến trúc sư người Pháp khẳng định, các dự án tại Đại Liên mà ông tham gia với toàn tâm toàn ý, cuối cùng chỉ được đầu tư có 10% số tiền như dự kiến, và có dự án vĩ đại trước kia nay vẫn chỉ là một vài nét chấm phá. Patrick Devillers khẳng định, ông đã bị trắng mất 10 năm cho các dự án điên rồ của Đại Liên.
Hy Lạp giằng xé giữa ý muốn ở lại euro và tinh thần nổi loạn chống lại chính sách khắc khổ
Về tình hình Hy Lạp, Les Echos có bài : « Hy Lạp giữa tình cảm phẫn nộ và sự tính toán » mô tả trạng thái giằng xé hiện nay của các cử tri Hy Lạp, giữa một bên là tình cảm giận dữ, từ chối chính sách kinh tế thắt lưng buộc bụng, và bên kia là sự tính toán cân nhắc, muốn đất nước ở lại trong khu vực đồng euro.
Giờ quyết định số phận của Hy Lạp đang điểm. « Đồng hồ đang đếm ngược », như hình ảnh ví von của Les Echos. Hy Lạp vừa mới trả được hai khoản nợ, 436 triệu và 3,3 tỷ euro, bằng khoản giải ngân mới đây của các định chế tài chính quốc tế. Tuy nhiên, số tiền 4,2 tỷ euro này không cho phép Hy Lạp trả được món nợ 3,1 tỷ euro vào cuối tháng 8, trả lương cho công chức và tiền hưu trí trong tháng 8 và có thể là cả tháng 7. Ngân sách quốc gia đang trống rỗng, trong khi đó thế bế tắc chính trị hiện nay tại Hy Lạp khiến cho quá trình tư nhân hóa bị đình lại.
Kinh tế Hy Lạp đang suy thoái nghiêm trọng, với PIB co lại theo tỷ lệ 6,2% vào quý một năm nay. Nếu tình hình tiếp tục tồi tệ hơn, PIB nước này khó lòng đạt mức - 4,7% trong năm nay. Như chúng ta đã biết, kết quả cuộc bỏ phiếu Quốc hội trước thời hạn cho thấy các đảng phái cực tả với đường lối chống chính sách khắc khổ, đã giành thắng lợi lớn. Athens không thành lập được chính phủ liên hiệp và buộc phải bầu lại Quốc hội vào ngày 17/06. Theo các điều tra dư luận, đảng cánh tả Syriza sẽ còn thu được nhiều phiếu bầu hơn, với khoảng 28% người ủng hộ. Nếu khả năng này trở thành hiện thực, việc Hy Lạp ra khỏi euro là hoàn toàn có thể. Theo ước tính của trung tâm phân tích tài chính và kinh tế quốc tế IHS Global Insight, khả năng này là 75%.
Hiện tại, ý thức được nguy cơ này, lãnh đạo các nước Châu Âu liên tục đưa ra các tuyên bố ủng hộ việc Hy Lạp ở lại trong euro và việc đưa ra các sáng kiến cụ thể để kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, các tuyên bố mới đây của thủ tướng Đức Merkel về một cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp và bộ trưởng Tài chính Đức về một khả năng khác cho Hy Lạp, lại rót thêm dầu vào lửa.
Chống ô nhiễm thiên nhiên với các côn trùng và vi trùng
Một trong các phương tiện chống ô nhiễm quan trọng đang được phát triển hiện nay là sử dụng các côn trùng và vi trùng. Theo Les Echos, từ năm 1997 đến nay, Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp CNRS đã có nhiều thực nghiệm thành công với các côn trùng và vi trùng. Từ năm 2007, CNRS đã tập hợp nhiều chuyên gia thuộc các ngành vi sinh vật, địa chất học, thực vật học, nghiên cứu thủy văn, sinh thái học trong một khoa học mới, ngành kỹ nghệ sinh thái học.
Kỹ nghệ sinh thái học là khoa học ứng dụng có mục tiêu trả lại cho các hệ tự nhiên sự đa dạng sinh thái vốn có. Riêng tại Pháp, tổng cộng đã có 80 chương trình nghiên cứu ứng dụng và ba mạng lưới chuyên gia được thiết lập. Một trong các ví dụ thành công là sử dụng một loài kiến ăn hạt để tẩy sạch một khu vực rộng tới 60.000 ha ở vùng Crau, bị thủy triều đen tấn công vào năm 2009. Việc sử dụng vi trùng để làm sạch thiên nhiên gặp phải nhiều khó khăn hơn. Mới đây, các thực nghiệm đang được tiến hành, với các vi trùng bản địa, để làm sạch các tầng nước ngầm bị ô nhiễm, cũng tại vùng Crau.
Trên thế giới hiện nay có hàng nghìn công trường thuộc ngành khoa học kỹ nghệ sinh thái đang hoạt động, từ việc bảo tồn các vùng đồng cỏ bị canh tác nông nghiệp năng suất cao xâm lấn ở Brazil, đến việc bảo vệ các khu rừng sú vẹt ở đảo Mayotte trên Ấn Độ Dương để thanh lọc nước, hay việc chống lại các nấm độc trên đồng ruộng Trung Quốc, việc bảo vệ Sénégal chống lại sự tràn lấn của sa mạc...
Hollande tại G8 và bầu cử Quốc hội : chủ đề chính trên trang nhất các báo Pháp
Các hoạt động của tổng thống Pháp tại Hoa Kỳ, cùng cuộc bầu cử quốc hội tại Pháp vừa khởi động là hai chủ đề lớn của báo chí Pháp hôm nay. Le Monde chạy tựa « Một liên minh vì tăng trưởng », với nhận định nguyên thủ Pháp – Mỹ cũng chia sẻ các quan ngại về khả năng phục hồi kinh tế của Châu Âu và tình hình Hy Lạp. « Châu Âu mất hướng trước việc Hy Lạp lún sâu vào khủng hoảng » - tựa của báo kinh tế Les Echos. « Tại sao Châu Âu cần đến Hy Lạp » là tựa của La Croix.
Về hội nghị G8, Libération có bài « G8 : Hollande tự khẳng định đẳng cấp », với ghi nhận : « tại Hoa Kỳ, những bước đi ngoại giao đầu tiên của tổng thống Pháp cho thấy ông tỏ ra vừa cương quyết, vừa điềm tĩnh ». Về kết quả G8, Le Figaro thể hiện sự lo ngại qua bài xã luận « Các thiện ý tại G8 », với nhận xét : Đề cao chủ trương tăng trưởng để tránh khủng hoảng là dễ dàng, nhưng điều khó khăn là tìm ra được các biện pháp để thực hiện được mục tiêu này. Cũng theo Le Figaro, buổi họp không chính thức của lãnh đạo khối 27 nước vào thứ tư tới 23/05 tại Bruxelles sẽ là dịp để tổng thống Pháp thực sự tham gia vào đấu trường Liên hiệp Châu Âu.
Không khí của hội nghị thượng đỉnh Nato diễn ra hôm qua và hôm nay tại Chicago, cũng là một tâm điểm chú ý khác của báo Pháp. « Cuộc khủng hoảng kinh tế thách thức sự đoàn kết của các thành viên NATO » là một hồ sơ chính của Le Monde. Còn Le Figaro thì chú ý đến việc tổng thống Pháp điều chỉnh lại một số biện pháp cụ thể trong chủ trương rút quân khỏi Afghanistan, sớm hơn một năm so với các đồng minh để vãn hồi một đồng thuận trong khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.
Trong khi đó, l’Humanité chạy tựa « NATO, thượng đỉnh của sự phản kháng », mô tả các hoạt động phản đối bên lề hội nghị G8 của các phong trào tranh đấu vì hòa bình và của dân chúng Mỹ chống lại các chi phí tốn kém cho chiến tranh.
Về cuộc tranh cử Quốc hội Pháp vừa bắt đầu hôm nay, tờ báo thiên hữu Le Figaro chạy trên trang nhất : « Bầu Quốc hội : cánh hữu vào cuộc để chiến thắng », báo động nguy cơ tập trung quyền lực của cánh tả. Tờ báo thiên tả Libération thì dành trọn trang nhất cho thời điểm khởi đầu của cuộc tranh cử với hàng tựa « Vòng ba cuộc bầu cử ». Tờ báo ghi nhận cuộc bầu cử tổng thống vừa kết thúc, bầu cử Quốc hội bắt đầu, trong đó những người xung trận hàng đầu là các tân bộ trưởng

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120521-them-mot-doanh-nhan-nguoi-phap-dinh-liu-vao-vu-an-bac-hy-lai

Geen opmerkingen:

Een reactie posten