Tại Thái Lan, đời mang màu đỏ
Cũng theo báo Le Monde, hiện đang có rất nhiều « ngôi làng theo phe Áo đỏ » xuất hiện tại Thái Lan, nhất là tại các vùng nông thôn nghèo nằm ở phía Đông Bắc. Theo nhận định của tờ báo sự gia tăng các « ngôi làng áo đỏ » ngày càng nhiều thể hiện sự bất bình của một bộ phận đông nông dân nghèo trước tầng lớp giàu có tại Bangkok và nhiều thành phố lớn.
Tác giả nhắc lại rằng, màu đỏ chính là tín hiệu của sự nổi dậy, nhưng nó cũng không phải là màu sắc của cách mạng cũng như là màu của máu. Thế nhưng, vào năm 2006, khi ông Thaksin bị quân đội lật đổ, thì người ta lại mong muốn đấy chính là màu của cách mạng và màu đỏ đó cũng là màu của máu, khi phong trào phản kháng của phe Áo đỏ bị quân đội đàn áp làm thiệt mạng 91 người và hàng ngàn người bị thương.
Theo Le Monde, dù rằng đảng Pheu Thái đã giành được thắng lợi sau đợt tổng tuyển cử hồi tháng 7/2011, và Yingluck Shinawatra, em gái cựu Thủ tướng Thái Lan bị lật đổ Thaksin Shinawatra, được bầu làm Thủ tướng, nhưng những người Áo đỏ vẫn tiếp tục phong trào phản kháng chống lại hệ thống xã hội vẫn do tầng lớp ưu tú thống trị.
Le Monde nhận xét, chẳng có gì là đáng ngạc nhiên khi mà tại vùng nông thôn phía Đông-Bắc, lại phủ toàn một màu đỏ. Bởi lẽ, người nông dân tại khu vực này phải canh tác trên những cánh đồng chua, ít màu mỡ hơn so với những vùng còn lại của đất nước.
Đối với những người nông dân ở đây, ông Thaksin – cựu thủ tướng Thái Lan, vẫn là một người anh hùng do các chính sách xã hội của ông đề ra, tập trung chủ yếu vào việc phát triển các quỹ vi tín dụng và cấp vốn vay với lãi suất ưu đãi. Theo thống kê của ngân hàng Thế giới, giữa năm 2001 và 2005, thu nhập bình quân đầu người trong vùng đã tăng lên 46%.
Thế thì những người Áo đỏ ở đây họ mong đợi điều gì ? Theo lời thuật lại của một nhân chứng tại làng Mong Khai, thuật ngữ « làng của những người Áo đỏ » chẳng làm cho cuộc sống của họ thay đổi. Nhưng « đấy đơn giản chỉ là các thể hiện của ý nguyện về sự công bằng và dân chủ ». Họ mong muốn những người có liên đới đến vụ thảm sát 19/5/2010 phải bị trừng phạt.
Bởi lẽ, mối bận tâm hàng đầu của phe Áo đỏ, chính là « phẩm cách ». Mục tiêu của họ chính là « giới quý tộc ». Nghĩa là, các thành viên của liên minh thần thánh giữa quân đội, hoàng gia và chính phủ.
Tuy nhiên, phong trào phản kháng này cũng đang bị chia rẽ, không chỉ ở cấp độ địa phương mà còn ở cấp độ quốc gia. Nhiều người bắt đầu có bất đồng chính kiến với phe cầm quyền, hiện do em gái của ông Thaksin lãnh đạo. Những người này cho rằng, một số đại biểu trong đảng cầm quyền đã không lắng nghe mốibận tâm của người dân nghèo. Họ cũng cho rằng bà Yingluck Shinawatra đã đưa ra quá nhiều thỏa hiệp với các thể chế cao hơn ; mà nói đúng ra chính là quân đội và hoàng gia.
Le Monde nhận xét rằng làn sóng phản đối này thể hiện tiếng nói mới của người nông dân. Một hiện tượng được cho là không thể nào nghĩ đến cách đây 10 năm.
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120512-cu-dan-mang-trung-quoc-dung-kieu-noi-long-de-luon-lach-su-kiem-duyet-cua-bac-kinh
Geen opmerkingen:
Een reactie posten