Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Miến Điện là các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trước việc phát hiện tâm chấn kháng thuốc sốt rét đang gia tăng trong khu vực này, trích thông cáo của Tổ Chức Y tế thế giới (WHO).
Ông Shin Young-soo, Giám đốc khu vực Tây Thái bình dương của Tổ Chức Y tế thế giới (WHO) cho biết: “Chúng ta biết rằng tâm chấn kháng thuốc artemisinin nằm tại khu vực này của thế giới, trên khu vực biên giới giữa Thái Lan và Campuchia.”Trong buổi họp báo tại Bangkok hôm 24/4, Tiến sỹ Pascal Ringwald, điều phối viên chương trình phòng chống Sốt rét toàn cầu thuộc WHO kêu gọi các quốc gia thuộc khu vực Tây Thái Bình dương và tiểu vùng sông Mekong nâng cao nhận thức cũng như cam kết về mặt chính trị để kiềm chế hiện tượng kháng thuốc hay nhờ thuốc artemisinin vốn đang nổi lên trong khu vực.
Cần nghiên cứu thêm
Trả lời phỏng vấn với BBC Việt Ngữ, Tiến sỹ Ringwald cho biết đã phát hiện một số ca nghi ngờ có biểu hiện kháng thuốc sốt rét artemisinin ở người bệnh.
“Gần đây nhất, chúng tôi phát hiện các trường hợp nghi ngờ có biểu hiện kháng thuốc artemisinin ở tỉnh Gia Lai.”
“Tuy nhiên, để khẳng định việc kháng thuốc sốt rét artemisinin ở Việt Nam thì chúng tôi cần phải tiến hành thêm một số nghiên cứu khảo sát phức tạp hơn nữa.”
Artemisinin được sử dụng phần lớn ở Đông Nam Á so với các nơi khác trên thế giới, tiến sỹ Ringwald nói.
Ông nói thêm, việc sử dụng một lượng lớn thuốc artemisinin có thể đã góp phần làm cho hiện tượng kháng thuốc phát triển.
Cuộc họp này diễn ra trước ngày Sốt rét toàn cầu 25 tháng 4 với chủ đề, " Giữ vững thành tựu. Giữ lấy tính mạng. Đầu tư cho sốt rét."
"Chúng tôi phát hiện các trường hợp nghi ngờ có biểu hiện kháng thuốc artemisinin ở tỉnh Gia Lai"
Bệnh do ký sinh trùng sốt rét falciparum gây ra và do muỗi mắc bệnh truyền sang người bệnh khi đốt.
Sốt rét falciparum kháng artemisinin vốn cướp đi nhiều mạng sống vẫn còn là một trong những thách thức lớn nhất đối với hoạt động kiểm soát sốt rét tại khu vực Tây Thái bình dương.
Theo ước tính của WHO, sốt rét ảnh hưởng tới 216 triệu người trên toàn thế giới và cướp đi 655 000 sinh mạng mỗi năm.
Tại khu vực Tây Thái bình dương, 10 trên tổng số 37 quốc gia có đặc thù dịch sốt rét gồm: Campuchia, Trung Quốc, Lào, Malaysia Papua New Guinea, Philippine, Bắc Triều Tiên, Đảo quốc Solomon, Vanuatu và Việt Nam.
Năm 2010 theo báo cáo của tổ chức này, trong khu vực đã có hơn 262.000 ca xác nhận mắc sốt rét và khoảng 900 ca tử vong do sốt rét.
Quỹ hỗ trợ toàn cầu
Kế hoạch thắt chặt chi tiêu của quỹ này có thể dẫn đến quan ngại gây ảnh hưởng đến tình hình kiềm chế sốt rét trong khu vực, đặc biệt đối với các quốc gia cần hỗ trợ, trong đó có Việt Nam.
Ông cho biết, Việt Nam “đã và đang thực hiện các hoạt động kiểm soát và kiềm chế sốt rét”.
“Tuy nhiên, Việt Nam đang trong nhu cầu cấp bách về các hỗ trợ tài chính nhằm mở rộng quy mô phòng chống về cơ bản, kiểm soát cũng như các nỗ lực kiềm chế bệnh sốt rét,” tiến sỹ Pascal Ringwald nói.
Ông Ringwald nhận định rằng WHO đã có được các ủng hộ từ phía giới chức y tế Việt Nam.
“Mặc dù vậy, điều mà chúng tôi tìm kiếm là các cam kết từ phía chính phủ ở các cấp cao hơn nhằm duy trì nhận thức để đảm bảo rằng chúng tôi có thể nhận được thêm các khoản hỗ trợ đối với các hoạt động kiềm chế sốt rét,” ông nói.
Trong khi những nỗ lực ngăn chặn dọc theo biên giới giữa Thái Lan và Campuchia đạt được những thành công, những ổ bệnh kháng thuốc mới đang được phát hiện ở những khu vực khác thuộc Tiểu vùng sông Mê-kong làm dấy lên nhu cầu phải có một chiến lược ngăn chặn mang tính khu vực.
Theo WHO, hiện cũng có quan ngại cho rằng việc nhờn thuốc artemisinin sẽ gia tăng tại châu Phi, nơi mà gánh nặng sốt rét nặng nề nhất trên toàn cầu.
Năm 2009, tại phiên họp lần thứ 60, Ủy ban khu vực Tây Thái bình dương, cơ quan điều hành của WHO tại khu vực đã phê chuẩn bản Kế hoạch hành động khu vực về Kiếm soát và Loại trừ sốt rét tại khu vực Tây Thái bình dương (2010–2015), với vai trò như là một lộ trình định hướng cho các chương trình quốc gia.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten