woensdag 18 april 2012

Nguyễn Ánh 9 & Tình Khúc Chiều Mưa

Lá Thư Úc ChâuChúc Thân hữu cuối Tuần Vui vẻ.
Trang Thơ Nhạc (điện tử) Weekend: 31-3-2012

Nhạc:
Tình Khúc Chiều Mưa
Nhạc: Nguyễn Ánh 9
Giọng hát: Lệ Thu

Chiều mưa ngày nào . . . sánh bước bên nhau
Tin yêu rạt rào . . . mộng ước mai sau
Cho ân tình đầu . . . mãi mãi dài lâu
Cho duyên tình đầu đừng có thương đau !


Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh năm 1940 tại Phan Rang. Ông thêm số 9 vào là để kỷ niệm ngày kết hôn.
Trong thời gian học ở Đà Lạt, Nguyễn Ánh 9 đã được nhạc sĩ Hoàng Nguyên, tác giả của nhiều bài tình ca nổi tiếng như Ai Lên Xứ Hoa Đào, Cho Người Tình Lỡ.... tận tình chỉ dạy và dìu dắt vào thế giới âm nhạc.
Năm 1951, qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, Nguyễn Ánh 9 được vào tham gia chương trình Tuổi Xanh của Đài Phát Thanh Sàigòn và Đài Phát Thanh Đà Lạt. Từ đó, Nguyễn Ánh 9 đi khắp nơi biểu diễn dương cầm ở các bar, các nhà hàng nổi tiếng và những ban nhạc thanh niên.

Sau khi đi Nhật về (tháng 8 năm 1970
cùng với Khánh Ly biểu diễn tại hội chợ Osaka , với cảm xúc dạt dào, Nguyễn Ánh 9 viết bài KHÔNG trong vòng một tiếng đồng hồ với những lời lẽ lạ thật mới...), Khánh Ly lấy "Không" thu cho hãng dĩa 45 vòng Tình Ca Quê Hương. Một thời gian ngắn sau đó, Elvis Phương hát lại bài này trong một băng nhạc của nhạc sĩ Ngọc Chánh và thu lên truyền hình số 9, thì nhạc phẩm "Không" của Nguyễn Ánh 9 mới thật sự gây được một tiếng vang rầm rộ thêm cảm hứng cho Ông sáng tác những ca khúc mới lần lượt như "Ai đưa em về", "Một lời cuối cho em", "Chia phôi", "Không 2", "Trọn kiếp đơn côi" ... vào cuối năm 1971... Ông đã thật sự bước chân vào sáng tác nhạc.

Cùng thời gian đó, Nguyễn Ánh 9 cộng tác với Khánh Ly và Ngọc Chánh ở phòng trà Queen Bee. Cuối năm 70, Nhạc sĩ Ngọc Chánh mời nữ danh ca Thanh Thúy đóng trụ ở Queen Bee, khi đó thì Khánh Ly về hoạt động ở Tự Do của ông bầu Cường.

Làm ở Queen Bee một thời gian, Nguyễn Ánh 9 về cộng tác Mini Club (đường Nguyễn Du ) cùng với Carol Kim, ban Ba Trái Chuông... Thời gian này, Carol Kim hát thật nức nở đam mê một sáng tác của Nguyễn Ánh 9 "Trọn kiếp đơn côi".

Cuối năm 71, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về cộng tác cho vũ trường Olympia (đường Lê Lợi) và đến năm 1972, lại về phụ trách chương trình ca nhạc của phòng trà Hồng Hoa.

Thời gian này, Nguyễn Ánh 9 sáng tác thêm 2 ca khúc, đó là "Đêm Tình Yêu" và "Mùa Thu Cánh Nâu" (viết chung với một người bạn tên Hoàng Nhu). Hai bài hát này chỉ được thu mỗi bài một lần duy nhất trong những tác phẩm băng nhạc nghệ thuật của Phạm Mạnh Cương phát hành năm 1972 bằng giọng hát Khánh Ly, về sau này, khoảng năm 1981, TT Diễm Xưa mua lại cuốn master "Thương Một Người" gồm 14 ca khúc chọn lọc với giọng ca Khánh Ly, trong số đó có nhạc phẩm "Mùa Thu Cánh Nâu" rất lãng mạn nồng nàn.

Một thời gian dài sau 75, Nguyễn Ánh 9 tạm ngưng các hoạt động âm nhạc, và sống âm thầm làm một người bình thường, bương chải lao động kiếm sống bằng những nghề khác với chính đôi bàn tay nghệ sĩ của mình.

Năm 1982, Nguyễn Ánh 9 mới chính thức tái ngộ trở lại với thế giới âm nhạc, lại tiếp tục tham gia các chương trình hòa tấu và biểu diễn dương cầm khắp nơi. Nguyễn Ánh 9 còn được mời viết nhạc nền cho một số phim như "Mảnh tình nghiệt ngã", "Mênh mông tình buồn..."

Khoảng thời gian 1989 đến 1992, Nguyễn Ánh 9 không còn sáng tác nhiều. Tình ca của Nguyễn Ánh 9 thời gian đó có bài "Cô Đơn". Nhạc phẩm này được Anh nuôi dưỡng và hoàn tất trong 5 năm. Với "Cô Đơn", ta không còn nghe một giai điệu u buồn như những ca khúc xưa mà là những lời triết lý về tình yêu, hạnh phúc mang tiết tấu nhạc bán cổ điển thật nhẹ nhàng. Bài hát này, đã được Khánh Hà thu băng đầu tiên ở hải ngoại trong cuốn CD "Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào" năm 1992...
Năm 1995, Nguyễn Ánh 9 sáng tác thêm ca khúc "Cho Người Tình Xa" là những vần thơ nhẹ nhàng, sâu lắng về một cuộc tình đã dở dang. Năm 1994, Nguyễn Ánh 9 được mời sang Pháp viết nhạc nền cho một bộ phim viết về trẻ em ở Cửu Long của Hội Từ Thiện Pháp và tham gia Hội Sáng Tác Gia Quốc Tế Sacem của Pháp. Nhân đó, Anh đã thực hiện đĩa compact disc độc tấu dương cầm của mình.

Theo Ngọc Trần:
" Nguyễn Ánh 9 và Đoàn Chuẩn có nhiều điểm tương đồng, đều xuất thân là công tử, trong cuộc đời viết không nhiều ca khúc nhưng bài nào cũng nổi tiếng. Điểm khác nhau lớn nhất là Đoàn Chuẩn rất phong tình còn Nguyễn Ánh thì chung thủy. Đoàn Chuẩn mỗi khi rung động bởi một bóng hồng lại viết một vài sáng tác gửi tặng người con gái đó, còn Nguyễn Ánh, hầu như sáng tác cả đời ông (trừ
Cô đơn, Bơ vơ, Tiếng hát lạc loài) đều phảng phất bóng dáng người con gái đầu tiên.
Ông viết Cô đơn từ tâm trạng của mình, sau đó vẫn thấy chưa đủ nên viết tiếp Bơ vơ. Sau Bơ bơ vẫn thấy thiêu thiếu gì đó nên viết Tiếng hát lạc loài. Trong câu kết bài Cô đơn có đoạn: “cô đơn, bơ vơ, tiếng hát lạc loài” - cô đơn là cho Nguyễn Ánh, bơ vơ là chung cho hai người, còn tiếng hát lạc loài là dành Khánh Ly. Kể lại chuyện xưa, Nguyễn Ánh bảo, ông và Khánh Ly gọi nhau là tao - mày. Khi Khánh Ly gặp Nguyễn Ánh tại phòng trà Anh Vũ, ông chuẩn bị lấy vợ. Tính Khánh Ly như đàn ông, hút thuốc lá một cây, không có nét gì ra đàn bà con gái, nhưng được cái tốt. Người ca sĩ và nhạc sĩ quý nhau ở chỗ họ như cặp bài trùng. Người ca sĩ hát hay làm người nhạc công đàn tốt, ngược lại, khi nhạc công cao hứng, tiếng đàn của họ cũng góp phần chắp cánh cho ca sĩ. Một giọng hát có thể nhiều nhạc công đệm hoặc một nhạc công có thể đệm cho nhiều ca sĩ, nhưng để tìm ra hai người ăn ý thì không dễ. Nếu một trong hai người đó mất nhau thì sự cô đơn sẽ rất lớn. “Khi tôi viết bài Cô đơn, người ngoài hiểu đó là cô đơn trong tình yêu, người trong nghề hiểu đó là sự cô đơn trong nghề nghiệp, khi không còn người chia sẻ với mình. Anh em sống gần nhau, có thể có những tình cảm trên mức bình thường một chút nhưng nhìn nhau là đủ rồi. Sau mấy chục năm gặp lại, cũng chỉ cần cầm tay là có thể hiểu hết những gì muốn nói. Những cái trên tình yêu đã trở thành tri kỷ” - Nguyễn Ánh rưng rưng.
Người đầu tiên đưa đẩy Nguyễn Ánh đến sáng tác chính là Khánh Ly. Năm 1970, phía Nhật mời Nguyễn Ánh - Trịnh Công Sơn - Khánh Ly sang biểu diễn. Trịnh Công Sơn vì trục trặc giấy tờ quân dịch không thể đi. Sang đó, Ban tổ chức yêu cầu, Nguyễn Ánh không được dùng piano mà phải dùng guitar cho đúng kiểu nhạc Trịnh. Rồi nhân lần Khánh Ly hỏi về mối quan hệ với người cũ, ông mới cao hứng ôm đàn mà hát: “Không, không, tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa” - nhờ thế mà nhạc phẩm nổi tiếng Không đã ra đời.
Nguyễn Ánh vẫn nhớ như in, ngày 18/8/1970 - khi đi hát xong ở Tokyo, ông bắt Khánh Ly phải về Sài Gòn bằng được dù Khánh Ly còn muốn ở Nhật chơi. Khánh Ly rất tức về đến nơi mới biết, đó là ngày sinh nhật vợ Nguyễn Ánh. Sau lần đó về, Khánh Ly làm đám cưới với chồng thứ hai. Trong lễ cưới, Khánh Ly chẳng ngần ngại lại trêu vợ Nguyễn Ánh rằng: “Nói cho bà hay, đáng nhẽ chỗ đứng cạnh ông ấy không phải là bà đâu”.
 
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten