woensdag 7 maart 2012

Những mỹ nhân siêu giàu của Trung Quốc

6/3/2012

Từng phải ngủ giữa một bên là chuồng lợn và bên kia là chuồng gà; đi làm ban ngày và học ban đêm; nằm trên bàn học vì không có nổi cái giường, những nữ tỷ phú giàu có nhất Trung Quốc nay đều xinh đẹp và tự hào về con đường làm giàu gian khó mà họ đã đi.


Trong năm con rồng này, tác gia nổi tiếng người Mỹ gốc Hoa Amy Chua khắc họa chân dung bốn phụ nữ quyền lực của Trung Quốc. Họ đã vượt lên những quan niệm truyền thống để trở thành những người giàu, siêu giàu.

Sau những phấn đấu không ngừng, Trung Quốc giờ đây đang mong muốn đạt được vị trí đứng đầu trong nhiều lĩnh vực. Đó là đất nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Trung Quốc cũng tự hào là nước có nhà máy thủy điện lớn nhất cùng với các trung tâm mua sắm và trang trại cá sấu (nuôi dưỡng khoảng 100,000 con thuộc loài động vật dữ tợn này). Trung Quốc cũng đang xây dựng sân bay lớn nhất thế giới, kích cỡ bằng với hòn đảo Bermuda. Và bây giờ cường quốc này có số lượng nữ tỷ phú giàu lên do quá trình tự thân phấn đấu nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Ba nữ tỷ phú Zhang Lan, Yang Lan và Zhang Xin. Ảnh: News Week.

Điều này chắc chắn không phải vì Trung Quốc có số lượng phụ nữ nhiều hơn các quốc gia khác. Nhiều người trong số những phụ nữ xuất chúng này khởi nghiệp từ con số không, mặc dù họ phải sống trong một xã hội có truyền thống trọng nam khinh nữ. Chính những người này là hình mẫu quảng cáo tốt nhất cho một đất nước Trung Quốc mới - táo bạo, phát triển về kinh doanh và từ bỏ các hủ tục.

Bốn phụ nữ xuất sắc trong số những phụ nữ đầy quyền lực và hấp dẫn của Trung Quốc là Zhang Xin - từ một công nhân nhà máy đã trở thành một tỷ phú bất động sản quyến rũ, thu hút đến ba triệu người đăng ký nhận cập nhật mới nhất từ tài khoản của bà trên Weibo, kiểu như Twitter của Trung Quốc; Yang Lan - bà trùm một talk-show, người có nét pha trộn của cả Audrey Hepburn và Oprah Winfrey; Zhang Lan - nữ tỷ phú trong lĩnh vực nhà hàng, người đã từng phải ngủ giữa một bên là chuồng heo và bên kia là chuồng gà; Peggy Yu Yu - nhà đồng sáng lập và cũng là CEO của một công ty bán lẻ trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc.

Bốn phụ nữ này nổi tiếng ở các lĩnh vực khác nhau nhưng ở họ có một điểm chung là không ai trong số họ được hưởng thừa kế tiền bạc từ gia đình. Không giống như những người Trung Quốc giàu có khác, những người luôn ngần ngại không muốn công khai con đường đưa họ đến sự giàu có, bốn phụ nữ này tự hào kể các câu chuyện về họ.

Làm thế nào để những người phụ nữ này có thể đứng đầu ở phương Đông? Liệu họ có phải trả giá, cả trong cuộc sống gia đình và sự nghiệp? Ở họ có điều gì khác với những người đồng hương nổi tiếng chăm chỉ, cần cù?

"Khi tôi đặt ra mục tiêu khám phá những câu hỏi này, sự quan tâm của tôi có phần nào đó mang tính cá nhân", tác giả series bài giới thiệu về các nữ tỷ phú, Amy Chua, viết. "Tất cả bốn phụ nữ mà tôi đang tìm hiểu đều có một thời gian dài sống ở phương Tây. Bản thân tôi cũng là một người Mỹ gốc Hoa, và giờ là một bà mẹ hổ khét tiếng. Tôi thực sự tò mò: làm thế nào mà Trung Quốc có được những 'con hổ cái' mới này?"

Ở những phụ nữ này, trong một cách riêng nào đó, là sự kết hợp năng động của phương Đông và phương Tây. Có lẽ đây là một bí mật trong sự thành công ngoạn mục của họ.

Zhang Xin, nữ tỷ phú bất động sản


Zhang Xin, đồng sáng lập tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc Soho. Ảnh: Forbes
Zhang Xin, đồng sáng lập tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc Soho. Ảnh: Forbes

Câu chuyện làm giàu từ mớ giẻ rách của Zhang Xin bắt đầu từ nước Anh. Bà sinh năm 1965, tại Bắc Kinh. Vào năm sau đó, chủ tịch Mao phát động cuộc cách mạng văn hóa, hàng triệu người bao gồm các nhà trí thức và những người bất đồng chính kiến bị thanh trừng hoặc là bị cưỡng bức di dời đến những vùng nông thôn hẻo lánh. Con cái của những gia đình này được khuyến khích đi theo bố mẹ và giáo viên của họ, những người bị cho là phản cách mạng. Trở về Bắc Kinh năm 1972, Zhang nhớ rằng bà đã phải ngủ trên bàn làm việc, xếp sách chồng lên nhau làm gối đầu. Năm 14 tuổi, bà cùng mẹ tới Hong Kong. Tại đây, trong năm năm liền, ban ngày bà làm việc ở một nhà máy và ban đêm đến lớp học.

“Tôi là đứa trẻ bất hạnh,” bà nói. Trong chiếc áo choàng da sang trọng và tiếng cười dễ khiến người đối diện phải cười theo, nhà đồng sáng lập đế chế bất động sản Trung Quốc Soho trị giá 4,6 tỷ USD ngày nay là sự kết hợp kỳ lạ giữa sự tính toán một cách cẩn thận cũng như những táo bạo có tính ngẫu hứng. “Mẹ tôi ép buộc tôi học rất vất vả. Những người thuộc thế hệ đó không biết cách thể hiện sự yêu quý.”

“Nhưng không phải chỉ với mình tôi. Cả đất nước Trung Quốc lúc đó đều như vậy. Tôi nghĩ rằng chẳng ai cảm thấy vui vẻ cả. Nếu nhìn lại những bức ảnh thời đó, sẽ chẳng nhìn thấy ai mỉm cười.” Bà cũng nhắc đến họa sĩ đương đại Zhang Xiaogang, người vẽ những khuôn mặt lạnh lùng, và vô cảm. “Chúng tôi đã lớn lên theo cách như vây.”

Năm 20 tuổi, liều lĩnh bỏ trốn, Zhang đã tới nước được Anh với vốn liếng không gì hơn ngoài một quyển từ điển, một cái chảo và một con dao phay. “Giây phút tôi đặt chân đến Anh, mọi thứ đã thay đổi,” bà nói. Ở Trung Quốc, “không thể tin rằng một người như tôi lại có thể được vào học ở trường đại học. Tuy nhiên, ở Anh có ai không đi học đại học đâu. Đó là bởi vì, nếu bạn không có tiền, bạn có thể nộp hồ sơ xin tài trợ để theo học.”

Tình cảm của Zhang đối với phương Tây bắt đầu từ đó. Ở Đại học Sussex, “Tôi đọc rất nhiều về lịch sử, triết học. Tôi cũng rất yêu thích opera. Tôi đi du lịch nhiều và say mê khám phá văn hóa phương Tây, nền văn minh khai sáng.” Vào năm 1992, một năm sau khi tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế ở Trường đại học Cambridge, bà vào làm việc cho Goldman Sachs ở phố Wall.

Mặc dù vậy, Zhang mong mỏi được trở về Trung Quốc. Năm 1994, trong khi ở Bắc Kinh, bà gặp Pan Shiyi - một nhà tài phiệt bất động sản với một xuất thân rất khiêm tốn, nhưng lúc đó Pan Shiyi đã khá thành công với việc đầu cơ đất đai trong thời kỳ ban đầu của những bong bóng bất động sản ở Trung Quốc. Một tình yêu sét đánh, chỉ bốn ngày sau, hai người đính hôn. Một năm sau họ thành lập công ty là công ty tiền thân của Soho bây giờ ở Trung Quốc.

Những ngày đầu đối với họ không hề dễ dàng. Quan điểm có phần táo bạo do ảnh hưởng của phương Tây của Zhang đụng độ với những ý kiến thiên về truyền thống nhiều hơn của chồng bà khiến họ cãi nhau liên tục. Một số đồng nghiệp của Pan chê rằng bà như là một người “vợ ngoại” của Pan… Cuối cùng cũng đến lúc họ chia tay. Zhang trở về Anh.

Tuy nhiên sau đó hai người vẫn tiếp tục qua lại với nhau. Họ đã có với nhau hai con trai. Sự kết hợp những mánh lới làm ăn của Pan ở Trung Quốc cùng với tài năng của Zhang trong việc tìm ra các ý tưởng về các mẫu thiết kế đã đưa họ trở thành những nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản ở Bắc Kinh. Trong một thập kỷ qua họ chính là một cặp đôi nổi tiếng nhất của Bắc Kinh, tổ chức các bữa tiệc với khách mời là những nhân vật nổi tiếng, đồng thời tiến hành xây dựng những tòa nhà được cho là biểu tượng của thành phố này.

Zhang, một trong số 50 phụ nữ quyền lực nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Forbes, đã tạo ra khu phức hợp tuyệt vời của Trung Quốc có tên Commune gần Vạn lý trường thành, công trình đã mang về cho Zhang giải thưởng Venice Biennale vào năm 2002. Nằm ngay dưới chân Vạn lý trường thành, khu phức hợp này bao gồm các tòa biệt thự riêng được thiết kế bởi 12 kiến trúc sư lừng danh châu Á.

Zhang quan niệm rằng sự thiếu các ý tưởng là một căn bệnh trầm kha ở Trung Quốc. “Để tiến lên, chúng ta cần những người có thể phát minh. Lý do Trung Quốc không có được một nhân vật như Steve Jobs là vì hệ thống giáo dục. Hệ thống này cần phải đổi mới cùng với các hệ thống khác. Trung Quốc không đào tạo ra những con người để tư duy.”

Zhang cho rằng bà có nhiều điểm tương đồng với Steve Jobs. “Giống như ông ấy, tôi là một người cầu toàn.” Với mọi mẫu thiết kế mà các nhân viên trình lên, “Tôi đều nói ‘Không tốt, không tốt!’ Tôi có thể tức giận bởi vì khi tiêu chuẩn của bạn cao và những người khác thì không đáp ứng được, bạn thấy rất thất vọng”.

Thành công vậy, song Pan và Zhang vẫn luôn cảm thấy thiếu thốn về mặt tâm linh. Năm trước cả hai đã cải đạo. Những trải nghiệm mới, theo Zhang, đã thay đổi hoàn toàn con người bà. “Không phải chỉ có động lực hay tiêu chuẩn của tôi thay đổi, bây giờ tôi hiểu ra rằng chúng ta cần giúp mọi người phát triển và nhận thức được tầm quan trọng của mình.”

Trong vai trò người mẹ, Zhang vẫn dạy dỗ con cái theo cách của Trung Quốc hơn là phương Tây. Khi hai cậu con trai của bà đi học về, Zhang bắt chúng phải luyện viết chữ tiếng Trung hai tiếng mỗi ngày, không cho phép chúng sang nhà bạn chơi hay ra ngoài đá bóng.

Phần tiếp: Nữ tỷ phú truyền thông Yang Lan

Cao Thu (theo NewsWeek)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten