Phạm Xuân Ðài
“Xe lên” là một chuyến xe đầy ắp sự kiện. Ngoài mấy chủ đề lớn là phỉ, cuộc chiến biên giới và băng đảng tội ác, tác giả Nguyễn Bình Phương còn rỉ rả kể cho chúng ta nghe những câu chuyện thuộc về từng dân tộc thiểu số trong những địa phương mà chuyến xe lên đã đi qua. Ðó là những câu chuyện nho nhỏ nhưng rất điển hình, khắc họa tính cách hoặc hoàn cảnh sống của từng cộng đồng người, cũng thuộc dân tộc Việt Nam đấy, nhưng hầu như đại đa số người Việt chẳng ai biết gì về họ. Chính vì thế tôi coi những câu chuyện loại này là những khảo sát có tính chất dân tộc học. Trên vùng rừng núi mênh mông ấy chỗ nào cũng có một nhóm dân tộc sinh sống, mà đã có người ở thì một dòng sông, dòng suối, một ngọn núi đều có thể là một đề tài. Họ đã sống bao lâu trên những đỉnh cao lạnh ấy, cuộc sống khắc khổ hay êm đềm đều để dấu vết trên tâm hồn họ, ngôn ngữ và tính cách họ, từ ngày xửa ngày xưa cho tới hôm nay. Có những câu chuyện cho thấy thời xưa đôi khi không có ranh giới rõ ràng giữa người và vật.
“Vả lại ăn thịt người đâu phải là chuyện hiếm. Giỏng tai lên có thể nghe ở bất cứ đâu những câu chuyện như thế. Sách cổ ghi lại chuyện ở vùng Phong Khê, Bạch Hạc có loài đười mặt ngay ngắn như mặt người, lại nói được tiếng người, giọng rất buồn, buồn đến mức khi nghe hai con đười nói chuyện với nhau thì ai cũng não lòng chảy nước mắt. Ngày kia, viên huyện lệnh được một người mời đến nhà khoản đãi. Viên huyện lệnh nhìn quanh, không thấy đồ nhắm gì ngoài cái cũi nhốt một con đười trong đó, bèn hỏi chủ nhà: Ðãi ta món gì đấy? Chủ nhà chưa kịp trả lời thì đười nói: ‘Chỉ có rượu nhắm với thịt tôi thôi.’ Mình cho rằng đười thực ra cũng là một loại người thiểu số như những người thiểu số bây giờ.”
Trong khoảng thập niên 1960 của thế kỷ trước, tạp chí National Geographic của Mỹ có bài nghiên cứu về một nhóm người hoàn toàn sơ khai trong rừng núi Phi Luật Tân, với nhiều hình ảnh cho thấy họ chưa có nhà cửa, chưa biết mặc áo quần, thức ăn là những con đuông, con sâu còn sống bày trên một tàu lá chuối. Liên hệ với loại “đười” mà Nguyễn Bình Phương viết ở đây, có thể nói rằng loài người tiến hóa không đồng đều, trong khi đại đa số đã phát triển cao, vẫn còn những nhóm mà ngay cả tiếng nói còn chưa hoàn chỉnh, và tôi nghĩ đó là lý do khiến người đã phát triển cao hơn nghe họ nói “thì ai cũng não lòng chảy nước mắt.”
Có những vùng, rất cao như trên đỉnh Tà Vần, con người sống trong sự thoáng đãng và yên tĩnh hầu như tuyệt đối, nhưng tai họa thì lại không hiếm. Con chim bay trên trời có khi cũng là một nguy hiểm chết người.
“Có hai bóng chim lầm lừ sóng đôi lượn ngay trước tầm mắt mọi người. Không rõ đó là loại chim gì. Lái xe buông một tay khỏi vô lăng, co duỗi thư giãn, bảo:
- Ðại bàng đấy.
- Vùng này cũng có đại bàng ấy à? Lạ nhỉ?
Mình thắc mắc.
- Nhiều là đằng khác - Lái xe bình thản khẳng định - chúng nó từng quắp cả trẻ con về tổ để ăn. Còn bắt lợn gà là chuyện bình thường.
Trang rú lên. Lái xe nói người dân tộc đi nương thường mang theo trẻ con, để ở chỗ mát, nhiều khi mải làm quên luôn cả chúng. Ðại bàng từ trên cao thấy đứa trẻ ngoe nguẩy, cho đó là con mồi, thế là vụt xuống quắp lên. Lúc ấy bố mẹ chỉ biết đứng dưới mà ngửa mặt kêu gào. Trẻ sơ sinh dân tộc bắt đầu với thế giới này bằng vô vàn những bất trắc. Không ít đứa bị bố mẹ bỏ quên trên nương, về gần nhà mới sực nhớ, quay lại thì chỉ thấy còn sót một mảnh áo đầy máu với những vết chân hổ to như cái bát tô, chồng chéo.”
Còn địa bàn sinh sống của một giống người gọi là La Chí mới thật lạ lùng. Cái gì khiến họ chọn một địa điểm cao nhất quanh năm chỉ có mây mù và giá lạnh, với chim chóc lạ, đá lạ, cây lạ:
“ -Cao nhất ở vùng Ðông bắc này là đỉnh Lũng Tẩu.
(...) Ðó là thánh địa của một nhóm người La Chí. Họ chiếm trọn cái đỉnh ấy, quanh năm sống trong mây, trong giá lạnh, trong dồng dộng gió. Ðỉnh cao hoang lạnh ấy cũng là nơi họa mi chúa sống. Con họa mi chúa trắng từ đầu tới chân, hiếm ai nhìn thấy, nó thống trị tất cả họa mi ở dải Tây Côn Lĩnh. Mỗi khi họa mi chúa hót, lá trên đỉnh Lũng Tẩu đổi màu và sương sẽ rơi xuống như mưa. (...) Một đặc điểm quan trọng: Người La Chí rất giỏi đọc ý nghĩ của kẻ khác nhưng khó ai đọc được ý nghĩ của họ. (...) Người La Chí thích hát, bài hát của họ thanh thoát hơn các dân tộc khác. Chính vậy mà họa mi chúa mới chọn sống với họ. (...) Trước khi xảy ra cuộc va chạm, dân nước họ vẫn vượt qua biên giới, lần mò lên tận đỉnh Lũng Tẩu để lấy cây và đá về làm cảnh. Những cây tùng mọc trên đỉnh núi này có tuổi hàng vài trăm năm nhưng lại chỉ nhỉnh hơn ngón chân cái một chút, dáng của chúng rất đẹp. Theo hắn có hai lý do: Thứ nhất cây mọc trên đá, nên cằn, thứ hai, gió ở đây nhiều, vì thế mà cây luôn vặn vẹo theo đủ các dáng. Ðá của đỉnh Lũng Tẩu còn kỳ bí hơn bởi nếu mang xuống vùng đồng bằng khí hậu khô thì có khả năng tự phát ra âm thanh. Sống trên đỉnh Lũng Tẩu có thể thọ đến trăm hoặc trăm rưỡi vì khí hậu cực tốt.”
Khi đọc những trang Nguyễn Bình Phương viết về các dân tộc thiểu số trên vùng biên giới, tôi bỗng sực nhớ tôi đã có dịp tiếp xúc với họ, không chỉ một vài người mà cả một tập thể đông đảo. Thực lạ lùng là dịp gặp gỡ ấy cũng liên quan đến trận chiến 1979. Từ năm 1976 chúng tôi, một nhóm công chức thuộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa được đưa đi “cải tạo” tại trại Thanh Cẩm trên miền thượng du tỉnh Thanh Hóa. Năm 1981 tôi bị tai nạn vỡ xương bánh chè, người chữa cho tôi là một tù nhân người Trung Quốc, và những lá thuốc cần thiết cho việc chữa chạy lại hoàn toàn do những người dân tộc này hái trên núi quanh trại Thanh Cẩm. Tôi nhớ là tôi đã có viết về sự kiện này, vội đi tìm chồng báo cũ, và may quá đã tìm ra bài viết trên các số báo Thế Kỷ 21 đầu năm 1995, xin trích mấy đoạn liên quan. Trước hết là ông thầy thuốc người Tàu tên Phi:
“Phi là một tù nhân người Tàu độ 35 tuổi, đậm người, mặt tròn, bị bắt năm 1975 vì xâm nhập Việt Nam bất hợp pháp và bị kết tội gián điệp, ở Hỏa Lò Hà Nội một thời gian dài, mới được chuyển đến trại này mấy tháng nay. (...)Vừa là thầy thuốc giỏi, vừa chuyên về xương, sự hiện diện của anh ta giữa lúc này giống như là một sắp xếp của màn kịch định mệnh.” (Phạm Xuân Ðài, Chuyện cái đầu gối, Thế Kỷ 21 số 69, Jan. 1995).
Và đám tù nhân người dân tộc thiểu số đã đi hái lá thuốc để chữa chân cho tôi:
“Tất cả các thứ thuốc mà Phi có được đều là cây cỏ quanh vùng đem về sao chế. Có điều kẹt là Phi không được phép đi ra khỏi trại, các loại cây lá đều phải nhờ người khác hái trong khi đi lao động bên ngoài. Thường người Việt Nam không làm được việc này, vì Phi không biết các loại cây cỏ làm thuốc ấy tiếng Việt gọi là gì, mà mô tả hình dạng thì người được nhờ không thể nào nhận ra giữa vô số cây cối của núi rừng nhiệt đới. Cũng may là thời ấy có những đội toàn là người Tàu, Phi nhờ họ kiếm được khá đầy đủ lá thuốc. Thật ra đám tù nhân ấy không hẳn là người Tàu, họ là các sắc dân thiểu số sống ở vùng gần biên giới Tàu, có thể nói tiếng Việt, tiếng Tàu và thổ ngữ của họ. Sau trận chiến với Trung Quốc năm 1979, các sắc dân ấy, mà Hà Nội nghi là thân Tàu, bị tập trung hàng loạt nhốt một chỗ cho chắc ăn, chứ thật ra họ không có tội tình gì cả. Họ toàn là dân sống ở miền núi nên cây cỏ họ cũng rành lắm. Ðối với một vài sắc dân thảm cảnh đã xảy ra: bị bắt vào tù họ đã chết hàng loạt, đến độ trại mộc dù làm hết công suất cũng không thể cung cấp đủ hòm để chôn kịp, cuối cùng đành phải quấn chiếu mà chôn. Ðó là những giống dân ở vùng núi cao, họ trồng cây thuốc phiện và dùng thuốc phiện hàng ngày như ăn cơm, uống nước, khi vào tù cơ thể họ không chịu nổi tình trạng thiếu thuốc, cứ rũ liệt, héo tàn dần dần không có cách gì cứu chữa được (dĩ nhiên có một thứ thuốc có thể chữa được, là thuốc phiện, nhưng kiếm đâu ra). Cái chết của họ thực thương tâm, họ đã sống hồn nhiên như cây cỏ, đã say sưa với chất nhựa ma túy lấy từ thiên nhiên chung quanh họ là những đỉnh cao lạnh lẽo mù sương, chắc cả đời họ chẳng biết đến những chuyện chính trị như kẻ này cần dạy cho kẻ kia một bài học, thế mà một hôm họ bị gom vào tù, rời khỏi môi trường cố hữu của họ, và gục chết. Chết không kịp chôn.” (Phạm Xuân Ðài, Chuyện cái đầu gối, Thế Kỷ 21 số 70, Feb. 1995).
Trên chuyến “xe lên” Nguyễn Bình Phương có nhắc đến vùng thuốc phiện.
“Huyện tặng đoàn hai can mật ong hoa bạc hà. Hồi chưa cấm trồng thuốc phiện thì mật ong hoa thuốc phiện là nhất, giờ thì mật ong hoa bạc hà là nhất. (...)Thời kỳ Pháp cai trị, vùng này là nơi cung cấp thuốc phiện cho toàn bộ Ðông Dương.”
Ðó là địa bàn của người Mèo, nơi có con sông Nho Quế chảy qua. Trong lịch sử, sông Nho Quế đã mấy lần biến thành màu đỏ vì các cuộc tàn sát, và trong cuộc 1979, nó lại được nhuộm đỏ bởi máu Tàu lẫn máu Việt.
Người Mèo là một dân tộc thiểu số được biết đến nhiều, nhưng ít ai biết điều này:
“Người Mèo ít khi sử dụng ưu thế của đôi mắt, họ không dùng nó để biểu cảm như các dân tộc khác. Ðối với họ, mắt chỉ thuần để nhìn, không phải để xét đoán.”
Tôi không biết do duyên nợ từ kiếp nào mà tôi, một người miền Nam, lại có dây dưa với dân tộc trồng thuốc phiện này, nhân cuộc chiến 1979 mà họ vào Thanh Hóa, giúp đi hái lá thuốc để chữa chân cho tôi. Và hôm nay, 30 năm sau, tôi lại ngồi săm soi tác phẩm của Nguyễn Bình Phương, cũng về cuộc chiến ấy, để tìm dấu vết của một cuộc khảo sát dân tộc học về người Mèo ở tuốt từ trên đỉnh núi cao, những người một thời đã lừng lẫy sống vì thuốc phiện, và cũng đã chết vì thuốc phiện.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=143534&z=271
Geen opmerkingen:
Een reactie posten