Phi cơ do thám U-2 cũ kỹ nhưng lừng danh trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh vừa tránh được cảnh phải 'nhận sổ hưu', và tiếp tục có trong biên chế không quân Mỹ tới năm 2025.
> Máy bay do thám Mỹ rơi tại Hàn Quốc
> Máy bay do thám Mỹ gặp nạn
Máy bay do thám U-2 của không quân Mỹ. Ảnh: Military-aircraft |
Như một phần trong các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà Lầu Năm Góc công bố, giới chức quân sự Mỹ kết luận rằng máy bay do thám U-2, được sản xuất từ những năm 50 thế kỷ trước, lại có giá trị sử dụng cao hơn phiên bản không người lái mang tên Global Hawk, vốn được dự kiến sẽ thay thế U-2 vào năm 2015.
Video máy bay do thám U-2 |
Cả U-2 và phiên bản không người lái Global Hawk đều có thể bay ở độ cao lớn trong những chuyến bay giám sát trên bầu trời Afghanistan, hoặc bất cứ nơi nào khác. Chúng đều có thể ghi được những hình ảnh cũng như có khả năng nghe trộm các cuộc điện đàm.
Tuy nhiên, các cảm biến của máy bay do thám U-2 cho hình ảnh có chất lượng cao hơn thiết bị tương tự của Global Hawk, tướng không quân Mỹ Larry Spencer nói. "Sẽ rất tốn kém nếu muốn trang bị cho Global Hawk những khả năng tốt như U-2", ông Spencer cho biết thêm.
Trong yêu cầu ngân sách cho năm tài khóa 2013, Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay sẽ hủy việc mua 18 mẫu "Block 30" của phiên bản Global Hawk, đồng thời đề xuất kéo dài hoạt động của U-2 tới năm tài khóa 2025.
Máy bay do thám không người lái Global Hawk Block 30. Ảnh: Globaldefencenews |
"Global Hawk Block 30 ban đầu cho thấy rất nhiều hứa hẹn. Nó được kỳ vọng thay thế U-2 và chúng tôi đã nghĩ rằng có thể làm việc này với chi phí ít tốn kém hơn. Tuy nhiên, mọi việc không suôn sẻ và giá thành của Global Hawk Block 30 là quá đắt đỏ", tướng Spencer cho hay.
Những người ủng hộ Global Hawk thì cho rằng mẫu máy bay không người lái này có thể thực hiện những nhiệm vụ ở xa hơn so với mẫu phi cơ do thám có người lái U-2, vốn chỉ có thể hoạt động trên không trong vòng 12 giờ.
Mẫu máy bay do thám U-2 thân dài và cánh hẹp được thiết kế để phát hiện các tên lửa hạt nhân của Liên Xô cũ. Trong năm 1960, mẫu phi cơ này là tâm điểm của một cuộc khủng hoảng quốc tế, sau khi phi công người Mỹ Francis Gary Powers cùng một chiếc U-2 bị bắn rơi trên bầu trời Liên Xô. Hai năm sau, chính mẫu máy bay U-2 đã ghi lại được những hình ảnh ấn tượng về những vũ khí của Liên Xô, gây nên cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba.
U-2 vẫn là một máy bay do thám quan trọng trong phi đội của không quân Mỹ từ nhiều thập kỷ qua. Trong các cuộc chiến của Mỹ tại Iraq và Afghanistan, U-2 được sử dụng phổ biến, vì các chỉ huy quân đội Mỹ muốn sử dụng những bức ảnh có độ phân giải cao và khả năng nghe trộm của phi cơ do thám này, nhằm theo dõi các phần tử nổi dậy cũng như phát hiện bom.
Nhật Nam
Geen opmerkingen:
Een reactie posten