Phi Khanh/Người Việt
Về quê ăn Tết, đó là nỗi mong chờ của nhiều người xa quê, nhất là những người sống ở nước ngoài, sau một thời gian dài bôn ba nơi đất khách.
Bến xe, ga tàu, những nơi đông người... vốn là chỗ để cho những kẻ lừa bịp, cướp giật rình rập hoạt động, đặc biệt trong mùa Tết này. (Hình: Phi Khanh/Người Việt) |
Ðược về nhà, thăm lại mảnh vườn xưa, thắp ông bà một nén nhang, uống với bạn bè một ly rượu, thăm hỏi nhau mấy tiếng, chúc nhau vài câu năm mới...
Ðiều đó trở thành tiếng gọi thôi thúc tâm hồn mỗi độ năm hết, Tết về. Nhưng, với những Việt kiều, về thăm quê hương, đôi khi trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi bởi gặp chuyện không may, chuyện trớ trêu, cười ra nước mắt. Có những trường hợp mà Việt kiều nên tránh trong dịp Tết để khỏi phải đau đầu vì chuyện về quê.
Thời gian gần đây, người ăn xin đểu (hoàn cảnh không khó khăn gì nhưng lại tạo ra kịch bản éo le để lay động lòng trắc ẩn người khác hoặc tạo ra đường dây ăn xin để thu lợi) xuất hiện nhiều ở các bến xe, nhất là các bến xe lớn hoặc các trạm chờ xe buýt.
Thường, trên các chuyến xe, hay xuất hiện hai mẹ con ẵm nhau, tay bình tay quai lỉnh kỉnh, lên xe chừng 10 phút thì đứa bé (chừng 3 tháng tuổi) khóc thét lên, người mẹ la lên rằng đứa bé bị bệnh nặng, cần vào bệnh viện, cần xuống xe gấp mà hết tiền, nhờ mọi người giúp đỡ...
Thường thì mọi hành khách thấy thương tình, góp tay cho tiền hai mẹ con họ. Nhưng hành khách không hề hay biết mình bị lừa, đây là chiêu lừa đảo mọc lên nhan nhản trong những ngày giáp Tết, đứa bé đó chưa chắc đã là con của người đàn bà kia, vì có cả một đường dây dịch vụ cho thuê trẻ nít để ẵm đi ăn xin.
Và hơn nữa, nếu chịu khó theo dõi, người đàn bà đó xuống xe xong, sẽ đón xe khác và ‘thao tác’ y như trên chiếc xe ban đầu để kiếm tiền, ngày mai lại chọn tuyến đường khác để làm ăn.
Ðương nhiên, làm người, thấy người khác lâm vào khốn đốn mà không giúp thì e rằng ray rứt không yên, nhưng khi giúp, chịu khó quan sát, nếu đến đoạn đường vắng, mà có hai mẹ con đòi xuống xe, đứa bé khóc thét lên (vì bị véo vào lưng) và xảy ra xin tiền thì nên cẩn thận, vì nếu người thương con thật sự, họ sẽ nhờ nhà xe đưa con họ đến bệnh viện gần nhất, không ai ẵm đứa bé bệnh nhảy xuống đường vắng làm gì, điều này bất minh, nên cẩn thận!
Trường hợp vào quán nhậu, nên cẩn thận với các cô gái trẻ lân la làm quen, ngồi uống vài ly, sau đó cùng nhậu, nói chuyện rôm rả rồi rủ đi chơi, dạo phố, tìm thắng cảnh đẹp và tìm phòng trọ qua đêm.
Phải hết sức cẩn thận với loại người này, vì đây là dạng gái mồi chài của những tú ông thứ thiệt. Nói là tú ông thứ thiệt bởi các tú ông này vốn là chồng của những cô gái này, do ham mê cờ bạc, xúi hoặc ép vợ mình đi làm chuyện bất lương, lừa người có tiền, đặc biệt mồi chài Việt kiều vào nhà trọ rồi tú ông xuất hiện, bắt quả tang, với đầy đủ giấy tờ đăng ký kết hôn giữa tú ông và cô gái mồi chài, hù dọa và tống tiền...
Ðây là chiêu khá tinh vi, vì khi đi chơi với khách, cô gái có đầy đủ giấy tờ tùy thân, vào thuê phòng, cô gái đứng ra bảo lãnh cho khách, làm cho khách có niềm tin, chủ quan... Và đến khi sự việc xảy ra, anh chồng tú ông cũng căn cứ trên chứng minh nhân dân trên nhà trọ đối chiếu với giấy đăng ký kết hôn của anh ta mà quát tháo, hù dọa... Vố này đau tức ngực cho những ông ham vui, vì có mất hết tiền cũng không dám hé răng, nếu báo với công an thì khác nào tự tố mình vi phạm luật.
Khi đi đường, nên hết sức cẩn thận, những phụ nữ có thói quen dùng trang sức nên gói kĩ, cất vào nơi an toàn, không nên đeo trong người, vì rất có thể bị cướp giật bất kỳ giờ nào, đặc biệt có người còn bị chặt đứt cánh tay hoặc bị giật ngã xuống đường, chấn thương sọ não vì đeo tư trang.
Túi xách, an toàn nhất là không nên bỏ hộ chiếu, số tiền lớn hoặc vàng bạc trong đó. Vì đã có rất nhiều người bị cướp giật trắng tay khi bước vào Việt Nam.
Tuyệt đối không nói chuyện điện thoại di động lúc chạy xe gắn máy, nếu cần thiết phải nghe thì nên dừng xe vào lề đường để nói chuyện. Ðã nhiều người bị giật điện thoại trong lúc chạy xe gắn máy, ngã nhào và phải đi cấp cứu.
Khi đi taxi cần lưu ý, phải coi kỹ tên hãng taxi, bảng số xe trước khi bước lên xe, khi lên xe rồi, phải coi đồng hồ tính tiền nhảy như thế nào, nếu đi chừng 1 km mà thấy nó nhảy trên 15,000 đồng thì phải hỏi ngay tài xế giá thành mỗi km, trường hợp tài xế không trả lời hoặc trả lời cao quá thì nên yêu cầu dừng xe, thanh toán tiền và xuống xe ngay tức khắc, đừng để đi chừng vài km phải trả vài chục đô la và thậm chí còn bị đe dọa. Quan trọng nhất là phải coi tên của hãng taxi có ghi trên thành xe hay không và đèn chụp trên mui taxi có hay không, nếu không có hai thứ đó thì đừng lên chiếc taxi đó.
Trường hợp ông H., một người quen thân của tôi, hiện định cư tại tiểu bang California, Mỹ, năm ngoái về quê ăn Tết, nhậu quá chén với mấy người bạn già, khi rời quán nhậu, đi tìm xe ôm, gặp một thanh niên lịch sự đứng bên đường, hỏi ông có đi xe ôm không, ông lên xe. Ði một đoạn, hỏi thăm mấy câu, ông H. kể thật mình vừa đi nhậu với mấy bạn già về, anh thanh niên nhận người quen, nói là con trai ông T. - bạn của ông H., mời ông H. đi uống cà phê.
Uống xong ly cà phê, ông H. không biết gì nữa, cứ đi theo anh thanh niên này như bị bỏ bùa (theo ông H. thì rất có thể là đã bị bỏ bùa), khi về đến đầu làng, anh thanh niên bỏ ông H. xuống xe đi bộ, tỉnh lại, ông H. phát hiện ra mình mất toàn bộ số tiền gần 3,000 đô la và giấy tờ, dở khóc dở cười...
Còn rất nhiều chuyện mà Việt kiều về nước nên đề phòng để khỏi rước họa vào thân. Ðương nhiên, về quê là nhóm lại chút lửa ấm quê nhà, là chia sẻ câu chuyện tha hương với người ở lại, là gắn kết thêm chút tình đất, tình người... Nếu đề phòng quá thì e rằng sẽ khó mà sống vui, ăn Tết mất hết ý vị. Nhưng nếu không đề phòng, thì e rằng còn ốt dột gấp bội lần!
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=142977&z=268
Geen opmerkingen:
Een reactie posten