Vụ sáp nhập đình đám này sẽ tạo nên một thị trường chứng khoán xuyên Đại Tây Dương quy mô lớn nhất thế giới. Vốn hóa của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn có thể lên tới hơn 21.000 tỷ USD.
Các cổ đông của hãng điều hành Sở Giao dịch chứng khoán Frankfurt (Đức) - Deutsche Boerse vừa thông qua trong ngày 14/7 kế hoạch sáp nhập (M&A) với Công ty mẹ của Sở Giao chứng khoán New York (NYSE).
Vụ M&A sẽ tạo ra một thị trường chứng khoán với vốn hóa lên tới hơn 21.000 tỷ USD. Ảnh: AP |
Theo đó, Deutsche Boerse sẽ chi 9,4 tỷ USD để mua lại NYSE Euronext, công ty đang điều hành Sở Giao dịch chứng khoán New York và sàn giao dịch lớn thứ 2 châu Âu Euronext. Trước đó, cổ đông của cả NYSE và Euronext cũng đã thông qua kế hoạch sáp nhập này.
Vụ M&A kỷ lục này sẽ cho ra đời một công ty lớn nhất thế giới (chưa xác định tên gọi) trong lĩnh vực quản lý hoạt động của thị trường chứng khoán. Tổng vốn hóa cả 3 thị trường nói trên, tính đến hết năm 2010, đã đạt trên 21.000 tỷ USD. Thương vụ sẽ còn phải chờ các cơ quan quản lý tại Mỹ và châu Âu phê duyệt trước khi chính thức được thực hiện.
Theo hãng tin Bloomberg, kế hoạch sáp nhập nêu trên đã được nhắc tới từ cuối năm 2008 và được các bên liên quan tiến hành đàm phán chính thức kể từ tháng 8/2009. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khung pháp lý và các điều kiện được 2 bên đưa ra đã khiến vụ M&A bị trì hoãn nhiều lần.
Hiện Ủy ban châu Âu (EC) đang phát đi một bản điều tra với 165 điểm tới các đối thủ kinh doanh cũng như khách hàng của các Sở Giao dịch chứng khoán về ảnh hưởng của vụ sáp nhập tới tính cạnh tranh cũng như hoạt động của thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây không phải là trở lực lớn đối với vụ sáp nhập đình đám nêu trên bởi việc sáp nhập này không phải là chưa có tiền lệ. Bản thân vụ M&A giữa NYSE và Euronext năm 2006 chính là ví dụ điển hình nhất cho việc kết hợp các thị trường xuyên Đại Tây Dương. Thương vụ này từng có giá trị lên tới 20 tỷ USD.
Nhật Minh
Geen opmerkingen:
Een reactie posten