maandag 30 januari 2012

Điều khoản sử dụng mới của Google gây e ngại

30/1/2012

Từ 1/3, Google sẽ thay đổi chính sách bảo mật và điều khoản người dùng trên hơn 60 sản phẩm của họ để có thể xây dựng chân dung hoàn chỉnh về mỗi thành viên.


Nếu trước đây, mỗi dịch vụ có điều khoản và chính sách riêng (Terms of Service) thì nay chỉ còn một bản chung cho 60 sản phẩm. Với thay đổi này, bất kỳ hoạt động nào của người sử dụng trên một dịch vụ sẽ được chia sẻ lẫn nhau cho tất cả dịch vụ còn lại từ tên tuổi, ảnh, địa chỉ, nội dung chat trong Gmail, thông tin trên thiết bị Android...

Google áp dụng chính sách chung cho hơn 60 dịch vụ từ 1/3, trừ Google Chrome, Google Wallet và Google Books vì vấn đề pháp lý.
Google áp dụng chính sách chung cho hơn 60 dịch vụ từ 1/3, trừ Google Chrome, Google Wallet và Google Books vì vấn đề pháp lý.

Chính sách mới hoạt động thế nào?


Nếu người dùng xem vài ca khúc của Katy Perry trên YouTube, khi mở Gmail, họ có thể nhìn thấy một số quảng cáo về lịch diễn của nữ ca sĩ này trong hòm thư điện tử. Hay khi thành viên gõ từ khóa "pink", "jaguar", Google sẽ đoán được người đó quan tâm đến màu sắc hay ca sĩ, động vật hay xe hơi nhờ biết được thói quen, sở thích của họ. Tương tự, dựa vào các đoạn trao đổi trong e-mail, những thông điệp trên Google+, video YouTube và các câu lệnh tìm kiếm..., người sử dụng sẽ được cung cấp những quảng cáo Adsense và kết quả tra cứu phù hợp hơn về độ tuổi, vị trí địa lý, giới tính...

Điều này không hẳn là một thay đổi lớn bởi Google vẫn theo dõi một số thông tin về người dùng, nhưng đây là lần đầu họ tập hợp dữ liệu trên toàn hệ thống website để vẽ lên chân dung thống nhất.

Người dùng có quyền không tham gia chính sách mới?


Trước đây, khi đăng ký một dịch vụ, mọi người phải đọc điều khoản sử dụng và đồng ý với điều khoản đó thì mới được chấp nhận là thành viên. Tuy nhiên, khi chính sách mới được thông qua từ 1/3, người sử dụng sẽ bắt buộc phải tuân theo. Nếu cảm thấy khó chịu và không muốn bị theo dõi, họ chỉ có cách duy nhất là xóa tài khoản.

Nhiều người cho rằng việc này không có gì to tát và đáng quan tâm, nhưng cũng không ít thành viên lo lắng vì thông tin của họ được chia sẻ trên quá nhiều website (ít nhất là 60 website).

"Ngay cả nếu Google tin rằng việc tập hợp dữ liệu trên mọi nền tảng sẽ giúp họ cải tiến dịch vụ, khách hàng vẫn cần có quyền lựa chọn tham gia hoặc không tham gia chính sách mới", James Steyer, Giám đốc điều hành Common Sense Media, tranh luận trên Washington Post.

Tám thành viên Quốc hội Mỹ cũng viết thư cho CEO của Google là Larry Page yêu cầu giải thích rõ về thay đổi này. "Dù mục đích của Google là để tăng trải nghiệm người dùng, chúng tôi muốn đảm đảo rằng việc bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng sẽ không trở nên phức tạp hơn". Các nhà làm luật cũng tỏ ý lo ngại công ty tìm kiếm trực tuyến đang bành trướng toàn cầu, nên chính sách mới "có thể tác động đến hàng tỷ người trên thế giới".

Trên blog công ty, chuyên gia Betsy Masiello của Google phân tích: "Người sử dụng đâu cần đăng nhập để truy cập nhiều dịch vụ của Google, chẳng hạn tìm kiếm, YouTube... Khi không đăng nhập, dữ liệu về họ sẽ không được thu thập lại. Ngay cả khi đăng nhập, họ cũng có thể tắt chế độ lưu lịch sử tìm kiếm, tắt lưu các đoạn Gmail Chat với nút Off The Record, sử dụng chế độ giấu tên "Incognito Mode" trên Google Chrome... và còn rất nhiều công cụ điều chỉnh thiết lập cá nhân khác. Và hãy nghĩ một cách đơn giản hơn là đa số người dùng không sử dụng mọi sản phẩm của Google mà chỉ một vài trong số đó".

Châu An

Geen opmerkingen:

Een reactie posten