maandag 9 januari 2012

18 thương hiệu hàng đầu thế giới của Trung Quốc

11/10/2011

Không chỉ phát triển mạnh trong nước các thương hiệu hàng đầu của Trung Quốc còn đang tích cực mở rộng ra toàn thế giới.
> 5 điều thú vị về người đàn bà giàu nhất Ấn Độ


Dưới đây là danh sách 18 thương hiệu đang phát triển rất mạnh mẽ của Trung Quốc theo báo cáo thường niên của Hurun Research Institute được Business Insider đưa ra.

18. Wahaha


Giá trị thương hiệu: 4,4 tỷ USD

Nhãn hiệu thực phẩm Wahaha thuộc sở hữu của tập đoàn tư nhân Hangzhou Wahaha, hãng sản xuất nước giải khát lớn nhất tại Trung Quốc. Sản phẩm của Wahaha gồm có nước đóng chai, nước trái cây, trà xanh, sữa, mỳ ăn liền, hạt hướng dương … gắn liền với văn hóa Trung Quốc, khác biệt với những thương hiệu quốc tế như Coca-Cola hay PepsiCo.

17. CPIC


Giá trị thương hiệu: 4,5 tỷ USD

Được thành lập năm 1991, tập đoàn bảo hiểm lớn thứ 3 Trung Quốc China Pacific Insurance Group hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bảo hiểm bất động sản và nhân thọ, cùng với quản trị tài sản và đầu tư. Niêm yết cổ phiếu vào năm 2007 nhưng hiện công ty này vẫn chưa thực sự có bước tiến lớn trên thị trường thế giới.

16. Ngân hàng Truyền thông Trung Quốc (Bank of Communications - BoCom)


Giá trị thương hiệu: 4,5 tỷ USD

Qua hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, hiện BoCom là một trong 5 ngân hàng thương mại hàng đầu của Trung Quốc. Năm 2005, HSBC đã mua 19,9% cổ phần của BoCom. Hiện nay, BoCom có chi nhánh tại New York, Tokyo, Singapore và văn phòng đại diện tại London, Frankfurt nhưng tên tuổi của nhà băng này vẫn khá xa lạ đối với Mỹ và châu Âu.

15. Taobao


Giá trị thương hiệu: 5 tỷ USD

Taobao là website mua sắm trực tuyến lớn thuộc sở hữu của tập đoàn Internet khổng lồ Alibaba. Trên website Taobao còn có không gian dành cho đấu giá (mặc dù đa số các giao dịch được thực hiện với mức giá cố định) cùng với các gian hàng khổng lồ dành cho các thương hiệu lớn.

Đối thủ lớn nhất của Taobao hiện nay là các thương hiệu Internet của Mỹ, đặc biệt là Amazon. Hiện Taobao đang phát triển mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.

14. Wuliangye


Giá trị thương hiệu: 7,5 tỷ USD

Wuliangye Yibin là một công ty chuyên sản xuất các loại rượu. Sản phẩm rượu của công ty này xuất hiện trên thị trường với tên gọi Wuliangye, được làm từ gạo, lúa nếp, ngô, bột mỳ … Sản phẩm Wuliangye là đại diện tiêu biểu cho rượu Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng chính là khó khăn cho Wuliangye khi phát triển trên thị trường quốc tế bởi rượu Trung Quốc vẫn còn xa lạ đối với khách hàng trên thế giới. Dù vậy, cơ hội cho Wuliangye không phải là không có. Với chất lượng và thương hiệu tốt, Wuliangye vẫn có thể tiến ra thế giới bởi mọi người đều muốn dùng thử những thứ mới.

13. China Telecom


Giá trị thương hiệu: 8,5 tỷ USD

Là công ty viễn thông lớn nhất Trung Quốc, China Telecom đồng thời cũng là công ty viễn thông di động lớn thứ 3 tại nước này. China Telecom đã niêm yết cả trên thị trường chứng khoán Hong Kong và New York nhưng phần lớn cổ phần vẫn thuộc sở hữu của chính phủ. China Telecom hiện đã và đang mở rộng ra thị trường châu Âu.

12. China Merchants Bank (CMB)


Giá trị thương hiệu: 9 tỷ USD

Thành lập năm 1987, China Merchants Bank hiện là ngân hàng lớn thứ 6 tại Trung Quốc và có trên 800 chi nhánh tại Trung Quốc và Hong Kong. Năm 2008, CMB đã mở chi nhánh của mình tại New York. Tuy nhiên, giống như các ngân hàng Trung Quốc khác hoạt động tại nước ngoài, CMB cũng phải chịu sự kỳ thị và thiếu tin tưởng của khác hàng quốc tế.

11. Chunghwa


Giá trị thương hiệu: 9,8 tỷ USD

Chunghwa là thương hiệu thuốc lá thuộc sở hữu của Tập đoàn Thuốc lá Thượng Hải (Shanghai Tobacco Group). Chunghwa đã lọt vào danh sách các thương hiệu thuốc lá có giá trị nhất theo thống kê của Hurun.

Bất chấp sự sút giảm doanh thu tại các thị trường lớn như Mỹ, Chunghwa vẫn phát triển rất mạnh mẽ bởi cho đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường thuốc lá lớn nhất thế giới.

10. Kweichow Moutai


Giá trị thương hiệu: 9,9 tỷ USD

Kweichow Moutai là công ty quốc doanh chuyên sản xuất loại rượu có nguồn gốc từ thời nhà Thanh có tên gọi Maotai. Năm 2008, Kweichow Moutai là công ty đồ uống có thị phần lớn thứ 2 tại Trung Quốc, chỉ sau Wuliangye, theo Báo cáo Tổng quan Kinh tế Trung Quốc. Cũng giống như Wuliangye, Kweichow Moutai phải có chiến lược kết nối hình ảnh khác biệt của mình với các nền văn hóa khác nếu như muốn mở rộng ra thị trường quốc tế.

9. Ping An


Giá trị thương hiệu: 11 tỷ USD

Ping An là tập đoàn bảo hiểm khổng lồ được thành lập năm 1988. Ban đầu chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ nhưng sau đó Ping An nhanh chóng mở rộng sang lĩnh vực dịch vụ tài chính. Ping An niêm yết cổ phiếu năm 2004 và hiện nay HSBC là cổ đông lớn nhất với 16,8% cổ phần. Ping An có chi nhánh trải khắp 150 quốc gia trên toàn thế giới.

8. Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (Agricultural Bank of China - AgBank)


Giá trị thương hiệu: 11,6 tỷ USD

AgBank hiện được coi là một trong 4 ngân hàng lớn nhất Năm 2010, Trung Quốc. AgBank niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) với tổng giá trị 22,1 tỷ USD – giá trị IPO lớn nhất từ trước đến nay. AgBank đứng thứ 25 trong danh sách các công ty lớn nhất thế giới của Forbes.

Hiện AgBank vẫn là lựa chọn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trên thế giới, từ phố Wall cho đến Trung Đông.

7. Tencent QQ


Giá trị thương hiệu: 11,8 tỷ USD

Tencent QQ với biểu thượng chim cánh cụt đã trở thành một hiện tượng tại Trung Quốc khi trở thành một trong mạng xã hội lớn nhất trên thế giới với trên 800 triệu tài khoản. QQ.com cũng là cổng thông tin được sử dụng nhiều nhất tại Trung Quốc.

Năm 2009, QQ đã thiết lập một công thông tin quốc tế nhưng vẫn chưa thu lại được nhiều thành công.

6. ChinaLife


Giá trị thương hiệu: 15,6 tỷ USD

ChinaLife là công ty chuyên cung cấp các loại bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm niên kim. Sau khi niêm yết cổ phiếu năm 2003, ChinaLife là công ty bảo hiểm lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau AIG.

5. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (Bank of China)


Giá trị thương hiệu: 22,4 tỷ USD

Được thành lập từ những năm 1900 với vai trò là ngân hàng trung ương, Bank of China là ngân hàng lâu đời nhất tại Trung Quốc. Năm 1923, Bank of China đã chuyển đổi trở thành một ngân hàng thương mại, và là một trong 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc.

Năm 2010, Bank of China cũng là ngân hàng Trung Quốc đầu tiên đưa ra các sản phẩm và dịch vụ bằng đồng nhân dân tệ (RMB) tại Mỹ. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng phải vượt qua những hạn chế bởi cái tên khiến người ta dễ lầm tưởng rằng nó thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc.

4. Baidu


Giá trị thương hiệu: 24,4 tỷ USD

Baidu là công ty dịch vụ web hàng đầu tại Trung Quốc, với công cụ tìm kiếm được sử dụng nhiều nhất (chiếm 63% doanh thu về mảng tìm kiếm trên Internet tại Trung Quốc). Baidu cũng nằm trong danh sách các thương hiệu tư nhân hàng đầu của Hurun.

Đối thủ lớn của Baidu tại Trung Quốc là Google. Nhưng cho đến nay Baidu vẫn luôn thắng thế. Việc Baidu có thể vượt qua Google trên thị trường quốc tế hay không vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

3. Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (China Construction Bank – CCB)


Giá trị thương hiệu: 35,9 tỷ USD

CCB cũng là một trong 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc. Năm 2005, Bank of America đã mua lại 9% cổ phần của CCB nhưng đã bán ra phần lớn trong số cổ phần này trong năm nay.

Có chi nhánh tại London và New York và CCB là ngân hàng Trung Quốc duy nhất là thành viên của Liên minh ATM Toàn cầu (Global ATM alliance) cùng với sự tham gia của Bank of America, Barclays, Deutsche Bank …

2. China Mobile


Giá trị thương hiệu: 42,2 tỷ USD

Công ty quốc doanh China Mobile hiện là công ty viên viễn thông lớn nhất trên thế giới. China Mobile ngày càng phát triển mạnh mẽ cùng với nhu cầu về các dịch vụ viễn thông gia tăng không ngừng tại các thị trường mới nổi.

1. Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC)


Giá trị thương hiệu: 42,2 tỷ USD

ICBC hiện là ngân hàng lớn nhất Trung Quốc và đứng đầu về doanh thu trong danh sách của Hurun. Năm 2006, ICBC tiến hành niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) với tổng giá trị kỷ lục là 21,9 tỷ USD. Nhưng năm 2010, kỷ lục này đã bị ngân hàng AgBank phá vỡ.

ICBC hoạt động hết sức tích cực trên thị trường quốc tế bằng cách quảng bá tên tuổi tại thị trường châu Âu và hiện nay ngân hàng này đang có kế hoạch mở rộng sang Brazil và Peru.

Tuyến Nguyễn

Geen opmerkingen:

Een reactie posten