Với 200 tấn bạc, nó trở thành kho kim loại quý có giá trị lớn nhất dưới đáy đại dương.
Khi tàu SS Gairsoppa bị một tàu ngầm Đức bắn ngư lôi vào năm 1941, nó chìm xuống cùng 200 tấn bạc và trở thành kho kim loại quý có giá trị lớn nhất dưới đáy đại dương.
Xác tàu Gairsoppa chứa lượng bạc trị giá tới 200 triệu USD. Ảnh: AFP. |
AFP đưa tin Odyssey - một công ty thám hiểm đại dương có trụ sở tại bang Florida, Mỹ - hôm qua thông báo họ đã phát hiện vị trí của xác tàu SS Gairsoppa ở một nơi cách bờ biển Ireland khoảng 490 km. Vị trí tàu yên nghỉ cách mặt nước 4.700 m.
Những tài liệu chính thức về con tàu cho thấy nó chở khoảng 200 tấn bạc ở dạng đồng xu và thỏi. Giá trị của số bạc đó vào khoảng 230 triệu USD. Đây là lượng kim loại quý có giá trị lớn nhất mà con người từng phát hiện dưới đại dương.
SS Gairsoppa là tên một tàu thương mại của Anh có chiều dài 125 m. Vào tháng 2/1941, nó cùng nhiều tàu khác rời Ấn Độ để trở về Anh. Khi đoàn tàu đang di chuyển trên Đại Tây Dương thì một cơn bão xuất hiện. Do nhiên liệu sắp hết, SS Gairsoppa tách khỏi đoàn và tiến về phía Galway, Ireland.
Nhưng SS Gairsoppa không bao giờ tới đích, bởi khi cách bờ biển Ireland khoảng 490 km, nó chìm bởi ngư lôi của một tàu ngầm Đức. Trong số 85 người trên tàu chỉ có một người sống sót.
Do SS Gairsoppa thuộc sở hữu của nước Anh trong Thế chiến II nên Odyssey Marine Exploration đã ký một thỏa thuận về việc trục vớt bạc với chính phủ Anh. Theo thỏa thuận, công ty sẽ được giữ lại 80% lượng bạc mà họ vớt từ xác tàu.
"Chúng tôi đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên của dự án, đó là xác định vị trí và danh tính của nó. Giờ đây chúng tôi chuẩn bị tiến hành giai đoạn vớt", Andrew Craig, người điều hành dự án trục vớt bạc trong tàu SS Gairsoppa, phát biểu.
Craig hy vọng giai đoạn trục vớt sẽ diễn ra vào mùa xuân năm sau.
"May mắn là con tàu nằm dưới đáy đại dương trong tư thế thẳng đứng, với những nắp hầm mở nên thợ lặn có thể chui vào dễ dàng. Vì thế chúng tôi có thể vớt hàng hóa qua các nắp hầm", Greg Stemm, giám đốc điều hành công ty Odyssey, nói.
(Theo VNE)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten