zaterdag 10 december 2011

Giới đầu tư ngại vào Việt Nam vì tham nhũng và đường sá yếu kém

December 08, 2011
SÀI GÒN (NV) - Tại sao đầu tư nước ngoài ngại vào Việt Nam? Ðó là câu hỏi tựa đề của một bài báo đăng trên tờ Straits Times Singapore hôm 7 Tháng Mười Hai. Rồi tác giả Bruce Gale của bài báo đặt câu hỏi: “Liệu tình trạng lũ lụt tại Thái Lan có lợi cho Việt Nam?”

Công nhân làm việc bên trong xí nghiệp Misubishi Heavy Indutries Aerospace Vietnam Ltd. ở Khu Kỹ Nghệ Thăng Long, Hà Nội. Giới đầu tư nước ngoài vẫn còn lo ngại Việt Nam thiếu công nhân tay nghề kỹ thuật cao và hệ thống đường sá tốt. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)

Lũ lụt tại Thái Lan có thể là cơ hội để giới đầu tư Nhật chuyển vốn sang Việt Nam, theo quan điểm của tờ Sài Gòn Tiếp Thị xuất bản tại Việt Nam mới đây.
Một số công ty cố vấn đầu tư địa phương tại Việt Nam cũng đồng ý.
Ông Vũ Thành Thân, công ty cổ phần đầu tư Sao Khuê, cho biết: “Nhiều phái đoàn doanh nghiệp Nhật thăm Sài Gòn hoặc liên lạc Tổ Chức Ngoại Thương Nhật thăm dò địa điểm để xây cơ sở hạ tầng. Quan tâm hàng đầu của họ khi tìm một địa điểm tại Việt Nam là liệu nơi đó có bị lụt lội ảnh hưởng hay không.”
Nếu đúng như vậy thì đây sẽ là một cơ hội xoay chiều rất quan trọng cho Việt Nam, vì trong thời gian gần đây, đầu tư nước ngoài vào đất nước này giảm nhiều.
Từng được xem là “con rồng Châu Á” tương lai, nhiều nhà đầu tư nay ngoảnh mặt với Việt Nam vì những vấn đề ăn sâu trong xã hội như tham nhũng và hệ thống đường sá yếu kém. Ðầu tư nước ngoài vào các dự án mới tại Việt Nam trong chín tháng qua chỉ đạt trị giá $9.9 tỉ, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khu Kỹ Nghệ Thăng Long, do tập đoàn Sumitomo của Nhật xây dựng ở ngoại ô Hà Nội, chứng minh một cách rõ ràng sự thay đổi này, bài báo viết.
Khai trương năm 2000, khu kỹ nghệ này đầy kín vào năm 2009 với đa số các công ty của Nhật, mướn tổng cộng 55,000 công nhân. Ngày nay, công viên này không còn như trước nữa. Lạm phát cao làm nổ ra nhiều vụ đình công đòi tăng lương, một điều mà các công ty trong thời kỳ kinh tế khó khăn khó chấp nhận.
Nhưng liệu lụt lội tại Thái Lan gần đây, cùng với giá nhân công cao tại Trung Quốc, có thật sự làm cho các nhà đầu tư nước ngoài quay sang Việt Nam? Tác giả Bruce Gale đặt câu hỏi.
Một số nhà đầu tư có thể nghĩ như vậy. Công ty Jesco Holding Inc. của Nhật, chuyên về xây dựng đường sá và xí nghiệp, mới đây thông báo là họ sẽ liên doanh với Công Ty Xây Dựng và Ðịa Ốc Hòa Bình để xây dựng đường sá cho một khu kỹ nghệ tại tỉnh Long An ở miền Nam Việt Nam. Cơ Quan Hợp Tác Quốc Tế Nhật cũng giúp vốn để nâng cấp những khu kỹ nghệ Việt Nam nhằm đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của giới đầu tư Nhật.
Tuy nhiên, trong khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tái định lượng chiến lược, Việt Nam không nhất thiết có lợi trong chuyện thu hút họ.
Ngành kỹ nghệ xe hơi của Thái Lan là một ví dụ. Nhiều báo cáo cho thấy các công ty Nhật tại Thái Lan như Honda và Nissan phải ngưng sản xuất vì tình trạng lụt lội.
Nhưng Việt Nam khó có thể là một nơi hấp dẫn đầu tư nước ngoài.
Kỹ nghệ xe hơi nội địa của Việt Nam còn quá nhỏ để có thể thu hút các công ty sản xuất xe hơi lớn, với nhu cầu phải có dây chuyền sản xuất lớn để cạnh tranh với các công ty khác nhập cảng xe hơi vào Việt Nam. Hơn nữa, hiệp ước mậu dịch với các quốc gia trong vùng buộc Việt Nam phải hạ mức thuế nhập cảng xe xuống 50% vào năm 2014. Vào lúc đó, các công ty lắp ráp xe hơi tại Việt Nam sẽ phải bỏ chạy (vì không thể cạnh tranh với xe nhập cảng giá rẻ).
Indonesia, một quốc gia có thị trường nội địa lớn và kinh tế phát triển, có thể là nơi giới đầu tư Nhật để mắt đến. Trong những tháng qua, cả Toyota và Nissan đều cho biết họ sẽ đầu tư thêm vào Indonesia.
“Thay vì 'ngồi chờ sung rụng' vì thiên tai tại Thái Lan, Việt Nam nên tập trung vào việc sửa đổi những gì căn bản nhất,” tác giả bài báo nhận xét.
Trong lúc lạm phát đang giảm và xuất cảng bắt đầu gia tăng, có một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang dần dần ổn định.
Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.
Một cuộc thăm dò của Viện Khoa Học Lao Ðộng và Xã Hội mới đây, do nhà nước tài trợ, đối với 1,000 doanh nghiệp cho thấy thiếu công nhân tay nghề cao tại Việt Nam là trở ngại lớn đối với giới đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, thị trường Việt Nam còn thiếu người có khả năng quản trị.
Giải thích về vấn đề này, ông Lee Chon Kin, chủ tịch Phòng Thương Mại Nam Hàn, nói thẳng thừng: “Chúng tôi muốn mang máy móc hiện đại đến Việt Nam, nhưng không thể tuyển dụng được đủ kỹ thuật viên có khả năng điều hành những máy móc này.”
Giới đầu tư cũng ngày càng nói nhiều tới hệ thống đường sá yếu kém của Việt Nam. Và có vẻ như giới chức chính quyền vẫn chưa để tâm đến vấn đề quan trọng này. Ví dụ, hồi Tháng Sáu, chính quyền thông báo sẽ cho xây một sân golf tại phần đất chưa sử dụng ở hai phi trường lớn tại Hà Nội và Sài Gòn.
Tân Sơn Nhất tại Sài Gòn, phi trường lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam, hiện đã quá tải. Vậy mà tin tức cho biết chính quyền sẽ không có dự định mở rộng ra và đề mục này cũng không nằm trong ưu tiên của họ.
Với tỉ lệ lạm phát đang giảm, giới đầu nước ngoài tại các khu kỹ nghệ mới đang được xây dựng có thể không phải đối đầu với tình trạng đình công, như trường hợp ở Khu Kỹ Nghệ Thăng Long.
Tuy nhiên, nếu không cố gắng đào tạo một lực lượng lao động với tay nghề kỹ thuật cao và tân trang hệ thống đường sá, sẽ rất khó cho Việt Nam thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào, tác giả Bruce Gale kết luận. (Ð.D.)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=141308&z=1

Geen opmerkingen:

Een reactie posten