dinsdag 1 november 2011

Vua Vọng Cổ Út Trà Ôn

30 Tháng Mười 2011   
Vua vọng cổ Út Trà Ôn (DR)
Vua vọng cổ Út Trà Ôn (DR)
Nguyễn Phương
Chương trình phát thanh cổ nhạc kỳ này xin giới thiệu cuộc đời của nghệ sĩ Út Trà Ôn, từng được giới hâm mộ tặng cho danh hiệu Vua Vọng Cổ. Lúc sinh tiền, giọng ca vang lộng đầy sinh khí và truyền cảm của Út Trà Ôn đã được thính giả Việt Nam nồng nhiệt tán thưởng.
Trước khi đề cập đến cuộc đời nghệ thuật của vua vọng cổ Út Trà Ôn, xin giới thiệu tóm tắt về bản vọng cổ, bản nhạc vua của sân khấu cải lương.
Năm 1918, nhạc sĩ Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu, sáng tác bản Dạ Cổ Hoài Lang (Đêm Khuya nghe tiếng trống nhớ chồng), bài Dạ Cổ Hoài Lang được giới cổ nhạc ưa thích, thường diễn tấu trong các cuộc đàn ca tài tử. Lúc đó, khi tấu nhạc hòa đàn, các nhạc sĩ đóng góp thêm sáng kiến, tăng nhịp thức, phong phú hóa nhạc điệu, bài Dạ Cổ Hoài Lang đổi tên gọi là Vọng Cổ Hoài Lang rồi Vọng Cổ, từ nhịp đôi đến nhịp tư, nhịp tám, nhịp mười sáu tăng lên thành nhịp ba mưoi hai rồi nhịp sáu mươi bốn. Qua một thời gian lâu dài với sự đóng góp tâm huyết của bao thế hệ nhạc sĩ và ca sĩ, bản Vọng Cổ khẳng định giá trị của mình trong nền âm nhạc của sân khấu cải lương.
Bản Vọng Cổ vừa có tính chất tự sự, vừa có tính chất trữ tình, với 32 nhịp hay 64 nhịp, lồng khung của bản nhạc vừa đủ dài để tác giả viết lời ca nhiều chữ, khiến cho bài vọng cổ có tính chất kể chuyện, tâm sự, nội dung chuyên chở một câu chuyện, một nổi lòng đầy đủ tính chất hỉ, nộ, ái , ố mà sân khấu cải lương thường diễn tả.
Bài Vọng Cổ được dùng như một cái khung, gọi là lòng bản, tác giả có thể viết bằng văn xuôi, văn vần, bằng các loại thi thơ, có thể kết hợp với nhạc nên giúp cho ca sĩ nhiều phương tiện, nhiều hình thức để diễn tả trong khi ca vọng cổ, do đó ca sĩ có thể tạo một phong cách ca riêng biệt của mình. Cùng là một bài vọng cổ, không ai đàn giống ai, không ai ca giống ai nhưng tất cả vẫn biểu diễn đúng là âm điệu và tiết tấu của bản vọng cổ mà qua đó người danh ca có một lối ca riêng của mình, người đàn cũng có ngón đàn riêng.
Từ thập niên 60, ký giả Trần Tấn Quốc, chủ nhiệm kiêm chủ bút nhật báo Tiếng Dội Miền Nam mở một cuộc trưng cầu ý kiến của đọc giả, khán thính giả ưa thích cải lương, bình chọn những nghệ sĩ được gọi là đệ nhất trong ngành sân khấu cải lương. Kết quả như sau:
Nghệ sĩ Út Trà Ôn, với giọng ca hơi đồng trầm ấm, phong cách ca ngâm rõ ràng, truyền cảm, nên được phiếu bầu cao nhất và được tặng danh hiệu là Đệ Nhất Danh Ca Nam. Ông còn được các ký giả kịch trường và giới ái mộ cải lương tặng cho biệt danh Vua Vọng Cổ.

Vua vọng cổ Út Trà Ôn tên thật là Nguyễn Thành Út, sanh năm 1919 tại làng Đông Hậu, quận Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ông là người con thứ 10 trong gia đình nên được các bạn nghệ sĩ gọi là anh Mười Út.
Năm 13 tuổi, anh Mười Út đi cày thuê cấy mướn, nhờ có giọng tốt, nên khi làng có Hội cúng Kỳ Yên, anh Mười Út được Ban Nhạc Lễ nhờ đứng ra xướng danh cho hương chức hội tề cúng lễ. Ông Năm Tồn, nhạc sĩ đờn tranh và ông Tư Hiệu, nhạc sĩ đờn cò dạy cho anh Mười Út ca hai mươi bài bản tổ của cổ nhạc.
Năm 15 tuổi, Mười Út nổi danh trong Ban đàn ca tài tử của quận Trà Ôn.
Năm 18 tuổi, Mười Út lên Saigon chơi đàn ca tài tử, gặp dịp hãng rượu Bình Tây tổ chức thi ca thưởng rượu, anh Út dự thi được giải nhất. Đài Pháp Á mời anh Út ca trên đài phát thanh và đặt nghệ danh cho anh là Út Trà Ôn khi giới thiệu anh ca các bài vọng cổ Thức suốt đêm đông, Sầu bạn chung tình và Tôn Tẩn giả điên. Giọng ca vang lộng đầy sinh khí và truyền cảm của Út Trà Ôn đã được thính giả nhiệt liệt tán thưởng.
Năm 1943, anh Út Trà Ôn nổi danh trong vai Hoàng Tử Thủy Tề trong tuồng Lý Chơn Tâm cưỡi củi của gánh hát Hề Lập...
Năm 1947, Út Trà Ôn được hãng đĩa Asia mời thu đĩa bài vọng cổ Thái Sư Văn Trọng Gián thập điều và bài vọng cổ Trụ Vương thiêu mình. Hai bài vọng cổ này được Đài Pháp Á phát thanh trên làn sóng điện thì lập tức khắp Saigon, Chợ Lớn và các tỉnh miền Hậu Giang dấy lên một phong trào thưởng thức vọng cổ. Báo chí không ngớt viết bài ngợi khen giọng ca của Út Trà Ôn. Đĩa vọng cổ Thái Sư Văn Trọng gián thập điều phát hành chưa tới ba tháng mà đã bán hết sạch. Hãng đĩa Asia phải tái bản lần thứ hai, thứ ba mà vẫn không đáp ứng được số yêu cầu. Ông bầu Trúc Viên Trương Gia Kỳ Sanh ký hợp đồng 50. 000 đồng để mời nghệ sĩ Út Trà Ôn về hát cho gánh hát Tiến Hóa của ông. Đây là một số tiền rất lớn, lập kỷ lục trong hợp đồng giữa nghệ sĩ và chủ gánh hát trong thời điểm này. Nên nhớ là số trúng độc đắc của cuộc xổ số Đông Dương lúc đó là một trăm ngàn đồng.
Năm 1951, Út Trà Ôn hát cho đoàn Mộng Vân với hợp đồng ký một trăm ngàn đồng tức là gấp đôi số tiền hợp đồng của anh ký với đoàn Tiến Hóa. Nghệ sĩ Út Trà Ôn rất nổi tiếng qua các tuồng Triều Tiên vong quốc sử, Đảng Chiếc lá vàng, Ba ngọn đèn xanh của tác giả Mộng Vân, mở màn cho một cao trào các tuồng cải lương kiếm hiệp rất ăn khách lúc bấy giờ.
Năm 1954, Út Trà Ôn ký hợp đồng về hát cho đoàn Thanh Minh với giá tiền là 750.000 đồng, lương mỗi suất hát là một ngàn đồng. Nghệ sĩ Út Trà On nổi danh qua các tuồng Con trai người ăn mày, Hoàng Tử của mùa xuân, Nẻo tắt Hoành Sơn, Hồi trống Vân Lâu…
Soạn giả Viễn Châu, người chuyên sáng tác vọng cổ cho nghệ sĩ Út Trà On ca, nhận xét về ông vua vọng cổ này: “ Nghệ sĩ Út Trà On có hơi đồng trầm ấm, phong cách ca ngâm khoan thai, chững chạc, thích hợp với tâm sự một ông lão chèo đò, sống ung dung tự tại cùng sông nước, không mãn chuyện thế thái nhân tình. Giọng ca không chân phương quá mà cũng không luyến láy kỷ thuật quá, người ca biết tôn trọng ý tứ của người viết và tìm cách thể hiện cho thật phù hợp với bài ca. Nghệ sĩ Út Trà On còn được xem là bậc thầy về lối hành văn, sắp chữ, câu nhiều chữ ca vẫn hay, câu ít chữ kéo ra vẫn duyên dáng. Nhịp nhàng chắc chắn, cung bỗng cung trầm đâu ra đó rõ ràng”.
Soạn giả Viễn Châu đã sáng tác hai bản vọng cổ “ Ông lão chèo đò “ và “ Tình anh bán chiếu “, có thể nói là danh ca Út Trà Ôn đã làm cho hai bản vọng cổ này nổi tiếng và cũng từ hai bản vọng cổ này mà danh hiệu Vua Vọng Cổ của Út Trà Ôn càng được khẳng định.
Năm 1958, sau khi mãn hợp đồng hợp tác của bộ tứ chủ bầu Út Trà Ôn, Kim Chưởng, Thanh Tao, Thúy Nga, nghệ sĩ Út Trà Ôn trở về cộng tác với đoàn hát Thanh Minh. Ông ký giao kèo với một số tiền kỷ lục là một triệu năm trăm ngàn đồng, lương mỗi suất hát là một ngàn năm trăm đồng.
Năm 1961, nghệ sĩ Út Trà Ôn ký hợp đồng hát cho đoàn Thủ Đô của ông bầu Ba Bản. Năm 1962, Út Trà Ôn và Hoàng Giang hợp tác thành lập đoàn hát Thống Nhứt – Út Trà Ôn.
Năm 1964, ông theo đoàn hát Dạ Lý Hương của bầu Xuân và năm 1965, ông ký hợp đồng với bầu Long, hát cho đoàn Kim Chung 1, rồi Kim Chung 6.
Năm 1968, ông trở về cộng tác với đoàn Thanh Minh Thanh Nga, sau đó ông có thời gian hát cho đoàn Thái Dương, đoàn Hoa Lan, đoàn Tiếng Hát Dân Tộc. Từ năm 1969 đến năm 1975, nghệ sĩ Út Trà Ôn hát tăng cường cho các đoàn hát Tấn Tài, Thanh Hải, Minh Cảnh.
Sau năm 1975, nghệ sĩ Út Trà Ôn hát cho đoàn cải lương Saigon 1 đến năm 1979 rồi chuyển sang diễn cho nhà hát Trần Hữu Trang đến năm 1988 thì ông nghỉ, không trình diễn trên sân khấu nữa.
Tuy nhiên vì ông vẫn nhớ nghề nên mãi đến khi đã 80 tuổi, ông thường được mời tham gia Ban Giám Khảo cho các cuộc thi tuyển lựa giọng ca cải lương ở các tỉnh, cho giải huy chương vàng Trần Hữu Trang và cho Hội Sân Khấu, góp phần đào tạo và tuyển lựa nghệ sĩ tài tử các thế hệ kế thừa và ông đi ca cổ nhạc giúp cho các chùa gây quỹ làm việc từ thiện.
Út Trà Ôn mất lúc 7 giờ 30, ngày thứ hai 13 tháng 8 năm 2001 tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương Saigon, được quàn tại tư gia số 706 đường Điện Biên Phủ quận 10 Saigon và an táng ngày thứ sáu 17 tháng 8 năm 2001 tại nghĩa trang nghệ sĩ ở Gò Vấp.
Dân chúng và nghệ sĩ cải lương vĩnh biệt ông, người nghệ sĩ tài hoa đã cống hiến cả đời cho sân khấu. Ông đã để lại cho sân khấu cải lương một nghệ thuật ca vọng cổ chân phương với kỷ thuật ca chồng hơi độc đáo do ông sáng tạo, cách sử dụng hơi ca, ngân, luyến láy trầm bỗng, nhặt khoan, đã giúp cho bản vọng cổ trở thành bản nhạc vua của sân khấu cải lương.
Ông đã hướng dẫn, truyền nghề cho những nghệ sĩ cùng đứng chung sân khấu với ông. Các nghệ sĩ tài danh Thanh Nga, Diệu Hiền, Út Hậu, Út Hiền, Phương Quang, Thanh Hải, Ngọc Ản, Thanh Sang đều xem ông như sư phụ của mình. Đến ngày ông mất, ông vẫn được giới nghệ sĩ và khán giả ái mộ tôn vinh ông trong ngôi vị Vua Vọng Cổ.

http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20111030-vua-vong-co-ut-tra-on

Geen opmerkingen:

Een reactie posten