Hôm qua tại hội nghị cấp cao ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam phát biểu đề nghị hiệp hội củng cố vai trò trung tâm trong các tiến trình khu vực, về hợp tác an ninh và phát triển vùng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo ASEAN. Ảnh: AFP |
Về xây dựng Cộng đồng ASEAN:
- ASEAN cần có quyết tâm chính trị cao và dành nguồn lực cần thiết để thực hiện đúng thời hạn Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột.
- Cần phát huy hiệu quả các công cụ và cơ chế hợp tác chính trị - an ninh của ASEAN như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)... nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh và thúc đẩy hợp tác phát triển ở khu vực, đồng thời tăng cường vai trò chủ đạo của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
- Tiếp tục tăng cường hợp tác và đầu tư thích đáng cho các lĩnh vực như thu hẹp khoảng cách phát triển, an ninh năng lượng, lương thực, cũng như tăng cường hợp tác nhằm xử lý hiệu quả các thách thức đang nổi lên, kể cả biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải, môi trường, khai thác và sử dụng tài nguyên nước trên các dòng sông, nhất là sông Mê công, một cách hợp lý để từ đó góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và đồng đều ở khu vực.
Về quan hệ đối ngoại, đề nghị ASEAN tập trung vào những trọng tâm sau:
- Tiếp tục chính sách đối ngoại “rộng mở”, tăng cường quan hệ và tạo điều kiện cho các đối tác tham gia sâu rộng hơn và đóng góp tích cực vào việc xử lý các vấn đề liên quan đến hoà bình, an ninh và phát triển ở khu vực cũng như hỗ trợ hình thành Cộng đồng ASEAN.
- Củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực trong các cơ chế do ASEAN khởi xướng cũng như trong một cấu trúc khu vực đang định hình; tăng cường đoàn kết, liên kết, chủ động đề xuất các sáng kiến và định hướng các ưu tiên của khu vực.
- Tiếp tục khẳng định mục tiêu, nguyên tắc, thể thức và ưu tiên của Cấp cao Đông Á đã được nêu trong Tuyên bố Ku-a-la Lăm-pơ năm 2005 và Tuyên bố Hà Nội năm 2010; Cấp cao Đông Á cần phát huy vai trò là diễn đàn của các nhà Lãnh đạo bàn về các vấn đề chiến lược liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển thịnh vượng ở khu vực; cùng với các lĩnh vực ưu tiên hiện nay, Cấp cao Đông Á cần bàn cả các vấn đề chính trị, an ninh, trong đó có vấn đề an ninh hàng hải, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, cứu trợ thiên tai và các thách thức an ninh phi truyền thống khác.
- Phát huy vai trò chủ động trong việc xây dựng khuôn khổ hợp tác và các chuẩn mực ứng xử ở khu vực, vì hòa bình, xây dựng lòng tin và hợp tác phát triển; tiếp tục phát huy vai trò và giá trị của các diễn đàn, cơ chế hiện có vì hòa bình, an ninh ở khu vực.
Về các vấn đề quốc tế và khu vực:
- Thiên tai và biến đổi khí hậu: đề nghị ASEAN dành ưu tiên cao cho hợp tác và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lực ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; sớm đưa Trung tâm điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA Center) đi vào hoạt động.
- Về an ninh - an toàn hàng hải. Trước tình hình số vụ tàu thuyền của các nước ASEAN bị hải tặc bắt giữ ngày càng tăng trong khi năng lực ứng phó của các nước trong khu vực còn hạn chế, Việt Nam đề xuất ASEAN cần xây dựng các khuôn khổ hợp tác với các đối tác để có thể nhận được hỗ trợ phù hợp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho các tuyến đường hàng hải, hỗ trợ người đi biển, bảo vệ môi trường biển. Đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa vai trò của Diễn đàn Biển ASEAN (AMF), xem xét việc mở rộng AMF với các đối tác ở Đông Á; thúc đẩy triển khai Tuyên bố ASEAN tháng 10/2010 về hợp tác hỗ trợ người và tàu thuyền bị nạn trên biển.
- Về vấn đề Biển Đông. Việt Nam khẳng định hòa bình, ổn định ở Biển Đông, trong đó có vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải là lợi ích chung của khu vực và tất cả các nước; các bên liên quan cần giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật biển năm 1982; bảo đảm tôn trọng và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); trong giải quyết tranh chấp, vấn đề nào chỉ liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, vấn đề nào liên quan đến nhiều bên thì phải được giải quyết giữa các bên có liên quan.
- Về vấn đề phát triển ở Tiểu vùng sông Mekong. Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu khai thác và sử dụng nguồn nước sông Mekong một cách hợp lý, hiệu quả, bảo đảm lợi ích của dân cư và sự phát triển bền vững của tất cả các nước ven sông, nhất là các nước hạ nguồn; do đó, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ của cả 5 nước ASEAN ở Tiểu vùng Mê-công và Trung Quốc, trong đó có việc phối hợp nghiên cứu tổng thể, khách quan, khoa học, và hệ thống tác động môi trường trước khi xây dựng các công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mekong.
Hội nghị cấp cao ASEAN khai mạc hôm qua tại Bali, Indonesia, với chủ đề “Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các Quốc gia Toàn cầu”.
Tổng thống In-đô-nê-xia, ngài Susilo Bambang Yudhoyono nêu bật những kết quả tích cực trong tiến trình xây dựng Cộng đồng, triển khai Kết nối ASEAN, liên kết khu vực, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ của ASEAN với các Đối tác cũng như duy trì vai trò trung tâm của Hiệp hội trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Tổng thống In-đô-nê-xia cũng nhấn mạnh việc bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh ở Đông Nam Á và Đông Á, trong đó có việc thúc đẩy thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân.
Mai Trang
Geen opmerkingen:
Een reactie posten