Châu Á là nơi có lượng triệu phú và tỷ phú tăng nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Trong đó, không ít người cùng gia đình là lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu châu Á.
>Gia đình giàu nhất nước Mỹ
Danh sách 10 gia đình giàu có nhất châu Á được CNBC thống kê dựa trên số liệu của hãng nghiên cứu Wealth-X. Giá trị tài sản của mỗi gia đình được tính toán dựa trên lượng cổ phiếu sở hữu, lượng tiền mặt, cổ tức và các tài sản có thể đầu tư được khác.
10. Gia đình Wang
Ông Yung-ching cùng người anh em của mình đã thành lập Formosa Palstics Group năm 1958. |
Vùng lãnh thổ: Đài Loan
Công ty: Formosa Plastics Group
Tài sản ước tính: 8,6 tỷ USD
Gia đình Wang sáng lập nên tập đoàn Formosa Plastics Group – một trong những hãng chế tạo chất dẻo lớn nhất thế giới và cũng là công ty đa ngành lớn nhất Đài Loan.
Hai anh em Yung-ching và Yung-tsai Wang thành lập tập đoàn này năm 1958. Tuy mới chỉ tốt nghiệp tiểu học, nhưng ông Yung-ching cùng người anh em của mình đã đưa Formosa Plastics trở thành một trong những tập đoàn công nghiệp hùng mạnh nhất châu Á với 4 đơn vị lớn là Formosa Petrochemical, Formosa Plastics, Nan Ya Plastics và Formosa Chemicals & Fibre.
Hai anh em ông Wang đã rời vị trí lãnh đạo năm 2006 và nhường lại cho một ban điều hành gồm Cher Wang – con gái của ông Yung-ching cùng con trai của Yung-tsai là Wen Yuang Wang. Ông Wang Yung-ching qua đời năm 2008 ở tuổi 91 với lượng tài sản ước tính khoảng 5,5 tỷ USD. Ông trùm kinh doanh này có 3 người vợ và 10 người con.
Trong số các con Yung-ching, bà Cher Wang, 53 tuổi, là người thành công nhất trong việc kế tục sự nghiệp của cha mình. Hãng sản xuất smartphone của bà là HTC đã đạt doanh thu tới 9,8 tỷ USD năm 2010. Bà cùng chồng là Wen Chi Chen được Forbes bình chọn là người giàu nhất Đài Loan với tài sản ước tính 8,8 tỷ USD trong năm nay.
9. Gia đình Ng
Ông Robert hiện là lãnh đạo Sino Group |
Quốc gia: Singapore
Công ty: Far East Organization, Sino Group
Tài sản ước tính: 8,9 tỷ USD
Gia đình Ng sở hữu Far East Organiation – hãng bất động sản lớn nhất Singapore và Sino Group có trụ sở tại Hong Kong. Hai công ty hợp lại trở thành một trong những tập đoàn bất động sản hàng đầu châu Á với doanh thu hàng năm vào khoảng 4,3 tỷ USD. Tại Singapore, tập đoàn này được người ta nhớ đến là chủ sở hữu những địa điểm như khách sạn Fullerton cùng 700 bất động sản khác.
Ng Teng Fong sáng lập nổi tiếng là người có lối sống thanh đạm, chỉ ở trong một căn nhà trong suốt 30 năm, ngay cả khi đã giàu lên. Năm 2010, ông đã qua đời ở tuổi 82 do xuất huyết não. Sau đó, con trai lớn của ông là Robert, 59 tuổi, lãnh đạo Sino Group, còn con trai thứ Philip tiếp quản Far East Organization.
8. Gia đình Hartono
Robert Budi Hartono hiện là người giàu nhất Indonesia. |
Quốc gia: Indonesia
Công ty: Djarum Group
Tài sản ước tính: 11 tỷ USD
Hartono là gia đình giàu có nhất Indonesia, sở hữu Djarum Group – một trong những hãng sản xuất thuốc lá vị đinh hương lớn nhất thế giới. Tập đoàn cũng nắm giữ lượng tài sản không nhỏ tại một trong những ngân hàng lớn nhất Indonesia – Bank Central Asia.
Djarum được một người gốc Trung Quốc Oei Wie Gwan thành lập năm 1951. Hai người con trai là Robert Budi Hartono và Michael Bambang Hartono thừa kế sản nghiệp năm 1963 sau khi ông qua đời. Họ đã đầu tư vào khâu nghiên cứu, phát triển, và khoảng 10 năm sau thì bắt đầu xuất khẩu thuốc lá. Sản phẩm của hãng chiếm 97% thị trường thuốc lá vị đinh hương tại Mỹ năm 2009.
Armand Wahyudi – con trai của Robert Budi Hartono cũng tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình và là giám đốc Bank Central Asia từ năm 2009. Gần đây thị trường có nhiều biến động nên tài sản của gia đình Hartono cũng vì thế mà suy giảm. Theo báo chí Indonesia, trong vòng 2 tuần cuối tháng 9 và đầu tháng 10, tài sản của Robert Budi đã bốc hơi 8%, xuống còn 10,5 tỷ USD.
7. Lee Kun Hee và gia đình
Lee Kun Hee có công lớn trong việc đưa Samsung trở thành “gã khổng lồ” trong làng công nghệ thế giới. |
Quốc gia: Hàn Quốc
Công ty: Samsung Group
Tài sản ước tính: 11,6 tỷ USD
Lee Kun Hee là Chủ tịch hãng điện tử Samsung Electronics – hãng chủ chốt trong tập đoàn Samsung. Hoạt động của tập đoàn này chiếm khoảng 1/5 GDP của Hàn Quốc. Hiện tại, Samsung Electronics là nhà sản xuất chip hàng đầu và lớn thứ hai thế giới trong sản xuất smartphone, sau Apple. Hãng còn cạnh tranh quyết liệt với Hewlett Packard để trở thành hãng công nghệ có doanh thu lớn nhất toàn cầu.
Samsung Group được Lee Byung Chull – cha của Lee Kun Hee – sáng lập năm 1938. Ông Kun Hee là người con trai thứ ba và trở thành chủ tịch của hãng vào năm 1987. Ông được nhớ đến là người đã có công đưa Samsung trở thành một “gã khổng lồ” trong lĩnh vực công nghệ trên thế giới.
Song, trên cương vị là người đứng đầu tâp đoàn, Lee Kun Hee cũng phải đối mặt với hàng loạt điều tiếng trong những năm gần đây. Người đàn ông 69 tuổi này bị buộc tội trốn thuế và bội tín năm 2008, và bị phạt 3 năm tù nhưng sau được Tổng thống nước này ân xá năm 2009. Vì chuyện này mà ông đã tạm rời công việc kinh doanh trong 2 năm và trở lại lãnh đạo vào năm 2010.
Các thành viên khác trong gia đình cũng tham gia vào công việc kinh doanh gồm có Jay Y.Lee – Tổng giám đốc Samsung Electronics và là con trai duy nhất, người thừa kế của Lee Kun Hee, cùng con gái ông là Lee Boon Jin –Phó chủ tịch chuỗi khách sạn cao cấp Shilla Hotels and Resorts của tập đoàn.
6. Gia đình Kuok
Robert Kuok là một trong ba người sáng lập Kuok Group. |
Quốc gia: Malaysia, Singapore
Công ty: Kuok Group
Tài sản ước tính: 16,1 tỷ USD
Sở hữu Kuok Group – một trong những hãng hoạt động trong nhiều lĩnh vực nhất tại châu Á như nông nghiệp, bất động sản và dịch vụ tài chính, Kuok là gia đình giàu có nhất Đông Nam Á. Tập đoàn Malaysia này được ba anh em nhà Kuok thành lập năm 1949. Người trẻ nhất, Robert Kuok năm nay cũng đã 88 tuổi. Khởi đầu bằng hoạt động buôn bán nông nghiệp, năm 1952, tập đoàn này đã mở rộng sang Singapore, và sau đó là Thái Lan, Indonesia, Hong Kong và Trung Quốc.
Khoon Chen (57 tuổi) – con trai của Robert – là Giám đốc điều hành của Kuok Group và công ty con Kerry Properties – hãng bất động sản lớn nhất tại Hong Kong. Người con thứ Khoon Ean, 56 tuổi, là chủ tịch của chuỗi khách sạn Shangri-La Asia. Tuy nhiên, tài sản của gia đình một phần lớn lại đến từ Wilmar International – công ty sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới. Khoon Hong – người cháu trai 61 tuổi của Robert Kuok – là chủ tịch hãng này.
5. Sunil Mittal và gia đình
Sunil Bharti Mittal và người anh em Rajan Mittal |
Quốc gia: Ấn Độ
Công ty: Bharti Group
Tài sản ước tính: 16,5 tỷ USD
Sunil Bharti Mittal là người sáng lập Bharti Group và cũng là chủ tịch của Bharti Airtel – hãng cung cấp điện thoại di động lớn nhất Ấn Độ. Đây cũng là hãng viễn thông lớn thứ năm thế giới với hơn 200 triệu khách hàng.
Năm 1976, khi mới 18 tuổi với chưa đến 500 USD nhận được từ người cha, Mittal thành lập tập đoàn Bharti chuyên sản xuất các bộ phận xe đạp. Sau đó, ông tiếp tục thành lập Bharti Telecom – hãng đầu tiên tại Ấn Độ cho ra mắt điện thoại bấm số vào những năm 1980 và 10 năm sau đó là máy fax và điện thoại không dây. Hiện tại, Bharti Group hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ tài chính, sản xuất tại 19 nước. Anh em của ông Sunil là Rakesh và Rajan Mittal cũng tham gia kinh doanh và là lãnh đạo các đơn vị bán lẻ và nông nghiệp.
Kavin và Shravin (25 tuổi) – hai con trai sinh đôi của Sunil Mittal – gần đây cũng bước chân vào lĩnh vực kinh doanh của gia đình. Kavin sẽ lãnh đạo một công ty liên kết với Softbank – “gã khổng lồ” về viễn thông của Nhật Bản – để phát triển truyền thông xã hội, trò chơi và thương mại điện tử nhằm thúc đẩy mobile internet tại Ấn Độ.
4. Gia đình Kwok
Ba anh em Raymond (bên trái), Thomas (bên phải) và Walter Kwok đã tiếp quản tập đoàn sau khi cha họ qua đời. |
Vùng lãnh thổ: Hong Kong
Công ty: Sun Hung Kai Properties
Tài sản ước tính: 22 tỷ USD
Sun Hung Kai Propertiers – hãng bất động sản lớn nhất châu Á do doanh nhân người Trung Quốc đại lục Tak Seng Kwok cùng 2 đối tác là Fung King Hey và Lee Chau Kee thành lập năm 1963. Hãng bắt đầu niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong năm 1972 và chẳng mấy chốc đã trở thành một trong những hãng có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất, hiện vào khoảng 34,25 tỷ USD.
Ông Tak Seng qua đời năm 1990, để lại cơ nghiệp cho vợ Kwong Siu-hing và 3 con trai là Raymond, Thomas và Walter Kwok. Công ty tiếp tục làm ăn phát đạt nhờ thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ tại Hong Kong và Trung Quốc. Tháng trước, tập đoàn công bố tính đến tháng 6/2011, lợi nhuận cơ bản tăng 55% lên 2,75 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Tập đoàn này cũng đã hoàn thiện quá trình xây dựng Trung tâm Thương mại Quốc tế - tòa nhà cao nhất Hong Kong – vào năm 2010, đánh dấu thêm một cột mốc quan trọng cho hãng.
Năm 2008, do dính líu tới tranh chấp tại tòa mà ông Walter, 66 tuổi, đã phải từ chức chủ tịch Sun Hung Kai Properties. Mẹ ông là bà Kwong Siu Hing – cổ đông chính của tập đoàn – đã tiếp quản vị trí này. Quản lý hoạt động của tập đoàn là 2 người em của ông.
3. Lakshmi Narayan Mittal và gia đình
Ông Mittal (giữa) là chủ tịch và CEO của ArcelorMittal. |
Quốc gia: Ấn Độ
Công ty: ArcelorMittal
Tài sản ước tính: 28 tỷ USD
Lakshmi Narayan Mittal là người sáng lập ArcelorMittal – hãng sản xuất thép hàng đầu thế giới. Theo Forbes, Mittal được đánh giá là người giàu thứ 6 trên thế giới.
Ông trùm ngành thép 61 tuổi này thành lập công ty vào năm 1989 với tên gọi Mittal Steel. Năm 2006, Mittal Steel sáp nhập với Arcelor trở thành tập đoàn như hiện nay, có trụ sở tại Luxembourg. Mittal là chủ tịch và CEO của ArcelorMittal, sở hữu 40% cổ phần. Các thành viên khác trong gia đình cũng tham gia vào công ty là con trai Aditya – CFO của tập đoàn, còn con gái Vanisha là một trong 11 thành viên ban lãnh đạo của ArcelorMittal.
Năm 2004, đám cưới của Vanisha với Amit Bhatia đã thu hút sự chú ý của dư luận bởi sự xa hoa và được coi là đám cưới tốn kém thứ 3 trong lịch sử hiện đại với chi phí 60 triệu USD. Đám cưới diễn ra tại cung điện Versailles của Pháp. Ông Mittal được cho là đã bao 1.000 vị khách ở tại các khách sạn 5 sao của Pari trong vòng một tuần liền.
2. Li Ka-shing và gia đình
Ông Ka-shing (bên phải) đã khởi nghiệp bằng công việc sản xuất chất dẻo năm 22 tuổi. Bên trái là con trai Victor Tzar Kuoi. |
Vùng lãnh thổ: Hong Kong
Công ty: Cheung Kong, PCCW, Hutchison Whampoa
Tài sản ước tính: 32 tỷ USD
Li Ka-shing được coi là một trong những doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Các công ty của ông có giá trị vốn hóa thị trường vào khoảng 92 tỷ USD trên thị trường chứng khoán Hong Kong.
Ông trùm tư bản người Trung Quốc này đã từng bỏ học năm 12 tuổi và cùng gia đình từ đại lục tới Hong Kong năm 1928. Sau khi làm việc cho một công ty sản xuất chất dẻo, năm 22 tuổi, Ka-shing cũng khởi nghiệp bằng ngành này mà giờ là Cheung Kong Industries – một trong những hãng bất động sản hàng đầu Hong Kong. Công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán năm 1972 và tiếp tục mở rộng, thâu tóm Hutchison Whampoa và Hong Kong Electronics. Hiện tại, lĩnh vực kinh doanh của Ka-shing rất đa dạng từ vận chuyển, viễn thông đến công nghệ sinh học.
Li Ka-shing điều hành các công ty tại Trung Quốc, Anh và Australia. Hai con trai ông là Victor Tzar Kuoi (47 tuổi) lãnh đạo Cheung Kong, Hutchison Whampoa và KC Life Science. Còn người con khác là Richard Tzar Kai Li (44 tuổi) giữ cương vị chủ tịch hãng viễn thông PCCW.
1. Gia đình Ambani
Bất đồng giữa Mukesh (bên phải) và Anil Ambani (bên trái) đã gây ra sự chia rẽ năm 2006. |
Quốc gia: Ấn Độ
Công ty: Reliance Industries, Reliance Group
Tài sản ước tính: 37,6 tỷ USD
Ambani là gia đình giàu có nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và là những người sáng lập Reliance Industries – công ty lớn nhất Ấn Độ tính theo giá trị vốn hóa thị trường (55,6 tỷ USD).
Công ty được Dhirubhai Hirachand Ambani thành lập năm 1966 chuyên dệt may và dần mở rộng hoạt động sang lĩnh vực hóa dầu, thông tin liên lạc và năng lượng. Câu chuyện từ một công nhân trở thành một ông trùm kinh doanh đã đưa ông lên một vị trí quan trọng tại Ấn Độ. Sau khi Dhirubhai qua đời năm 2002, hai con trai là Mukesh và Anil Ambanil đã tiếp nối sự nghiệp.
Tuy nhiên, bất đồng giữa hai anh em đã gây ra chia rẽ năm 2006. Mukesh, 54 tuổi, lãnh đạo Reliance Industries, bao gồm các tài sản liên quan đến dầu mỏ. Ông được cả thế giới biết đến là người xây dựng ngôi nhà đắt nhất thế giới tại Mumbai với chi phí khoảng 1 tỷ USD. Còn Anil, 52 tuổi, là chủ tịch Reliance Group, hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, năng lượng và y tế.
Trong thập kỷ vừa qua, hoạt động kinh doanh của gia đình Ambani đã không ít lần bị điều tra. Tháng trước, chính quyền Ấn Độ đã tiến hành điều tra vai trò của Anil Ambani trong một vụ bê bối viễn thông trị giá hàng tỷ USD.
Ngọc Thúy
Geen opmerkingen:
Een reactie posten