vrijdag 4 november 2011

Ngành nông nghiệp Mỹ còn lo lắng về nhiệt độ

October 30, 2011
CHICAGO, Illinois (Reuters) - Các nhà khoa học về trồng trọt tại Hoa Kỳ, nước xuất cảng thực phẩm lớn nhất trên thế giới, đang suy nghĩ một câu hỏi kỳ lạ: Có thể nào sự nguy hiểm của tình trạng địa cầu nóng dần thực sự là vấn đề nhiệt độ hay không?


Nông gia ngày càng lo lắng về nhiệt độ trái đất. (Hình minh họa: Scott Olson/Getty Images)

Từ nhiều năm nay, giữa lúc các khoa học gia gom góp các dữ kiện về sự thay đổi khí hậu và bận tâm với sự lo ngại về những băng hà đang tan ra và những thay đổi khác được thấy trong chu kỳ nước thiết yếu cho sự sống, ảnh hưởng đối với mùa mưa và sự tưới tiêu đã gây lo ngại nhiều nhất cho những người theo dõi mùa màng.
Ðiều gì sẽ xảy ra cho các vựa thực phẩm như miền Trung Tây Hoa Kỳ, những thảo nguyên tại Trung Á, và đồng bằng ở Bắc Trung Quốc hoặc đất trồng trọt tại Argentina và Brazil nếu không có mưa bình thường hoặc thềm nước ngầm?
Những điều đó được coi như các vấn đề lâu dài của tình trạng thay đổi khí hậu.
Nhưng các khoa học gia hiện giờ nhận thấy một vấn đề trực tiếp hơn, đó là sự gia tăng bất thường về nhiệt độ ban ngày, và, đặc biệt là Mùa Hè vào ban đêm, đang xảy ra trên các vòng đai sản xuất mùa màng trên khắp thế giới.
Những cuộc phỏng vấn với những nhà nghiên cứu mùa màng tại các trường đại học của Mỹ cũng vẽ ra một hình ảnh như vậy: Nhiệt độ cao đã làm giảm sản lượng của nhiều loại mùa màng và rau.
Ông Ken Boote, một khoa học gia nông nghiệp làm việc tại trường Ðại Học Florida, nói: “Chúng ta không trồng cà chua ở sâu miền Nam vào Mùa Hè. Việc thụ phấn sẽ thất bại.”
Ðiều đó cũng đúng đối với các loại đậu, sẽ không còn có thể được trồng tại Florida trong Mùa Hè, ông nói thêm.
“Khi nhiệt độ tăng, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì sản lượng mùa màng như chúng ta đã đạt được trước đây,” theo lời ông Gerald Nelson, một kinh tế gia tại Viện Nghiên Cứu Chính Sách Thực Phẩm Quốc Tế (IFPRI), người đang cầm đầu một dự án toàn cầu, được tài trợ lúc đầu bởi Tổ Chức Bill và Melinda Gates, để nhận diện các loại mùa màng mới thích ứng với sự thay đổi khí hậu.
“Khi tôi đi khắp thế giới, người ta bớt nghi ngờ hơn nhiều, và lo lắng hơn nhiều về sự thay đổi khí hậu,” theo lời ông David Lobell, một khoa học gia nông nghiệp tại Ðại Học Stanford.
Ông Lobell là một trong ba tác giả của một cuộc nghiên cứu năm 2011 về sản lượng bắp, lúa mì, đậu nành và lúa gạo trong ba thập niên vừa qua (1980-2008). Cuộc nghiên cứu kết luận rằng nhiệt, không phải là nước mưa, ảnh hưởng lên sản lượng nhiều nhất.
“Chúng tôi áp dụng một đường lối dè dặt và vẫn nhận thấy những hậu quả lớn lao. Chắc chắn chúng đang diễn ra và không phải chỉ là một cái gì đó sẽ hoặc có thể xảy ra trong tương lai,” ông Lobell nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.
Lo ngại đang gia tăng
Các nhà khoa học tại một cuộc họp mới đây của các nhà nông học (agronomists) Hoa Kỳ ở San Antonio cho rằng trọng tâm là vấn đề thay đổi khí hậu.
“Ảnh hưởng của nó đối với các hệ thống nông nghiệp, những ảnh hưởng đối với mùa màng, các chiến lược quản trị đất đai để giảm thiểu hậu quả - một loạt những câu hỏi đang được nêu lên về sự thay đổi khí hậu,” theo lời ông Jerry Hatfield, giám đốc phòng thí nghiệm tại Phòng Thí Nghiệm Ðất Canh Tác Quốc Gia ở Ames, Iowa.
“Ðiều quan trọng nhất là nhiệt độ cao vào ban đêm có một hậu quả tiêu cực đối với sản lượng,” ông Hatfield nói thêm, khi nhấn mạnh rằng nhiệt độ ảnh hưởng lên sự bay hơi và tiến trình phát triển của mùa màng.
“Một trong số những hậu quả của sự gia tăng nhiệt độ là thu ngắn chu kỳ sống của loại cây đó. Hậu quả quan trọng khác là khi bầu khí quyển trở nên ấm hơn nhu cầu về nước trong không khí tăng lên,” ông Hatfield nói.
“Ðây là những điều đơn giản có thể xảy ra và có những hậu quả lớn lao đối với khả năng của chúng ta trong việc sản xuất thực phẩm hàng ngày hoặc thức ăn gia súc,” ông nói.
Ông Boote tại Ðại Học Florida nhận thấy rằng những cây lúa không sản xuất ra hạt khi nhiệt độ trung bình trong 24 giờ là 95 độ F (35 độ Celsius). Nhiệt độ đó tương đương với nhiệt độ cao 104 độ F vào ban ngày và 86 độ F vào ban đêm.
Kỹ nghệ hạt giống toàn cầu đã đặt ra một mục tiêu cao để thúc đẩy sản lượng mùa màng vào năm 2050 để nuôi ăn dân số thế giới. Các khoa học gia nói rằng ảnh hưởng của nhiệt độ đối với sự phát triển của thực vật cần được chú trọng và nghiên cứu nhiều hơn. (n.n.)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=139234&z=269

Geen opmerkingen:

Een reactie posten