dinsdag 8 november 2011

Cạnh tranh Mỹ - Trung trên bàn các Hội nghị thượng đỉnh Châu Á

07 Tháng Mười Một 2011       

Minh Anh
Vào các ngày 12-13/11 và từ ngày 14 đến 19/11 sắp đến, lần lượt hai Hội nghị thượng đỉnh châu Á quan trọng APEC và ASEAN sẽ diễn ra. Đây là hai tổ chức chính trị - kinh tế quan trọng của vùng Châu Á – Thái Bình Dương. Và đây cũng là nơi diễn ra các cuộc tranh giành ảnh hưởng quan trọng của nhiều nước lớn, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Liên quan đến chủ đề này, nhật báo Le Monde hôm nay, trên trang phụ san Địa – Chính trị, có bài nhận định mang hàng tựa « Cạnh tranh Mỹ - Trung tại Hội nghị thượng đỉnh Châu Á » của tác giả Philippe Mesmer.
APEC, ASEAN là gì ?
Le Monde cho biết, nhận thức được vị trí chiến lược quan trọng tại khu vực này, đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tham dự cả hai Hội nghị thượng đỉnh. Trước tiên, Le Monde điểm lại lịch sử hình thành và mục tiêu hành động của hai tổ chức này.
APEC hay còn được gọi là Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, được thành lập năm 1989 với sự góp mặt của 12 nước thành viên ban đầu, do thủ tướng Úc vào thời điểm đó là Bob Hawke đề xướng. Mục tiêu ban đầu đề ra là nhằm phát triển trao đổi thương mại giữa các quốc gia trong toàn khu vực châu Á và nhằm tiến tới hội nhập kinh tế tại Châu Âu và Bắc Mỹ. Ngày nay, số thành viên gia nhập APEC đã lên đến 21 nước, trong đó có Việt Nam. Hội nghị sắp tới sẽ diễn vào ngày 12 và 13/11 năm nay tại Honolulu, Hawai (một hòn đảo thuộc Mỹ). Hiện tại, APEC chú trọng đến 4 mục tiêu : giảm hàng rào thuế quan, tạo điều kiện cho tự do mậu dịch, hợp tác y tế và kể từ năm 2001, thêm một mục tiêu mới là chống khủng bố.
Tổ chức Châu Á thứ hai không kém phần quan trọng chính là Hiệp hội các nước Đông Nam Á (viết tắt là ASEAN). Tổ chức này được hình thành vào năm 1967, tại Bangkok, Thái Lan, gồm 5 nước thành viên ban đầu với mục tiêu đề ra là ưu tiên tăng trưởng, khuyến khích hợp tác và nhất là chống lại chủ nghĩa cộng sản. Sắp tới đây, với 10 nước thành viên - Đông Timor sẽ gia nhập vào khối này vào năm 2015 - các nước thuộc khối ASEAN sẽ họp lại tại Bali, Indonesia từ ngày 14 đến 19/11 năm nay. Và mục tiêu của tổ chức này là chú trọng đến việc tăng cường hợp tác trên các lãnh vực xã hội, môi trường, văn hóa và an ninh : đó là những tiêu điểm nằm trong dự án Cộng đồng các nước ASEAN mà các nước thành viên mong muốn hình thành từ đây cho đến năm 2015. Trong xu hướng này, ASEAN đã ký kết một thỏa thuận « tự do mậu dịch » với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (hay còn gọi là ASEAN+3, sau đợt khủng hoảng tài chính năm 1997, tại Thái Lan). ASEAN có giữ một ghế quan sát viên tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Theo Le Monde, với sự phát triển mạnh mẽ của ASEAN, tổ chức này có một vai trò đối thoại không thể nào phủ nhận được trong khu vực. Từ ASEAN+3, tổ chức này dần phát triển thành ASEAN+6 với sự tham gia của Úc, Ấn Độ và New Zealand. Xin nói rõ là Nhật bản mong muốn sự có mặt của Ấn Độ trong khối nhằm đối trọng lại với Trung Quốc.
Không gian đối thoại hay cạnh tranh?
Tọa lạc tại vị trí địa chính trị - kinh tế ngày càng quan trọng, những năm gần đây, hai tổ chức này giờ đã trở thành địa điểm cạnh tranh, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc.
Le Monde nhận định Mỹ không muốn nhìn thấy mình bị gạt ra ngoài Châu Á. Tổng thống Mỹ Obama khẳng định : “chúng ta có quyền lợi trong tương lai ở khu vực này bởi những gì diễn ra ở đây đều ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta”.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của Mỹ gặp phải sự đối kháng từ Trung Quốc. Điều này có thể nhận thấy qua việc nước này phát triển một cách nhanh chóng khí tài quân sự. Hàng loạt các vụ đụng độ với hải quân các nước láng giềng hay các vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Nhật (hòn đảo Senkaku – Điếu Ngư), với Việt Nam và Philippines (hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa) đã diễn ra trong thời gian gần đây. Việc mở rộng kiểm soát và vùng đặc quyền kinh tế (qua bản công bố đường lưỡi bò) trên biển Đông đã khiến cho nhiều nước không khỏi thắc mắc, vì đây vốn là con đường hàng hải và thương mại quan trọng.
Le Monde cho rằng, chính các hành động khiêu khích của Trung Quốc đã tạo cơ hội cho Mỹ củng cố các liên minh hiện có trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, và đồng thời còn giúp Mỹ tiến gần đến Việt Nam hơn.
Những ván bài trong các hội nghị sắp tới là gì?
Theo Le Monde, các vấn đề về an ninh vẫn chiếm trọng tâm chính tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này. Bên cạnh đó, nhân có sự tham gia của tổng thống Mỹ Barack Obama, các nước ASEAN sẽ tranh thủ đưa ra bàn thảo vấn đề tự do đi lại trên biển Đông và tôn trọng quy định quốc tế về chủ quyền lãnh thổ.
Thứ hai, ASEAN có thể trao quyền chủ tịch luân phiên cho Miến Điện vào năm 2014, sau một loạt các động thái cởi mở chính trị tại nước này.
Trên phương diện kinh tế, ASEAN tiếp tục thảo luận về vấn đề tự do mậu dịch trong khuôn khổ chương trình ASEAN+3 và ASEAN+6.
Về phần APEC, hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ tập trung chủ yếu về Dự án Đối tác xuyên Thái Bình Dương (PTP), một vấn đề mà Mỹ muốn kết thúc sớm. Dự án này được xem như là một bước tiến tiềm năng cho việc thực thi vùng “tự do mậu dịch” Châu Á – Thái Bình Dương. Le Monde nhận định, nếu như dự án này thành công, đây sẽ là một chiến thắng cho chính ông Obama trên phương diện nội bộ, bởi vì thành công của dự án PTP cũng sẽ là một cách để Washington chống lại đối thủ Trung Quốc. Vấn đề đặt ra là không phải nước nào cũng ủng hộ hoàn toàn dự án này.
Trung Quốc : Đổi mới hay phá sản
Cũng liên quan đến kinh tế, nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay có bài phóng sự điều tra đề tựa “Cải tiến hay chết, thế nan giải mới tại Trung Quốc”. Theo bài viết, tại thành phố công nghiệp Quảng Đông, chi phí sản xuất tăng đang là vấn đề gây đau đầu cho nhiều doanh nghiệp tại thành phố này.
Bài viết đơn cử trường hợp xí nghiệp sản xuất thú nhồi bông Đông Lâm của ông Đặng Hồng Bình. Theo ông này, lương công nhân đã tăng hơn gấp 4 lần trong vòng hơn 15 năm nay (từ 700 lên 3000 nhân dân tệ) cho 7 hay 8 giờ làm việc, đổi lại là 14 giờ trước đây. Quá đắt. Cuối cùng, ông chủ này phải chọn giải pháp di dời nhà xưởng qua vùng khác trong nước, để có thể trả một mức lương thấp hơn chừng 1.500 nhân dân tệ/ tháng. Đặng Hồng Binh còn cho rằng chính lạm phát đã buộc các chủ doanh nghiệp phải tăng lương nhân công.
Tuy nhiên, Les Echos cho rằng ông ta chỉ là một trong những nạn nhân của thuyết tiến hóa Darwin trong kinh tế, do Uông Dương Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông đề ra. Theo ông này, có lẽ cũng nên để cho những doanh nghiệp nào không biết tìm những giải pháp thay thế phá sản.
Bởi vì không phải doanh nghiệp nào cũng rơi vào tình trạng bi đát như doanh nghiệp Đông Lâm. Nếu những doanh nghiệp nào chứng tỏ cho thấy khả năng tiềm tàng của họ, chính quyền địa phương sẽ được huy động. Với sự hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp này sẽ được tư vấn theo hai hướng đa dạng hóa và tự động hóa. Đổi lại, công nhân sẽ làm việc theo kiểu “Thời hiện đại” của Charlie Chaplin. Số người làm việc trên các dây chuyền giảm xuống 1/3, vì một người có thể phụ trách cùng lúc hai hay ba máy.
Mặt khác, các chủ doanh nghiệp này cũng nhìn nhận rằng ngày nay, công nhân không có gắn bó với doanh nghiệp nhiều như trước. Ngay khi họ có thể kiếm được một việc làm khác, lương cao hơn chỉ vài đồng, họ cũng sẵn sàng bỏ doanh nghiệp. Nhận thức được việc này, nhiều doanh nghiệp tại đây cũng bắt đầu nghĩ đến chăm lo đến đời sống xã hội tinh thần cho người làm công.
Cuối cùng, Les Echos tóm lược lại rằng, thách thức thì nhiều, nhưng chiến lược rất rõ ràng. Lá phổi công nghiệp của cả nước muốn tăng thêm giá trị thặng dư. Mặc kệ những ai không theo được nhịp của thời đại. Quảng Đông muốn trở thành một thành phố của nền công nghiệp hiện đại và của tri thức.
Ngải Vị Vị chống lại chính quyền Bắc Kinh
Nghệ sĩ Ngải Vị Vị Trung Quốc buộc phải hoàn thuế 15 triệu nhân dân tệ (tương đương với 1,7 triệu euro). Các luật sư của ông tố cáo hồ sơ không rõ ràng và kháng cáo quyết định hành chính. Bên cạnh đó, nhiều dân cư mạng đã gửi tiền quyên góp giúp nghệ sĩ đóng thuế. Liên quan đến đề tài này, nhật báo Le Monde hôm nay có bài viết đề tựa “Nghệ sĩ Ngải Vị Vị, bị kết tội trốn thuế, chiến đấu với Bắc Kinh”.
Le Monde viết, 4 tháng sau khi bất ngờ được trả tự do, Ngải Vị Vị sẵn sàng đương đầu với cuộc chiến. Đàng sau ông là cả gia đình, những binh đoàn cư dân mạng đông chưa từng có chống lại sự kiểm duyệt và với tiếng tăm lừng lẫy trên quốc tế. Chống lại ông, một thế lực không thể nào nắm bắt được cũng như là không thể thấy được – công an chính trị - và một giới truyền thống buộc phải im lặng hay vu khống.
Thứ ba 1/11 vừa qua, cơ quan Thuế Bắc Kinh ra thông báo buộc văn phòng thiết kế do vợ ông quản lý phải hoàn một khoản thuế là 15 triệu nhân dân tệ. Theo lời giải thích từ luật sư của Ngải Vị Vị với Le Monde, thì ngoài số tiền 10 triệu cho các khoản chi phí và tiền phạt, thì không có một chứng cứ nào minh chứng cho số còn lại.
Le Monde cho biết, theo quy định, nếu không trả thuế, Ngải Vị Vị hay cả vợ ông có thể bị bắt trở lại. Ngải Vị Vị giải thích với Le Monde rằng, “cái bẫy” ở đây chính là có thể bị quy tội “chính trị hóa” các trừng phạt thuế. Ông cho biết, trong quá trình bị giam giữ, ông liên tục bị tra vấn về việc dấn thân vào chính trị như có tham gia vào phong trào Hoa Lài hay không.
Trước mắt, công ty của vợ ông có ý định kháng án. Tuy nhiên, để làm việc này, các nhà quản trị công ty phải đặt cọc trước một số tiền lớn theo yêu cầu vào tài khỏan của cơ quan thuế. Phía gia đình ông sẽ cho cầm cố ngôi nhà của gia đình, nơi mà cha ông, nhà thơ Ngải Quỳnh – biểu tượng của những người cộng sản - đã từng sống qua và hiện được xếp vào di sản văn hóa Trung Quốc.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20111107-canh-tranh-my-trung-tren-ban-cac-hoi-nghi-thuong-dinh-chau-a

Geen opmerkingen:

Een reactie posten