Trần Tiến Dũng/Người Việt
Ngày nay, nếu một sáng nào đó bạn muốn đổi món điểm tâm bằng cách chọn món bánh mì, có nghĩa là bánh mì luôn được lưu trong bộ nhớ ẩm thực của bạn như món phở, hủ tíu, bún bò...
Xe bánh mì thường thấy trên vỉa hè SG. (Hình Trần Tiến Dũng/Người Việt) |
Người bình dân Sài Gòn trước đây thường ăn bánh mì nóng hổi để trong bội cần xé, đậy bằng bao bố hoặc giấy dầu. Ngày trước khắp các con hẻm Sài Gòn, sáng sáng, chiều chiều lúc nào cũng có bóng những người đàn ông khòm lưng trên xe đạp rao, “Bánh mì nóng hổi đây.” Con nít thì thích móc ruột bánh mì ăn trước còn người lớn thì khoái ăn vỏ bánh giòn giòn. Nhưng ăn bánh mì không hoài cũng ngán nên dân lao động chế ra món bánh mì chấm nước tương. Cái chén nước tương rắc chút tiêu xay, nặn chút chanh đúng là chấm bánh mì ăn ngon bá phát. Tất nhiên trong các món bánh mì giản dị nhưng lại thành ký ức khó phai mờ của dân đô thành Sài Gòn và phố tỉnh miền Nam còn có món bánh mì chấm đường cát, bánh mì rưới sữa bò hiệu Ông Thọ, Kim Cương. Chúng tôi lúc nhỏ thuộc lứa học sinh của thời viện trợ Mỹ, sáng nào vô lớp học cũng được phát một ổ bánh mì, một ly sữa lạt. Viện trợ Mỹ chăm sóc lớp học sinh tiểu học của chúng tôi ân cần lắm, nhưng tuổi nhỏ đâu hiểu chuyện gì về suy dinh dưỡng, cứ ăn bánh mì chấm sữa riết ngán tới cuống họng nên vò ruột bánh mì thành cục bột chọi lộn chơi. Ðã nhớ thì phải nhớ luôn về chuyện sau biến cố 1975, Sài Gòn rơi vào tình cảnh đói ăn. Những ai đã từng xếp hàng chầu chực để cầm tem phiếu mua bánh mì với bột mì, hẳn sẽ không quên cám ơn cái thứ chất bột được du nhập này đã đỡ đần bụng dạ lương dân vào thời buổi khổ nạn. Tôi thì không quên được cái mùi bột mốc, mùi mối mọt, cả mùi cứt chuột... từ bột mì thời bao cấp cộng sản. Còn riêng bánh mì tem phiếu thì không biết các công ty lương thực của nhà nước làm bằng thứ bột gì mà chai cứng như “sỏi đá cũng thành cơm.”
Giờ dây người Sài Gòn chỉ ăn vịt quay của người Hoa Chợ Lớn với bánh mì, với món càri Ấn Ðộ người ăn cũng đòi bánh mì. Trước đây ở tiệm phở bình dân của người Bắc di cư, lúc nào cũng có những thực khách đến ăn phở mà tay cầm thêm ổ bánh mì. Có người cho chuyện ăn phở chấm bánh mì là vì người lao động cần ăn no. Nói như vậy là trật lất, tỉ như đâu có ai chấm bánh mì với nước bún riêu. Phải tin rằng khẩu vị người Việt tinh tế lắm, cái bánh gốc Tây này phải hạp khẩu vị lắm người ta mới dùng chung với món phở quốc hồn quốc túy. Một trường hợp khác là bánh mì chả lụa rắc muối tiêu, ngò rí. Không có gì trật khi gọi món bánh mì là món đa văn hóa, có thể kể như sau. Với các món gốc Hoa, vịt quay, heo quay, xá xíu, xí mại... các món gốc Ấn thì cà ri gà, cà ri vịt, cà ri dê... với các món Việt thì có chả lụa, chả cá, bì heo mỡ hành, bò kho... Còn nếu kẹp các món có gốc lai Tây hoặc Mỹ thì khỏi phải nói, bánh mì ốp la, pa tê, phô mai, giăm bông, thịt nướng, xúc xích...
Có một điều nhiều người thắc mắc là vì sao người Việt chỉ khoái ăn bánh mì Tây kiểu nướng cứng giòn, dẫu đã du nhập đủ loại bánh mì trong đó có cả bánh mì Nga. Có lẽ không cần giải thích chi cho mệt mà chỉ cần nói cho qua rằng. Ôi cái thứ nhân duyên tiền định với bánh mì cứng của Tây đã thành dòng họ bánh mì Việt rồi, đố có thay đổi được. Người viết đã từng ngạc nhiên khi thấy tận bên Mỹ, người Việt mình vẫn cứ khoái ngậm bánh mì cứng theo kiểu Việt, có khi nhờ vậy mà những thương hiệu bánh mì Việt trên đất Mỹ hay ở các xứ khác có cơ hội chứng minh và đóng góp cái kiểu ăn bánh mì ngon lành Việt Nam.
Dân lao động, học sinh Sài Gòn đã bắt đầu ngon miệng với món bánh mì hamburger trên đường phố. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt) |
Sài Gòn hôm nay không còn lò bánh mì đốt bằng củi nữa mà thay bằng bánh mì lò điện. Tất nhiên với người hoài cổ thì không ngon miệng, nhưng thử hỏi trong thời buổi lạm phát cao nhất thế giới này có thứ nào rẻ bằng bánh mì đâu. Với giá bán lẻ 3,000 đồng bạc một ổ bánh mì không thì nếu Thượng Ðế mà đi làm công nhân giá rẻ mạt ở các khu công nghiệp hoặc ngồi ngơ ngác ở các ký túc xá sinh viên... cũng phải gật đầu: Cám ơn bánh mì!
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=139608&z=310
Geen opmerkingen:
Een reactie posten