woensdag 16 november 2011

ASEAN : Con đường đến cộng đồng kinh tế chung còn dài

15 Tháng Mười Một 2011

Minh Anh
Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra từ ngày 14 đến ngày 19/11 tại Bali (Indonesia). Nội dung chương trình họp lần này làm nhằm hướng đến hội nhập kinh tế hoàn toàn và trở thành một « cộng đồng Đông Nam Á » từ đây cho đến năm 2015. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát châu Âu cho rằng mục tiêu này vẫn còn khá xa vời. Liên quan đến chủ đề này, nhật báo Le Monde số ra hôm nay có bài nhận định đề tựa « Đối với các nước Đông Nam Á, chặng đường dài hướng đến cộng đồng kinh tế chung ».

Le Monde cho rằng các nước thuộc khối ASEAN vẫn còn mang nhiều ảo tưởng. Với tổng số dân 590 triệu người, ASEAN gồm 10 nước thành viên (Thái Lan, Miến Điện, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, Philippines, Việt Nam, Lào và Cam Bốt), với sức nặng kinh tế hơn Ấn Độ đến 25%.
Theo nhận định của Le Monde, điều nghịch lý là trao đổi mậu dịch giữa ASEAN với các nước không thành viên còn cao hơn là giữa các nước thành viên với nhau, nhất là với Trung Quốc. Đó là chưa kể đến sự khác biệt chính trị và mức độ phát triển khác nhau của từng nước cũng làm suy yếu phần nào khối thịnh vượng chung này.
Le Monde cho biết, Trung Quốc và 6 nước giàu nhất trong khối ASEAN xóa bỏ gần như hoàn toàn hàng rào thuế quan trên 7000 mặt hàng và dịch vụ, chiếm 90% giao dịch giữa Trung Quốc và Asean. Một món hời cho Trung Quốc khi nhìn thấy hàng hóa của mình chảy tự do trong khu vực.
Theo ghi nhận của nhiều chuyên gia tại chỗ, trao đổi tự do mậu dịch trong khối ASEAN trên thực tế không dựa vào một liên minh thuế quan, cũng như không phải dựa trên sự đồng nhất các chuẩn mực và thủ tục. Thậm chí, nhiều nước có chính sách công nghiệp vẫn còn ở cấp độ quốc gia.
Mặt khác, sự khác biệt về địa-chính trị cũng là một yếu tố gây chia rẽ. Bởi vì, ba nước gia nhập sau cùng là Việt Nam, Lào và Miến Điện lại có đường biên giới chung với Trung Quốc. Lẽ dĩ nhiên là ba nước này bị lệ thuộc nhiều vào người hàng xóm khổng lồ của mình, cho dù trong thâm tâm, họ không muốn chút nào.
Theo một nhận định của một nhà quan sát nước ngoài tại Jakarta, ngoại trừ Indonesia, Thái Lan, Singapore và Malaysia, thì các nước còn lại vẫn chưa thể nào tiến đến hội nhập kinh tế vì vẫn phải tập trung nhiều cho chính sự phát triển công nghiệp của mình.
Một yếu tố khác cũng làm suy yếu ASEAN đó là vì ngay trong lòng của khối chưa có một quốc gia nào được xem là « nhà vô địch » kinh tế của vùng để cho phép khối này cạnh tranh với các nước lớn trên quốc tế.
Bắc Kinh và Tokyo tức giận vì thỏa thuận của Mỹ tại APEC
Cũng liên quan đến châu Á, nhật báo kinh tế Les Echos có bài quan tâm đến Hội nghị Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Với bài viết mang tựa đề « Thỏa thuận của Mỹ về tự do mậu dịch khiến Trung Quốc và Nhật Bản phải nghiến răng », bài báo cho biết nếu đối với Mỹ thỏa thuận này là một thành công, thì nó lại phản ánh sự căng thẳng giữa Washington với Bắc Kinh và Tokyo.
Les Echos nhận định tại Hội nghị thượng đỉnh « Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương » (APEC) lần này, tổng thống Mỹ đã thành công khi đưa ra thảo luận về dự án « Đối tác xuyên Thái Bình Dương » (TPP) với tám nước là Úc, Brunei, Chilê, Malaysia, New Zealand, Pêru, Singapore và Việt Nam. Dự án còn nhận được sự ủng hộ của ba nước là Nhật Bản, Canada và Mêhicô.
Tuy nhiên, sự thành công này cũng không cản được các căng thẳng xảy ra. Ngay sau khi kết thúc diễn đàn, trong một bản thông cáo, tổng thống Mỹ Barak Obama đã hoan nghênh thiện ý của Nhận Bản muốn tham gia thảo luận cho việc hình thành khối tự do mậu dịch tương lai và mong muốn thương lượng về việc tự do hóa nếu có trên mọi lãnh vực kinh tế của Nhật Bản.
Ngay lập tức, phía văn phòng thủ tướng Nhật phải lên tiếng đính chính đảm bảo rằng thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda không bao giờ gợi nhắc đến việc tự do hóa hoàn toàn các dịch vụ và hàng hóa của mình trong cuộc trao đổi riêng giữa ông và tổng thống Mỹ. Ông Noda cũng hiểu rằng ý tưởng này sẽ gặp phải sự chống đối từ giới vận động hành lang, những người chống lại tự do mậu dịch và nhất là từ giới nông gia.
Trong khi đó, đối với Trung Quốc, dự án « thỏa thuận tự do mậu dịch TPP » này gióng một hồi chuông khiêu khích. Bởi vì Trung Quốc đang trông mong vào dự án hội nhập kinh tế với Nhật Bản và Hàn Quốc. Như vậy, việc Nhật Bản gia nhập TPP sẽ làm tổn hại đến triển vọng này.
Mặt khác, Trung Quốc cũng không mấy hài lòng về những chỉ trích của ông Obama đối với Bắc Kinh. Mỹ lên án Trung Quốc tiếp tục duy trì một cách giả tạo tỷ giá đồng nhân dân tệ, gây thiệt hại cho ngành xuất khẩu của Hoa Kỳ.
Úc đón nhận một khu căn cứ quân sự Mỹ
Cũng liên quan đến chủ đề Châu Á – Thái Bình Dương, Le Figaro hôm nay có bài viết nhận định về mối quan hệ Mỹ - Úc qua bài viết « Úc sẽ tiếp nhận một khu căn cứ quân sự Mỹ ». Theo thông tín viên của Le Figaro, Washington muốn ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương.
Le Figaro nhận định, không có nền kinh tế nào phát triển mà không cần đến an ninh. Và không có sự ổn định nào mà không cần đến quân sự Mỹ tại châu Á. Ngay sau khi hội nghị APEC kết thúc, tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục chuyến công du của mình tại Úc và Bali (Indonesia) dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, nhằm thảo luận các vấn đề : Tình hình bất ổn tại vùng biển Đông, hạt nhân tại Bắc Triều Tiên, khủng bố và nhiều mối đe dọa khác đang làm lung lay toàn khu vực châu Á trên đà nhảy vọt.
Mỹ có ý định đáp trả những lời kêu gọi ầm ĩ của các nước trong khu vực này, đề nghị tăng cường sự hiện diện quân đội Mỹ nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc. Le Figaro trích lời nhận xét của vị lãnh đạo Viện Ngoại giao Singapore, cho rằng « các nước trong khu vực nhìn Trung Quốc như là một niềm hy vọng duy nhất cho tăng trưởng kinh tế, nhưng họ lại nhìn về phía Mỹ với đầy nỗi lo âu nhằm tìm kiếm một sự bảo đảm chiến lược ».
Theo Le Figaro, sự lớn mạnh của quân sự kèm theo những đòi hỏi của Trung Quốc về chủ quyền biển Đông đã buộc nhiều nước phải hành động như Việt Nam hay Philippines.
Nhằm duy trì những cam kết là giữ vai trò đối trọng và bảo đảm sự ổn định, trước tiên, Barack Obama thực hiện chuyến viếng thăm quan trọng tại Úc và có tính biểu tượng. Nhân chuyến đi này, một khu căn cứ quân sự Mỹ sẽ được xây dựng tại Darwin (theo nguồn tin từ báo chí Úc). Một sự kiện chưa từng có trong quan hệ hai nước. Cả hai quốc gia cùng nhìn nhận là cần phải tăng cường hợp tác hơn nữa.
Hiện tại Mỹ có 350 ngàn quân đồn trú tại các căn cứ Guam và Okinawa và đội tàu chiến Mỹ hiện đang tuần tra trên biển Đông. Đối với Úc, « việc có thêm nhiều chỗ dựa mới rất quan trọng và giảm nhẹ gánh nặng phần nào cho quân đội Úc trong khu vực ».
Còn đối với các nước châu Á, họ mong muốn có sự hiện diện của quân đội Mỹ để duy trì hòa bình trong khu vực.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho Washington là làm thế nào đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng lớn của các nước về vấn đề an ninh trong khu vực, nhưng không làm cho Bắc Kinh cảm thấy là mình bị bao vây. Những trao đổi gay gắt giữa Barack Obama và Hồ Cẩm Đào về vấn đề tiền tệ và thương mại hồi cuối tuần vừa qua tại Hawai, báo trước là sẽ có những tranh luận căng thẳng về an ninh tại Bali lần này.
Việc làm cho người tàn tật : Thách thức cho châu Âu
Tại châu Âu hiện nay có khoảng 80 triệu người tàn tật. Làm thế nào giúp họ hòa nhập với cuộc sống bình thường và giúp họ có việc làm ổn định đang là một vấn đề nan giải cho các nhà lãnh đạo châu Âu. Quan tâm đến đề tài này, Les Echos có bài viết đề tựa « Việc làm cho người tàn tật : Những thách thức cho châu Âu ».
Theo Les Echos, hiện nay, có nhiều doanh nghiệp bắt đầu nghĩ đến việc tuyển dụng những người khuyết tật. Do dân số ngày càng già và số lượng người khuyết tật ngày càng tăng, nhiều tập đoàn lớn từ L’Oréal cho đến Areva hay Thales bắt đầu nghĩ đến việc tiếp cận các đối tượng khuyết tật tại châu Âu.
Les Echos cho rằng, cách nhìn về người tàn tật ít nhiều đã có sự thay đổi. Sự thay đổi này được ông Gerard Lefranc, giám đốc phụ trách hội nhập tại Thales xác nhận : « […]Nhiều văn bản quốc tế từ Liên Hiệp Quốc cho đến Bruxelles, đều định rõ : khuyết tật là mọi yếu tố giới hạn sự tham gia vào cuộc sống thường nhật. Chúng ta không cần phải nhìn vào chính bản thân căn bệnh nữa mà chính là các hậu quả của nó trong xã hội ».
Đối với các nhà tuyển dụng, cách tiếp cận của quốc tế không phải là không có lợi thế : Đồng nhất thực hành, nhiều hỗ trợ xã hội, văn hóa doanh nghiệp đa dạng…
Thế nhưng, vấn đề áp dụng cũng khá là phức tạp. « Không một nước châu Âu nào có cùng một khái niệm về sự khuyết tật ». Giữa nước này với nước khác, các quy định luật cũng khác nhau xa. Các nước như Đức, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha, Hy Lạp hay Pháp còn áp đặt quota tuyển dụng. Nó dao động từ 1% tại Lisbonne đến 8% tại Athènes.
Mặt khác, một khó khăn chung cho mọi doanh nghiệp, đó là những người khuyết tật lại thiếu tay nghề. Chỉ có 9% người khuyết tật có thể theo học các bậc đại học. Đó là chưa kể đến bối cảnh xã hội. Tại Pháp hiện nay có khoảng 20 ngàn trẻ khuyết tật không được đến trường. Nếu là tại Anh, thì sự việc này đã bị giới báo chí làm ầm ĩ.
Theo nhận xét của các chuyên gia tại các tập đoàn lớn, Nhà nước và xã hội cần phải có nhìn cởi mở hơn và nên giúp các bạn trẻ khuyết tật có điều kiện theo học các bậc học cao hơn. Do đó, các tập đoàn lớn nên thiết lập các mối quan hệ với các trường đại học địa phương, và nên cởi bỏ tư tưởng rằng « xem những người khuyết tật là những người yếu ớt và đòi hỏi sự quản lý nặng nhọc các vị trí ».
Cuối cùng, Les Echos nhận xét, tuy ngày nay có nhiều doanh nghiệp bắt đầu đi theo phương pháp của châu Âu, nhưng cũng còn phải mất nhiều thời gian để cho biện pháp này gặt hái kết quả cụ thể. Và khó khăn nhất là phải thuyết phục được các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20111115-asean-con-duong-den-cong-dong-kinh-te-chung-con-dai

Geen opmerkingen:

Een reactie posten