Khảo sát 183 quốc gia, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra danh sách 10 nước khó kinh doanh nhất dựa trên mức độ thuận lợi trong việc khởi nghiệp, cấp giấy phép xây dựng, nộp thuế, luật bảo vệ nhà đầu tư...
Dưới đây là danh sách 10 nước khó làm kinh doanh nhất thế giới theo các tiêu chí của WB do hãng tin CNBC đưa ra.
10. Argentina
GDP 2010: 388 tỷ USD
FDI 2010: 6,3 tỷ USD
Argentina là một trong 3 nước Nam Mỹ nằm trong danh sách này. Tại đây, để có được giấy phép xây dựng, doanh nghiệp phải trải qua quy trình cấp phép kéo dài tới 1 năm. Trong khi đó, tại các nước Mỹ Latinh và Caribbe chỉ khoảng 7 tháng. Tại Argentina, thời gian để hoàn tất thủ tục mở doanh nghiệp kéo dài tới 26 ngày, gấp đôi so với thời gian trung bình của các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Năm 2002, việc Argentina vỡ nợ đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng rời khỏi quốc gia lớn thứ 2 Nam Mỹ. Kể từ đó, chính phủ nước này ra sức tăng cường nhiều biện pháp nhằm ngăn dòng tiền đầu tư nước ngoài chảy ra khỏi nền kinh tế. Trong số đó có việc quốc hữu hóa các quỹ hưu trí trị giá 24 tỷ USD và giới hạn việc mua bán đất nông nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong nửa đầu năm 2011, FDI của Argentina đã giảm 30% so với năm ngoái.
9. Nga
GDP 2010: 1.500 tỷ USD
FDI 2010: 41,2 tỷ USD
Nga là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhưng cũng là một trong những nơi khó làm ăn nhất thế giới.
Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tại đây là kết nối điện- quy trình kéo dài gần 9,5 tháng- gấp đôi so với tại các nước Đông Âu khác và các quốc gia Trung Á. Nga là một trong những nước có mức giá điện sinh hoạt thấp nhất trong khu vực châu Âu. Giới chuyên gia công nghiệp cho rằng giá điện cần phải tăng để tạo vốn tái đầu tư và phát triển ngành công nghiệp điện năng.
Việc thiếu vốn làm tăng nguy cơ của các vụ mất điện như trường hợp mất điện ở Moscow hồi giáng sinh năm ngoái đã khiến nhiều chuyến bay bị hoãn và hàng nghìn người phải đón giáng sinh trong bóng tối.
Bên cạnh đó, tại Nga, thời gian để xuất khẩu một loại hàng hóa bất kỳ dài gấp 3 lần so với mức trung bình tại các nước thuộc OECD. Hiện nay, Nga là nền kinh tế lớn duy nhất vẫn nằm ngoài WTO. Sau 18 năm chờ đợi, Nga được kỳ vọng sẽ gia nhập vào WTO cuối năm nay.
8. Brazil
GDP 2010: 2.100 tỷ USD
FDI 2010: 48,4 tỷ USD
Hiện Brazil là nền kinh tế lớn thứ 8 trên thế giới với tăng trưởng GDP 2010 là 7,5%. Đây là thị trường khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, tại đây vẫn tồn tại nhiều cản trở lớn đối với việc kinh doanh. Brazil là một trong những quốc gia có tỷ lệ thu thuế trên GDP cao nhất thế giới, 37%. Các doanh nghiệp tại đây thường phải dành ra khoảng 2.600 giờ mỗi năm, tương đương với 3,5 tháng để điền mẫu đơn thuế. Họ cũng phải nộp tỷ lệ thuế lên tới 67%, cao hơn 20% so với mức trung bình của các nước Mỹ Latin khác và Caribbe.
Bên cạnh đó, việc lấy giấy phép xây dựng tại Brazil cũng rất khó khăn. Doanh nghiệp phải mất gần 470 ngày hoàn tất 17 thủ tục để được cấp phép xây dựng, gấp 3 lần thời gian tại các nước OECD.
Tham nhũng cũng là một trong những vấn nạn tại Brazil. Việc xây dựng các công trình chuẩn bị cho dịp đăng cai World Cup 2014 và Olympics 2016 tại Brazil đã bị ngừng lại bởi những cáo buộc tham nhũng liên quan tới Bộ trưởng Bộ Thể thao Orlando Silva. Hiện ông này đang đứng trước áp lực phải từ chức do nhiều bằng chứng cho thấy ông này đã tham ô tới 23 triệu USD từ các hợp đồng của chính phủ.
7. Indonesia
GDP 2010: 706,6 tỷ USD
FDI 2010: 13,3 tỷ USD
Indonesia là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và cũng là một trong 3 nước châu Á nằm trong danh sách này.
Điều gây khó khăn nhất cho doanh nhân tại đây là thủ tục mở doanh nghiệp. Quy trình này kéo dài tới gần 1,5 tháng, gần gấp 3,5 lần so với mức trung bình của các nước thuộc OECD. Bên cạnh đó, việc cấp điện tại quốc gia đông dân thứ 4 thế giới này cũng nhiều hơn 20 ngày so với các nước Đông Á và châu Á Thái Bình Dương.
Sự yếu kém của cơ sở hạ tầng từ lâu đã được cho là gây cản trở cho sự tăng trưởng của Indonesia. Tại đây, có tới 4/5 sân bay quốc tế đang hoạt động quá khả năng cho phép và khoảng 15 triệu hộ gia đình chưa có điện sinh hoạt.
Hiện quốc gia này đang nỗ lực thu hút đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, với kế hoạch thu hút ít nhất 150 tỷ USD vào lĩnh vực này trong 5 năm tới.
6. Ấn Độ
GDP 2010: 1.730 tỷ USD
FDI 2010: 24,6 tỷ USD
Ấn Độ hiện là quốc gia lớn thứ 4 thế giới với mức tăng trưởng hàng quý là 7,5% trong suốt 10 năm qua. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nơi khó kinh doanh nhất thế giới.
Bên cạnh vấn nạn tham nhũng lan tràn, khó khăn lớn đối với doanh nghiệp tại Ấn Độ là phải mất đến gần 4 năm để thực thi hợp đồng thông qua tòa án, trong khi tại các nước Nam Á khác chỉ mất 3 năm. Tại Ấn Độ, doanh nghiệp cũng gặp phải khó khăn khi xin cấp phép xây dựng, với quy trình kéo dài hơn 7,5 tháng.
Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều cuộc biểu tình của tầng lớp trung lưu thành thị của Ấn Độ chống lại tình trạng tham ô, quan liêu trong chính phủ.
Tuy có môi trường kinh doanh không thân thiện, nhưng quốc gia đông dân thứ 2 thế giới vẫn được dự báo sẽ trở thành một trong 5 điểm hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2010-2012.
5. Nigeria
GDP 2010: 194 tỷ USD
FDI 2010: 6,1 tỷ USD
Nigeria là nước sản xuất dầu lớn nhất châu Phi nên có sức thu hút lớn đối với các công ty năng lượng lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, những bất ổn chính trị và xung đột dân tộc tôn giáo khiến quốc gia này trở thành một trong những quốc gia khó kinh doanh nhất thế giới.
Khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp đó là kết nối điện và đăng ký sở hữu. Doanh nghiệp phải hoàn tất 13 thủ tục, tương đương gần 3 tháng, để đăng ký một tài sản. Trong khi đó, tại các nước OECD, họ chỉ cần mất 1 tháng để làm việc này.
Kinh doanh dầu mỏ cũng khiến cho tình trạng bạo lực và tham nhũng tại khu vực đồng bằng Niger. Tại đây, tập đoàn năng lượng khổng lồ Royal Dutch Shell thường bị buộc dừng sản xuất do số lượng các vụ trộm dầu tăng đột biến.
Mặc dù là quốc gia giàu dầu mỏ, phần lớn dân số Nigeria phải sống với dưới 2 USD/ngày và phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức độ nguy hiểm.
4. Philippines
GDP 2010: 199,6 tỷ USD
FDI 2010: 1,7 tỷ USD
Vốn đầu tư nước ngoài 2010 vào Philippines chỉ chiếm 2,5% trong số 76,5 tỷ USD chảy vào 10 nước ASEAN khác. Mặc dù tài nguyên dồi dào, nằm ở vị trí đắc đạo giữa Đông Nam Á và Bắc Á, có dân số nói tiếng Anh phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng kinh tế Philippines vẫn đi sau các nước trong khu vực.
Các doanh nghiệp nước ngoài tại đây gặp phải nhiều khó khăn do hệ thống pháp lý bất ổn, tình trạng bạo lực và quan liêu lan tràn. Việc mở doanh nghiệp và giải thể tại Philippines cũng mất đến hơn 5,5 năm, so với trung bình 7 tháng tại các nước OECD.
3. Algeria
GDP 2010: 159,4 tỷ USD
FDI 2010: 2,3 tỷ USD
Algeria là một trong 5 nước giàu dầu mỏ nhất nằm trong danh sách này.
Là một trong những nhà cung cấp khí ga tự nhiên vào Liên minh châu Âu lớn nhất, kinh tế Algeria phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp hydrocarbon.
Những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp nước ngoài gặp phải tại quốc gia này là thủ tục mở doanh nghiệp, kết nối điện, đăng ký tài sản và nộp thuế. Doanh nghiệp phải mất đến 48 ngày để đăng ký một tài sản tại đây. Còn việc kết nối điện thì cần đến 5 tháng, so với 2,5 tháng tại các nước Bắc Phi khác và khu vực Trung Đông.
Chi tiêu chính phủ với việc tăng lương, trợ cấp lương thực và trợ cấp thất nghiệp rộng tay cũng là vấn đề đáng lo ngại tại Algeria.
2. Ukraine
GDP 2010: 137,9 tỷ USD
FDI 2010: 6,5 tỷ USD
Ukraine là quốc gia lớn thứ 2 châu Âu và là một trong 2 quốc gia Đông Âu năm trong danh sách này.
Khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp nước ngoài gặp phải tại quốc gia này là việc nộp thuế, xin cấp phép xây dựng, kết nối điện… Ở Ukraine, doanh nghiệp phải mất đến 27 ngày để nộp thuế với tổng số thuế lên tới hơn 57% lợi nhuận. Thời gian này gấp đôi so với tại các nước Đông Âu khác và các nước Trung Á. Còn việc xin cấp giấy phép xây dựng cũng tốn gấp đôi thời gian so với các nước OECD.
Chính trị Ukraine cũng luôn ở trong tình trạng bất ổn với các cuộc biểu tình của Cách mạng Cam hoặc Cách mạng Hạt dẻ.
1. Venezuela
GDP 2010: 387,8 tỷ USD
FDI 2010: -1,4 tỷ USD
Venezuela là nước khó khăn nhất trên thế giới đối với việc kinh doanh. Nguyên nhân là những trở ngại trong việc trả thuế, tiếp cận tín dụng, luật bảo vệ nhà đầu tư và luật xuất nhập khẩu… Các doanh nghiệp phải mất tới 864 giờ mỗi năm để nộp thuế, gấp đôi so với thời gian tại các nước Mỹ Latinh khác và Caribbe, và gấp 4 so với các nước OECD.
Mặc dù là một trong những nước có trữ lượng khí ga tự nhiên và dầu mỏ lớn nhất thế giới, phần lớn dân chúng Venezuela sống trong nghèo khổ. Cuộc cách mạng cộng sản dưới sự dẫn dắt Tổng thống Hugo Chavez đã đem lại nhiều cải cách triệt để với việc quốc hữu hóa phần lớn nền kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp dầu mỏ và các biện pháp kiểm soát tiền tệ nghiêm ngặt. Tất cả những điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân.
Bên cạnh đó, tình trạng lạm phát cao cũng là một vấn đề lớn đối với Venezuela. Lạm phát giai đoạn 12 tháng tính đến tháng 9/2011 của quốc gia này là 26,5%, cho thấy tính trạng mất kiểm soát của kinh tế nước này.
Tuyến Nguyễn (theo CNBC)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten