zaterdag 8 oktober 2011

Nobel Hòa Bình vinh danh nữ quyền ở Châu Phi, Trung Ðông

October 07, 2011
OSLO, Na Uy (Reuters) - Ủy ban Nobel Na Uy hôm Thứ Sáu loan báo quyết định trao giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2011 cho ba phụ nữ Phi Châu và Trung Ðông “đã tranh đấu bất bạo động cho an toàn của nữ giới và quyền người phụ nữ được tham gia vào công cuộc kiến tạo hòa bình”.

Bà Tawakul Karman, người Yemen - được một phần ba giải Nobel Hòa Bình năm nay - là khuôn mặt then chốt trong nhóm biểu tình chống chính quyền Tổng Thống Saleh. (Hình: Gamal Noman/AFP/Getty Images)

Ba vị khôi nguyên có những thành tựu khác nhau. Một người đối mặt với các phe vũ trang Liberia đòi chấm dứt tệ nạn hiếp dâm vợ con đối phương. Một người là phụ nữ đầu tiên và duy nhất lãnh đạo một nước Châu Phi. Và một người từng bị bắt giữ trong cuộc biểu tình chống tổng thống Yemen.
Ba phụ nữ đoạt giải gồm hai người Liberia: Ellen Johnson-Sirleaf, Leymah Roberta Gbowe; và một người Yemen: Tawakul Karman.
“Chúng ta không thể đạt được dân chủ và hòa bình lâu dài trên thế giới trừ khi phụ nữ có được cùng cơ hội như nam giới để ảnh hưởng tới sự phát triển ở mọi tầng lớp của xã hội,” ủy ban Nobel viết.
Bà Ellen Johnson-Sirleaf, 72 tuổi, làm tổng thống Liberia từ năm 2006 đến nay. Phong trào hòa bình của bà Leymah Gbowe, 39 tuổi, góp phần vào sự chấm dứt cuộc nội chiến lần thứ hai ở Liberia năm 2003. Tawakul Karman, 32 tuổi, dân Yemen là phụ nữ Á Rập đầu tiên chiếm được vinh dự này, bà đã bị bắt giữ một thời gian ngắn trong phong trào biểu tình chống Tổng Thống Ali Abdullah Saleh.
Bà Karman tuyên bố với phóng viên Reuters: “Ðây là một chiến thắng của nhân dân, của cuộc cách mạng Yemen và toàn thể phong trào cách mạng ở Trung Ðông”. Bà nói thêm: “Tín hiệu này chứng tỏ thời đại của những nhà độc tài Á Rập đã hết”.
Bà Karman là một bộ mặt then chốt trong giới trẻ kể từ khi những người tranh đấu bắt đầu biểu tình từ tháng 2 ở thủ đô Sanaa chống chính quyền 30 năm của Tổng Thống Saleh. Bà thường xuyên là tiếng nói của những người tranh đấu trên truyền hình Á Rập, trực tiếp tường trình từ công trường bên ngoài đại học Sanaa, đồng thời là một “blogger” trao đổi tin tức và chuyển lời kêu gọi dân chúng qua Internet.
Bà Karman là một đảng viên cao cấp đảng Hồi Giáo Islamist Isslah. Giáo Sĩ Mohsen al-Awajy người Saudi Arabia ca ngợi bà, nói rằng: “Những người bảo thủ có thể có thái độ dè dặt và một số quan điểm hẹp hòi, nhưng họ không khoác nhận định ấy lên những mục tiêu toàn cầu của họ. Tôi nghĩ rằng mọi người dân Saudi và tất cả những ai yêu chuộng tự do và cải cách nên nhìn về Karman như một phụ nữ xuất sắc đáng được đánh giá cao”.

Tổng Thống Ellen Johnson-Sirleaf nói chuyện với báo chí tại nhà riêng ở Monrovia, Liberia sau khi có tin nhận giải Nobel Hòa Bình năm nay. (Hình: Issouf Sanogo/AFP/Getty Images)

Một giới chức chính quyền Yemen cũng ca tụng Tawakul Karman. Thứ Trưởng Thông Tin Abdu Al-Janadi nói: “Tôi rất vui mừng với tin bà được giải Nobel và đó là điều mà tất cả mọi người dân Yemen có quyền tự hào. Tôi hy vọng rằng giải thưởng này sẽ là một bước tiến tới chỗ hữu lý, đưa đến một giải pháp cho cuộc khủng hoảng đã làm ngưng trệ nền kinh tế và sự phát triển của đất nước”.Trường hợp hai phụ nữ Liberia, giải Nobel Hòa Bình dành cho họ không gây nhiều tranh luận. Bà Leymah Gbowee sinh tại miền Trung Liberia và đến năm 17 tuổi chuyển về sống tại thủ đô Monrovia đúng lúc cuộc nội chiến thứ nhất bùng nổ. Bà được huấn luyện thành một cố vấn tâm thần và làm việc với các thiếu niên cựu chiến binh trong quân đội của Charles Taylor, một sứ quân sau này thành tổng thống. Ðối diện với hình ảnh tàn bạo của chiến tranh, Gbowee - bà mẹ có 6 con - ý thức rằng “nếu có thể làm điều gì để thay đổi xã hội thì phải từ các bà mẹ”.
Năm 2002 bà Gbowee thành lập phong trào phụ nữ tranh đấu vì hòa bình và tổ chức những cuộc biểu tình bất bạo động. Bà đòi hỏi các phe giao tranh chấm dứt tệ nạn dùng hiếp dâm để uy hiếp phe địch. Phong trào tranh đấu cho hòa bình của bà đã thuyết phục được các phe đối kháng đi vào đàm phán kết thúc cuộc nội chiến lần thứ hai năm 2003. Bà trở thành nhân vật chính trong cuốn phim tài liệu năm 2008, “Cầu cho quỷ dữ trở về địa ngục”, được dùng để động viên phụ nữ các nước Phi Châu tranh đấu cho nền hòa bình và cuộc sống an toàn của họ.
Sau khi nội chiến chấm dứt năm 2003, bà Ellen Johnson-Sirleaf được bầu làm tổng thống năm 2005 và tái ứng cử năm nay. Bà từng theo học và tốt nghiệp nhiều trường đại học Hoa Kỳ. Trong nhiệm kỳ đầu, bà đã thanh toán được một phần lớn nợ của quốc gia, phát triển bang giao với các nước Phi Châu, Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Năm 2006, bà Johnson-Sirleaf cho thành lập Hội Ðồng Sự Thật và Hòa Giải, cổ vũ hòa bình, an ninh, hòa giải và hòa hợp dân tộc. Bà là thành viên “Hội Ðồng Các Phụ Nữ Lãnh Ðạo Trên Thế Giới” bao gồm đương kim và cựu nữ tổng thống, nữ thủ tướng các quốc gia, hoạt động với mục tiêu thúc đẩy phụ nữ tham gia hành động chung vào sự phát triển và trong những vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu.
Bà Johnson-Sirleaf lên tiếng cùng với cộng đồng quốc tế kêu gọi Muammar al-Gadhafi chấm dứt sử dụng bạo lực đàn áp dân chúng. Tuy nhiên bà chỉ trích sự can thiệp quân sự vào Libya vì cho rằng “bạo lực bằng mọi cách không giúp ích cho tiến trình giải quyết vấn đề”.
Giải Hòa Bình là một trong 5 giải thưởng Nobel được cấp phát hàng năm. Khác với 4 giải kia - Vật Lý, Hóa Học - Văn Chương, Kinh Tế - do Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển tuyển chọn, giải Hòa Bình do một hội đồng được Quốc Hội Na Uy chỉ định trách nhiệm tuyển chọn.

Tân khôi nguyên Nobel Hòa Bình Leymah Gbowee nói chuyện tại đại học Columbia University ở New York sau khi nhận tin đoạt giải. (Hình: Timothy A. Clary/AFP/Getty Images)

Theo nguyện vọng của Alfred Nobel (1833-1896) - hóa học gia, kỹ sư, nhà sáng chế và kỹ nghệ gia vũ khí người Thụy Ðiển - giải Hòa Bình được cấp phát cho những người “...đã nỗ lực xây dựng được mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa các quốc gia, giải trừ hay giảm thiểu lực lượng quân đội và duy trì, cổ vũ nền hòa bình”.
Giải Hòa Bình luôn luôn gây ra nhiều tranh luận, mâu thuẫn ý kiến. Lý do chính là vì trong khi 4 giải Nobel kia thường căn cứ trên những thành tích trong quá khứ có thể lâu tới một hai thập niên trước, giải Hòa Bình được định đoạt qua những yếu tố mới hơn hoặc sự kiện còn đang diễn tiến. Nhận định trong dư luận về những sự kiện này khác nhau và đôi khi rất trái ngược, do đó nảy ra những lời phê phán cho là quyết định tuyển chọn bị ảnh hưởng về chính trị. Mặt khác rất khó đặt ra một định chuẩn cụ thể để phán đoán và như vậy sự đánh giá của các thành viên trong hội đồng Nobel Hòa Bình rất có thể sót hay sai lầm. Theo quy định, hội đồng không giải thích và những chi tiết về việc thảo luận, bàn bạc, quyết định được giữ kín cho tới 50 năm sau mới có thể công bố.
Dù sao giải Nobel Hòa Bình vẫn là giải có uy tín lớn lao trên thế giới và những người được tặng thưởng đều có một giá trị nhất định. Con số những đề xuất cho cá nhân hay tập thể - phải nạp cho hội đồng Nobel trước ngày 1 tháng 2 hàng năm - mỗi ngày mỗi gia tăng. Năm 2009 có 205 đề nghị, năm 2010 là 237 và năm nay lên tới 241. (H.C.)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=138180&z=5

Geen opmerkingen:

Een reactie posten