zaterdag 8 oktober 2011

Người mang nhạc Trịnh vào ballet Mỹ

October 07, 2011


Phỏng vấn Thắng Ðào về chương trình ballet Vết Lăn Trầm

Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt

Vở ballet “Vết Lăn Trầm,” do Thắng Ðào biên đạo múa, với tiếng hát Khánh Ly, nhạc Trịnh Công Sơn, và đoàn vũ Ballet Austin II (Texas) và Thang Dao Dance Company sẽ trình diễn tại Rose Center ở Quận Cam cuối tuần này, với suất 7:30pm Thứ Bảy và hai suất 4pm và 8pm Chủ Nhật.

Một cảnh trong vở Vết Lăn Trầm (Quiet Imprint) do Thắng Ðào biên đạo, đoàn vũ Ballet Austin II trình diễn, sẽ ra mắt khán giả quận Cam cuối tuần này. (Hình: FB Thang Dao)

Ðây là một dịp hiếm hoi mà có sự kết hợp giữa tân nhạc Việt Nam với vũ cổ điển ballet, và còn hiếm hoi hơn nữa khi chương trình xoay quanh giọng hát Khánh Ly, một giọng hát hàng đầu của âm nhạc Việt Nam.
Nhà biên đạo múa Thắng Ðào sinh ra tại Ðà Nẵng và hiện sống ở New York City. Anh học vũ tại hai nhạc viện nổi tiếng thế giới, Juilliard School và Boston Conservatory. Anh có bằng cử nhân về vũ tại Boston Conservatory và bằng cao học về vũ đại học New York University. Anh là cựu vũ công Stephen Petronio Company và cũng từng múa cho Metropolitan Opera và Little Orchestra Society.
Các màn vũ của anh đã được trình diễn tại Boston, New York City, và Austin, được báo Boston Globe, Austin 360 và New York Times khen ngợi. Gần đây, anh lập màn vũ Echoes for Ailey II, sẽ trình diễn ở New York. Năm 2006, màn vũ ballet Stepping Ground trình diễn tại Ballet Austin, đoạt giải Khán giả Bình chọn trong suốt 4 buổi liền. Thắng Ðào đoạt giả Princess Grace Choreography Fellowship năm 2008 và Special Project Grant cho vở vũ Vết Lăn Trầm, dựng cho Ballet Austin II.
Báo Người Việt phỏng vấn nhà biên đạo múa Thắng Ðào về vở Vết Lăn Trầm và về vũ, nhạc nói chung.
Vũ Quí Hạo Nhiên (NV): Tại sao anh lại chọn nhạc Trịnh Công Sơn cho vở ballet?
Thắng Ðào: Chính giọng hát của cô Khánh Ly khiến tôi muốn dùng nhạc Trịnh Công Sơn. Cách trình diễn của cô như kể chuyện bằng âm hưởng vậy. Cô đã làm được chuyện là chuyển tải linh hồn nhạc Trịnh và thổi hơi sống vào lời bài hát.
NV: Anh có hay nghe nhạc Việt Nam thường xuyên không?
Thắng Ðào: Từ khi tôi bắt đầu làm Quiet Imprint (Vết Lăn Trầm), tôi trở về lại với nhạc Việt Nam. Hai giọng hát tôi nghe thường xuyên nhất là Khánh Ly và Thái Thanh.
NV: Sau khi gắn nhạc Trịnh Công Sơn với vũ ballet, anh thấy có hợp không? Bình thường, người ta nghĩ tới vũ ballet như một nghệ thuật cổ điển trong khi nhạc Trịnh Công Sơn là nhạc pop...
Thắng Ðào: Ðúng, ballet là cổ điển, còn nếu muốn miêu tả âm thanh, làn điệu, nhịp của nhạc Trịnh thì gọi là rock đúng hơn là pop. Ballet là một hình thức truyền đạt, hay có thể nói là một cách kể chuyện của thời lãng mạn và trong môi trường lịch sự thanh nhã. Giọng hát cô Khánh Ly có những sắc thái phản ánh câu chuyện của bài hát, thay vì chỉ phô trương kỹ thuật. Vì vậy, kết hợp ballet với giọng hát Khánh Ly để trình diễn thì mới chuyển tải được câu chuyện trong Vết Lăn Trầm. Cả hai đều là những hình thức truyền đạt, và hai bên bổ sung cho nhau.
NV: Trên thực tế thì sao? Vết Lăn Trầm đã trình diễn ở đâu và khán giả phản ứng thế nào?
Thắng Ðào: Vết Lăn Trầm ra mắt khán giả lần đầu tiên tại Austin vào tháng 3 năm 2010 và trở lại lần nữa vào tháng 10, 2010. Chúng tôi đến Houston tháng 4, 2011, và bây giờ đến Quận Cam. Khán giả rất thích và yêu mến show này. Nhiều người nói họ thấy đồng cảm với những bài hát, câu chuyện, và vũ điệu trong Vết Lăn Trầm.
NV: Sau Vết Lăn Trầm anh có dự tính gì? Có định dùng nhạc Việt Nam nữa không?

Nhà biên đạo múa Thắng Ðào. (Hình: FB Thang Dao)

Thắng Ðào: Sau Vết Lăn Trầm tôi hy vọng tiếp tục dựng những vở vũ ballet. Tôi không giới hạn nguồn cảm hứng và nếu tôi lại tìm được cảm hứng từ nguồn Việt Nam thì tôi rất là vui. Có thể một cái gì đó liên quan tới Sài Gòn. Tên “Sài Gòn” là một tên gọi rất cảm hứng cho nhiều người và sống thầm lặng trong lòng mỗi chúng ta. Sài Gòn như là Vienna của người Việt Nam vậy đó. Hay là ballet Trương Chi Mỵ Nương, hay Chuyện Tình Lan và Ðiệp.
NV: Tôi thấy nhạc cổ điển thì người Việt Nam còn có người nghe, chứ vũ ballet cổ điển ít thấy người Việt Nam đi xem. Anh có giải thích được tại sao không?
Thắng Ðào: Tôi không nghĩ là chỉ có người Việt Nam là vậy. Nhiều nước tôn vinh nhạc cổ điển nhưng lại không xem trọng ballet. Ballet trình diễn bằng cơ thể con người và do đó có vẻ khêu gợi. Với nhạc cụ, không có cơ thể con người nên cũng không có những sự ham muốn liên quan đến cơ thể con người.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=138160&z=1

Geen opmerkingen:

Een reactie posten