maandag 24 oktober 2011

Làm gì tiếp sau chuyến đi Trung Quốc ‘không hữu nghị’ của tổng bí thư đảng?

October 21, 2011




* Trần Minh Thảo

Ðốm lửa trong đêm đen

Nhạc sĩ Tô Hải có phát hiện lý thú về hội nghị trung ương chuẩn bị cho chuyến đi Trung Quốc của Tổng bí thư: “Vậy mà... đêm qua VTV1 đã truyền hình trực tiếp ngày khai mạc Trung ương Ðảng Công sản VN lần thứ 3 khóa 11, tớ chuẩn bị thuốc dị ứng với hai ông Tây này thì... lạ quá!

Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào tiếp Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng (trái) trong chuyến thăm viếng mới đây tại Bắc Kinh. (Hình: danviet.vn)

Hai ông biến đi đâu mất tiêu rồi!? Dụi mắt xem lại... Vẫn không thấy! Sáng nay vào mạng, truy cập website của Ðảng lấy kính hiển vi soi chiếc ảnh nhỏ ti... Vẫn không thấy! Vào các trang mạng khác... Chẳng ai nhắc tới chi tiết cực kỳ quan trọng này. Thôi thì... cứ post lên để mọi người bình luận. Nếu có sự ‘truất phế’ này thì quả là... sấm nổ ngang trời và công làm ra sấm xin mọi người dành cho tớ một mẩu thành tích để mang xuống mồ làm kỷ liệm! (sic)” (Nhạc sĩ Tô Hải nhìn ra thì nhất định những con mắt cú vọ ở Bắc Kinh cũng thấy được). Ban tổ chức sơ suất, gần hai trăm UVTƯ bất cẩn, không quan tâm sự vắng mặt của ‘hai ông Tây râu xồm’ trên biểu tượng ý thức hệ kiên định, sáng tạo, kim chỉ nam của hai đảng Việt Trung? (Do vậy nên chuyến đi Bắc Kinh của đoàn TBT Nguyễn Phú Trọng không còn ‘hữu nghị anh em’ tuy có ôm hôn, bắt tay nồng nàn?).
Nếu đó là sự ‘cố ý từ bỏ’ thì quả là tín hiệu cho thấy Ðảng đang tìm đường ‘đồng thuận’ với dân. Việc tiếp theo là gì?
Những người Việt giàu tưởng tượng đã thử hình dung các bước tiếp theo:

Chính sách hai hướng:

Hướng nội (Ðoàn kết, xây dựng nội lực)
- 'Nói chuyện' với tù nhân chính trị (tội chống phá nhà nước XHCN theo luật hình sự) nay được gọi là công dân yêu nước, nhà dân chủ, bất đồng chính kiến, tù nhân lương tâm...: công dân yêu nước Cù Huy Hà Vũ chẳng hạn.
- Chuẩn bị cho cuộc bầu cử tự do, dân chủ trong tương lai gần (chế độ chuyên chế quân phiệt Miến Ðiện đã làm được một bước. Bà Suu Kyi gặp đại diện chính phủ, Miến Ðiện sắp có đợt ân xá lớn, Miến Ðiện bắt đầu thực hiện lệnh ân xá).
Hợp lý nhất là triệu tập một “Quốc dân đại hội” bàn việc sửa đổi Hiến pháp. Việc này có ý nghĩa, có thực chất hơn nhiều một ủy ban gồm nhiều ủy viên chưa quen lập hiến, lập pháp.
- Dừng các dự án gây hại an ninh quốc phòng, kinh tế, xã hội, sức khỏe nòi giống... đến hết nhiệm kỳ Chủ tịch nước (bauxite Tây Nguyên chẳng hạn) (Chế độ chuyên chính quân phiệt Miến điện đã ngưng xây đập thủy điện bị phản đối dù bị TQ đe nẹt).
Cần giải thích việc nhà nước Miến Ðiện làm được mấy việc ‘động trời’. Sở dĩ chế độ độc tài chuyên chính quân phiệt độc đảng Miến Ðiện làm được mấy việc phải chăng một phần do cơ sở tư tưởng, văn hóa, xã hội Phật Giáo đã rễ sâu gốc bền, vẫn giữ được bản chất tốt đẹp nhất, chưa bị làm cho băng hoại, méo mó, biến thành một thứ đa thần giáo dụ hoặc tín đồ đi vào đường tham-sân-si mê tín dị đoan cho bọn thống trị lợi dụng, đè đầu cỡi cổ (các nhà sư Miến Ðiện gắn bó mật thiết với số phận của nhân dân bị áp bức, cùng khổ).
- Sửa đổi Hiến pháp theo hướng mở rộng quyền dân (quyền lập hội, quyền biểu tình...), hạn chế tối đa quyền của Nhà nước nhằm ngăn nó biến thành 'con quái vật nhà nước' chuyên 'ăn thịt dân', xây dựng cơ chế quyền lực 'một nguyên thủ' nhằm thống nhất quyền lực chính trị vào một mối, thủ tiêu đặc tính vô chính phủ do cơ chế tam tứ nguyên thủ, hai ba quyền lực cùng cai trị đất nước sinh ra (do đó lại tinh giản được bộ máy cai trị cồng kềnh, tốn kém, ít hiệu quả, ít ra cũng được 30%), triệt tiêu nạn kiêu binh, côn đồ mất nhân tính hiếp đáp, nhũng nhiễu lương dân, hủy bỏ một số luật hoặc điều luật phản tiến hóa, mất dân chủ, ban hành thêm luật bảo vệ quyền dân, hạn chế quyền quan trong hai năm 2012-2013.
- Cuộc bầu cử phổ thông người đứng đầu (nguyên thủ: Chủ tịch hay Tổng thống) có tranh cử dân chủ, bình đẳng vào năm 2014 hoặc 2015 (thời điểm bầu cử rất có lợi cho đảng đương quyền).
Mấy việc đó là mấu chốt tạo niềm tin của người dân và bạn bè quốc tế về một Việt Nam thật sự là quốc gia độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, có chủ quyền, dân chủ, tự do, khả tín.

Hướng ngoại (liên minh quốc tế)

Ðã có tín hiệu cho thấy Ðảng, Nhà nước có những động thái ngoại giao độc lập, tự chủ, hợp lòng dân, dám 'sờ răng cọp' như BBC Việt ngữ nhận xét (Việt Nam lại 'chọc giận' Trung Quốc?); tham gia các liên minh khu vực và quốc tế của khối các nước dân chủ, kiên trì giải pháp đa phương cho công cuộc giành lại chủ quyền biển đảo và chỗ dựa cho công cuộc bảo vệ, cải tổ, phát triển (đổi mới lần hai) đất nước.
Có thể hình dung một Việt Nam sẽ hoàn toàn khác từ những việc 'tưởng tượng' nói trên.
Nếu làm được vậy thì Trung Quốc mất 'điểm tựa' nhũng nhiễu, yêu sách rất côn đồ, vô lối, sẽ không có trận quyết chiến Trung-Việt nào cả hoặc đó là trận đánh có khả năng chia năm xẻ bảy Trung Quốc đế quốc XHCN, hình thành những Trung Quốc dân chủ phù hợp với nguyện vọng của người dân và đặc thù của một đất nước mênh mông, nhiều đối kháng. Ðó sẽ là trận quyết chiến của Trung Quốc với Trung Quốc. Làm được vậy thì đảng lại lập công không chỉ với dân mà anh hàng xóm hung hăng, hiếu chiến sẽ thận trọng hơn, hòa hoãn hơn hoặc phải thay đổi cơ bản nhiều thứ và do đó góp phần cho hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và thế giới.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=138805&z=271

Geen opmerkingen:

Een reactie posten