Nếu có một nơi mà những tay trộm tài ba nhất thèm muốn được sở hữu nhất, đó chính là tầng hầm của một tòa nhà giản dị ở Manhattan, New York, nơi có kho vàng lớn nhất thế giới.
> Nhặt vàng trên vỉa hè New York
Giá vàng lên mức kỷ lục 1.632,8 USD mỗi ounce cuối tuần qua phản ánh tình trạng lo lắng của các nhà đầu tư tư nhân và quốc gia đối với chứng khoán, đôla và eurro. Họ chạy đến nơi trú ẩn an toàn nhất, vàng.
Kho chứa lớn nhất trên khắp hành tinh của thứ kim loại kỳ diệu này ẩn sâu bên dưới chi nhánh New York của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ, chỉ cách thị trường chứng khoán một quãng ngắn.
Có 7.000 tấn vàng được cất kỹ trong căn hầm bên dưới nền đá cứng của Manhattan, dưới độ sâu bằng một tòa nhà 5 tầng, phía trên là những con phố đông đúc và náo nhiệt của New York. Vàng ở đây được đúc thành những viên như gạch, đặt trong các hộp màu xanh nhạt, xếp cao đến trần hầm. Giá trị của cả đống vàng này hiện giờ khoảng 350 tỷ USD.
Hiện nay Mỹ là nước có dự trữ vàng nhiều nhất thế giới với 8.133 tấn, hơn gấp đôi nước thứ hai là Đức. Nhưng phần lớn số vàng dự trữ đó được cất ở các kho nổi tiếng là Fort Knox và West Point. Còn vàng trong hầm ở New York phần lớn thuộc về 36 quốc gia khác. Họ đưa vàng đến New York vì an toàn cả về mặt tài chính và an ninh.
Chủ của các khối vàng này được giấu tên, rất bí mật. Đây cũng là một trong các biện pháp đảm bảo an ninh cho ngân hàng. Khác với trong phim James Bond, ngân hàng này chưa bao giờ bị cướp.
Một phóng viên được phép vào hầm đã phải trình các tài liệu về nhân thân trước một máy quét chống đạn chống ồn rồi mới được bước vào sảnh của ngân hàng. sau đó, anh ta được hộ tống cẩn thận để đi xuống qua một thang máy trong lòng đất.
Không có cánh cửa nào dẫn vào hầm vàng, thay vào đó, người ta phải qua một đường hầm dài bằng thép với các cánh quạt quay để đóng hoặc mở lối vào. Khi đã tới được bên trong, anh có thể ngắm nhìn những cột vàng cao ngất. Và khi muốn ngó xem tận mắt các viên gạch vàng, anh phải chờ ba viên chức thuộc ba ngành khác nhau cùng mở mỗi chiếc hộp cứng có ba lớp khóa.
Dường như thể cấu trúc kiên cố cùng hàng đoàn nhân viên an ninh vẫn là chưa đủ, phóng viên AFP còn được lệnh phải vứt sổ tay đi, phòng trường hợp anh định phác thảo sơ đồ hầm. Chụp ảnh ư? Quên đi nhé.
Trên lối vào hầm vàng khắc một dòng chữ, tất nhiên là màu vàng, trích lời của thi hào vĩ đại người Đức Goethe: "Không thể cưỡng lại vàng".
Câu nói này giờ đúng hơn bao giờ hết. Nhu cầu về vàng lên cao mỗi khi tình hình bất ổn. Tháng 1/1980, cuộc chiến của Liên Xô ở Afghanistan, cách mạng Hồi giáo Iran cùng với giá dầu lửa cao đã đẩy giá vàng lên mức kỷ lục 850 USD. Sau đó nó giảm xuống còn vài trăm đô và cho đến tháng 6/2006 cũng chỉ ở mức 543 USD mỗi ounce.
Giờ đây đồng euro đang lung lay, đôla chưa có triển vọng rõ ràng, và cuộc tranh cãi về nợ công ở Mỹ đang xô các nhà đầu tư, cả tư nhân lẫn chính phủ, vào nơi trú ngụ đắt giá là vàng. Lo ngại về sự mất giá của đồng đôla, các ngân hàng trung ương đang chạy đua và khiến giá vàng tăng thêm. Mexico đã mua 93 tấn vàng kể từ đầu năm nay, tăng cả chục lần so với mức dự trữ ban đầu là 7 tấn. Nga, Trung Quốc, Thái Lan cũng nằm trong số những quốc gia đã bị nhiễm cơn sốt mua vàng.
Tuy nhiên, Peter Morici, giáo sư kinh tế học thuộc đại học Maryland, cảnh báo rằng vàng không hoàn toàn an toàn như người ta vẫn tưởng. "Mọi người nghĩ rằng đó là thiên đường bảo toàn tài sản, nhưng trên thực tế tiền mới là tốt nhất", ông nói. "Trong lịch sử, vàng cũng từng xuống giá nhiều như những lúc lên".
Thế nhưng rõ ràng là thứ kim loại đầy hấp lực đang chói sáng trên đầu các vị vua, thứ đã sản sinh ra biết bao cuộc phiêu lưu và huyền thoại, vẫn đầy giá trị, ít nhất là đối với hàng chục chính phủ đang giữ vàng của họ trong hầm dưới lòng New York.
Leonardo Blake, một khách tham quan ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ ở New York, cho rằng vàng có giá trị vĩnh viễn. "Người ta hay nói vàng là thứ kỳ diệu mở được mọi cánh cửa - và đúng là như thế".
Thanh Mai
Khám phá hầm vàng lớn nhất thế giới
Hầm vàng của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại New York được cho là nơi lưu trữ số lượng vàng lớn nhất thế giới. Người ta ước tính đại đa số vàng được đào lên từ trước đến nay đều được cất giữ ở trong hầm này.
Có khoảng một đến hai bảo vệ tại nơi bốc dỡ nối liền với hầm chứa. Vì tòa nhà được đặt ở nơi dân cư đông đúc nên tường và các lối vào tiếp giáp với vỉa hè đều không có hàng rào an ninh như các kho chứa vàng khác.
Kho vàng của FED được đặt bên dưới một tòa nhà cổ kính tại Manhattan. |
Số vàng nằm trong kho này thuộc sở hữu của 36 Chính phủ, Ngân hàng trung ương và các tổ chức quốc tế. Chỉ một phần rất nhỏ trong số này thuộc về Mỹ. Bản thân FED cũng không sở hữu số vàng cất trong kho này, mà chỉ đóng vai trò lưu giữ và bảo vệ cho các quốc gia chọn đây là nơi gửi gắm vàng dự trữ mà thôi. Người ta ước tính đại đa số vàng được đào lên từ trước đến nay đều được cất giữ ở trong hầm này.
Việc đảm bảo an ninh cho lượng vàng khổng lồ này cũng rất khác thường. Kho vàng được xây trên nền đá cứng nổi tiếng của Manhattan - một trong số những nền đất hiếm hoi được coi là đủ khả năng chống đỡ được cho toàn bộ sức nặng của khu hầm, hệ thống cửa và vàng ở bên trong. Căn hầm này được xây dưới mặt đường 24,4 m và dưới mực nước biển là 15,4 m.
Lối vào duy nhất dẫn tới kho vàng. |
Vàng được cất trong này đều ở dạng thỏi, có hình dáng giống như những viên gạch xây nhà và được xếp chồng lên nhau trên những tấm bệ gỗ như trong các nhà kho. Để tới hầm, các xe chở vàng phải được đặt vào thang máy và đi xuống 5 tầng hầm bên dưới mặt đường. Thang máy được điều khiển bởi một kỹ thuật viên tại một phòng khác, người này liên lạc với các nhân viên bảo vệ có vũ trang hộ tống các xe vàng này qua một hệ thống giao tiếp nội bộ.
Khi vàng được đưa tới hầm, chúng được kiểm soát bởi một nhóm người bao gồm các đại diện cho các phòng ban của FED: Kiểm toán, dịch vụ kho và giám sát. Mỗi thành viên của từng ban đều phải có mặt bất cứ lúc nào vàng được di chuyển hoặc có người vào kho.
Việc cất giữ số vàng trị giá gần 194 tỷ USD làm cho việc thắt chặt an ninh ở đây trở nên bắt buộc. Tất cả các nhân viên ở FED đều được điều tra kỹ về lý lịch. Nhóm quản lý hầm cũng phải giám sát thường xuyên để đảm bảo các quy trình an ninh được thực hiện tuần tự.
Bức tường vàng trong kho của FED. |
FED và hầm chứa vàng của họ được canh giữ bởi đội ngũ bảo vệ riêng. Cứ 2 lần một năm, họ lại phải trải qua đợt kiểm tra về khả năng sử dụng súng ngắn, súng săn và súng trường. Mặc dù mức yêu cầu tối thiểu chỉ là bắn giỏi, nhưng phần lớn nhân viên đều vượt qua và được đánh giá ở mức thiện xạ.
An ninh ở đây cũng được tăng cường bởi một hệ thống vô tuyến mạch kín và camera giám sát báo về trung tâm mỗi khi cửa kho đóng hay mở. Hệ thống báo động này sẽ ra tín hiệu để các nhân viên niêm phong tất cả các khu vực an ninh và lối ra tại đây. Toàn bộ việc này được thực hiện trong vòng chưa đầy 25 giây.
Vàng cũng được bảo vệ bởi chính thiết kế đặc biệt của căn hầm. Nó được coi như một tuyệt tác của kiến trúc bảo vệ. Căn hầm này thực ra là tầng cuối của một kho hàng 3 tầng được sắp xếp theo kiểu các tủ sắt chồng lên nhau. Tường bao giữa các kho hàng được xây bằng bê tông cốt thép.
Hầm vàng này không có cửa, lối vào duy nhất là qua một hành lang hẹp dài 3m. Nhưng trước hết người ta phải qua một cánh cửa thép nặng 90 tấn, cao 2,7m. Cánh cửa này chuyển động dọc theo một khung bê tông thép nặng 140 tấn. Căn hầm được đóng mở bằng hệ thống tay quay 90 độ. Việc chống nước và chống khí được thực hiện bằng cách hạ thấp hệ thống xi-lanh này xuống gần 1cm nữa, gần giống như việc đẩy nút vào trong chai rượu vậy. Các ổ khóa ở đây được kiểm soát bởi nhiều người, và do vậy, nếu chỉ có 1 người, sẽ không ai đủ khả năng mở được loại khóa kết hợp ở đây để vào hầm.
Vàng được kiểm tra kỹ trước khi chuyển đến - đi. |
Các thỏi vàng ở đây nặng khoảng hơn 12kg - rất khó để mang vác, di chuyển - do vậy việc kiểm tra nhân viên và khách tham quan sau khi ra khỏi hầm vàng là không cần thiết bởi khách thăm không thể giấu vàng trong quần áo, giày dép hay cào vàng ra khỏi thỏi.
Những người có vàng cất ở đây đều rất tin tưởng đến mức rất ít người đề nghị đến để kiểm tra. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa rằng vàng có thể không còn ở đây nữa. Có thể chúng đã bị chuyển đến nơi khác an toàn hơn, và hầm vàng này chỉ là kế nghi binh của FED. Đó có lẽ là lý do cho việc an ninh ở đây thoải mái hơn một chút so với các hầm vàng lớn khác.
Có rất nhiều thông báo cho thấy ngay sau vụ tấn công vào Trung tâm thương mại thế giới (WTC), vàng đã được di chuyển khỏi đây dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của các nhân viên có vũ trang vào ban đêm. Mối đe dọa tại Manhattan đã làm cho FED phải chuyển vàng đến một địa điểm khác. Bên cạnh đó cũng còn rất nhiều nghi vấn xung quanh việc liệu FED có cất vàng ở WTC hay không, và liệu có một đường hầm bí mật nối từ tầng hầm của FED đến WTC hay không.
Việc tham quan hầm vàng đã bị đình chỉ sau vụ tấn công ngày 11/9 và mới chỉ được khôi phục gần đây. Các chủ sở hữu vàng đều nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh và do vậy, việc để vàng tại một nơi có khả năng cao là mục tiêu tấn công là rất khó chấp nhận. Hơn nữa, khi FED tuyên bố: “Đây không phải vàng của Mỹ”, thì họ cũng ám chỉ rằng còn có nhiều nơi an toàn hơn nữa để cất vàng.
Hà Thu (theo Cryptome)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten