27 tháng 9 2011
Lượng thịt gà to lớn của nước Mỹ cung cấp cho thị trường nội địa cũng như xuất khẩu ra thị trường thế giới là nhờ sự đóng góp của những trại nuôi gà gia công ở khắp những vùng nặng về nông nghiệp, như bang Georgia, Texas , Maryland chẳng hạn. Trong thời buổi mà giá lương thực tăng cao trên toàn thế giới, các nhà kinh tế đang cổ vũ cho chuyện quay trở lại với nghề nông, một số khá đông người Mỹ gốc Việt tại bang Georgia đã tham gia vào hoạt động kinh tế này từ 5, 7 có khi đến 10 năm rồi. Câu Chuyện nước Mỹ hôm nay mời quí vị nghe một số các chủ trại gốc Việt tại bang Georgia trò chuyện về sinh hoạt và lợi nhuận trong ngành nuôi gà gia công tại Hoa Kỳ và nhận xét của một mục sư gốc Việt tại địa phận Tifton, bang Georgia.
Người Việt ở Mỹ vẫn được biết đến nhiều với nghề làm móng tay nhưng một ngành nghề khác, đem lại nhiều lợi tức hơn, tự do hơn nhưng lại ít nghe nói đến là nghề nuôi gà gia công cho các công ty nổi tiếng cung cấp gà thịt và gà trứng như Tyson, Sanderson của Hoa Kỳ, mặc dù ở bang Georgia rất đông người Việt tham gia vào ngành nghề này.
Muốn bước vào nghề này trong thời buổi hiện nay, trước hết phải có một số vốn khá để trả một phần cho chuồng trại, trước khi được ngân hàng xét đơn xin vay số còn lại. Ông Cao Văn Nam, đến Mỹ năm 1990, sinh sống bằng nghề làm móng tay và từng là chủ tiệm nail tại miền đông bắc Hoa kỳ, sau đổi nghề, nuôi gà gia công cho công ty Tyson, một công ty tầm cỡ quốc tế của Hoa Kỳ, từ 6 năm nay. Ông có 2 trại nuôi gà thịt, mỗi trại gồm 8 chuồng, ở Rupert bang Georgia.
Ông cho biết về công việc kinh doanh của ông:
“Hãng bỏ gà con cho mình, bỏ thức ăn cho mình, mình chỉ nuôi gà thôi, chuồng trại của mình, mình săn sóc con gà, tiền điện tiền ga mình chịu, sau 47 hay 50 ngày họ tới họ bắt, rồi họ trả tiền cho mình, từ 4,9 tới 5 cents một pound ( gần nửa kilogram ) tùy phẩm chất của trại gà của mình.”
Cứ mỗi một lứa khoảng từ 47 đến 50 ngày, hãng giao cho ông khoảng trên dưới 200.000 gà con cho mỗi trại, tính gộp cả 2 trại trung bình ông nuôi khoảng 400.000 con, và mỗi năm ông nuôi 6 lứa như vậy. Sau khi gà đã lớn, hãng đến lấy đi, chủ trại mới dọn dẹp chuồng cho sạch, tẩy trùng, bỏ thức ăn vào, để máy sưởi nếu mùa đông , và điều hòa không khí nếu mùa hè trời nóng, rồi hãng Tyson mới đem lứa gà con mới đến giao cho nông trại.
Ông Nam cho biết, lúc đầu công ty Tyson chỉ dẫn cách thức, và có một danh sách số điện thoại các nhân viên của hãng để trong trường hợp gặp khó khăn hay trục trặc, ông có thể liên lạc để được giúp giải quyết.
Việc nuôi gà đều do hệ thống tự động điều khiển, từ cho ăn đến điều hòa nhiệt độ trong chuồng trại. Tuy nhiên ngành nghề nào cũng có những khó khăn, như máy móc, điện không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có khi mưa bão lớn, sét đánh làm mất điện, trong trường hợp đó thì máy phát điện phòng hờ phải chạy, nhưng nếu nó không chạy thì phải có người sửa chữa, mà sửa không kịp thì gà có thể bị toi. Trong trường hợp gà bị chết nhiều thì thiệt hại do chủ trại chịu hay công ty Tyson chịu? Ông Nam cho biết nếu có mua bảo hiểm thì hãng bảo hiểm sẽ đền cho chủ nhân. Ông giải thích sau mỗi lứa gà giao cho công ty, trừ chi phí trả tiền vay ngân hàng, tiền thuế, tiền điện, gas và tiền trả công nhân, ông thu về từ 10 đến 15 ngàn đô la cho mỗi trại, tính ra 2 trại khoảng 20.000 đến 30.000 đô la.
Một người khác Ông Trần Xuân Lý, đến Mỹ năm 1995, làm thợ hàn trong mấy năm, mua được căn nhà nhỏ để ở, sau quay sang nghề nuôi gà trứng để ấp, hợp đồng với hãng IPB (International Poultry Breeder). Trại gà của ông ở thành phố Moultrie, bang Georgia, rộng trên 121 ngàn mét vuông, gồm 4 chuồng, mỗi chuồng có 10.500 gà mái và 1.000 gà trống. Ông cho biết tất cả hệ thống cho gà ăn uống, điều chỉnh nhiệt độ trong chuồng, hệ thống quạt để thông hơi và hút mùi hôi đều hoàn toàn tự động. Gà và thức ăn cho gà được công ty cung cấp. Một năm nuôi một lứa trong vòng 10 tháng. Gà đẻ trứng là loại gà đã lớn nên ít khi chết. Tính trung bình từ thời điểm gà đẻ rộ bù cho những lúc gà đã già đẻ ít hơn, mỗi ngày thu được khoảng 30 ngàn trứng. Theo ông nhặt trứng để cho hãng đến lấy mỗi ngày là công việc bận rộn nhất, và ông phải thuê người làm chuyện này. Cứ mỗi 12 trứng ông được công ty trả 44 cents. Còn nhân công nhặt trứng tại Georgia được trả khoảng 7-8 đô la một giờ, có khi được trả khoán từ 1.000 đến 1.500 đô la một tháng.
Trứng được hãng thu về sẽ chở sang Jamaica để ấp và bán gà con để nuôi lấy thịt tại vùng trung, nam Mỹ.
Với 4 chuồng gà đẻ trứng để ấp, một năm thu nhập của ông vào khoảng 280.000 đô la, trừ chi phí thuế má, trả nợ ngân hàng và những hư hao phải sửa chữa cộng với tiền trả cho công nhân, một năm ông còn được vào khoảng 150.000 đô la. Ông nói trại gà của ông hiện có giá chừng 1 triệu 100 ngàn đô la. Ba năm nữa trả hết nợ, ông sẽ làm chủ nguyên một tài sản như vậy, chưa kể lợi tức hằng năm. Mỗi lứa gà trứng như vậy là 10 tháng, sau đó ông được nghỉ 2 tháng để dọn sạch chuồng trại và nghỉ ngơi, đi chơi, trước khi lứa gà mới được giao.
Ông đã ở với nghề này được 7 năm nay. Khi ông mua trại gà, lúc đó giá chỉ có 500 ngàn đô la. Ông dùng căn nhà ở để thế chấp, mượn được 90.000 đô la bỏ ra mua nông trại rồi đổi nghề. So sánh công việc thợ hàn với nuôi gà. ông Lý phát biểu :
“Nghe nói nuôi gà gia công thì công việc vững chắc hơn, có tiền nhiều hơn, làm ăn thì có tiền nhiều hơn, còn đi làm thợ hàn hay làm cho ai cũng chỉ là người làm thôi, còn đây mình lại có đồng vốn tích lũy nữa.”
Với hệ thống nuôi gà tự động, một chủ trại đã sống với nghề này từ 10 năm nay, ông Dương Thành Năm, mô tả một ngày làm việc của ông:
“Trại của tôi là trại gà trứng, thành ra 4 giờ sáng là phải thức dậy cho gà ăn, tới khoảng 7 giờ là xong. Rồi khoảng 9 giờ bắt đầu lượm trứng cho tới khoảng 3, 4 giờ chiều. Tuy tất cả mọi thứ đều automatic (tự động) nhưng mình vẫn phải ra coi, vì máy móc cũng có lúc trục trặc, mình phải kịp thời sửa chữa để có thực phẩm cho gà nó ăn.
Ông Ninh Quyền, chủ nhân Quyền Farm ở Nashville, Georgia, chủ nhân trại gà trứng, cho biết trước đây ông ký hợp đồng với Tyson nhưng sau đổi sang làm với công ty Sanderson. Lý do là Tyson chỉ giới hạn cho ông 2 chuồng, không đủ sống, vì Tyson chỉ cần một số trứng ấp sao cho tỉ lệ với số gà thịt mà họ cần, nên cho dù ông muốn mở rộng thêm cũng không được, ông bèn bán trại nhỏ với 2 chuồng và mua trại với 4 chuồng, đổi sang ký hợp đồng với Sanderson. Ông giải thích:
“Mình phải tùy thuộc vào hãng gà. Cung cầu phải đi đôi với nhau. Nếu mà lượng trứng sản xuất ra mà không có chuồng gà thịt tiếp thu thì công ty không cho xây thêm chuồng gà trứng. Họ đã tính bao nhiêu chuồng trứng cung cấp cho chuồng thịt rồi, chỉ khi nào chuồng thịt cần hơn nữa thì chuồng trứng mới được tăng.”
Một phụ nữ từng có cửa tiệm làm móng tay, hiện cùng chồng làm chủ một trại gà lớn ở Moultrie, bang Georgia, bà Kim Trần, đưa ra một nhận xét về ngành nông trại chăn nuôi đối với đời sống gia đình:
“Làm nghề nào thì cũng cực, nhưng làm nghề này đỡ hơn, gia đình gần gũi hơn, vợ chồng con cái họp mặt nhiều hơn, thay vì làm hãng, làm nhà hàng, làm bất cứ chuyện gì, chồng một nơi, vợ một ngả, con cái ở nhà cũng tội, làm chuồng gà như vậy vợ chồng tối ngày ở nhà lo cho con cái ăn học, như vậy nó khỏe hơn.”
Còn anh Cao Thành Thái, chủ một trại gà thịt ở Rupert, bang Georgia cho biết anh tốt nghiệp đại học về management information system, từng làm chủ nhiều tiệm làm móng tay ở bang này, nhưng sau đó anh bỏ hết , quay sang nghề nuôi gà. Sau đây là những lý do mà anh đi theo ngành nghề này:
“Cái nghề nuôi gà có tương lai hơn, (còn nghề làm móng tay) với môi trường làm với các chemicals (hóa chất) lâu ngày dễ bị nhiễm bệnh, kháng thể của mình càng ngày càng yếu. Theo tôi nghĩ thì làm nghề nail không có khỏe bằng làm trại gà. Ưu điểm của làm trại gà là mình học được những nghề nho nhỏ như plumbing (hệ thống ống nước), electrical (điện), maintenance service (dịch vụ bảo trì), những máy móc mình cũng phải đụng tới, mình biết được nhiều thứ về khoa học kỹ thuật. Tôi có một lợi điểm hơn nhiều người khác là tôi thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, nên làm việc với Mỹ cũng dễ dàng, làm việc họ cũng dễ chấp nhận. Vì tôi học management rồi nên nói chuyện với họ rất dễ, hoặc là tìm những thông tin để áp dụng cho trại gà cũng dễ dàng hơn.”
Mục sư Lê Vinh Kiệt thuộc địa phận Tifton, bang Georgia, cho biết trong vùng thôn quê của bang này, cứ 100 trại gà thì có đến 40 trại là do người gốc Việt làm chủ, chiếm một phần khá lớn sinh hoạt kinh tế của ngành nghề này.
Tại Georgia, có nhiều người đã từ ngành làm móng tay chuyển sang nuôi gà, lại có những cặp vợ làm móng tay, chồng nuôi gà gia công. Chúng tôi đã nêu thắc mắc về sự liên hệ giữa nghề làm móng tay và nghề nuôi gà của người Việt ở Georgia, hai ngành nghề mà thoạt nhìn tưởng như không có điểm gì chung, với Mục sư Lê Vinh Kiệt và được ông giải thích:
“Ồ, nó có liên hệ chứ, thưa bà. Nó có hai sự liên hệ, thứ nhất, theo như chỗ tôi được biết, những thân hữu mà tôi thường giao tế với họ, phần đông trước khi chuyển qua nuôi gà thì họ đã là chủ những tiệm nail rồi, có thể 1, 2 hay 3 tiệm gì đó, nói chung là họ lấy số vốn từ kinh doanh làm nail rồi chuyển qua nuôi gà, tức là họ tích lũy vốn rồi họ nuôi gà. Liên hệ thứ nhì là đôi khi họ mua trại gà rồi, và vợ con họ rảnh, họ thấy chỗ nào thuận tiện gần đấy, họ lại mở thêm một tiệm nail nữa, chồng nuôi gà, vợ làm nail, họ lấy thu nhập của tiệm nail để trả mortgage (tiền nợ ngân hàng hàng tháng) trại gà. Thành ra nó có liên hệ nhiều chứ. Dĩ nhiên có một số lớn đi từ ngành khác qua chứ không phải chỉ có ngành nail không thôi.”
Theo mục sư Kiệt cho biết, những người có trại nuôi gà mà ông được biết đều có đời sống kinh tế rất khả quan, vì công cuộc kinh doanh của họ trị giá bạc triệu, vốn bỏ vào phải cao. Để có số tiền lớn đầu tư, chắc chắn khả năng kinh tế của họ phải vượt lên trên mức sinh nhai, kiếm sống bình thường.
http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnamese-americans-raising-chickens-for-big-companies-9-26-11-130608613.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten