donderdag 28 april 2022

Cắt nguồn cung dầu từ Nga liệu có khả thi cho EU?

 

Cắt nguồn cung dầu từ Nga liệu có khả thi cho EU?

28/04/2022

Một cơ sở lọc dầu ở Đức. Đức là khách hàng mua dầu mỏ Nga lớn nhất ở châu Âu

Liên minh châu Âu đang xem xét các lựa chọn nhằm cắt giảm nhập khẩu dầu của Nga nằm trong gói trừng phạt kế tiếp mà EU có thể sắp áp đặt lên Moscow do hành động xâm lược Ukraine, nhưng chưa có biện pháp nào chính thức được đề xuất khi chính phủ các nước đang đánh giá tác động.

Khoảng một nửa trong số 4,7 triệu thùng dầu thô xuất khẩu mỗi ngày của Nga là đến EU. Nếu EU cắt giảm thì Moscow sẽ bị mất đi nguồn thu lớn.

Châu Âu đã trả cho Nga 14 tỷ euro (14,94 tỷ đô la) để mua dầu Nga kể từ khi bắt đầu cái mà họ gọi là ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ ở Ukraine hai tháng trước, theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch.

Các biện pháp cấm vận này cũng tác động đến EU, vì Nga là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho châu Âu, chiếm 26% lượng dầu nhập khẩu của khối vào năm 2020. Đức, Ba Lan và Hà Lan là những khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga ở châu Âu.

Biện pháp rõ ràng nhất để trừng phạt Moscow là cấm nhập dầu, đi theo kiểu lệnh cấm hồi tháng trước do EU áp đặt đối với than của Nga.

Nhưng các chính phủ EU vẫn chưa đồng ý về các khía cạnh quan trọng của động thái như vậy, bao gồm khi nào nó có hiệu lực, thời gian chuyển đổi sẽ kéo dài bao lâu đối với các hợp đồng hiện tại và liệu nó có gồm tất cả các loại dầu của Nga hay không.

Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, cho biết họ phấn đấu ngưng nhập dầu của Nga cho đến cuối năm nay. Do đó, nếu lệnh cấm này có thể có tác động gây ngưng trệ cho chiến dịch quân sự đang diễn ra của Nga thì tác động này sẽ không xảy ra ngay.

Ngược lại, việc áp đặt một biện pháp trừng phạt như vậy quá nhanh có thể giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế châu Âu và có thể giúp Nga tăng tổng doanh thu do giá dầu toàn cầu tăng.

Để hạn chế tác động tiêu cực đối với EU, khối này đang chạy đua tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế với mức giá vừa phải.

Họ cũng có thể lựa chọn giảm dần dần khối lượng dầu nhập khẩu từ Nga mà không cần phải cấm hẳn.

Khoảng 60% lượng dầu thô xuất khẩu của Nga sang châu Âu hồi năm ngoái được ký theo các hợp đồng cam kết dài hạn, khác với dầu mua trên thị trường giao ngay, vốn dễ bị cắt giảm hơn, theo JPMorgan.

Các biện pháp trừng phạt cũng có thể được áp dụng khác nhau tùy thuộc vào cách giao hàng, một nguồn tin của EU nói với Reuters, và ông tách bạch giữa dầu nhập khẩu thông qua đường ống và dầu được chở đến bằng tàu.

Cao ủy thương mại EU Valdis Dombrovskis cho biết một cách để cắt giảm nhập khẩu của EU sẽ là áp thuế đối với dầu của Nga.

Điều đó sẽ buộc Nga phải giảm giá xuất khẩu trước thuế quan để giữ mức giá cạnh tranh, khiến cho doanh thu của họ trên thực tế giảm đi, ông Simone Tagliapietra, nghiên cứu viên cao cấp tại cơ quan nghiên cứu Bruegel tại Brussels, nói với Reuters.

Tuy nhiên, biện pháp này cũng có thể góp phần làm giá xăng dầu tăng thêm ở EU vốn đã phải gánh chịu lạm phát ở mức kỷ lục do giá năng lượng tăng cao.

Viêc các chính phủ châu Âu đánh thuế tiêu thụ lên dầu Nga sẽ có tác động tích cực và tiêu cực tương tự, mặc dù người dân EU chứ không phải Moscow sẽ phải trả thuế.

Tất cả các biện pháp khác để giảm nhập dầu của Nga đều có thể gây lạm phát, nhưng thuế quan và thuế tiêu thụ hết sức gây chia rẽ vì EU có thể bị đổ lỗi trực tiếp nếu việc này khiến giá cả trong khối tăng.

Nga cũng có thể phản ứng bằng cách áp đặt các biện pháp trả đũa tiếp theo đối với EU, điều này có thể dẫn đến giá dầu thậm chí còn cao hơn.

Các nước EU cũng có thể lựa chọn cách hạn chế mức giá mà họ sẵn sàng trả cho Moscow để mua dầu.

Điều đó sẽ không vi phạm các hợp đồng dầu mỏ hiện có nếu các nước EU chỉ là ngừng mua dầu của Nga một khi đạt đến ngưỡng mà họ áp đặt cho mình.

Tuy nhiên, nếu thiếu các lựa chọn thay thế đầy đủ và có giá phải chăng, EU sẽ phải đối mặt với hóa đơn năng lượng tăng vọt hoặc các hoạt động kinh tế bị chậm lại.

Điều này có thể bị các đảng hoài nghi châu Âu khai thác, một rủi ro chính trị ở Pháp khi nước này sắp diễn ra cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đã kêu gọi thiết lập một tài khoản ký quỹ để đưa vào các khoản tiền mà EU thanh toán dầu mỏ cho Nga và số tiền này tạm thời được giữ ở đó.

Nga chỉ có thể tiếp cận số tiền đó sau này hoặc chỉ được giải ngân cho các chi tiêu cố định, chẳng hạn như mua thiết bị y tế hay thậm chí chi trả tiền tái thiết các thành phố bị tàn phá ở Ukraine.

Điều này sẽ làm giảm các khoản thanh toán của EU cho Nga mà không nhất thiết phải giảm nhập khẩu dầu của Nga vào EU.

Tuy nhiên, nó có thể vi phạm các hợp đồng. Điều đó sẽ đặt EU vào tình thế khó xử về mặt pháp lý và có thể dẫn đến quyết định của Moscow đơn phương ngừng hoặc giảm xuất khẩu năng lượng sang EU.


Cắt nguồn cung dầu từ Nga liệu có khả thi cho EU? (voatiengviet.com)

dinsdag 26 april 2022

Mỹ lo ngại sau khi Trung Quốc tuyên bố đã ký hiệp định an ninh với Solomon

 CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG

Mỹ lo ngại sau khi Trung Quốc tuyên bố đã ký hiệp định an ninh với Solomon

20/04/2022
Tòa đại sứ Trung Quốc ở Honiara, Solomon Islands, ngày 2/4/2022.

Trung Quốc hôm 19/4 cho biết họ đã ký một hiệp định an ninh với Quần đảo Solomon, một động thái làm tăng sự lo ngại của Hoa Kỳ và các đồng minh Australia và New Zealand về việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong một khu vực vốn từ trước đến nay luôn nằm trong tầm ảnh hưởng của Washington và hai đồng minh này, theo Reuters.

Tuy nhiên, các quan chức của Quần đảo Solomon trước đó dường như cho rằng chưa có thỏa thuận nào được ký kết.

Ông Douglas Ete, chủ tịch ủy ban phụ trách các vấn đề công ích của Quốc hội Solomon, nói với các nhà lập pháp rằng các quan chức Trung Quốc sẽ đến vào giữa tháng 5 để ký các hiệp định hợp tác. Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare nói với Quốc hội rằng một thỏa thuận an ninh được đề xuất sẽ không bao gồm việc Trung Quốc đặt căn cứ quân sự.

Ông Ete cho biết các thỏa thuận sẽ tăng cường hợp tác về thương mại, giáo dục và thủy sản, nhưng ông phản đối ý tưởng cho phép Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự.

Tại Washington, Nhà Trắng, nơi đang cử một phái đoàn cấp cao của Hoa Kỳ tới thủ đô Honiara của Solomons, trong tuần này, cho biết họ lo ngại về “sự thiếu minh bạch và bản chất không xác định” của hiệp định này.

Các quan chức Australia cho biết Trung Quốc dường như muốn đánh tiếng trước sự xuất hiện của phái đoàn Mỹ ở Honiara, nơi mà Nhà Trắng cho biết sẽ thảo luận về những lo ngại về Trung Quốc, cũng như việc mở lại đại sứ quán Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết hiệp định khung đã được ký kết gần đây bởi Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Quần đảo Solomon Jeremiah Manele. Ông Uông không nói chi tiết về việc ký kết diễn ra ở đâu và khi nào.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng (NSC) cho biết việc ký kết được báo cáo “theo mô hình Trung Quốc đưa ra các thỏa thuận bóng gió, mơ hồ với ít tham vấn trong khu vực về đánh bắt cá, quản lý tài nguyên, hỗ trợ phát triển và bây giờ là các thực tiễn an ninh”.

NSC sau đó cho biết Hoa Kỳ sẽ “tăng cường can dự trong khu vực để đối phó với các thách thức của thế kỷ 21, từ an ninh hàng hải và phát triển kinh tế đến khủng hoảng khí hậu và COVID-19”.


Mỹ lo ngại sau khi Trung Quốc tuyên bố đã ký hiệp định an ninh với Solomon (voatiengviet.com)

    Tỉ lệ ủng hộ sự lãnh đạo của Mỹ tăng mạnh ở Châu Á trong năm qua

     

    Tỉ lệ ủng hộ sự lãnh đạo của Mỹ tăng mạnh ở Châu Á trong năm qua

    24/04/2022
    Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Sân bay Quốc tế Portland ở thành phố Portland, bang Oregon, ngày 21 tháng 4 năm 2022.

    Mức ủng hộ đối với sự lãnh đạo của Mỹ trên thế giới đã tăng mạnh trên khắp Châu Á trong năm 2021, với mức tăng lớn nhất được ghi nhận ở Lào, Hàn Quốc và Việt Nam, theo một cuộc khảo sát của Gallup công bố ngày 22/4.

    Tỉ lệ ủng hộ trung bình khắp 33 nước được thăm dò trong cuộc khảo sát là 41% vào năm ngoái, tăng 10 điểm phần trăm so với năm trước, Gallup báo cáo.Tỉ lệ ủng hộ đối với sự lãnh đạo Trung Quốc giảm một điểm xuống còn 27% trong cùng kì.

    Sự gia tăng mạnh mẽ nhất là ở Lào, nơi tỉ lệ ủng hộ tăng vọt từ mức 4% vào năm 2020 lên 34% vào năm ngoái. Tỉ lệ ủng hộ tăng 29 điểm, lên 59%, ở Hàn Quốc và 24 điểm, lên 45%, ở Việt Nam.

    Mức tăng từ 20 điểm trở lên cũng được ghi nhận ở Úc, New Zealand và Thái Lan, tất cả các đồng minh của Mỹ.

    Tỉ lệ ủng hộ cao nhất ở bất cứ nơi nào ở châu Á, 71%, được ghi nhận ở Philippines.

    Tỉ lệ ủng hộ 41% đối với sự lãnh đạo Mỹ cao hơn bất cứ thời điểm nào trong chính quyền của cựu tổng thống Donald Trump, Gallup cho biết, nhưng vẫn thấp hơn mức 45% được ghi nhận trong một cuộc khảo sát vào năm 2013.

    Kết quả này sẽ là tin tức đáng hoan nghênh đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, hiện đang lên kế hoạch cho một hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á vào tháng sau tại Washington.

    Các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Châu Á nơi có sự thay đổi đáng kể về mức ủng hộ đối với sự lãnh đạo của Mỹ trong năm 2021 (ảnh chụp màn hình từ website Gallup)
    Các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Châu Á nơi có sự thay đổi đáng kể về mức ủng hộ đối với sự lãnh đạo của Mỹ trong năm 2021 (ảnh chụp màn hình từ website Gallup)

    Bình luận về kết quả cuộc khảo sát, luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada, một nhà quan sát thời sự Việt Nam và quan hệ quốc tế, nói ông không ngạc nhiên về sự gia tăng tỉ lệ ủng hộ đối với sự lãnh đạo của Mỹ trong năm 2021. Những biến động trong đường lối chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump tiền nhiệm đã khiến nhiều nước Đông Nam Á “rất là lo ngại vì không biết ông ấy sẽ thương lượng với Trung Quốc như thế nào,” ông nói.

    “Châu Á - Thái Bình Dương và đặc biệt là Đông Nam Á vẫn cần Mỹ trước bối cảnh Trung Quốc ngày càng lộng hành, ngày càng gây nhiều sức ép làm mất an ninh và ổn định trong khu vực,” ông nhận định. “Tôi nghĩ rằng các quốc gia trong khu vực ASEAN vẫn tiếp tục ủng hộ Hoa Kỳ, vấn đề là sự ủng hộ đó sẽ được thể hiện ra sao trong thời gian sắp tới.”

    “Hoa Kỳ ngày hôm nay không phải là Hoa Kỳ của thập niên 50, 60, và 70. Hoa Kỳ của năm 2022 gặp rất nhiều vấn đề khó khăn từ trong nội bộ và thực lực của họ trên thế giới cũng đã bắt đầu giảm sút,” ông đánh giá.

    “Các quốc gia ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và kể các các chính quyền ở Đông Nam Á vẫn trông chờ ở những hành động cụ thể của các chính quyền ở Tòa Bạch Ốc nhiều hơn là những lời nói hoặc là những chiến lược có tính cách rất là xa vời,” vẫn theo lời nhà quan sát này.

    “Cuộc chiến ở Ukraine đã tạo lại nguồn cảm hứng mới cho các quốc gia khu vực Đông Nam Á và hội nghị thượng đỉnh vào ngày 12 và 13 tháng 5 sắp tới tại Tòa Bạch Ốc giữa khối ASEAN và Mỹ sẽ cho chúng ta thấy Mỹ cam kết tới mức độ nào, và sự cam kết đó các quốc gia kia sẽ nhìn thấy họ có tiếp tục đi với Hoa Kỳ hay không hay là họ lại phải đu dây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc,” luật sư Vũ Đức Khanh nhận định.

    Nhà quan sát này nói thêm rằng sự gia tăng mức độ ủng hộ Mỹ ở Việt Nam cho thấy bất luận là Tổng thống Mỹ thuộc Đảng Dân chủ hay Cộng hòa thì người dân vẫn ủng hộ mối quan hệ khắng khít hơn giữa hai nước, điều mà ông nói đã được thúc đẩy rất nhiều bởi các nhà ngoại giao Mỹ ở Việt Nam thông qua chính sách “ngoại giao nhân dân.”

    Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tổ chức một cuộc họp báo trước khi rời Việt Nam trở về Mỹ sau chuyến thăm chính thức đầu tiên của bà tới Châu Á, tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 26 tháng 8 năm 2021.
    Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tổ chức một cuộc họp báo trước khi rời Việt Nam trở về Mỹ sau chuyến thăm chính thức đầu tiên của bà tới Châu Á, tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 26 tháng 8 năm 2021.

    Từ Việt Nam, Trần Anh Quân, một sinh viên cao học ngành xã hội học, nhận xét sức mạnh của nền dân chủ Mỹ đã củng cố uy tín quốc tế và vị thế lãnh đạo toàn cầu của nước này trong năm 2021. Anh dẫn ra cách ứng phó của Mỹ đối với đại dịch COVID-19 trong sự so sánh tương quan với Trung Quốc.

    “Mỹ đã đi trước nhiều bước khi là nước tiên phong với chủ trương sống chung với dịch. Còn Trung Quốc thì đang cố đi lùi lại khi kiên trì với chính sách ‘zero Covid,’” anh nói, lưu ý rằng cách tiếp cận này từng được Việt Nam áp dụng và đã chứng tỏ là không hữu hiệu trong khi khiến đời sống người dân thêm khốn khổ.

    “Khi Trung Quốc tự hại mình thì Mỹ đã chớp thời cơ phát huy sức ảnh hưởng bằng ngoại giao, nói theo cách của Chủ tịch nước Việt Nam là ‘trong nguy có cơ.’ Mỹ đã biến nguy thành cơ với việc hỗ trợ hàng chục tỉ đôla, hàng tỉ liều vaccine tốt nhất cho toàn thế giới. Sự giúp đỡ này là điều khiến nước Mỹ trở nên vĩ đại so với các siêu cường khác trong đại dịch này.”

    Nước Châu Á duy nhất có quan điểm tiêu cực hơn đối với sự lãnh đạo của Mỹ là Iran, nơi mà tỉ lệ ủng hộ ở mức chỉ 7%. Tỉ lệ ủng hộ thấp cũng được ghi nhận ở Thổ Nhĩ Kỳ, 22%, và Pakistan 23%.

    Gallup cho biết dữ liệu của cuộc khảo sát được thu thập trong và sau khi Mỹ triệt thoái binh sĩ khỏi Afghanistan vào tháng 8 năm 2021. Dù hứng chịu nhiều chỉ trích về sự hỗn loạn mà vụ triệt thoái này gây nên, tỉ lệ ủng hộ 14% ở Afghanistan không khác là bao so với năm 2019.

    Những người tham gia khảo sát cũng được hỏi về quan điểm của họ đối với sự lãnh đạo của Đức, nước đứng đầu cuộc thăm dò với 43%, và Nga, ở mức 33%.

    Cuộc khảo sát được thực hiện trước khi Nga xâm lược Ukraine.

    Dù vậy, những người quan sát nhận định Mỹ tiếp tục thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong suốt cuộc khủng hoảng này và điều này có thể sẽ càng củng cố sự ủng hộ hơn nữa dành cho Mỹ.

    “Mỹ đã ăn điểm khi tiên phong kêu gọi bỏ phiếu chống lại Nga tại Liên Hiệp Quốc. Khắp thế giới hiểu rằng nước Mỹ đang bảo vệ nhân quyền, còn nước nào ủng hộ Nga tức là chống lại loài người tiến bộ,” anh Trần Anh Quân nêu quan điểm.


    Tỉ lệ ủng hộ sự lãnh đạo của Mỹ tăng mạnh ở Châu Á trong năm qua (voatiengviet.com)