zaterdag 29 januari 2022

Đa số quan khách dự khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh là lãnh đạo độc tài

 Đa số quan khách dự khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh là lãnh đạo độc tài

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Tại buổi lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông ngày 4 Tháng Hai, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Chủ Tịch Tập Cận Bình sẽ tiếp các nhà lãnh đạo độc tài trên thế giới cùng những giới chức quốc tế khác.

Theo Yahoo! Sports, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc vừa công bố danh sách khách mời hôm Thứ Sáu, 28 Tháng Giêng, một tuần trước ngày khai mạc.

Tổng Thống Vladimir Putin sẽ tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 dù Nga bị cấm thi đấu. (Hình: Vladimir Smirnov/Pool/AFP via Getty Images)

Đầu tiên, như đã dự đoán, Tổng Thống Vladimir Putin của Nga là khách mời của ông Tập, cho dù đội tuyển Olympic Nga bị cấm tham gia vì những vấn đề liên quan đến “doping,” sử dụng thuốc tăng lực.

Đại diện của Mỹ, Canada và phần lớn các nước Liên Âu không tham dự.

Mỹ tuyên bố từ Tháng Mười Hai năm ngoái là sẽ “không cử đại diện ngoại giao hay bất kỳ giới chức nào” dự Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022.

Thông điệp từ Tòa Bạch Ốc nói rõ Trung Quốc “thi hành chính sách diệt chủng” đối với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương và “vi phạm nhân quyền,” nên Mỹ sẽ “không tham gia vào sự kiện Thế Vận Hội đầy phô trương này.”

Canada, Anh, và Úc ngay sau đó cũng công bố tẩy chay ngoại giao.

Nhiều quốc gia Âu Châu khác do dự ra tuyên bố tương tự, nhưng trong danh sách khách mời của Trung Quốc có Ba Lan, Luxembourg, và Monaco.

Thay vào đó, theo công bố của chính quyền Trung Quốc, khách mời nổi bật tại buổi lễ khai mạc chủ yếu là lãnh đạo các nước thuộc Liên Xô cũ và vùng Vịnh Ba Tư.

]Có thể kể tên một số lãnh đạo như Tổng Thống Kassym-Jomart Tokayev của Kazakhstan, Tổng Thống Sadyr Japarov của Kyrgyzstan, Tổng Thống Gurbanguly Berdimuhamedov của Turkmenistan, Hoàng Tử Mohammed bin Salman bin Abdulaziz Al Saud của Saudi Arabia, và Tổng Thống Abdel Fattah Al-Sisi của Ai Cập…

Ngoài việc dự lễ khai mạc tại Sân Vận Động Quốc Gia, các lãnh đạo này còn có những hoạt động ngoại giao song phương khác.

Ông Thomas Bach, chủ tịch Ủy Ban Thế Vận Hội Quốc Tế, cũng sẽ có mặt. Ông coi tổ chức mà mình đại diện không phải là tổ chức chính trị.

Danh sách các nước vắng mặt kỳ thế vận hội này được coi là cuộc tẩy chay lớn nhất kể từ các kỳ thế vận hội trong thập niên 1980. Đó là năm 1980 khi Mỹ dẫn đầu một cuộc tẩy chay chính thức Thế Vận Hội Moscow, sau đó Liên Xô đáp trả bằng cuộc tẩy chay tương tự đối với Thế Vận Hội Los Angeles 1984.

Mỹ tẩy chay Thế Vận Hội 1980 vì Liên Xô xâm lược Afghanistan năm 1979.

Tổng Thống Abdel Fattah Al-Sisi của Ai Cập sẽ dự lễ khai mạc Thế Vận Hội ở Bắc Kinh. Ông từng là tướng quân đội và lật đổ chính quyền do dân bầu lên một cách dân chủ. (Hình: Sean Gallup/Getty Images)

Còn cuộc tẩy chay lần này vì Trung Quốc giam giữ hơn 1 triệu người Hồi Giáo, trong đó chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ vùng Tân Cương.

Ngoài ra, nhà cầm quyền Bắc Kinh còn thực thi chính sách đàn áp quyền tự do dân chủ ở Hong Kong, Đài Loan, và Tây Tạng.

Các cuộc tẩy chay ngoại giao không ảnh hưởng đến sự tham gia của các vận động viên thể thao. (KV) [đ.d.]

Đa số quan khách dự khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh là lãnh đạo độc tài (nguoi-viet.com)

10 tiểu bang ở Mỹ tốt nhất để nghỉ hưu năm 2022

 10 tiểu bang ở Mỹ tốt nhất để nghỉ hưu năm 2022

WASHINGTON, DC (NV) – Không dễ quyết định về hưu sống ở đâu là tốt nhất. Do đó, thông tin sau đây từ trang web tài chính cá nhân WalletHub có lẽ sẽ hữu ích, theo CNBC hôm Thứ Bảy, 29 Tháng Giêng.

Trang web đặt trụ sở ở Washington, DC, này vừa công bố bảng xếp hạng tiểu bang tốt nhất và tệ nhất để nghỉ hưu, dựa trên chi phí, phẩm chất cuộc sống và y tế.

Hai phụ nữ cao niên đi bộ trong khu mua sắm ở West Palm Beach, Florida, ngày 12 Tháng Ba, 2020. (Hình minh họa: Eva Marie Uzcategui/AFP via Getty Images)

Tiểu bang tệ nhất để nghỉ hưu là New Jersey, kế đến là Mississippi và New York, theo WalletHub. Tiền bạc là yếu tố chính trong ba thứ hạng thấp nhất đó: New York là tiểu bang đứng chót về chi phí, theo sau là New Jersey; còn Mississippi xếp cuối bảng về phẩm chất cuộc sống.

Khi nói đến việc chọn nơi tốt nhất để nghỉ hưu, tiền bạc là yếu tố quan trọng thì không có gì đáng ngạc nhiên. Trong số những người Mỹ chưa nghỉ hưu, 26% không hề có kế hoạch nghỉ hưu, theo báo cáo của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ năm 2021.

Tuy nhiên, trung bình, người Mỹ có khoảng $400,000 để sinh sống sau khi nghỉ việc. Con số đó cao hơn ở những tiểu bang như Connecticut, nơi trung bình mỗi người về hưu có khoảng $520,000.

Nhưng nhiều người khác không chuẩn bị kỹ như vậy cho những năm không còn làm việc. Đó là lý do chi phí là một trong những yếu tố chính khi chọn nơi nghỉ hưu. Thực vậy, cả hai tiểu bang đứng đầu bảng xếp hạng của WalletHub – Florida và Virginia – đều nằm trong số 10 tiểu bang có chi phí thấp nhất nước Mỹ.

Sau đây là danh sách 10 tiểu bang tốt nhất để nghỉ hưu năm 2022:

1.Florida:

-Chi phí: Hạng 4

-Phẩm chất cuộc sống: Hạng 5

-Y Tế: Hạng 27

2.Virginia

-Chi phí: Hạng 9

-Phẩm chất cuộc sống: Hạng 7

-Y Tế: Hạng 13

3.Colorado

-Chi phí: Hạng 11

-Phẩm chất cuộc sống: Hạng 21

-Y Tế: Hạng 4

4.Delaware

-Chi phí: Hạng 6

-Phẩm chất cuộc sống: Hạng 35

-Y Tế: Hạng 15

5.Minnesota

-Chi phí: Hạng 36

-Phẩm chất cuộc sống: Hạng 3

-Y Tế: Hạng 1

6.North Dakota

-Chi phí: Hạng 25

-Phẩm chất cuộc sống: Hạng 16

-Y Tế: Hạng 16

7.Montana

-Chi phí: Hạng 14

-Phẩm chất cuộc sống: Hạng 18

-Y Tế: Hạng 31

8.Utah

-Chi phí: Hạng 19

-Phẩm chất cuộc sống: Hạng 20

-Y Tế: Hạng 26

Đồng hạng 9.Arizona

-Chi phí: Hạng 15

-Phẩm chất cuộc sống: Hạng 32

-Y Tế: Hạng 24

Đồng hạng 9.New Hampshire

-Chi phí: Hạng 34

-Phẩm chất cuộc sống: Hạng 2

-Y Tế: Hạng 8. (Th.Long)

10 tiểu bang ở Mỹ tốt nhất để nghỉ hưu năm 2022 (nguoi-viet.com)

vrijdag 28 januari 2022

Hãng lọc dầu lớn nhất Việt Nam Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn gặp khó khăn tài chính, có thể phải tạm đóng cửa

 

Hãng lọc dầu lớn nhất Việt Nam gặp khó khăn tài chính, có thể phải tạm đóng cửa

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa, Việt Nam.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn, hãng lọc dầu lớn nhất Việt Nam, mới đây thông báo với một số cơ quan quản lý của đất nước rằng hãng này đang “đối mặt với khó khăn tài chính”, nên phải hủy nhập dầu thô, cũng như có nguy cơ “dừng hoàn toàn hoạt động” của nhà máy Nghi Sơn ở tỉnh Thanh Hóa từ giữa tháng 2 sắp tới, theo tường thuật của báo chí Việt Nam hôm 27/1.

Cách đây một tuần, hãng lọc dầu Nghi Sơn – có tên viết tắt là NSRP – đã phải giảm công suất vận hành nhà máy từ 105% xuống 80%.

Theo tin của báo chí trong nước hôm 27/1, NSRP nêu ra nguyên nhân là do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, PVN, chưa phê duyệt các thỏa thuận về hỗ trợ tài chính đối với dầu thô, về thanh toán sớm và bao tiêu sản phẩm, có liên quan đến hai nguồn tiền mặt cần thiết để NSRP duy trì hoạt động.

Hãng nói có thể sẽ phải “ngừng hoạt động hoàn toàn” vào khoảng ngày 13/2 do thiếu nguồn cung cấp dầu thô nếu tình hình số dư tiền mặt không được cải thiện.

PVN là một trong 4 bên góp vốn chính cho dự án liên doanh đứng sau nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Ba đối tác còn lại đến từ Nhật Bản và Kuwait. Dự án với tổng vốn 9 tỷ đô la có công suất lọc 10 triệu tấn dầu thô/năm, được xem là lớn nhất Việt Nam kể từ khi chính thức vận hành thương mại từ tháng 12/2018 đến nay.

Đáp lại thông tin do NSRP đưa ra, PVN nói NSRP phải tự quyết và tự chịu trách nhiệm về sự vận hành của hãng.

Một bản tin của Tuổi Trẻ dẫn lại “lời phản hồi” của PVN nói rằng “theo điều lệ công ty, ban điều hành NSRP phải chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm công tác nhập dầu thô và công suất vận hành nhà máy”.

PVN cho rằng việc NSRP tự ý hủy nhập dầu thô dẫn đến nguy cơ dừng hoạt động nhà máy là việc “hoàn toàn thuộc phạm vi trách nhiệm của ban điều hành NSRP” và “không liên quan” tới việc phê duyệt các thỏa thuận mà hiện đang được đàm phán lại để tái cấu trúc tổng thể NSRP.

Vẫn PVN cho biết thêm là tập đoàn này đang “đàm phán, thuyết phục” các bên góp vốn nước ngoài về giải pháp tái cấu trúc tổng thể NSRP để hãng hoạt động hiệu quả, đồng thời cũng đảm bảo quyền lợi của PVN và của nhà nước Việt Nam.

NSRP lỗ tới 1,5 tỷ đô la trong 3 năm, tính đến quý 3/2020, các bản tin trong nước cho biết, điều này gây áp lực lên nợ công của Việt Nam.

Lúc này, khi NSRP và PVN tranh cãi qua lại, giới kinh doanh xăng dầu và cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này bày tỏ lo ngại về nguy cơ là Việt Nam sẽ thiếu xăng dầu, nhất là vào thời điểm kỳ nghỉ Tết đang sắp đến.

Báo chí trong nước cho biết hãng lọc dầu Nghi Sơn cung cấp tới 35% trong tổng lượng xăng dầu ở thị trường Việt Nam. Riêng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Petrolimex, có kế hoạch nhập khoảng 235.000-265.000 mét khối xăng dầu/tháng từ hãng lọc dầu Nghi Sơn trong năm 2022.

Vì vậy, việc hãng loan báo có nguy cơ sẽ dừng hoạt động đã dẫn đến việc Petrolimex phải gửi một văn bản khẩn gửi Bộ Công Thương, trong đó nói rằng "Sự việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ngưng cung cấp xăng dầu mà không có lý do thỏa đáng là rất nghiêm trọng, không tuân thủ hợp đồng và thông lệ quốc tế, khiến Petrolimex không thể có giải pháp xử lý kịp thời".

Việc tìm các nguồn cung để lấp vào phần thiếu hụt do NSRP gây ra dường như không dễ dàng, theo các báo Việt Nam.

Thanh Niên dẫn lời một vị lãnh đạo không rõ danh tính của hãng lọc dầu nắm quyền quản lý nhà máy Dung Quất nói rằng nhà máy này hiện đang chạy 100% và có thể tăng lên mức 105-108%. Nhưng ngay cả khi làm như vậy “cũng chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ thôi vì Nghi Sơn quá to so với chúng tôi”, vị lãnh đạo này nói.

Về nguồn nhập khẩu, vẫn theo Thanh Niên, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, nói rằng các đầu mối kinh doanh xăng dầu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn lớn khi tìm cách mua của các nhà cung cấp nước ngoài vì họ thường phải có kế hoạch trước, chưa kể đến bối cảnh giá dầu thế giới đang tăng hiện nay.


Hãng lọc dầu lớn nhất Việt Nam gặp khó khăn tài chính, có thể phải tạm đóng cửa (voatiengviet.com)

Tân Đại sứ Mỹ Marc Knapper tới Hà Nội nhận nhiệm sở

 

Tân Đại sứ Mỹ Marc Knapper tới Hà Nội nhận nhiệm sở

Ông Marc Knapper tuyên thệ nhậm chức Đại sứ tại Việt Nam ở Bộ Ngoại giao hôm 3/1 năm 2022

Ông Marc Knapper, người vừa được Thượng viện chuẩn y làm đại sứ tại Việt Nam, đã tới Hà Nội vào đêm 27/1 để bắt đầu thực hiện chức trách, truyền thông trong nước đưa tin. Hiện tại ông và gia đình đang phải cách ly theo quy định phòng dịch của Việt Nam.

Trang Facebook của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đăng ảnh Đại sứ Marc Knapper và gia đình vẫy tay chào khi đến Hà Nội với lời nhắn của ông: “Tôi và gia đình đã tới Hà Nội an toàn vào đêm qua, bắt đầu những ngày cách ly. Chúng tôi rất mong được gặp những người bạn và những đối tác Việt Nam trong thời gian sớm nhất!”.

Ông Knapper được chính quyền Tổng thống Joe Biden đề cử làm Đại sứ Việt Nam hồi tháng 4 2021 và được Thượng viện chuẩn thuận hôm 18/12. Ông tuyên thệ nhậm chức ngày vào 30/12 năm 2021 tại thủ đô Washington.

Điều trần trước Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện hồi tháng 7 năm 2021, ông Knapper nhấn mạnh ưu tiên của ông là thúc đẩy hợp tác an ninh song phương trong bối cảnh có những bất định trong khu vực, nhất là xung quanh tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Ông chỉ ra Mỹ và Việt Nam chia sẻ nhiều lợi ích lẫn quan ngại trong khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Ông khẳng định Việt Nam là một trong những ‘đối tác mạnh mẽ’ của Mỹ trong khu vực.

Ngoài hợp tác an ninh, tân Đại sứ Marc Knapper cũng sẽ ưu tiên thúc đẩy thương mại đầu tư, giải quyết di sản chiến tranh và ngoại giao nhân dân trong bang giao song phương. Ông cam kết hỗ trợ ‘Việt Nam độc lập, lớn mạnh và thịnh vượng’.

Từ cựu thù chiến tranh, quan hệ Mỹ-Việt đã có bước tiến dài và đang ở trong tình trạng tốt nhất từ trước đến nay. Quan hệ hai nước được xác định trong khuôn khổ ‘đối tác toàn diện’ và có những kỳ vọng sẽ được nâng lên thành ‘đối tác chiến lược’ trong thời gian tới.

Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất và cung cấp nhiều hỗ trợ an ninh cho Việt Nam, trong khi Việt Nam cũng nằm trong số những đối tác an ninh quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực mặc dù nước này không phải là đồng minh có hiệp ước với Mỹ như Thái Lan hay Phillippines.

Trên vấn đề Biển Đông, Washington ngày càng tiến gần đến lập trường của Hà Nội, từ chỗ ‘không ủng hộ bên nào trong tranh chấp chủ quyền’ cho đến bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh với gần như toàn bộ Biển Đông.

Trong đại dịch COVID-19, Việt Nam là một trong những nước nhận viện trợ vaccine nhiều nhất của Mỹ. Cho đến nay, chính quyền Joe Biden đã cấp cho Hà Nội trên 20 triệu liều vaccine, góp phần giúp Việt Nam ‘đi sau về trước’ về độ phủ vaccine, vượt cả Mỹ.

Marc Knapper là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, từng giữ vị trí phó trợ lý Ngoại trưởng về Nhật Bản và Hàn Quốc, công tác trong Vụ Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông tốt nghiệp Đại học Princeton và có bằng thạc sĩ tại Đại học Chiến tranh Lục quân Mỹ. Ông từng là tham tán chính trị cho Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội trong ba năm (2004-2007) và được cho là nói thạo Tiếng Việt.

Tân Đại sứ Marc Knapper sẽ lên thay Đại sứ mãn nhiệm Daniel Kritenbrink, người phụ vụ nhiệm kỳ 2014 – 2017.


Tân Đại sứ Mỹ Marc Knapper tới Hà Nội nhận nhiệm sở (voatiengviet.com)

    VN bỏ yêu cầu xét nghiệm nhanh Covid tại sân bay, Tân Sơn Nhất ghi nhận số khách kỷ lục

     

    VN bỏ yêu cầu xét nghiệm nhanh Covid tại sân bay, Tân Sơn Nhất ghi nhận số khách kỷ lục

    Việc bãi bỏ các quy định phòng dịch khắt khe vào thời điểm cận Tết Nguyên Đán góp phần làm gia tăng lượng hành khách tại các sân bay ở Việt Nam.

    Hành khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam từ nay sẽ không cần phải xét nghiệm nhanh Covid-19 khi lên hoặc xuống máy bay, Văn phòng chính phủ Việt Nam vừa đưa ra thông báo theo chỉ thị của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh vào ngày 28/1.

    Theo đó, hành khách trên các chuyến bay quốc tế chỉ cần xuất trình kết quả xét nghiệm Covid-19 theo quy định. Những người đã tiêm chủng đầy đủ sẽ phải cách ly tại nơi ở hoặc tại khách sạn trong ba ngày. Còn những người chưa tiêm chủng đầy đủ sẽ phải cách ly trong bảy ngày.

    Nhân viên của tổ bay cũng không còn phải xét nghiệm COVID-19 trước mỗi chuyến bay.

    Ngoài ra, Phó Thủ tướng Việt Nam cũng chuẩn thuận đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, cho phép tăng tần suất chuyến bay thương mại đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu và Australia để đáp ứng nhu cầu về nước của người Việt ở nước ngoài nhân dịp Tết Nguyên đán.

    Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải nói tình hình đại dịch COVID-19 ở Việt Nam hiện nay về cơ bản đã được kiểm soát trên toàn quốc và tỷ lệ tiêm phòng đạt cao. Vì vậy, Bộ này đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam chủ động điều chỉnh tần suất bay đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

    Hôm 28/1, báo chí Việt Nam dẫn thông tin từ Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết sân bay Tân Sơn Nhất trong cùng ngày ghi nhận số hành khách đông nhất từ trước tới nay trong giai đoạn cận Tết, với 743 chuyến bay vận chuyển khoảng 72.000 người.

    Ngày trước đó, 27/1, sân bay Tân Sơn Nhất có 706 chuyến bay với khoảng 65.300 khách.

    Ngoài yếu tố về thời gian (Tết Nguyên Đán), việc Bộ Giao thông Vận tải bỏ quy định xét nghiệm với tất cả khách từ vùng 3 (vùng cam) trở xuống và Bộ Y tế yêu cầu các địa phương không cách ly người về quê được cho là những nguyên nhân góp phần làm cho số lượng hành khách tăng mạnh tại các phi trường.


    VN bỏ yêu cầu xét nghiệm nhanh Covid tại sân bay, Tân Sơn Nhất ghi nhận số khách kỷ lục (voatiengviet.com)