maandag 29 november 2021

Lạm phát ở Mỹ cao nhất trong 30 năm: nguyên do vì đâu?

 

Lạm phát ở Mỹ cao nhất trong 30 năm: nguyên do vì đâu?

Người dân mua sắm cho ngày Lễ Tạ Ơn tại một siêu thị Walmart ở Las Vegas. Giá cả tăng cao khiến bữa tiệc Lễ Tạ Ơn năm nay đắt đỏ hơn những năm trước

Gián đoạn chuỗi cung, nhu cầu tăng sau đại dịch, giá xăng tăng do khủng hoảng năng lượng toàn cầu, nhiều gói kích thích khổng lồ để hỗ trợ kinh tế, lãi suất bị kiềm hãm ở mức thấp trong nhiều năm và chính phủ tiếp tục tung tiền mua trái phiếu là những nguyên nhân đẩy lạm phát ở Mỹ tăng cao, các nhà phân tích nhận định.

‘Tăng chóng mặt’

Chính phủ Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 6,2% so với năm trước – mức tăng cao nhất trong vòng 30 năm qua.

Trong nhiều tháng, nhiều kinh tế gia phát ra thông điệp trấn an rằng giá hàng hóa tiêu dùng tăng đột biến, vốn đã không xảy ra ở Mỹ trong một thế hệ, sẽ không kéo dài. Nó chứng tỏ sẽ chỉ là ‘tạm thời’, theo lời trấn an của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell và các quan chức Tòa Bạch Ốc, khi kinh tế Mỹ đi từ hỗn loạn trong dịch COVID-19 sang gần như bình thường.

Tuy nhiên, bất kỳ người Mỹ nào đã mua sữa, đổ xăng hoặc mua xe cũ đều có thể thấy lạm phát ảnh hưởng đến túi tiền của họ. Và các nhà kinh tế giờ đưa ra thông điệp nản lòng hơn: giá cả cao hơn có thể sẽ kéo dài đến sang năm, nếu không muốn nói là lâu hơn nữa.

“Đó là cú giáng lớn vào thông điệp lạm phát là tạm thời,” ông Jason Furman, người từng là cố vấn kinh tế hàng đầu trong chính quyền Obama, nói với hãng tin AP. “Lạm phát không chậm lại. Nó đang đi với tốc độ chóng mặt.”

Và cú sốc giá cả hiển hiện ở những chỗ các hộ gia đình bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đồ ăn sáng chẳng hạn: giá thịt xông khói tăng 20% trong năm qua, giá trứng tăng gần 12%. Giá xăng tăng 50%. Mua máy giặt hoặc máy sấy sẽ phải trả thêm 15% so với một năm trước. Còn xe cũ? Mắc hơn 26%.

Mặc dù lương cũng tăng nhiều đối với nhiều người lao động, nhưng mức tăng đó gần như không theo kịp giá cả. Tháng trước, mức lương theo giờ trung bình ở Mỹ, sau khi tính đến lạm phát, thực sự giảm 1,2% so với tháng 10 năm 2020.

Giá cả tăng cao đang làm tăng áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải từ bỏ chính sách cho vay dễ dàng. Và nó cũng đặt ra mối đe dọa cho Tổng thống Joe Biden, phe Dân chủ ở Quốc hội và kế hoạch chi tiêu đầy tham vọng của họ.

Điều gì khiến giá tăng?

Phần lớn nguyên do lại là tin tốt. Bị COVID-19 tàn phá, kinh tế Mỹ sụp đổ hồi mùa xuân năm 2020 khi phong tỏa bắt đầu, các doanh nghiệp đóng cửa hoặc cắt giảm giờ làm và người tiêu dùng ở nhà tránh dịch. Các công ty cắt giảm 22 triệu việc làm. Sản lượng kinh tế đã giảm với tốc độ tàn phá là 31% hàng năm trong quý 2 năm ngoái.

Ai cũng chuẩn bị tâm lý rằng khó khăn sẽ kéo dài hơn. Các công ty cắt giảm đầu tư. Nhiều trung tâm mua sắm hoãn lấy thêm hàng. Theo sau là suy thoái tàn khốc.

Tuy nhiên, thay vì chìm vào suy thoái kéo dài, kinh tế Mỹ đã có sự phục hồi bất ngờ, do các gói chi tiêu khổng lồ của chính phủ và một loạt các động thái khẩn cấp của Fed. Đến đầu năm nay, triển khai chích ngừa đã khiến người tiêu dùng mạnh dạn trở lại nhà hàng, quán bar và cửa hàng.

Bất thình lình, các doanh nghiệp vật lộn để đáp ứng nhu cầu dâng cao. Họ không tìm đủ người để lấp đầy các chỗ trống – 10,4 triệu vào tháng 8, gần mức kỷ lục, hoặc không lấy đủ hàng để đáp ứng các đơn hàng. Khi doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ trở lại, các hải cảng và bãi tập kết hàng không đảm đương nổi lượng hàng đến. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.

Chi phí tăng lên. Và các công ty chuyển những chi phí cao hơn đó sang người tiêu dùng với giá cả cao hơn. Trong khi đó, nhiều người Mỹ đã dành dụm được cũng kha khá trong đại dịch.

“Một nguyên nhân đáng kể gây ra lạm phát mà chúng ta đang nhìn thấy là kết quả không tránh khỏi của việc thoát khỏi đại dịch,” AP dẫn lời ông Furman, hiện là kinh tế gia tại Trường Kennedy của Đại học Harvard, cho biết.

Tuy nhiên, Furman cho rằng chính sách sai lầm của chính phủ cũng góp phần vào lạm phát. Các nhà hoạch định chính sách rất muốn ngăn kinh tế suy thoái đến nỗi họ ‘coi nhẹ lạm phát một cách có hệ thống’, ông nói.

“Họ đổ thêm dầu vào lửa,” ông nói.

Chi tiêu ồ ạt của chính phủ - bao gồm gói cứu trợ virus corona trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la của Tổng thống Joe Biden, với khoản chi trả 1.400 đô la cho hầu hết các hộ gia đình hồi tháng 3 – đã kích thích nền kinh tế quá mức, Furman nói.

“Lạm phát ở Mỹ cao hơn rất nhiều so với ở châu Âu,” ông lưu ý. “Châu Âu cũng bị cú sốc tương tự về cung cầu như ở Mỹ, và cũng gặp vấn đề về chuỗi cung ứng tương tự. Nhưng họ không kích thích kinh tế quá nhiều.”

Tổng thống Biden thừa nhận ‘lạm phát làm tổn thương túi tiền người dân Mỹ, và đảo ngược xu hướng lạm phát là ưu tiên hàng đầu của tôi’. Ông Biden nói rằng gói cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ đô la mà ông thúc đẩy, bao gồm chi tiêu cho đường sá, cầu, cảng, sẽ giúp giảm bớt tắc nghẽn chuỗi cung ứng.

‘Nhiều yếu tố cộng dồn’

Trao đổi với VOA, Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc, vốn giảng dạy chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh tại Keller Graduate School of Management, nhận định rằng ‘một loạt các yếu tố xảy ra cùng một lúc thúc đẩy lạm phát ở Mỹ tăng cao’.

“Sau bất kỳ cuộc khủng hoảng nào đó mà kinh tế phục hồi trở lại thì lạm phát gia tăng,” ông Lộc giải thích là dẫn chứng là sau cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008 thì giá cả ở Mỹ cũng gia tăng tạm thời.

“Đó là do người dân quay trở lại tiêu xài trong khi chính phủ đã đưa ra mấy gói cứu trợ liên tiếp để cho tiền người dân tiêu xài,” ông nói thêm và cho biết đó là ‘demand-pulled inflation’, tức lạm phát do nhu cầu tăng cao.

Không may là ‘demand-pulled inflation’ lại được cộng hưởng bởi ‘cost-pushed inflation’, tức lạm phát do giá đầu vào tăng cao, càng khiến lạm phát tăng mạnh, ông Lộc phân tích.

“Bao nhiêu quốc gia cung cấp hàng cho Mỹ bị gián đoạn cung ứng (do dịch bệnh). Mà khi thiếu nguồn cung thì giá thành hàng hóa ở Mỹ sẽ gia tăng,” ông nói.

Ngoài ra giá xăng dầu đang tăng cao ‘cũng ảnh hưởng rất mạnh đến lạm phát’ vì nó liên quan đến giá đầu vào của hầu hết hàng hóa và dịch vụ, cũng theo lời vị giáo sư này.

Bên cạnh những yếu tố này, lạm phát ở Mỹ còn có nguyên nhân chủ quan, mang tính hệ thống là chính sách của Fed ‘giữ lãi suất thấp một cách nhân tạo từ thời cựu Tổng thống Trump đến nay để kích thích nền kinh tế’.

“Trước đây lãi suất thấp nhưng kinh tế trì trệ thì không bị lạm phát nhưng bây giờ kinh tế tăng trưởng trở lại thì nó thúc đẩy lạm phát,” ông nói.

Ông nói với các nguyên nhân ở trên có sẵn thì chuỗi cung ứng bị gián đoạn là ngòi nổ để châm ngòi lạm phát.

Khi được hỏi về trách nhiệm của chính quyền Tổng thống Joe Biden khi tung tiền ra quá nhiều tiền, ông Lộc nói: “Chính quyền nào cũng vậy chứ không phải Biden. Chính quyền Trump cũng vậy. Thực sự số tiền tiêu xài nhiều nhất là 6 ngàn tỷ dưới thời Trump. Biden mới tung ra mấy ngàn tỷ thôi nhưng toàn là tiền chưa xài nên không ảnh hưởng vào con số lạm phát hiện nay.”

Tuy nhiên, ông bày tỏ lo ngại việc chính quyền Biden đang tiếp tục thông qua gói chi tiêu xã hội vào khoảng 2-3 ngàntỉ đô la và nói rằng ‘vô cùng tai hại’ vì nó sẽ làm cho lạm phát tiếp tục kéo dài qua những năm sau.

Lạm phát kéo dài bao lâu?

Lạm phát giá tiêu dùng có thể sẽ còn kéo dài chừng nào các công ty còn khốn đốn theo kịp nhu cầu hàng hóa và dịch vụ chưa từng thấy của người tiêu dùng. Thị trường lao động đang hồi sinh – các công ty đã tạo thêm 5,8 triệu việc làm trong năm nay – có nghĩa là người Mỹ có thể tiếp tục vung tiền vào mọi thứ từ đồ gỗ cho đến xe mới. Và các nút thắt chuỗi cung ứng không có dấu hiệu được giải tỏa.

“Bên cầu của kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục là điều cần phải để ý,” ông Rick Rieder, giám đốc đầu tư tại Blackrock, được AP dẫn lời nói, ‘và các công ty sẽ tiếp tục chuyển chi phí thành giá cả.’

“Tôi nghĩ rằng nó sẽ là ‘tạm thời’,” bà Megan Greene, kinh tế gia trưởng tại Viện Kroll, nói về lạm phát. “Nhưng các nhà kinh tế phải rất trung thực khi định nghĩa ‘tạm thời’ là gì, và tôi nghĩ nó có thể dễ dàng kéo dài thêm một năm nữa’.

Sự tăng giá hàng tiêu dùng đã gợi lên bóng ma tình cảnh những năm 1970 sẽ trở lại. Đó là khi giá cao hơn xảy ra cùng lúc với thất nghiệp.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay có vẻ rất khác. Tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp, và nhìn chung các hộ gia đình đang ở trong tình trạng tốt về tài chính. Conference Board, một công ty nghiên cứu kinh doanh, phát hiện ra rằng kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng trong tháng trước là cao nhất kể từ tháng 7 năm 2008. Nhưng họ dường như không lo lắng: chỉ số niềm tin của người tiêu dùng cũng tăng, do lạc quan về thị trường việc làm.

“Ít nhất, vào lúc này, họ cảm thấy lợi ích đang nhiều hơn mặt xấu,” Lynn Franco, giám đốc cấp cao về các chỉ số kinh tế của Conference Board, nói với AP.

Tăng trưởng kinh tế, sau khi chậm lại từ tháng 7 đến tháng 9 trước biến thể Delta dễ lây lan, được cho là sẽ phục hồi trong quý cuối cùng của năm 2021.

“Hầu hết các nhà kinh tế đang kỳ vọng tăng trưởng sẽ tăng tốc trong quý tư,” bà Greene nói thêm.

Áp lực đang đè nặng lên Fed, vốn có trách nhiệm kiềm giữ lạm phát, là phải kiểm soát giá cả.

“Họ cần ngừng nói rằng lạm phát là tạm thời, bắt đầu lo lắng hơn về lạm phát, sau đó hành động một cách phù hợp,” Furman nói.

Chủ tịch Fed, ông Powell đã thông báo Fed sẽ bắt đầu giảm mua trái phiếu hàng tháng mà họ bắt đầu mua hồi năm ngoái như một cách khẩn cấp để thúc đẩy kinh tế. Vào tháng 9, các quan chức Fed dự báo cho đến trước cuối năm 2022 họ sẽ tăng lãi suất từ mức gần bằng 0, sớm hơn nhiều so với dự đoán.

Nhưng lạm phát cao, nếu kéo dài, có thể buộc Fed phải đẩy nhanh việc tăng lãi suất; Các nhà đầu tư dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất ít nhất hai lần vào năm tới.

‘Cần giảm áp lực giá xăng dầu’

Theo nhận định của Giáo sư Khương Hữu Lộc thì lạm phát sẽ kéo dài ‘chừng khoảng 2-3 năm chứ không phải trong 5-6 tháng’.

“Nếu chính phủ giảm được áp lực lên giá xăng dầu thì giá cả hàng hóa sẽ giảm,” ông nói và cho biết ông ủng hộ động thái mới nhất của chính quyền Biden là mở kho dự trữ xăng dầu chiến lược để đối phó với việc các nước xuất khẩu dầu ‘cấu kết với nhau giữ giá xăng dầu cao’.

“Nếu chính phủ giải quyết được điểm nghẽn chuỗi cung ứng, nâng cấp các hải cảng, đường sá, hệ thống hỏa xa, kho bãi, tăng nhập hàng từ những nước gần như Mexico hay Canada thì lạm phát sẽ giảm,” ông nói thêm và cảnh báo chính quyền Biden đừng nên vì lạm phát mà chấp nhận gỡ bỏ thuế quan cho hàng Trung Quốc để hàng giá rẻ của nước này ồ ạt đổ vào Mỹ như trước.

Ông dự đoán ‘khoảng quý 3 hay quý 4 năm sau Fed sẽ tăng lãi suất tượng trưng đôi chút’. “Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế, nhưng nếu Fed trấn an rằng họ chỉ tăng nhẹ và còn lâu mới tăng lần nữa thì giới đầu tư sẽ không phản ứng quá mạnh.”

Khi được hỏi liệu người lao động có nên được tăng lương để giúp cuộc sống họ bớt chật vật trước tình trạng giá cả tăng cao hay không, ông Lộc nói: “Khi lương gia tăng thì lạm phát càng bị đẩy lên cao nữa nên thành ra đó là con dao hai lưỡi.”


Lạm phát ở Mỹ cao nhất trong 30 năm: nguyên do vì đâu? (voatiengviet.com)

Mỹ áp đặt lệnh cấm du hành với tám nước Châu Phi vì biến thể Omicron

 

Mỹ áp đặt lệnh cấm du hành với tám nước Châu Phi vì biến thể Omicron

27/11/2021
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu với báo chí sau khi ăn trưa với gia đình tại nhà hàng Nantucket Tap Room, trên đảo Nantucket, bang Massachusetts, Mỹ, ngày 26 tháng 11, 2021.

Mỹ sẽ cấm hầu hết du khách đến từ tám quốc gia ở khu vực nam Châu Phi bắt đầu từ ngày thứ Hai, sau khi một biến thể virus corona mới có khả năng lây lan mạnh hơn được xác định ở Nam Phi, Tổng thống Joe Biden nói vào ngày thứ Sáu.

Các hạn chế du hành không cấm các chuyến bay hoặc áp dụng cho công dân Mỹ và thường trú nhân hợp pháp ở Mỹ.

Chưa có ca Omicron nào được xác định tại Mỹ tính đến thời điểm này, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC). Cơ quan này hi vọng họ sẽ nhanh chóng xác định được biến thể B.1.1.529, nếu nó xuất hiện trong nước.

Các nước khắp thế giới đã vội vàng đình chỉ du hành từ khu vực nam Châu Phi sau khi Tổ chức Y tế Thế giới nói Omicron là “đáng lo ngại.” Nhiều nước đã ban hành lệnh cấm du hành có hiệu lực ngay lập tức, không như lệnh cấm của Mỹ.

Các hạn chế áp dụng cho Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi. Hầu hết những người không phải công dân Mỹ đã ở các quốc gia đó trong vòng 14 ngày trước đó sẽ không được phép vào Mỹ.

“Như một biện pháp phòng ngừa cho đến khi chúng tôi có thêm thông tin, tôi ra lệnh ban hành thêm các hạn chế du hành bằng đường hàng không từ Nam Phi và bảy quốc gia khác,” ông Biden nói trong một phát biểu.

Trước đó, quan chức hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Bác sĩ Anthony Fauci nói Mỹ đang gấp rút thu thập dữ liệu về biến thể COVID-19 mới.

Có thể mất hàng tuần để các nhà khoa học hiểu cặn kẽ về các đột biến của biến thể này. Các nhà chức trách y tế đang tìm cách xác định xem Omicron có khả năng lây truyền hoặc lây nhiễm nhiều hơn các biến thể khác hay không và liệu vaccine có hiệu quả với nó hay không.

Mỹ chỉ mới dỡ bỏ các hạn chế du hành đối với 33 quốc gia bao gồm Nam Phi, Trung Quốc, phần lớn Châu Âu, Ấn Độ, Brazil, Ireland, Anh và Iran vào ngày 8 tháng 11, sau khi cấm nhập cảnh hầu hết công dân nước ngoài gần đây đã ở các quốc gia đó kể từ đầu đại dịch vào đầu năm 2020.


Mỹ áp đặt lệnh cấm du hành với tám nước Châu Phi vì biến thể Omicron (voatiengviet.com)

Việt Nam xuất xưởng hơn 1 triệu liều vaccine sản xuất trong nước

 

Việt Nam xuất xưởng hơn 1 triệu liều vaccine sản xuất trong nước

Vaccine Sputnik V của Vabiotech. Photo VOV

Hôm 26/11, lô vaccine Sputnik V đầu tiên với 1,05 triệu liều sản xuất ở Việt Nam đã xuất xưởng và sẵn sàng đưa vào tiêm cho người dân từ đầu tháng 12, truyền thông trong nước loan tin.

Đài VOV cho biết, theo thỏa thuận với Viện Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Nga Gamalaya, vaccine Sputnik V do Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm Số 1 (VABIOTECH) sản xuất sẽ được sử dụng trong chương trình tiêm chủng toàn dân.

Trang Sputnik News dẫn lời ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch VABIOTECH, cho biết hơn 1 triệu liều vaccine Spunik V này sẽ thông qua các nhà tài trợ để đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng miễn phí cho người dân. Dự kiến vào đầu tháng 12 sẽ tiêm vaccine Covid-19 Spunik V cho người dân Việt Nam, vẫn theo Sputnik News.

Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết việc bắt đầu tiến hành đóng ống 1 triệu liều vaccine Sputnik V đầu tiên tại Việt Nam “tạo tiền đề cho doanh nghiệp hai nước triển khai các dự án sản xuất vaccine và thuốc điều trị quy mô lớn hơn tại Việt Nam”.

Hồi tháng 6, đại diện Bộ Y tế Việt Nam, VABIOTECH đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga (RDIF) về việc đóng ống vaccine Sputnik V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng bắt đầu từ tháng 7/2021.

Sau đó VABIOTECH đã chính thức tiếp nhận lô bán thành phẩm vaccine Sputnik V đầu tiên từ Nga để gia công, đóng gói. Vào tháng 7, Việt Nam đã gửi 10.000 liều của lô vaccine Sputnik V sang Nga để kiểm định tiêu chuẩn chất lượng. Đến tháng 8, một lô vaccine Sputnik V sản xuất nhượng quyền giai đoạn đầu từ bán thành phẩm vaccine tại VABIOTECH đã được Viện Gamalaya phân tích, thẩm định. Vào cuối tháng 9, lô vaccine Sputnik V đầu tiên gồm gần 740.000 liều của Nga đã được chuyển giao cho Việt Nam.

Lô vaccine hơn 1 triệu liều này được xuất xưởng vài ngày trước chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, dự kiến diễn ra từ ngày 29/11 đến 2/12.

Thông Tấn Xã Việt Nam dẫn lời ông Phúc cho biết Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Nga trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc điều trị COVID-19.

Vaccine Sputnik V của Nga là một trong 8 loại vaccine COVID-19 đã được Bộ Y tế cấp phép trong tình trạng khẩn cấp phục vụ phòng, chống dịch, bên cạnh các vaccine của Mỹ, Anh, Trung Quốc, Cuba, Bỉ-Hà Lan.

    Pfizer, Merck nhượng quyền sản xuất thuốc viên chống COVID-19 cho Việt Nam

     

    Pfizer, Merck nhượng quyền sản xuất thuốc viên chống COVID-19 cho Việt Nam

    Các viên thuốc kháng virus chống COVID-19 của hãng dược Pfizer trong quy trình sản xuất ngày 16/11. Pfizer và Merck đã đồng ý chuyển nhương quyền sản xuất thuốc viên chống virus corona cho Việt Nam.

    Hai tập đoàn dược phẩm của Mỹ, Pfizer và MSD, đã đồng ý nhượng quyền sản xuất thuốc viên điều trị COVID-19 cho các công ty của Việt Nam, theo Bộ Y tế.

    Cục Quản lý Dược của Bộ Y tế cho biết trong một thông báo rằng các tập đoàn dược đã gửi thư chấp thuận cho Cục về việc sản xuất thuốc kháng virus Molnupiravir và Paxlovid.

    Pfizer, hãng dược hiện đang sản xuất vaccine chống COVID-19 theo công nghệ mRNA, tuần trước cho biết họ sẽ cho phép các nhà sản xuất cung cấp thuốc kháng virus corona thử nghiệm của họ cho 95 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thông qua một thoả thuận nhượng quyền tự nguyện sản xuất tại các nước này với Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc Medicines Patent Pool (MPP).

    Theo thông báo đưa ra hôm 26/11, Bộ Y tế nói rằng Tập đoàn dược phẩm MSD, còn được biết là Merck & Co Inc, trước đó trong tháng đã ký thoả thuận với MPP. Theo đó các cơ sở sản xuất muốn được nhượng quyền tự nguyện để sản xuất thuốc kháng virus Molnupiravir sẽ nộp hồ sơ tới tổ chức này.

    Cục Quản lý Dược cũng cho biết rằng họ đã thông báo tới Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, để các cơ sở sản xuất thuốc thành viên có nhu cầu trở thành đối tác nhượng quyền tự nguyện sản xuất thuốc điều trị COVID-19 Paxlovid của Pfizer có thể nộp hồ sơ.

    Bộ Y tế cho biết hiện có 5 công ty dược của Việt Nam nộp hồ sơ sản xuất thuốc kháng virus Molnupiravir. Nhưng do thuốc này chưa được cấp phép lưu hành trong nước, Bộ này đang xem xét để trình Chính phủ chấp thuận cho cấp phép trong tình huống phòng chống dịch khẩn cấp, với một số điều khoản về hồ sơ được rút gọn.

    Thuốc kháng virus Molnupiravir đã được Bộ Y tế dùng để điều trị thí điểm có kiểm soát F0 (nguồn lây nhiễm gốc) và tại nhà có triệu chứng nhẹ. TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước sử dụng thuốc này cho điều trị F0 nhẹ và không triệu chứng tại nhà. Theo Bộ này, kết quả của chương trình thí điểm điều trị bằng loại thuốc này tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc “có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt” về giảm tải lượng virus lây lan cũng như rút ngắn thời gian điều trị.

    Các ca nhiễm COVID-19 đang tăng nhanh chóng trở lại lên hơn 10.000 sau một thời gian tiến hành tiêm chủng “thần tốc” với nguồn vaccine từ các nước trợ giúp thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, và bắt đầu nới lỏng các hạn chế đi lại. Việt Nam đến nay ghi nhận hơn 1,1 triệu ca nhiễm COVID-19 và hơn 24.000 ca tử vong. Hơn 47% trong tổng số khoảng 98 triệu dân Việt Nam đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine chống virus corona.

    Việt Nam cũng đang vận động quốc tế để trở thành trung tâm sản xuất vaccine chống COVID trong khu vực. Đề xuất này của Việt Nam được Tổ chứ Y tế thế giới ủng hộ trong chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hôm 28/11 tại Geneva ở Thuỵ Sỹ, theo Bộ Y tế.

    Ông Phúc, trong buổi gặp với Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, bày tỏ mong muốn các đối tác tích cực ủng hộ để Việt Nam trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine mRNA và là nơi sản xuất vaccine cho khu vực Tây Thái Bình Dương. Theo Bộ Y tế, tổng giám đốc WHO ủng hộ ý tưởng này và nói sẽ trao đổi với bộ phận kỹ thuật về khả năng đưa vaccine do Việt Nam sản xuất tham gia chương trình thử nghiệp toàn cầu của WHO.

    Cũng trong buổi gặp này, ông Phúc tuyên bố Việt Nam sẽ đóng góp tự nguyện thêm 500.000 USD cho chương trình COVAX, nâng tổng mức đóng góp của Việt Nam lên 1 triệu USD. Mỹ, thông qua cơ chế này, đã cung cấp miễn phí cho Việt Nam gần 20 triệu liều vaccine chống COVID-19.


    Pfizer, Merck nhượng quyền sản xuất thuốc viên chống COVID-19 cho Việt Nam (voatiengviet.com)