Tuần báo Anh dành đến 8 bài viết nhân kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đề cập đến nhiều khía cạnh từ lịch sử, thanh trừng nội bộ đảng cho đến việc giám sát người dân, xâm nhập lãnh vực tư nhân, vươn vòi ra tận nước ngoài…
Ngày 01/07 tới sẽ bước sang thế kỷ thứ hai của mình, ĐCSTQ luôn tự đánh giá là « vĩ đại, quang vinh và đúng đắn ». Một đảng đã lãnh đạo Hoa lục trong 72 năm mà không hề được cử tri bầu lên. Đó chưa phải là kỷ lục thế giới : Lênin và những người kế tục đã chiếm lĩnh quyền lực ở Matxcơva lâu hơn, cũng như đảng Lao Động ở Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên Trung Quốc nghèo khổ với vài chục triệu người chết đói dưới thời Mao Trạch Đông nay đã trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì, và cộng sản Trung Hoa là những kẻ độc tài giàu có nhất thế giới.
Khi những cụm khói bốc lên trên quảng trường Thiên An Môn và những đoàn xe tăng bố trí dày đặc trên những trục đường chính của Bắc Kinh, khó thể nghĩ rằng đảng Cộng Sản sau vụ thảm sát hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người trong hai ngày 03 và 04/06/1989, vẫn nắm chặt được quyền hành cho đến nay để kỷ niệm 100 năm.
Tàn ác, linh hoạt về ý thức hệ, phát triển kinh tế : Ba bí quyết
Trong bài « Bí mật của sự trường thọ », The Economist nhận định ĐCSTQ duy trì được đế chế của mình vì ba lý do. Trước hết là sự tàn bạo. Những lằn đạn xối xả, súng máy và xe tăng được dùng để đáp trả tiếng loa kêu gọi dân chủ của sinh viên Thiên An Môn năm 1989, và các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay không hề hối hận về vụ thảm sát. Trái lại, Tập Cận Bình còn cho rằng Liên Xô sụp đổ vì « không đủ người để đối phó », hàm ý chê bai người Nga không đủ can đảm sát hại hàng loạt công dân trẻ tuổi không vũ khí.
Lý do thứ hai là sự linh hoạt về ý thức hệ. Vài năm sau cái chết của Mao năm 1976, Đặng Tiểu Bình bắt đầu giải tán các « công xã nhân dân » để đi theo kinh tế thị trường. Phái mao-ít bực tức, nhưng sản lượng tăng vọt. Sau khi Liên Xô giải thể và vụ Thiên An Môn, Đặng lại càng hăng hái theo con đường tư bản. Nhiều công ty quốc doanh bị đóng cửa, địa ốc được tư nhân hóa, hàng triệu người bị sa thải nhưng kinh tế phát triển mạnh.
Dưới thời Tập Cận Bình, đảng lại quay về với ý thức hệ « chính thống ». Những người tiền nhiệm cho phép một số bất đồng chính kiến ôn hòa, còn Tập dập tắt. Mao lại được ca ngợi, cán bộ đảng phải học tập « tư tưởng Tập Cận Bình », bộ máy hành chính, quân đội và công an bị thanh lọc. Tập xây dựng lại cơ sở đảng, lập mạng lưới dọ thám ở các khu phố và cài đảng viên vào các doanh nghiệp tư nhân để giám sát. Xã hội Trung Quốc chưa bao giờ bị kiểm soát chặt chẽ đến thế kể từ thời Mao.
Lý do thứ ba là kinh tế. Tham nhũng lan tràn, những người quyền lực nhất trở thành siêu giàu có, nhưng nhiều người cũng cảm thấy cuộc sống được cải thiện. Đảng khôn ngoan bỏ đánh thuế ở nông thôn, lập hệ thống phúc lợi, dù không nhiều nhưng cũng được hoan nghênh.
Đàn áp, giám sát bằng công nghệ và chân rết của đảng
Khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, nhiều nhà quan sát nghĩ rằng sau đó sẽ đến lượt cộng sản Trung Quốc. Sự kiểm soát của một nhà nước độc đảng không phù hợp với sự tự do của nền kinh tế hiện đại, và một ngày nào đó, khi tăng trưởng lao dốc sẽ dẫn đến phản kháng. Còn nếu không, giai cấp trung lưu rộng lớn cũng sẽ đòi hỏi được tự do nhiều hơn, nhất là nếu con cái họ biết đến dân chủ khi du học ở phương Tây.
Tuy nhiên nhiều người dân Hoa lục vẫn ủng hộ đảng Cộng Sản vì cuộc sống khá hơn, hãnh diện với vị thế vừa tìm lại của Trung Quốc trên thế giới, với dân tộc chủ nghĩa mà đảng ra sức kích thích. Báo chí quốc doanh trộn lẫn đảng với dân tộc và văn hóa, bóp méo nước Mỹ như là mảnh đất kỳ thị chủng tộc, và các vụ xả súng.
Khi bất đồng nổi lên, ông Tập dùng công nghệ để chận đứng. Các đường phố Hoa lục giăng mắc camera, được tăng cường các phần mềm nhận diện. Chế độ không cho phép có bất kỳ « góc chết » nào và mọi sự cố bất ngờ phải được xử lý ngay: một chiếc xe đậu sai chỗ, một nhóm người tụ tập… Mạng lưới đảng viên cơ sở tích cực dọ thám người xung quanh.
Các mạng xã hội bị theo dõi và kiểm duyệt để cán bộ có thể giải quyết sớm vấn đề hoặc trấn áp ngay. Những ai chia sẻ các tư tưởng « xấu » có thể bị mất việc và mất cả tự do. Cái giá cho sự thành công của đảng qua việc đàn áp tàn bạo thật khủng khiếp.
Thanh trừng liên tục : Tập Cận Bình còn nhiều kẻ thù giấu mặt
Nhưng mối đe dọa lớn nhất không phải từ quần chúng mà ngay trong nội bộ đảng. Bất chấp mọi nỗ lực, đảng vẫn phải gánh chịu nạn bè phái, thiếu trung thành, buông thả về ý thức hệ. Các đối thủ bị cáo buộc âm mưu tiếm quyền đã bị bỏ tù, nhưng chiến dịch thanh trừng không ngơi nghỉ của ông Tập cho thấy ông ta vẫn còn nhiều kẻ thù đang ẩn nấp.
Vài ngày sau khi lên nắm quyền tháng 11/2012, Tập Cận Bình triệu tập cuộc họp « nghiên cứu tập thể » của Bộ Chính trị. Nhìn 22 ủy viên trong phòng họp, có thể ông ta không cảm thấy an lòng, vì đa số ngoi lên được vị trí cao cấp này nhờ những người tiền nhiệm chứ không phải ông. Ai là người có thể tin được? Bên ngoài Trung Nam Hải, xã hội Trung Quốc chuyển động mạnh với sự xuất hiện giai cấp trung lưu, một cuộc cách mạng thông tin đang diễn ra nhờ internet. Có thể tin tưởng vào quần chúng hay không ?
Theo The Economist, để hiểu vì sao Tập Cận Bình thanh trừng, cần biết về thách thức mà ông ta phải đối phó năm 2012. Đó là mối nghi ngờ về một âm mưu quy mô nhất - kể từ khi Giang Thanh, vợ góa của Mao bị bắt trong vụ « Bè lũ bốn tên » năm 1976 - liên quan đến các nhân vật đầy quyền lực. Có thể kể: Bạc Hy Lai (Bo Xilai), cựu bí thư Trùng Khánh; Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), người lãnh đạo ngành công an và tư pháp; hai tướng cao cấp nhất là Quách Bá Hùng (Guo Boxiong) phó chủ tịch thứ nhất Quân ủy Trung ương; Từ Tài Hậu (Xu Caihou), phó chủ tịch Quân ủy. Giờ đây, một thập niên đã trôi qua, vẫn chưa thể biết được họ đã làm những gì để Tập Cận Bình phải ra tay, ngoài cáo buộc tham nhũng.
Mọi đảng viên phải hành hương về những « thánh địa cách mạng »
Cũng về ĐCSTQ, L’Express có bài phóng sự nói về « du lịch đỏ » đang nở rộ tại Hoa lục. Đảng ra sức tuyên truyền, tìm cách xóa hết mọi sự kiện tiêu cực của chế độ.
Du khách đua nhau chụp ảnh kỷ niệm trước « chiếc tàu đỏ » bằng gỗ, nơi đại hội đảng đầu tiên diễn ra năm 1921. Thành phố Gia Hưng (Jiaxing) 1,2 triệu dân nằm cách Thượng Hải 80 km tràn ngập những đoàn người đi theo gia đình hoặc cơ quan, một số mặc áo thun có in con số 100 màu đỏ trên nền trắng. Để chuẩn bị lễ hội, các tuyến xe điện trên mặt đất, công viên, xa lộ, một khu thương mại mới toanh và nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên xung quanh di tích, những băng-rôn kêu gọi người dân gắn bó với « Giấc mơ Trung Hoa », cuốn theo « dòng chảy của lịch sử » …
Với 91 triệu đảng viên, ĐCSTQ là đảng lớn thứ nhì thế giới sau đảng BJP của Ấn Độ. Hai năm nữa, ĐCSTQ sẽ vượt qua đảng cộng sản Liên Xô về tuổi thọ (74 năm), nhưng không có glasnost nào như Mikhail Gorbatchev. Tháng 10/2017, Tập Cận Bình tuyên bố: « Đảng, Nhà nước, quân sự, dân sự, giáo dục, Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung, đảng lãnh đạo tất cả ! ».
Để kỷ niệm 100 năm thành lập, những tuần lễ gần đây chiến dịch tuyên truyền đại quy mô được tung ra, và càng gần đến ngày 01/07 càng mạnh mẽ. Một chỉ thị thúc giục tất cả các đảng viên « hành hương » về những « thánh địa cách mạng » như Gia Hưng hay Diên An (Yan’an) ở Thiểm Tây (Shaanxi).
Vô số bài báo, chương trình truyền hình và các bộ phim ca ngợi các anh hùng cách mạng được chiếu hàng ngày, hơn một chục bộ phim dài tràn ngập màn ảnh. Đặc biệt là « Trường Tân Hồ » (Trận đánh ở hồ Trường Tân), kể lại cuộc chiến đấu của các « chí nguyện quân » Trung Hoa chống lại « quân Mỹ xâm lược » trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), trong khi trên thực tế chính Bắc Triều Tiên vượt qua biên giới xâm lăng miền Nam.
Thiên An Môn và nạn đói khủng khiếp nhất thế giới bị xóa khỏi lịch sử đảng
Ở Thượng Hải, một bảo tàng cộng sản Trung Quốc vừa mở cửa trở lại sau thời gian dài đại tu. Một địa điểm mang tính biểu tượng: Tập Cận Bình và sáu ủy viên thường trực khác của Bộ Chính trị năm 2017 đã đến đây giơ cao cánh tay tuyên thệ trung thành với đảng. Bên cạnh là tòa nhà thuộc tô giới Pháp, nơi đại hội đảng đầu tiên bị cảnh sát Pháp thời đó làm gián đoạn, phải di chuyển đến chiếc tàu du lịch ở Nam Hồ (Nanhu), Gia Hưng.
Những cuộc hành hương này nhằm mang lại hình ảnh hoàn toàn tích cực cho một thế kỷ cộng sản chủ nghĩa. Đảng còn xuất bản cuốn « kinh thánh đỏ » của mình với những dấu ấn trong lịch sử, những gì tiêu cực đều bị xóa bỏ hay rút gọn. Tất nhiên là vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 04/06/1989 không hề được nhắc đến, tương tự đối với chiến dịch đại nhảy vọt của Mao Trạch Đông đã làm 30 đến 50 triệu người chết đói từ 1959 đến 1961.
Cách mạng văn hóa (1966-1976), thời kỳ Hồng vệ binh hoành hành làm hàng triệu người chết oan, chỉ được nói ngắn gọn với tiêu đề « quay lại trên con đường tái thiết xã hội chủ nghĩa ». Mao được ca ngợi là người chống tham nhũng và đặc quyền, trong khi ở phiên bản năm 2010, nhà độc tài này phải chịu trách nhiệm về những « thảm họa » đã gây ra cho nhân dân.
Giáo sư Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Báp-tít Hồng Kông khẳng định: « Tập Cận Bình tìm cách xóa bỏ thời kỳ cải cách của Đặng Tiểu Bình(1978-1979), tạo ra một câu chuyện mang tính liên tục, một hình ảnh thiện lành cho ĐCSTQ, được minh họa bằng thành công của xóa đói giảm nghèo ». Trong logic đó, chế độ kiểm duyệt những sự kiện lịch sử không phù hợp với chuyện kể của mình. Chính quyền cổ vũ dân chúng tố cáo những ai « bóp méo » lịch sử cách mạng, qua một đường dây nóng được thiết lập ngày 09/04, để tạo « môi trường tích cực cho công luận ».
Không có đảng phái nào tồn tại vĩnh viễn !
Theo chân Mao, Tập cũng gia tăng sùng bái cá nhân tại khắp các trường học, doanh nghiệp. Một phụ nữ ở Bắc Kinh cho L’Express biết con bà mới ở cấp tiểu học nhưng đã phải học chính trị và tư tưởng Tập Cận Bình. Mỗi ngày Nhân dân Nhật báo đều dẫn lời tổng bí thư, và các tuyên bố của bác Tập hiện diện ở các biểu ngữ giăng mắc trên đường phố.
Theo giáo sư Cabestan, phía sau sự đoàn kết mặt ngoài, vẫn có những bất đồng dù đa số giữ im lặng. Trong số đó có các nạn nhân của chiến dịch chống tham nhũng đồng thời dập tắt những tiếng nói chỉ trích. Chẳng hạn Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), doanh nhân 45 năm tuổi đảng, con một nhà lão thành cách mạng, do dám gọi Tập Cận Bình là « thằng hề » nên đã lãnh án 18 năm tù.
Việc sửa đổi Hiến Pháp để ông Tập làm chủ tịch suốt đời cũng gây bất mãn, vì khuynh hướng cởi mở trong đảng bị bóp nghẹt. Đặng Tiểu Bình muốn giới hạn vai trò của đảng so với nhà nước, Tập Cận Bình làm ngược lại. Với Tập, ĐCSTQ nay có toàn quyền, thúc đẩy chủ nghĩa mác-xít theo kiểu mao-ít, và ông ta đóng vai trò trung tâm trong đời sống chính trị.
Dù vậy, xã hội Trung Quốc vẫn bằng lòng với hệ thống hiện nay, hoặc ủng hộ, hoặc biết rằng không có chọn lựa nào khác. Một « người hành hương » ở Gia Hưng nói với L’Express, ĐCSTQ có thể tồn tại tiếp 100 năm nữa, « các nền dân chủ cứ thay đổi liên tục, không thể xây dựng được gì ». Và mặc kệ nếu các tiếng nói bất đồng đều bị dập tắt hay đối thoại với thế giới ngày càng trở nên khó khăn, Trung Quốc bị cô lập trên trường quốc tế.
The Economist cho rằng thời điểm bất ổn nhất là lúc giao thời. Không ai biết được sẽ có người nào lên thay Tập Cận Bình hay không và đó là ai, những quy tắc nào sẽ chi phối thời kỳ chuyển đổi. Khi hủy bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ năm 2018, Tập Cận Bình cho thấy ông ta muốn nắm quyền suốt đời, nhưng điều đó cũng khiến quá trình chuyển giao trở nên rủi ro hơn. Tờ báo vẫn cho rằng không có đảng nào tồn tại vĩnh viễn.
Hồ sơ các tuần báo Pháp
Trang bìa L’Express tuần này dành cho chủ tịch đảng cực hữu « Marine Le Pen, chiến lược cho kỳ bầu cử tổng thống », khi trong vòng đầu cuộc bầu cử cấp vùng, đảng Tập hợp Quốc gia đã mất đến hàng trăm ngàn cử tri. Thu hút những người còn do dự, bình thường hóa thêm nhưng không làm mất lòng các cử tri cực đoan, tập trung cho vòng một bầu cử tổng thống; đó là những thách thức cho ứng cử viên cực hữu.
L’Obs nói về việc « Nhà nước Pháp đã giao khoán những nhiệm vụ chiến lược cho tư nhân như thế nào ». Tuần báo cánh tả chỉ trích chính quyền chi ra những số tiền lớn cho các đơn vị tư vấn trong nhiều lãnh vực. Chỉ riêng trong việc hoạch định chính sách trong thời kỳ đại dịch, trong 10 tháng đã ký đến 26 hợp đồng, chi ra hơn 1 triệu euro mỗi tháng.
Le Point chạy tựa « Những chiến binh của Erdogan tại châu Âu » với các bài điều tra về tổ chức « Sói Xám » của Thổ Nhĩ Kỳ đang lặng lẽ xâm nhập vào các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Những bước chân âm thầm của những « con sói » vào cộng đồng người Thổ ở khắp nơi, có liên can đến không ít vụ khủng bố, giết mướn, buôn lậu, bạo động…
Trang nhất Courrier International nhuộm một màu vàng rực với dòng tựa « Đậu nành đầy quyền lực ». Loại nông sản chính trong chuỗi thực phẩm thế giới, là « vàng xanh mới » của Brazil, nhưng dẫn đến nạn thâm canh, phá rừng, đầu cơ…để phục vụ cho khách hàng lớn nhất thế giới là Trung Quốc.
Trường thọ nhờ tàn bạo và kinh tế, Đảng Cộng Sản Trung Quốc trăm năm cô đơn (rfi.fr)