Covid-19: Pháp phong tỏa lần 2, với các điều kiện giảm nhẹ
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Trọng Nghĩa
3 phút
Nước Pháp vào hôm nay 30/10/2020 đã bắt đầu sinh hoạt chậm hẳn lại, với lệnh tái phong tỏa toàn quốc, bắt đầu có hiệu lực từ 0 giờ. Điểm đặc biệt của lần phong tỏa thứ hai là tính chất nhẹ nhàng hơn lần trước. Các điều kiện cụ thể của đợt phong tỏa đã được thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo vào hôm qua.
Trong một cuộc họp báo chiều hôm qua, thủ tướng Pháp khẳng định, để kềm hãm đà lây lan của dịch bệnh, “không có giải pháp nào khác” ngoài việc phong tỏa. Ông Jean Castex xác nhận trở lại là thời hạn phong tỏa sẽ kéo dài “ít nhất” đến ngày 01/12, theo những quy định khác với đợt một, hồi tháng Ba và tháng Tư vừa qua, dựa trên những kinh nghiệm đã được rút ra.
Điểm khác quan trọng nhất so với đợt một là các trường, từ trung học đến nhà trẻ, đều mở cửa đón học sinh, còn các trường đại học đều phải áp dụng hình thức học trực tuyến.
Do việc các trường tiểu học mở cửa, một quy định mới đã được đưa vào: việc bắt buộc đeo khẩu trang được áp dụng cả cho trẻ em, từ 6 tuổi trở lên, chứ không từ 11 tuổi cho đến nay.
Điểm khác thứ hai là các viện dưỡng lão vẫn được mở cửa đón người nhà đến thăm.
Điểm khác biệt thứ ba là nhiều cơ sở kinh tế, cơ quan hành chánh thiết yếu vẫn hoạt động, chẳng hạn như các cửa hàng lương thực, các siêu thị… Chính quyền tuy nhiên, đã đề nghị sử dụng tối đa hình thức làm việc từ xa, không còn “tùy ý”, mà đã trở thành “bắt buộc” khi điều kiện cho phép.
Sự khác biệt giữa hai đợt phong tỏa đã được thấy rõ ràng vào sáng nay. Tại trung tâm thủ đô Paris chẳng hạn, vẫn có đông người và xe cộ qua lại, cho dù đã ít đi so với bình thường, nhưng hoàn toàn không phải là hoang vắng như vào mùa xuân vừa qua.
Trong khi chờ đợi biện pháp phong tỏa có hiệu lực, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục tác hại.
Vào hôm qua, trên toàn nước Pháp, vẫn còn có thêm gần 50.000 ca nhiễm mới được ghi nhận trong 24 giờ. Số tử vong vì Covid vẫn cao, với 250 người thiệt mạng trong bệnh viện trong vòng một ngày, đưa tổng số người chết vì dịch bệnh tại Pháp vượt ngưỡng 36.000 ca.
Lượng bệnh nhân phải điều trị trong các khoa chăm sóc đặc biệt vẫn tăng, với tổng số 3.147 người. Đây là số liệu khiến chính quyền Pháp lo lắng nhất, trong bối cảnh số giường chăm sóc đặc biệt tại Pháp chỉ khoảng 5.800.
Covid-19: Liên Âu huy động 220 triệu euro để phân tán bệnh nhân
Đăng ngày:
Thanh Hà
2 phút
Ngày 29/10/2020 chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von Der Leyen thông báo một kế hoạch nhằm giảm thiểu áp lực tại các bệnh viện của các nước thành viên, bị quá tải vì làn sóng thứ nhì của dịch Covid-19. Ngân sách dành cho mức chi tiêu phụ trội này dự trù lên tới 220 triệu euro.
Vào lúc ngày càng có nhiều thành viên Liên Âu phải áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa, nhằm ngăn chận đà lây lan của virus corona, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu kêu gọi các nước thành viên chia sẻ thông tin và dữ liệu y tế.
Trung tâm phòng chống và ngăn ngừa dịch tễ của Liên Âu có trách nhiệm thu thập các thông tin cần thiết, tăng cường khả năng phản ứng nhanh, tăng cường các ứng dụng cho phép phát hiện các nguồn lây nhiễm. Một thông báo khác rất được chờ đợi, đó là một khi có thuốc vac-xin chống Covid-19, tất cả các quốc gia trong Liên Âu đều được phân phối bình đẳng như nhau tùy theo tình hình.
Đức hôm 29/10/2020 ghi nhận thêm 18.000 ca nhiễm mới. Ngay cả tại Hy Lạp, vốn bị nhẹ hơn các thành viên khác trong Liên Âu, kể từ hôm qua, thành phố lớn thứ nhì là Thessalonique cũng đã bị đặt trong tình trạng báo động đỏ. Trong bốn ngày đầu tuần, số ca dương tính với virus corona đã tăng lên gấp đôi.
Chống khủng bố và dịch bệnh: Nước Pháp kẹt giữa hai cuộc chiến
Đăng ngày:
Anh Vũ
5 phút
Đang ngổn ngang với nỗi lo khủng hoảng dịch Covid-19 không kiểm soát nổi và kinh tế có nguy cơ sụp đổ, chính phủ Pháp lại phải đối mặt với khủng bố Hồi Giáo xảy ra tại Nice, vụ tấn công thứ 3 trong vòng chưa đầy 2 tháng. Nước Pháp làm gì để có thể đương đầu cùng lúc với thách thức kép chưa từng có?
Hôm qua, 29/10/2020, ngay sau ngày tổng thống Emmanuel Macron lên truyền hình, thông báo phong tỏa trở lại toàn quốc để đối phó với dịch Covid -19, đã trở nên không kiểm soát nổi và giữa lúc thủ tướng Jean Castex đang trình Quốc Hội kế hoạch xử lý khủng hoảng y tế, thì tại Nice, thành phố miền nam nước Pháp xảy ra vụ khủng bố man rợ bằng dao, ngay tại một nhà thờ Công Giáo, làm 3 người chết.
Vụ tấn công với cách thức hành động tương tự với vụ sát hại thầy giáo Samuel Paty trong tỉnh Yvelines cách đây chưa đầy 2 tuần. Từ đầu tháng 9, sau khi tuần báo trào phúng Charlie Hebdo đăng lại các tranh biếm họa nhà tiên tri Mohamet của người Hồi Giáo, nước Pháp lại trở thành mục tiêu của khủng bố, mở đầu là vụ tấn công cũng bằng dao ngày 25/09 ngay cạnh trụ sở cũ của tòa soạn Charlie Hebdo làm 2 người bị thương nặng. Tổ chức Al Qaida gần đây thường xuyên kêu gọi tấn công nước Pháp. Từ đầu năm đến nay, an ninh Pháp đã phá vỡ ít nhất 6 âm mưu tấn công khủng bố của Hồi Giáo cực đoan.
Chính phủ của tổng thống Macron cùng lúc phải đương đầu với hai tình trạng khẩn cấp: An ninh quốc gia và sức khỏe người dân. Trong lúc đó làn sóng dịch Covid thứ 2 bùng lên dữ dội hơn dự báo, khiến chính phủ liên tục bị động và lúng túng chưa biết xử lý làm sao, để khống chế được dịch có hiệu quả, mà vẫn giữ cho kinh tế không bị sụp đổ. Chưa hết, khủng hoảng ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy Pháp đến tình thế đối đầu với thế giới Hồi Giáo, lợi ích của Pháp bị đe dọa, từ khi tổng thống Emmanuel tuyên bố quyết tâm bảo vệ giá trị tự do ngôn luận mà nước Pháp theo đuổi.
Chính phủ phải đối mặt với những sự kiện chưa từng thấy, liên tiếp xảy đến. Ông Emmanuel Macron không còn là “tổng thống của các cải cách mà là tổng thống của khủng hoảng thường trực”, như nhận xét của Frédéric Dabi, phó tổng giám đốc viện thăm dò dư luận Pháp Ifop, được báo Les Echos trích dẫn.
Đây là lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ 2, nước Pháp cùng lúc phải đối mặt với thách thức đe dọa an ninh và tính mạng người dân. Cùng với kéo dài tình trạng khẩn cấp y tế và phong tỏa toàn quốc, giờ là báo động nguy cơ khủng bố ở mức cao nhất, tình trạng mới chỉ được ban bố, sau các loạt khủng bố kinh hoàng hồi đầu và cuối năm 2015. Tuy nhiên, dư luận nhận thấy biện pháp của chính phủ dường như vẫn chạy theo sau sự kiện, nửa vời, khó có thể mang lại cảm giác yên tâm trong xã hội.
Ở trong nước, các đảng phái chính trị đối lập, thay vì đề xuất xây dựng, đã thi nhau chỉ trích cách thức xử lý khủng hoảng dịch, cũng như các biện pháp chống khủng bố khiến lòng tin của dân chúng vào chính phủ của tổng thống Macron đang suy giảm nghiêm trọng. Đoàn kết quốc gia để vượt qua thách thức giờ là thứ xa xỉ với chính quyền của ông Emmanuel Macron.
Là mục tiêu thường xuyên của khủng bố Hồi Giáo cực đoan từ nhiều năm nay, Pháp vẫn luôn bị động và lúng túng trong cuộc chiến chống khủng bố ở trong nước. Sau cơn sốc của vụ khủng bố tại Nice ngày hôm qua, dư luận Pháp lên tiếng đòi chính phủ phải hành động với phương tiện mạnh hơn, hiệu quả hơn để bảo vệ an ninh cho dân, không chỉ là những giải pháp tình thế hay những phát ngôn thể hiện quyết tâm chính trị. Nhiều tiếng nói đòi chính phủ phải khẩn cấp cải cách, siết chặt hơn nữa hệ thống luật pháp.
Với đại dịch virus corona, tổng thống Emmanuel Macron từng tuyên bố cần phải học cách “sống chung với virus”, có điều chắc chắn là với cuộc chiến chống khủng bố, sách lược này là không thể được.
Khủng bố : Cảnh sát Pháp mở chiến dịch chống các nhóm Hồi Giáo cực đoan
Đăng ngày:
Thanh Phương
3 phút
Sau vụ sát hại giáo viên Samuel Paty, chính phủ Pháp hôm nay, 19/10/2020, loan báo một loạt chiến dịch chống các nhóm Hồi Giáo cực đoan và chống việc phát tán các tư tưởng hận thù trên mạng.
Theo thông báo của bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin, từ sáng nay, cảnh sát Pháp đã tiến hành các chiến dịch nhắm vào « hàng chục cá nhân » hoạt động trong các nhóm Hồi Giáo cực đoan và các chiến dịch này sẽ tiếp diễn trong những ngày tới.
Theo các nguồn tin được hãng tin AFP trích dẫn, đó là những người mà các cơ quan tình báo biết được là đã từng có những bài giảng đạo với nội dung cực đoan và đã từng có những lời lẽ kích động hận thù trên các mạng xã hội.
Trong cuộc họp Hội Đồng Quốc Phòng tối qua, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố « những kẻ Hồi Giáo cực đoan sẽ không thể ngủ yên trên đất nước của chúng ta ». Sau cuộc họp, tổng thống Macron đã thông báo một « kế hoạch hành động » nhắm vào những « hiệp hội và cá nhân thân cận với giới Hồi Giáo cực đoan và thường có những lời kêu gọi kích động hận thù ».
Cụ thể, theo lời bộ trưởng Nội Vụ Darmanin, trong suốt tuần này, cơ quan Nhà nước sẽ đến kiểm tra tổng cộng 51 hiệp hội và nhiều hiệp hội trong số này sẽ bị giải tán. Cũng theo lời ông Darmanin, từ sau vụ giáo viên sử - địa Samuel Paty bị giết hại tại Conflans Sainte-Honorine, ngoại ô Paris, hôm thứ Sáu tuần trước, cảnh sát đã tiến hành hơn 80 cuộc điều tra nhắm vào những người đã trực tiếp hay gián tiếp nói rằng giáo viên Paty rất đáng bị giết như thế.
Bộ trưởng Nội Vụ Pháp còn cáo buộc người bố của một nữ sinh trường trung học ở Conflans Sainte-Honorine cùng với nhà hoạt động Hồi Giáo cực đoan Abdelhakim Sefrioui đã phát một « giáo lệnh » nhắm vào Samuel Paty, vì giáo viên sử - địa này đã cho học sinh xem các bức biếm họa đấng tiên tri Mohamed khi giảng bài về quyền tự do ngôn luận.
Hai người này nằm trong số 11 người đang bị tạm giữ trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ thanh niên Nga gốc Tchetchnia 18 tuổi Abdoullakh Anzorov chặt đầu giáo viên Paty, gây phẫn nộ dư luận Pháp. Hôm qua, hàng chục ngàn người đã tập hợp ở khắp nơi trên đất Pháp, đặc biệt là tại quảng trường Cộng Hòa ở Paris để tưởng niệm giáo viên Samuel Paty và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, chống những tư tưởng cực đoan.
Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, chia buồn về vụ khủng bố tại Pháp
Đăng ngày:
Thanh Hà
3 phút
Trái với lời lẽ đầy hận thù của cựu thủ tướng Malaysia, đại sứ Indonesia tại Paris ngay hôm 29/10/2020 đã gửi lời chia buồn đến các nạn nhân loạt khủng bố tại Pháp. Còn tại thủ đô Jakarta, tổ chức Hồi giáo lớn nhất trên toàn quốc kêu gọi giảm thiểu căng thẳng. Thủ đô Indonesia từng là mục tiêu tấn công của khủng bố Hồi giáo cực đoan trong những năm gần đây.
Thông tín viên đài RFI trong khu vực, Gabrielle Maréchaux cho biết :
« Nahdlatul Ulama là một cái tên xa lạ đối với công luận ở bên ngoài lãnh thổ Indonesia. Tuy nhiên đây là một tổ chức Hồi giáo với khoảng gần 100 triệu thành viên. Nổi tiếng là một tổ chức với những giáo huấn về cùng chung sống và suy ngẫm, điều đó đã được chứng minh trong những ngày qua. Tuy lãnh đạo của tổ chức Hồi giáo này có phát biểu rằng những bức tranh biếm họa nhạo báng Mohamed có thể mang tính xúc phạm đối với giáo lý Hồi giáo, nhưng điểm chính trong thông điệp của ông là kêu gọi các tín đồ « tránh để bị lôi cuốn vào những xúc cảm » và nên tránh theo gót « những người sử dụng đạo Hồi và tranh biếm họa nhà Tiên Tri như một vũ khí chính trị ».
Vị lãnh đạo tôn giáo này thừa nhận là tổng thống Pháp Emmanuel Macron không hẳn hoàn toàn sai khi khẳng định rằng thế giới Hồi giáo đang lâm vào khủng hoảng, nhưng đồng thời cả thế giới đang bị chia rẽ vì những lý tưởng khác nhau.
Vị giáo chức này kết luận để đấu tranh chống tình trạng đó, ông mong muốn có « cương lĩnh đối thoại trên cơ sở trung thực để xây dựng một đồng thuận về những giá trị văn minh chung ».
Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo trong chuyến công du Jakarta đã hoan nghênh đề xuất này, nhưng sau đó, ông kêu gọi Indonesia bày tỏ lập trường về số phận của những người Hồi giáo đang bị truy bức tại Trung Quốc và Miến Điện ».
Khủng hoảng biếm họa Pháp – Thổ: Liên Hiệp Quốc kêu gọi « tôn trọng lẫn nhau »
Đăng ngày:
Trọng Thành
4 phút
Vụ các biếm họa liên quan đến đạo Hồi, xuất bản tại Pháp, tiếp tục khiến cho quan hệ Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi. Hôm qua, 28/10/2020, Cao ủy Liên Hiệp Quốc phụ trách đối thoại giữa các nền văn hóa kêu gọi các bên « tôn trọng lẫn nhau », « tránh để bạo lực gây tổn hại cho các thường dân vô tội ».
Ông Miguel Angel Moratinos, đứng đầu Phủ Cao ủy Liên Hiệp Quốc phụ trách các hoạt động quốc tế chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, thông qua thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn hóa và các tôn giáo (UNAOC) ra thông báo, nhấn mạnh Liên Hiệp Quốc « theo dõi, với sự quan ngại sâu sắc, các căng thẳng gia tăng và các hành động bất khoan dung, bùng phát sau việc xuất bản các biếm họa liên quan đến nhà tiên tri Mohamet, mà các tín đồ Hồi giáo coi như là hành động báng bổ, gây xúc phạm sâu sắc ». Thông báo không trực tiếp nhắc đến phát biểu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bảo vệ quyền vẽ tranh biếm họa, với đối tượng là các biểu tượng tôn giáo, như nhà tiên tri đạo Hồi, được đưa ra hồi tuần trước, trong lễ tưởng niệm nhà giáo Samuel Paty, bị một kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan sát hại, sau khi giới thiệu với học sinh về biếm họa nhà tiên tri Mohamet.
Hôm qua, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ lên án một tranh biếm họa liên quan đến tổng thống Erdogan của tuần báo Pháp Charlie Hebdo, và tố cáo đó là kỳ thị văn hóa và gây thù hận, và coi đó là kết quả của chính sách chống đạo Hồi của tổng thống Emmanuel Macron. Ankara dọa sẽ có « hành động về tư pháp » cũng như « ngoại giao » để đáp trả. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đứng đầu trong việc lên án tranh biếm họa nhà tiên tri đạo Hồi. Từ một tuần nay, tại nhiều quốc gia Hồi giáo, nhiều lời kêu gọi biểu tình và tẩy chay hàng Pháp được tung ra.
Liên Âu đoàn kết với Pháp
Cũng ngày hôm qua, người phát ngôn của chính phủ Pháp, ông Gabriel Attal, nhấn mạnh nước Pháp « sẽ không bao giờ từ bỏ các nguyên tắc và giá trị của mình », bất chấp « các hành động gây bất ổn và đe dọa ». Người phát ngôn chính phủ Pháp khẳng định Liên Âu hết sức đoàn kết bảo vệ các giá trị chung. Quốc vụ khanh phụ trách các sự vụ châu Âu của Pháp, ông Clément Beaune, cho biết sẽ thúc đẩy để Liên Âu có « các biện pháp mạnh, bao gồm cả trừng phạt » đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Ngoại Giao Pháp cũng đã tố cáo việc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cố tình để cho truyền thông tại các quốc gia theo Hồi giáo, đứng đầu là Thổ Nhĩ Kỳ, đã bóp méo các thông điệp của tổng thống Pháp, cố tình loại bỏ sự khác biệt giữa « Hồi giáo cực đoan » và « đạo Hồi », khiến công chúng lầm tưởng là tổng thống Pháp chống lại đạo Hồi.
Tiếp theo các ủng hộ của giới lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, hôm qua, đến lượt Đan Mạch khẳng định đoàn kết với nước Pháp. Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod khẳng định trên kênh truyền hình TV2 : « Tự do ngôn luận là giá trị nền tảng của một nền dân chủ ».
Theo cựu thủ tướng Malaysia, người Hồi giáo ''có quyền trừng phạt người Pháp”
Đăng ngày:
Anh Vũ
3 phút
Theo Reuters, hôm qua, 29/10/2020, ngay sau khi vụ khủng bố tại Nice, miền nam nước Pháp vừa xảy ra được ít giờ, cựu thủ tướng Malaysia, ông Mahathir Mohamad, đã đưa tuyên bố trên mạng xã hội, vì báng bổ người Hồi giáo, tôn giáo của họ, gây phẫn nộ, "người Hồi giáo có quyền trừng phạt người Pháp”
Cựu thủ tướng Malaysia, 95 tuổi, vừa rời khỏi quyền lực hồi đầu năm nay, hôm qua đã đưa lên twitter những dòng bình luận liên quan đến các vụ khủng bố Hồi giáo tại Pháp như sau: “Người Hồi giáo có quyền nổi giận và giết hàng triệu người Pháp vì những vụ thảm sát trong quá khứ. Nhưng nhìn chung, người Hồi giáo không áp dụng luật ăn miếng trả miếng, nên không làm việc đó”. Cựu lãnh đạo Malaysia giải thích thêm: “Vì các vị báng bổ người Hồi giáo, tôn giáo của họ, gây phẫn nộ, người Hồi giáo có quyền trừng phạt người Pháp”.
Dẫn ra vụ khủng bố chặt đầu giáo viên người Pháp Samuel Paty, hôm 16/10, vì giảng giải cho học sinh về bức biếm họa nhà tiên tri Mohamet, cựu thủ tướng Malaysia tỏ ý không đồng tình với hành động khủng bố đó, nhưng khẳng định tự do ngôn luận không có nghĩa là “lăng mạ người khác”.
Dưới sức ép của chính quyền Pháp, cuối cùng Twitter đã rút các bình luận trên của cựu thủ tướng Malaysia khỏi mạng xã hội này, vì lý do nội dung cổ vũ bạo lực.
Trong lễ tưởng niệm thầy giáo Sử - Địa Samuel Paty bị khủng bố Hồi Giáo cực đoan chặt đầu tại Conflans Saint Honorine (tỉnh Yvelines), tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, bảo vệ tự do ngôn luận, nước Pháp sẽ không từ bỏ quyền vẽ tranh biếm họa. Những phát biểu của lãnh đạo Pháp sau đó đã gây lên một làn sóng phản ứng dữ dội ở nhiều nước Hồi giáo, với các cuộc biểu tình và tẩy chay hàng hóa Pháp.