Hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi) tại bãi Tư Chính của Việt Nam từ ngày 26 đến 30/08/2019. Ảnh chụp màn hình từ Twitter của GS Ryan Martinson.Ryan Martinson/Twitter
Sau khi Liên Hiệp Châu Âu lên tiếng, ngày 29/08/2019 ba nước Anh, Pháp, Đức đã ra tuyên bố chung về Biển Đông, bày tỏ lo ngại là tình hình hiện nay có thể dẫn đến bất ổn trong khu vực. Cùng ngày, bộ Ngoại Giao Ấn Độ tuyên bố kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.
Pháp, Đức, Anh « kêu gọi các quốc gia ven Biển Đông có những bước đi và biện pháp làm dịu căng thẳng, góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực ». Trong đó bao gồm cả quyền của các quốc gia ven biển trong vùng biển của mình và quyền tự do hàng hải, hàng không trên khu vực Biển Đông.
Với tư cách là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Pháp, Đức và Anh « nhấn mạnh mối quan tâm đối với việc áp dụng một cách phổ quát Công ước ». Điều này tạo cơ sở cho việc hợp tác trên bình diện quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải. Pháp, Đức, Anh nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye được đưa ra theo UNCLOS vào ngày 12/07/2016, theo đó « đường lưỡi bò » do Trung Quốc tự vẽ là không có cơ sở pháp lý.
Bên cạnh đó, Pháp, Đức và Anh hoan nghênh tiến trình đàm phán đang diễn ra giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS, và khuyến khích các bên sớm hoàn tất quá trình này.
Cũng trong ngày 29/08, Ấn Độ tuyên bố kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, thương mại hợp pháp không thể bị cản trở trên vùng biển quốc tế, theo đúng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS.
Trả lời câu hỏi về vụ tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng với các tàu hải cảnh xâm nhập bãi Tư Chính của Việt Nam từ tháng Bảy, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ấn Độ Raveesh Kumar bày tỏ sự tin tưởng là những bất đồng sẽ được giải quyết một cách hòa bình, thông qua các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không dùng biện pháp đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.
Trên thực địa, tàu Hải Dương Địa Chất 8 vẫn tiếp tục khảo sát tại bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Có ít nhất hai tàu Việt Nam luôn theo sát chiếc tàu Trung Quốc.
Ảnh minh họa: Một nhà giàn khai thác dầu khí của Việt Nam ở Trường Sa, Biển ĐôngReuters
Sau Mỹ, Úc, Malaysia, hôm qua 28/08/2019, đến lượt Liên Hiệp Châu Âu lên tiếng về vụ Trung Quốc tiếp tục cho tàu khảo sát và tàu hải cảnh vào hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần Bãi Tư Chính ở Biển Đông.
Nhưng trái với lời lẽ cứng rắn lên án đích danh Bắc Kinh của Washington, Liên Hiệp Châu Âu chỉ bày tỏ thái độ quan ngại chung chung, mà không hề nêu tên Trung Quốc cũng như vụ việc cụ thể.
Trong bản tuyên bố về « những diễn biến gần đây ở Biển Đông », đăng trên trang web của cơ quan đối ngoại Liên Hiệp Châu Âu, bà Maja Kocijancic, phát ngôn viên phụ trách ngoại vụ và chính sách an ninh đã bày tỏ thái độ quan ngại trước việc « những hành động đơn phương trong những tuần lễ qua ở Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng và tác hại đến môi trường an ninh biển », có khả năng « đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực ».
Liên Hiệp Châu Âu đã kêu gọi tất cả các bên tự kềm chế, và có những bước cụ thể « nhằm khôi phục nguyên trạng, tránh quân sự hóa khu vực và giải quyết tranh chấp thông qua những phương thức hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ».
Bản thông cáo không hề nhắc đến Trung Quốc, bị cáo buộc là đang khuấy động Biển Đông khi cho tàu khảo sát vào hoạt động trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Malaysia và đặc biệt là Việt Nam, tại khu vực gần Bãi Tư Chính, đồng thời cho tàu hải cảnh phá rối hoạt động dầu khí của Việt Nam, bất chấp luật lệ quốc tế.
Đây là lần thứ hai Liên Hiệp Châu Âu chính thức lên tiếng quan ngại về tình hình căng thẳng do Bắc Kinh gây nên ở khu vực Bãi Tư Chính tại Biển Đông. Lần trước là nhân chuyến thăm Việt Nam từ ngày 03-05/08/2019 của bà Federica Mogherini, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu và là đại diện cấp cao của Liên Hiệp Châu Âu về an ninh và đối ngoại.
Trong cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 05/08, bà Mogherini cũng đã « chia sẻ quan ngại về việc căng thẳng gia tăng ở Biển Đông », cho rằng việc quân sự hóa trong khu vực « không đóng góp cho sự phát triển hòa bình », và đề cao việc tuân thủ luật quốc tế ở Biển Đông, trong đó có Luật Biển Liên Hiệp Quốc.
Các nội dung được “ngoại trưởng” Liên Hiệp Châu Âu đề cập trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 08/2019 cũng đã được Bruxelles nhắc lại trong tuyên bố về Biển Đông hôm qua, như trông đợi việc đúc kết nhanh chóng, « một cách minh bạch », các cuộc đàm phán về một Bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc « có hiệu quả, thực chất và mang tính ràng buộc », hay là khẳng định sự gắn bó của Liên Âu với « trật tự pháp lý tại các vùng biển và đại dương dựa trên luật pháp quốc tế, hợp tác và an ninh hàng hải, cũng như quyền tự do hàng hải và hàng không ».
Với phần trả lời ứng xử ấn tượng cùng màn trình diễn đầy tự tin, Lương Thùy Linh đã vượt qua 38 thí sinh để đăng quang Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019 trong đêm chung kết tối 3.8 diễn ra tại Đà Nẵng.
Khoảng khắc đăng quang của Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019 của Lương Thùy Linh Ảnh: BTC
Khoảng khắc đăng quang của Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019 của Lương Thùy Linh
Ảnh: BTC
Á hậu 1 Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019 thuộc về Nguyễn Hà Kiều Loan. Cô nhận 200 triệu, vương miện và cơ hội đi thi Miss Grand International tổ chức ở Venezuela Ảnh: BTC
Á hậu 2 Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019 là Nguyễn Tường San. Cô nhận vương miện, 100 triệu cùng cơ hội đi thi Miss Intercontinental tổ chức ở Ấn Độ Ảnh: BTC
Á hậu 2 Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019 là Nguyễn Tường San. Cô nhận vương miện, 100 triệu cùng cơ hội đi thi Miss Intercontinental tổ chức ở Ấn Độ
Ảnh: BTC
Mở màn đêm chung kết, Hoàng Thùy Linh mang đến ca khúc Để mị nói cho mà nghe, 39 thí sinh xuất hiện trên sân khấu trong những trang phục dân tộc Việt Nam cùng đồng diễn mang đến không khí sôi động qua các làn điệu đặc trưng của miền núi Tây Bắc, đồng bằng Bắc bộ, Tây Nguyên... Trong đó có 7 thí sinh nổi bật được trình diễn trong phần thi phụ Dance of Vietnam. Chiến thắng trong phần thi này là Phan Cẩm Nhi. Cô được vào thẳng Top 25.
Top 7 của phần thi Dance of Vietnam gồm Nguyễn Thị Thu Hiền, Nguyễn Phương Hoa, Trần Đình Thạch Thảo, Dương Thị Ngọc Thoa, Phan Cẩm Nhi và Đinh Quỳnh Trang Ảnh: BTC
Top 7 của phần thi Dance of Vietnam gồm Nguyễn Thị Thu Hiền, Nguyễn Phương Hoa, Trần Đình Thạch Thảo, Dương Thị Ngọc Thoa, Phan Cẩm Nhi và Đinh Quỳnh Trang
Ảnh: BTC
Phan Cẩm Nhi đoạt giải trong phần thi phụ Dance of Vietnam. Cô được Á hậu Phương Nga trao huy hiệu Ảnh: BTC
Phan Cẩm Nhi đoạt giải trong phần thi phụ Dance of Vietnam. Cô được Á hậu Phương Nga trao huy hiệu
Ảnh: BTC
Tiêu chí của Miss World Vietnam đề cao lòng nhân ái, theo đó bà Phạm Kim Dung (Trưởng Ban tổ chức) chia sẻ: "Chúng tôi tổ chức cuộc thi để tìm ra hoa hậu và hai á hậu tham gia các cuộc thi quốc tế. Thế nhưng sau hào quang, điều ban tổ chức hướng đến là mong muốn các em cảm nhận giá trị của lòng nhân ái. Một con người dù có đầy đủ trí tuệ, tài năng, nhan sắc nhưng nếu không có lòng nhân ái, họ không thể đóng góp tốt cho xã hội. Năm nay, cuộc thi thực hiện 9 dự án nhân ái. Qua đó, chúng tôi hi vọng sau sân chơi, khi trở về với nhà trường, gia đình, xã hội, các thí sinh sẽ trưởng thành, giàu lòng trắc ẩn hơn".
Tiếp đến, các thí sinh bước vào phần thi trang phục áo dài. 39 cô gái xuất hiện thướt tha trong các bộ sưu tập của 6 nhà thiết kế Hương Lan, Việt Hùng, Ngô Nhật Huy, Trần Thiện Khánh, Liên Hương và nhà thiết kế Đức Hùng. Các thiết kế áo dài tái hiện các địa danh nổi tiếng của Đà Nẵng trên nền nhạc mashup Great Đà Nẵng - Wellcome to Đà Nẵng - Em ước mong sao do Nguyễn Hoàng Duy, Vũ Bảo, Nguyễn Hoàng Lâm thể hiện.
Các thí sinh lần lượt xuất hiện thướt tha trong những tà áo dài của các nhà thiết kế như Việt Hùng, Lan Hương, Ngô Nhật Huy... Ảnh: BTC
Các thí sinh lần lượt xuất hiện thướt tha trong những tà áo dài của các nhà thiết kế như Việt Hùng, Lan Hương, Ngô Nhật Huy...
Ảnh: BTC
Ban tổ chức công bố Top 5 đề cử Người đẹp Nhân ái gồm: Trần Hoàng Ái Nhi (dự án Gửi đời chút hương), Lê Thị Thu (dự án Tương lai màu xanh), Nguyễn Thị Bích Thùy (dự án Chuông gió), Tạ Huyền Liên (dự án Nơi đây là nhà), Dương Thị Ngọc Thoa (dự án Những chiến binh thầm lặng). 5 thí sinh sẽ vào thẳng Top 25 trong khi người chiến thắng vào Top 5 ứng xử.
Phần đồng diễn trang phục bikini mở đầu bằng ca khúc Vui như đêm nay đầy sôi động do Đàm Vĩnh Hưng thể hiện Trong trang phục bikini đầy màu sắc, các người đẹp đồng loạt xuất hiện đầy tự tin, cá tính khiến sân khấu "nóng" lên hơn bao giờ hết và nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ các khán giả có mặt. Sau phần thi này, ban tổ chức công bố kết quả Top 25 bước vào vòng tiếp theo gồm: Nguyễn Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Thanh Khoa, Dương Thị Ngọc Thoa, Lương Thùy Linh, Nguyễn Tường San, Nguyễn Phương Hoa, Lê Thanh Tú, Phan Cẩm Nhi, Nguyễn Thị Thu Phương, Lâm Thị Bích Tuyền, Nguyễn Hà Kiều Loan, Trần Thị Hoa Phượng, Nguyễn Thị Bích Thùy, Trần Đình Thạch Thảo, Hoàng Thị Bích Ngọc, Phan Anh Thư, Phạm Thị Anh Thư, Lê Thị Thu, Trần Hoàng Ái Nhi, Tạ Huyền My, Đinh Quỳnh Trang, Lâm Quế Phi, Hoàng Hải Thu, Trần Thị Mai, Nguyễn Thị Quỳnh Nga.
25 thí sinh xuất sắc tiếp tục bước vào phần thi được mong đợi nhất là trình diễn trang phục áo tắm. Các thí sinh tự tin catwalk mà không cần khăn choàng như mọi năm. Sau phần thi áo tắm, 15 thí sinh được chọn bước tiếp vào phần thi trang phục dạ hội bao gồm: Lê Thanh Tú, Trần Hoàng Ái Nhi, Lâm Thị Bích Tuyền, Tạ Huyền My, Phạm Thị Anh Thư, Dương Thị Ngọc Thoa, Nguyễn Thị Thu Phương, Trần Đình Thạch Thảo, Nguyễn Thị Thanh Khoa, Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Lương Thùy Linh, Phan Cẩm Nhi, Nguyễn Tường San, Nguyễn Thị Bích Thùy và Nguyễn Hà Kiều Loan.
Thí sinh Lương Thùy Linh tự tin trình diễn trang phục áo tắm Ảnh: BTC
Thí sinh Lương Thùy Linh tự tin trình diễn trang phục áo tắm
Ảnh: BTC
Thí sinh Nguyễn Hà Kiều Loan tự tin sải bước trên sàn diễn với sự reo hò cổ vũ từ khán giả
Ảnh: BTC
Nguyễn Tường San khoe vóc dáng chuẩn, nụ cười rạng rỡ khi trình diễn áo tắm Ảnh: BTC
Nguyễn Tường San khoe vóc dáng chuẩn, nụ cười rạng rỡ khi trình diễn áo tắm
Ảnh: BTC
15 thí sinh chọn cho mình những bộ trang phục lộng lẫy nhất và trình diễn hết sức tự tin. Đa phần các thiết kế đều là những chiếc đầm tôn dáng, giúp các người đẹp khoe được ba vòng gợi cảm. Sau phần thi này, ban giám khảo tiếp tục chọn ra top 10 gồm: Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Nguyễn Thị Thu Phương, Trần Hoàng Ái Nhi, Nguyễn Hà Kiều Loan, Dương Thị Ngọc Thoa, Nguyễn Tường San, Nguyễn Thị Bích Thùy, Trần Đình Thạch Thảo, Lê Thanh Tú, Lương Thùy Linh. Họ là những gương mặt nổi bật từ đầu cuộc thi, được nhiều khán giả dự đoán là ứng viên sáng giá cho vương miện hoa hậu năm nay.
Top 10 thí sinh xuất sắc nhất của đêm chung kết quyến rũ trong trang phục dạ hội Ảnh: BTC
Top 10 thí sinh xuất sắc nhất của đêm chung kết quyến rũ trong trang phục dạ hội
Ảnh: BTC
Ban tổ chức công bố giải thưởng Người đẹp nhân ái thuộc về thí sinh Dương Thị Ngọc Thoa với dự án Những chiến binh thầm lặng. Cô là thí sinh đầu tiên vào Top 5 Miss World Vietnam Ảnh: BTC
Ban tổ chức công bố giải thưởng Người đẹp nhân ái thuộc về thí sinh Dương Thị Ngọc Thoa với dự án Những chiến binh thầm lặng. Cô là thí sinh đầu tiên vào Top 5 Miss World Vietnam
Ảnh: BTC
Trong Top 10, có 5 thí sinh bước vào phần thi ứng xử. Giây phút hồi hộp nhất là khi MC công bố Top 5 gồm: Dương Thị Ngọc Thoa, Nguyễn Tường San, Nguyễn Hà Kiều Loan, Nguyễn Thu Phương, Lương Thùy Linh. Dương Thị Ngọc Thoa là thí sinh đầu tiên bước vào phần thi ứng xử. Với câu hỏi: Hình mẫu đại diện cho phụ nữ Việt hiện tại có thay đổi gì so với trước đây? Ngọc Thoa cho biết: "Hình mẫu của người hiện nay nhất thiết phải thay đổi để phù hợp với xu thế xã hội, phải thông minh bản lĩnh, tiếp thu khoa học công nghệ. Quan trọng hơn là gìn giữ nét đặc trưng của người phụ nữ Việt là công dung ngôn hạnh. Nếu hội tụ hai yếu tố trên thì đó là hình mẫu lý tưởng, hoàn hảo nhất".
Tường San với câu hỏi ứng xử: "Nếu bạn là người thắng cuộc, cần nói điều gì đó với những bạn không may mắn như mình. Bạn nói gì?". Nguyễn Tường San trả lời: "Tôi muốn nói cảm ơn vì các bạn đã tạo nên thành công cho cuộc thi. Các bạn là người cùng tôi trải nghiệm, học hỏi, tạo nên kỷ niệm tươi đẹp cho thời thanh xuân. Tôi cảm ơn chương trình đã tạo điều kiện để tôi và các bạn tham dự dự án nhân ái, lan tỏa yêu thương, năng lượng tích cực trong cuộc sống. Tôi xin hứa sẽ hoàn thành tốt sứ mệnh của hoa hậu. Mong rằng chúng ta sẽ là những người bạn thân thiết" .
Top 5 thí sinh bước vào phần thi ứng xử. Kết quả Top 5 không quá bát ngờ cho khán giả khi đây đều là những thí sinh nổi bật nhất cuộc thi Ảnh: BTC
Top 5 thí sinh bước vào phần thi ứng xử. Kết quả Top 5 không quá bát ngờ cho khán giả khi đây đều là những thí sinh nổi bật nhất cuộc thi
Ảnh: BTC
Nguyễn Hà Kiều Loan là thí sinh bước tiếp vào phần thi ứng xử. Câu hỏi dành cho cô là: "Vì sao bạn nghĩ mình có thể trở thành hoa hậu?". Người đẹp gốc Quảng Nam tự tin trả lời: "Cho đến giây phút này, tôi thấy mình may mắn vì ba mẹ sinh ra tôi với hình hài đẹp đẽ. Tôi trân trọng sự cố gắng, nỗ lực của bản thân để có mặt tại Top 5 trả lời ứng xử. Tôi hi vọng sự tự tin, tài năng, trí tuệ và lòng nhân ái của tôi sẽ khiến mọi người thấy tôi xứng đáng với ngôi vị hoa hậu".
Nguyễn Thu Phương nhận được câu hỏi: "Giá trị sống tích cực nhất đọng lại trong bạn sau cuộc thi là gì?". Thu Phương trả lời cho câu hỏi của mình như sau: "Giá trị sống tích cực nhất tôi nhận được là tôi vượt qua chính mình, nhận ra thiếu sót bản thân để thay đổi hoàn thiện hơn. Đặc biệt, tôi cảm ơn những dự án nhân ái đã cho tôi lòng trắc ẩn, nhận ra giá trị trong cuộc sống để trưởng thành hơn".
Lương Thùy Linh nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả chương trình. Cô nhận được câu hỏi ứng xử: "Khoảnh khắc đẹp nhất của bạn trong cuộc thi là gì?". Thùy Linh tự tin trả lời: "Trong suốt hành trình Miss World Vietnam 2019, tôi và 39 thí sinh cùng nhau có khoảnh khắc và kỷ niệm đẹp. Khoảnh khắc đẹp nhất của tôi, khiến tôi tự hào nhất là lúc này đây, khi tôi được đứng trở thành Top 5, được trả lời câu hỏi ứng xử. Và có lẽ, khoảnh khắc này sẽ đẹp hơn khi tôi được đăng quang ngày hôm nay".
Cuối cùng, danh hiệu Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019 đã chính thức gọi tên thí sinh xuất sắc nhất. Bà Phạm Kim Dung (Trưởng ban tổ chức) đã trao vương miện cho tân Hoa hậu Lương Thùy Linh. Á hậu 1 được trao cho Nguyễn Hà Kiều Loan, Á hậu 2 là Nguyễn Tường San.
Nguyễn Hà Kiều Loan, Lương Thùy Linh và Nguyễn Tường San gây ấn tượng với phần thi ứng xử lưu loát Ảnh: BTC
Nguyễn Hà Kiều Loan, Lương Thùy Linh và Nguyễn Tường San gây ấn tượng với phần thi ứng xử lưu loát
Ảnh: BTC
Tân hoa hậu Lương Thùy Linh cùng Á hậu 1 Nguyễn Hà Kiều Loan và Á hậu 2 Nguyễn Tường San ẢNh: BTC
Tân hoa hậu Lương Thùy Linh cùng Á hậu 1 Nguyễn Hà Kiều Loan và Á hậu 2 Nguyễn Tường San
ẢNh: BTC
Bên cạnh đó, ban tổ chức còn trao các giải phụ gồm: Giải Người đẹp biển cho Nguyễn Thu Phương, giải Người đẹp Áo dài Nguyễn Thị Bích Thùy. Người đệp Nhân ái dành cho Dương Thị Ngọc Thoa, giải Người đẹp truyền thông thuộc về Nguyễn Thị Quỳnh Nga, giải Người có làn da đẹp nhất được trao cho Trần Đình Thạch Thảo, giải Người đẹp được yêu thích nhất (do khán giả bình chọn) thuộc về Hoàng Hải Thu. Người đẹp thể thao được trao cho Nguyễn Phương Hoa. Người đẹp Thời trang được trao cho Nguyễn Thị Thu Hiền và giải Người đẹp tài năng được trao cho Lê Thanh Tú.
Khu trục hạm USS Wayne E.Meyer của Mỹ trên Thái Bình Dương.vWikipedia
Một chiến hạm Mỹ ngày 28/08/2019 đi vào bên trong vùng 12 hải lý của Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn ở Trường Sa, trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang xung đột gay gắt về thương mại.
Trung tá Reann Mommsen, phát ngôn viên Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ nói với hãng tin Reuters, khu trục hạm USS Wayne E.Meyer đã đi vào bên trong khu vực 12 hải lý của Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thuộc cụm Nam Yết, và Đá Vành Khăn (Mischief Reefs) thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa.
Bà Mommsen cho biết hoạt động này nhằm « thách thức các yêu sách quá đáng trên biển, và bảo vệ tuyến đường hàng hải theo luật lệ quốc tế ».
Hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải (FONOP) lần này diễn ra một hôm sau khi Trung Quốc từ chối cho một chiến hạm Mỹ thăm Thanh Đảo (Qingdao), và năm ngày sau khi tổng thống Donald Trump tăng thuế hải quan lên toàn bộ 550 tỉ đô la hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Trước đó vào ngày 06/05, hai khu trục hạm tên lửa dẫn đường của Mỹ, Preble và Chung Hoon, đã đi vào bên trong khu vực 12 hải lý xung quanh Đá Gaven (Gaven Reefs) thuộc cụm Nam Yết, và Đá Gạc Ma (Johnson Reefs) thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa. Đây là các đảo đá ngầm bị Bắc Kinh chiếm đóng từ năm 1988.
Quân đội Mỹ xưa nay vẫn chủ trương có quyền hoạt động trên toàn thế giới, kể cả những khu vực do các đồng minh yêu sách, tách biệt khỏi các quan điểm chính trị.
Biển Đông hiện là một trong những điểm nóng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, bên cạnh chiến tranh thương mại và vấn đề Đài Loan. Washington tố cáo Bắc Kinh quân sự hóa vùng biển chiến lược này qua việc xây dựng các cơ sở phục vụ quân đội trên các đảo nhân tạo và rạn san hô.
Rừng Amazon bị phá, nhìn từ trên không.AFP PHOTO / Raphael Alves
Rừng Amazon cháy lớn. Việc chính quyền Brazil thoái thác trách nhiệm bị cộng đồng quốc tế lên án là tiêu điểm thời sự trước thềm thượng đỉnh G7 (từ 24 đến 26/08/2019). Căng thẳng tạm lắng, vấn đề những cội nguồn sâu xa nào dẫn đến nạn rừng Amazon cháy lớn lại trở thành chủ đề thời sự hàng đầu.
Sau khi lên án thái độ của tổng thống Brazil trong việc xử lý cháy rừng, nguyên thủ Pháp hôm thứ Hai, 26/08/2019, tiếp tục thu hút công luận, với việc công khai thừa nhận « phần trách nhiệm » của nước Pháp, của châu Âu, trong việc nhập khẩu đậu nành từ Brazil, nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu của nạn đốt rừng lấy đất cho cây trồng (1). Hai câu hỏi mà nhiều người cũng đặt ra là : việc Pháp và châu Âu nhận phần trách nhiệm về vấn đề « đậu nành » sẽ có các hệ quả gì, cũng như trách nhiệm của các quốc gia khác ?
***
1 - Vì sao nói đậu nành là « sát thủ rừng Amazon » ?
Theo số liệu thống kê được AFP dẫn lại, ngành trồng đậu nành, hay đậu tương, chiếm đến gần 6,5% đất rừng bị phá để trồng cây tại Brazil. Brazil - nhà xuất khẩu đậu nành số một thế giới, đứng trên nước Mỹ - năm ngoái 2018, xuất khẩu tổng cộng 83,3 triệu tấn đậu nành, đạt mức kỷ lục, vượt 22,2% so với năm 2017, theo bộ Kinh Tế Brazil.
Cần phải nhấn mạnh là Trung Quốc đã trở thành quốc gia mua đậu nành số một của Brazil. Với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Brazil đang trở thành nguồn cung cấp đậu tương số một của Trung Quốc, thay thế cho Hoa Kỳ. Hiện tại khoảng 80% đậu nành xuất khẩu Brazil là sang Trung Quốc. Lượng đậu nành Brazil bán sang Trung Quốc tăng gần 30% hồi năm ngoái. Ước tính có thêm 13 triệu hecta (50.000 km²) rừng bị triệt hạ, chỉ để cung cấp đậu tương cho thị trường Trung Quốc, theo báo cáo điều tra của tổ chức bảo vệ môi trường Amazon Watch hồi tháng 4/2019.
Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây cho đến trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ (khiến nhu cầu đậu nành Brazil từ Trung Quốc tăng vọt), việc phá rừng để trồng đậu tương tại Brazil vốn có chiều hướng chững lại, theo một điều luật có hiệu lực từ năm 2006. Xu hướng này đã bị đảo ngược trong thời gian gần đây. Số lượng vụ cháy rừng từ đầu năm đến nay tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 8, tăng gần gấp bốn lần.
2 - Nói đậu nành là thủ phạm gây cháy rừng Amazon có phóng đại ?
Ngành trồng đậu nành ở Brazil phát triển mạnh kể từ những năm 1970 vào thời kỳ nở rộ các kỹ thuật nông nghiệp mới dẫn đến năng suất cao, đặc biệt với việc sử dụng ồ ạt thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Đậu nành là cây trồng chủ yếu tại Brazil vừa để phục vụ nhu cầu xuất khẩu, vừa phục vụ chăn nuôi trong nước.
Có thể nói đậu nành là biểu tượng của ngành chăn nuôi bò Brazil, quốc gia xuất khẩu thịt bò đứng số một thế giới, với 1,6 triệu tấn năm 2018. Thị trường tiêu thụ số một thịt bò Brazil là Trung Quốc. Tiếp theo đó là Ai Cập và Liên Hiệp Châu Âu. Theo nhà nghiên cứu Romulo Batista, thuộc tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, tổng cộng hơn 65% rừng Amazon tại Brazil bị phá để làm bãi chăn thả bò lấy thịt. Trong vòng 20 năm, từ 1997 đến 2016, thịt bò Brazil xuất khẩu tăng gấp 10, về trọng lượng cũng như về giá trị.
3 - Tổng thống Pháp tuyên bố ra sao về vấn đề này ?
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài France 2 hôm 26/08/2019, tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận nước Pháp và Liên Âu nói chung có một phần trách nhiệm với nạn cháy rừng ở Brazil, do việc nhập khẩu đậu nành. Ông Macron giải thích rõ : « Đậu nành chúng tôi cần hiện nay tại châu Âu, do đây là nguồn cung cấp protein thực vật cho chăn nuôi. Chúng tôi không tự sản xuất được ».
Tổng thống Macron cũng cho biết thêm tình hình hiện nay là hệ quả của thỏa thuận những năm 1960 giữa châu Âu với Mỹ (trong khuôn khổ Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch - GATT). Vào thời điểm đó, châu Âu chấp nhận phụ thuộc vào nước Mỹ về nguồn protein thực vật. Theo nguyên thủ Pháp, đây là « một quyết định rất tồi » đối với khả năng tự chủ của châu Âu, bởi nhẽ ra châu Âu đã có thể sản xuất được protein thực vật tại chỗ, thay vì phải mua từ một nơi xa xôi khác. Ông Macron khuyến cáo châu Âu cần tạo lập lại quyền tự chủ trong lĩnh vực protein thực vật.
4 - Châu Âu nhập khẩu bao nhiêu đậu nành hàng năm ?
Liên Hiệp Châu Âu nhập khẩu hàng năm khoảng 17 triệu tấn protein thực vật (bao gồm đậu nành, các loại hạt khô), trong đó có 13 triệu tấn protein đậu nành, tương đương với 30 triệu tấn hạt đậu nành. Châu Âu là nhà nhập khẩu đậu này đứng thứ hai thế giới, đứng sau Trung Quốc, nhà nhập khẩu số một, với khoảng 100 triệu tấn/năm.
Nhìn chung châu Âu rất phụ thuộc vào đậu nành Brazil. Theo France Agri Mer, hơn 58% lượng đậu nành nhập khẩu của châu Âu là từ Brazil, phần còn lại chủ yếu từ Mỹ (18%) và Canada (11%). Pháp là quốc gia nhập khẩu đậu nành Brazil đứng hàng thứ 8 và là nước đứng thứ ba trong số các quốc gia nhập khẩu của Liên Âu.
5 - Giải pháp tự túc đậu nành liệu có khả thi ?
AFP dẫn lời Ủy Ban Châu Âu cho biết là sự phụ thuộc của Liên Âu vào đậu nành nói riêng và protein thực vật từ bên ngoài nói chung đạt mức rất cao là vào những năm 1970. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng này có chiều hướng sụt giảm, đặc biệt là tại Pháp, nơi việc sản xuất đậu tương và nhiều protein thực vật khác (các loại hạt như hướng dương, hạt cải, lanh (linh), đậu cánh chim (lupin), đậu răng ngựa (féverole), đậu Hà Lan (pois)… hay các loại cỏ giầu đạm như cỏ linh lăng (luzerne)…) được khuyến khích. Pháp có chủ trương tăng diện tích trồng đậu nành từ 150.000 hecta (tương đương 1.500 km²) hiện nay lên 250.000 hecta.
Dưới sự chủ trì của Terres Univia (Liên hiệp các ngành sản xuất dầu và protein thực vật Pháp), ngành trồng đậu nành đã bắt đầu khởi sắc (2). Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo là, không nên tính tới chuyện tự túc 100% protein thực vật, vì để thay thế lượng đầu nành nhập khẩu 3,5 triệu tấn/năm, ước tính (theo Greenpeace), riêng đối với nước Pháp, phải có thêm 11.980 km² bổ sung, tức tương đương với diện tích nhiều tỉnh nước Pháp. Điều hoàn toàn không khả thi, với mức độ tiêu thụ hiện tại.
Một trong các giải pháp quan trọng khác cần tính đến là giảm lượng tiêu thụ thịt (trong trường hợp này chủ yếu là thịt gà [3]), điều này đồng nghĩa dẫn đến việc giảm diện tích đất trồng đậu nành.
Nhìn chung, việc giảm nhập khẩu đậu nành để bảo vệ rừng Amazon, phát triển các sản phẩm thay thế tại Pháp và châu Âu, giảm lượng thịt tiêu thụ là các biện pháp nằm trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế hướng đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, hãm lại đà hâm nóng khí hậu. Chưa kể đến việc thúc đẩy các sản phẩm có chất lượng cao (đậu nành không biến đổi gien, và các sản phẩm đạm thực vật có đánh dấu xuất xứ, nơi chế biến...) cũng là các nhân tố quan trọng góp phần bảo vệ và nâng cao uy tín của nhãn hiệu Made in France.
Ghi chú :
1 - Trước đó, ngày 23/08/2019, đại diện Quỹ Bảo Tồn Thiên Nhiên Hoang Dã (WWF) đã lên tiếng trên đài France Info chỉ rõ mối liên hệ giữa nạn phá rừng Amazon với tình trạng châu Âu phụ thuộc vào đậu nành Nam Mỹ, lên án phương thức sản xuất và tiêu thụ hiện nay là thủ phạm, và kêu gọi xây dựng một cách làm nông nghiệp khác. Báo chí Pháp nhất loạt chỉ trích tình trạng Pháp và Liên Âu « nghiện đậu nành ».
2 - Từ năm 2015, chính phủ Pháp thời tổng thống Hollande đã khởi chương trình Proleval, hướng đến nâng cao mức độ tự chủ về protein thực vật của nước Pháp. Đầu năm 2018, chính quyền Macron tái khẳng định đường hướng này. Mục tiêu hiện nay tại Pháp là giảm phụ thuộc của ngành chăn nuôi vào nguồn đạm thực vật nhập khẩu xuống mức 45% (so với tỉ lệ trung bình châu Âu là 70%).
3 - Theo ước tính của Greenpeace, 87% đậu nành nhập vào châu Âu là để chăn nuôi, trong đó ba phần tư phục vụ chăn nuôi gà trứng, gà thịt, hay heo (16% nuôi bò sữa, 7% bò thịt).
Khu rừng Amazon ở Boca do Acre, bang Amazonas, Brazil, sau khi bị cháy, ngày 24/08/2019REUTERS/Bruno Kelly
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 25/08/2019 tuyên bố trong buổi họp báo rằng các nước trong khối G7 đã nhất trí « nhanh chóng giúp đỡ các nước bị ảnh hưởng » bởi vụ cháy rừng Amazon.
Hình ảnh Amazon, khu rừng cung cấp 20% lượng oxy cho trái đất bị cháy trong nhiều ngày qua đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và trở thành đề tài thảo luận của các quốc gia G7 đang nhóm họp tại Biaritz, miền tây nam nước Pháp.
Tất cả các quốc gia trong khối G7 đều đồng ý nhanh chóng giúp đỡ các nước bị ảnh hưởng sau lời kêu gọi giúp đỡ của Colombia.
Theo AFP, tổng thống Macron, người đã chỉ trích sự thờ ơ của đồng nhiệm Brasil Jair Bolsonaro trước viễn cảnh lá phổi xanh của trái đất đang bị cháy, đã tuyên bố trong buổi họp báo: « Chúng ta phải hiện diện (ở đó) »
Nguyên thủ Pháp cho biết đang có những liên lạc « với tất cả các quốc gia có liên quan đến rừng Amazon… để có thể hoàn tất các cam kết rất cụ thể về các phương tiện tài chính và kỹ thuật. »
Ông Macron cho biết thêm: « Chúng tôi đang xem xét thiết lập một cơ chế huy động cộng đồng quốc tế để có thể giúp đỡ các quốc gia này một cách hiệu quả nhất. »
Về việc tái phủ xanh khu rừng Amazon về lâu dài, ông Macron nhấn mạnh đây là một thách thức không chỉ đối với các quốc gia liên quan có chủ quyền mà đối với cả cộng đồng quốc tế.
Cuộc khủng hoảng môi trường này có nguy cơ ảnh hưởng đến hiệp định thương mại giữa Liên Hiệp châu Âu và khối Mercosur (Brasil, Argentina, Uruguay, Paraguay) đã ký hồi cuối tháng 6 sau 20 năm đàm phán. Chính quyền Pháp cáo buộc tổng thống Brazil Bolsonaro đã « nói dối » về các cam kết bảo vệ môi trường và do vậy sẽ không thông qua thỏa thuận thương mại nói trên.
Colombia đề nghị đàm phán hiệp ước khu vực về Amazon
Tổng thống Colombia Ivan Duque ngày 26/08/2019 cho biết, nhân khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 09/2019, ông sẽ đề xuất một bản hiệp ước khu vực liên quan đến việc bảo tồn rừng Amazon.
Trước đó, tại khu làng Isla Ronda, một phần của rừng Amazon, nằm giáp với Perou và Brasil, tổng thống Colombia đã phát biểu: « Chúng tôi muốn thí điểm một hiệp ước bảo tồn rừng giữa các quốc gia chia sẻ mảnh đất này ».
Trong cuộc họp với người đồng cấp Peru Martin Vizcarra vào ngày 27/08, tổng thống Colombia sẽ trao đổi về chủ đề này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại G7 (2019)@ Ludovic Marin/Pool via REUTERS
Việc Paris lên tuyến đầu cuộc chiến bảo vệ rừng Amazon, đang bị thần lửa đe dọa, khiến quan hệ Pháp - Brazil chưa bao giờ tồi tệ như vậy. Nguyên thủ Pháp nỗ lực tìm đột phá ngoại giao trên nhiều mặt trận tại thượng đỉnh G7 diễn ra tại Pháp, trong bối cảnh chia rẽ sâu sắc trong nội bộ nhóm 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu, kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái, nguy cơ bùng phát xung đột tại Trung Đông. Trên đây là một số chủ đề chính của báo Pháp hôm nay.
Năm ngày sau kêu gọi cứu nguy Amazon của tổng thống Pháp, đề tài khu rừng – được mệnh danh là « lá phổi xanh của thế giới » - tiếp tục là chủ đề hàng đầu của báo chí Pháp. Le Monde chạy tựa trang nhất : « Cơn giận toàn cầu chống lại tổng thống Brazil ». Tựa của La Croix : « Amazon : Mệnh lệnh bảo vệ khẩn cấp ».
Từ đầu năm đến nay, số lượng vụ cháy rừng tại Amazon tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai ngày trước khai mạc thượng đỉnh G7, thứ Năm 22/08, tổng thống Pháp Emmanuel Macron phẫn nộ đưa lên một thông điệp trên Twitter : « Ngôi nhà của chúng ta đang cháy », đồng thời quyết định đưa vấn đề này thành trung tâm nghị trình G7.
« Bài học kinh điển » cho kẻ rao giảng chủ thuyết ích kỷ
Bài xã luận nhật báo Công Giáo, với tựa đề « Một bài học kinh điển », hoan nghênh can thiệp bất ngờ của tổng thống Pháp, bất chấp cái giá là sự giận dữ của lãnh đạo Brazil, Jair Bolsonaro, và những hệ quả khó lường trong quan hệ song phương. Theo La Croix, ông Macron đã « nắm bắt đúng cơ hội » để nêu vấn đề. Với can thiệp này, tổng thống Pháp đã buộc lãnh đạo Hoa Kỳ « ý thức được nguy cơ (của nạn cháy rừng) với khí hậu và tầm quan trọng của hợp tác quốc tế ».
La Croix nhấn mạnh là, trước tuyên bố ngày 22/08 của Pháp, nguyên thủ Brazil – cầm quyền từ gần một năm nay – vốn được coi là người cùng hội, cùng thuyền với tổng thống Mỹ về nhiều mặt. Chẳng hạn như phản bác việc các hoạt động của con người gây biến đổi khí hậu, dân tộc chủ nghĩa cuồng nhiệt, cổ vũ cho sự phát triển của nền công nghiệp chế biến thực phẩm bất chấp các hậu quả sinh thái, môi trường. Giống nhau đến mức mà nhiều người gọi ông Bolsonaro là « Trump nhiệt đới ».
Đỉnh điểm của mâu thuẫn xuất hiện khi rừng Amazon cháy. Tổng thống Brazil Bolsonaro là hiện thân triệt để nhất cho lập trường mỗi quốc gia đặt mình lên trên hết, mà nhiều lãnh đạo quốc tế, trước hết là tổng thống Mỹ, thường rao giảng. Trong lúc đó, khu rừng nguyên thủy lớn nhất hành tinh chính là « một biểu tượng hoàn toàn trái ngược ». « Lá phổi xanh » của Trái đất chỉ có thể tồn tại nhờ sự chung tay của cộng đồng quốc tế, và như vậy cũng được coi là tài sản chung của nhân loại.
« Tài sản chung của nhân loại »
Tuy nhiên, La Croix cũng ghi nhận là, cho dù thông điệp mạnh mẽ của tổng thống Pháp được sự hưởng ứng của G7, nhưng để cứu được rừng Amazon, phải có các nỗ lực lâu dài, nhằm bảo đảm được các nguồn tài chính, cho phép khuyến khích các quốc gia trong vùng bảo tồn và khai thác rừng hợp lý. Amazon phải là một chủ đề trọng tâm trong hội nghị về Khí hậu do Liên Hiệp Quốc tổ chức ngày 23/09 tới. Từng quốc gia riêng lẻ, dù mạnh như Mỹ, không thể hóa giải được các thách thức tầm cỡ hành tinh như vậy.
Xã luận của Le Monde, mang tựa đề « Amazon, tài sản của nhân loại », nhấn mạnh là Brazil quốc gia « sở hữu đến 60% diện tích rừng Amazon », cung cấp 20% lượng oxy của Trái đất (chưa kể đến độ đa dạng sinh học và lượng nước ngọt được bảo tồn tại đây), rõ ràng phải chấp nhận đảm đương một « trách nhiệm quốc tế ».
Le Monde cũng ghi nhận là can thiệp của tổng thống Pháp và áp lực quốc tế đã buộc chính quyền Brazil bước đầu điều chỉnh thái độ, bằng cách tuyên bố cử quân đội dập cháy khẩn cấp. Tuy nhiên, nhật báo Pháp cũng đặt câu hỏi : Liệu giải pháp bác bỏ thỏa thuận mậu dịch tự do Liên Âu – khối Mercosur (gồm 4 nước Nam Mỹ, trong đó có Brazil) có tốt không? Khi mà thỏa thuận này lại chính là một phương tiện châu Âu có thể dùng để gây áp lực với Brazil, thông qua các tiêu chuẩn môi trường.
Paris - Brasilia : Quan hệ băng giá và hành động hạ nhục
Le Monde cũng có bài tổng thuật « Macron và Bolsonaro : Trận chiến Amazon » nhắc lại những chống trả dữ dội trên truyền thông của giới thân cận tổng thống Brazil nhắm vào nguyên thủ Pháp. Ông Macron bị lên án là « ngớ ngẩn », « hoang tưởng », « kẻ mang đầu óc thực dân », kẻ dám xâm lược Amazon… Thông điệp được tung lên mạng Twitter với hashtag #MacronLies (Macron dối trá), trên nền hình ảnh Nhà thờ Đức Bà bốc cháy, những người « Áo Vàng » biểu tình, hay rừng cháy tại miền nam nước Pháp. Các thông điệp nói trên được truyền đi bởi ba con trai của tổng thống Brazil, mà một trong số họ sắp được bổ nhiệm đại sứ tại Mỹ.
Le Monde cũng tìm cách lý giải một số nguyên nhân khác khiến tổng thống Pháp quyết định lên tuyến đầu, bất chấp quan hệ ngoại giao với Brazil trở nên « tồi tệ nhất » kể từ 30 năm nay (tức từ khi chế độ độc tài quân sự sụp đổ). Trên thực tế, hai tổng thống Pháp và Brazil đối nghịch nhau về mọi phương diện. Trước can thiệp của Macron, quan hệ Paris - Brasilia đã xấu hết mức. Tại thượng đỉnh khối G20 tại Osaka hồi tháng 6, trong lần đầu tiên hội kiến, hai ông Macron và Bolsonaro không tìm thấy một thiện cảm nào ở đối tác.
Cuối tháng 7, ngoại trưởng Pháp trong chuyến công du Brasil đã bị tổng thống Brazil bất ngờ hủy cuộc hẹn, đồng thời ông Bolsonaro còn phô trương hình ảnh đi cắt tóc, được truyền trực tiếp trên mạng. Lý do là ngoại trưởng Pháp tiếp xúc với một số tổ chức bảo vệ môi trường. Bộ Ngoại Giao Pháp và tổng thống Macron chắc chắn đã « không tiêu hóa nổi hành động hạ nhục này » - Le Monde mường tượng.
G7 : Những đòn gây ấn tượng của Macron
Những đột phá ngoại giao khác của tổng thống Pháp tại G7 thu hút sự chú ý của hầu hết các báo. Le Figaro chạy tựa trang nhất « G7 : Macron nỗ lực tìm đột phá ngoại giao trong hồ sơ Iran », Les Echos : « Iran, thương mại : Macron chơi lá bài hạ nhiệt với Trump ». Libération đặt câu hỏi : « G7 : Những đòn gây ấn tượng của Macron có kết quả ? ».
Xã luận Libération có tựa đề « Trao đổi ngoại giao có văn hóa » ghi nhận : cho đến giờ, tổng thống Macron, nhờ ở sự năng động hiếm có, các tuyên bố ào ạt đưa ra, những trao đổi tay đôi tay ba không chính thức với các đối tác G7, đã hạn chế được các tổn hại khó tránh khỏi. Những thảo luận không chính thức đã cho phép đạt được một số bước tiến cụ thể, trong vấn đề rừng Amazon, khởi đầu cho cuộc « đình chiến thương mại » với Mỹ bất chấp các đe dọa của Trump, hay phác thảo một thỏa hiệp cho vấn đề hạt nhân Iran. Nhật báo Libération khẳng định đây là một thành tựu, cho dù đã có rất ít điều đạt được và những căng thẳng vẫn còn đó.
Một cái nhìn khác
Xã luận Le Figaro « Đằng sau vẻ bên ngoài » thì đưa ra một cái nhìn khác về diễn biến G7. Le Figaro thừa nhận nỗ lực của tổng thống Pháp tìm cách gạt sang một bên những bất đồng về hàng loạt chủ đề, để tìm ra một đột phá mới trong hồ sơ Iran, với mục tiêu tìm mọi cách tránh tái diễn thất bại thảm hại của thượng đỉnh G7 năm ngoái tại Canada, khi tổng thống Mỹ rút chữ ký khỏi tuyên bố chung. Tuy nhiên, Le Figaro cũng chú ý đến sự thay đổi chiến thuật của tổng thống Mỹ, ngay từ khi hạ cánh xuống Pháp, ông Trump đã phủ nhận tình trạng căng thẳng, gọi những bất đồng giữa các nước G7 mà báo chí mô tả là « fake news ».
Tuy nhiên, ngược lại, trong hậu trường G7, phía Mỹ không bỏ lỡ dịp để lên án tổng thống Pháp và thượng đỉnh G7 « của ông ta » đã quá xa rời các vấn đề thực sự của thế giới. Tổng thống Trump muốn đưa cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trở thành trọng tâm thượng đỉnh, tỏ rõ thái độ đồng minh với Anh quốc trong cuộc đàm phán Brexit với Liên Âu… Riêng về hồ sơ Iran, Le Figaro cũng hoài nghi là sáng kiến của Emmanuel Macron, nới lỏng cấm vận dầu lửa đổi lại Teheran trở lại tuân thủ các cam kết quốc tế, có thể nhận được sự ủng hộ của tổng thống Mỹ, khi mà ông Trump lại « không phải là người đầu tiên đề xuất ».
Mô hình ưu việt Hồng Kông sắp chấm dứt ?
Về Trung Quốc, Le Monde có hồ sơ « Phải chăng chế độ đặc biệt mà Bắc Kinh dành cho Hồng Kông sắp chấm dứt ? ». Le Monde tập trung mô tả « tính ưu việt » của mô hình một quốc gia, hai chế độ, giúp cho chế độ cộng sản Trung Quốc được hưởng lợi từ các đầu tư quốc tế trong vòng hơn hai thập niên. Bắc Kinh đã lợi dụng được con gà đẻ trứng vàng, cựu thuộc địa của Anh quốc.
Hồng Kông trong hiện tại vẫn tiếp tục là một cây cầu giữa kinh tế Hoa lục với thế giới, nhưng không còn là cây cầu duy nhất. Tỉ trọng của kinh tế Hồng Kông so với kinh tế Trung Quốc, sụt giảm còn 3% GDP so với 17% khi mới được trao lại cho Bắc Kinh. Cảng contener Hồng Kông, từ chỗ đứng số một thế giới, nay chỉ còn đứng hàng thứ 5, sau ba cảng biển Trung Quốc và Singapore. Đặc biệt là sự phát triển vượt bậc của vùng Thâm Quyến, sát Hồng Kông, với các công trình hạ tầng cơ sở khồng lồ, đường xá, cầu cống, tàu cao tốc, với nhiều ngành công nghệ mũi nhọn, đang biến đặc khu Hồng Kông, trung tâm kinh tế xưa kia, thành một vùng ngoại vi.
Khác hẳn với thời kỳ trước, nhiều người Hồng Kông từng rất tự hào, tin là nhờ vào Hồng Kông mà Trung Quốc cất cánh, thì ngày nay cảm giác liên đới với Hoa lục tại Hồng Kông sụt giảm mạnh. 71% người dân Hồng Kông tuyên bố không hề tự hào là công dân Trung Quốc, tỉ lệ này lên đến 90% ở lứa tuổi 18 đến 29.
Hồng Kông : Bắc Kinh ngăn chặn những tiếng nói khác tại Hoa lục
Le Monde cũng chú ý đến tình trạng im lặng trở lại xung quanh khủng hoảng Hồng Kông, tại Hoa lục trong những ngày gần đây. Bài phân tích của Le Monde, với tựa đề « Tại Trung Quốc không thể thảo luận về Hồng Kông » khẳng định : các phản ứng của người Trung Quốc tại Hoa lục, kể từ khi khủng hoảng bùng phát hơn hai tháng nay, đều chỉ mang tính đơn phương. Chính quyền chỉ chấp nhận những lời lẽ sục sôi lên án người biểu tình Hồng Kông, nhân danh lòng yêu nước, ngược lại, những tiếng nói khác bị ngăn chặn. Tiêu biểu là trường hợp một võ sĩ nổi tiếng bị công an thẩm vấn, sau khi phát biểu trên mạng phản đối các tuyên truyền một chiều rầm rộ chống những người đòi dân chủ tại Hồng Kông. Đương sự đã thuật lại sự việc trên mạng YouTube ngày 20/08.
Thư viện Chirac : 50.000 cuốn sách thời Trung đại
Trong lĩnh vực văn hóa, La Croix giới thiệu với bạn đọc thư viện sách thời trung đại tại tỉnh Aube, miền bắc nước Pháp, mang tên Chirac, được đánh giá là thư viện thời trung cổ lớn thứ hai nước Pháp. Gian chính của thư viện có đến 48.000 cuốn sách xuất bản trong ba thế kỷ, 16, 17 và 18. Cùng với khoảng 4.000 bản thảo viết tay, từ sưu tập của tu viện Clairvaux, thành lập từ năm 1115. Đây là bộ sưu tập bản thảo thời Trung cổ lớn thứ hai sau Thư viện Quốc gia Mitterand (BnF). Thư viện đang nỗ lực số hóa để đưa bảo vệ kho báu này, và bạn đọc dễ dàng tiếp cận hơn.
Nhiều vụ cháy ở rừng Amazon là do nông dân đốt rẫy lấy đất canh tác. Ảnh chụp tại Iranduba, bang Amazon, Brazil, ngày 20/08/2019.REUTERS/Bruno Kelly
Nhà sinh học Marta Marcondes vừa báo động với hãng tin AFP : « Tôi chưa bao giờ thấy như thế, đây quả là một giai đoạn nghiêm trọng ». Giáo sư Marcondes đưa ra lời báo động này sau khi phân tích các vết nước mưa của ngày 19/08 tại Sao Paolo, ngày mà người dân tại bang đông dân nhất của Brazil đã rất bất ngờ khi thấy mới có 3 giờ chiều mà trời đã tối mịt và ở một vài nơi, nước mưa có màu xám.
Giáo sư Marcondes cho biết nồng độ các hạt bụi ô nhiễm trong nước mưa cao hơn mức trung bình trong những trường hợp tương tự, tức là mưa sau nhiều ngày khô hạn. Nhưng điều làm bà rất hoảng sợ đó là mùi gỗ cháy từ các hạt đó. Sao Paolo nằm gần bờ biển, cách các khu rừng bị cháy hàng mấy ngàn cây số, như vậy là tình hình ở các vùng nằm sâu hơn trong đất liền chắc còn nghiêm trọng hơn.
Theo lời giáo sư Marcondes, hiện hãy còn quá sớm để xác định những hiện tượng nói trên là do cháy rừng, nhưng nó xảy ra đúng vào lúc các vụ cháy rừng tại Brazil, đặc biệt là tại vùng Amazon, đang gia tăng một cách đáng ngại.
Theo các số liệu của Viện Quốc gia Nghiên cứu Không gian (INPE), tính từ tháng Giêng cho đến ngày 21/08/2019, đã có hơn 75 ngàn vụ cháy rừng được ghi nhận, tức là tăng đến 84% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có hơn 52% vụ là tại vùng Amazon, khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới và được coi là « lá phổi » của hành tinh. Cũng theo INPE, chỉ trong vòng 48 tiếng đồng hồ đã có gần 2.500 vụ cháy rừng mới trên toàn lãnh thổ Brazil. Điều này phản ánh phần nào tốc độ cháy rừng ở Brazil, quốc gia chiếm 60% diện tích rừng Amazon.
Không chỉ gây ô nhiễm không khí ở Brazil, các vụ cháy ở rừng Amazon còn gây lo ngại ngày càng nhiều cho cộng đồng quốc tế, khiến tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và tổng thống Pháp phải lên tiếng, lý do là vì khu rừng nhiệt đới này có vai trò rất quan trọng trong công cuộc chống biến đổi khí hậu.
Amazon sản sinh 20% lượng khí ôxy cho Trái đất và là một nguồn quan trọng về đa dạng sinh thái. Bình thường rừng Amazon hấp thụ nhiều khí CO2 hơn là lượng khí phát ra, nhờ vậy mà góp phần điều hòa sự hâm nóng bầu khí quyển. Nhưng khả năng này của Amazon đang suy giảm cùng với đà phá rừng và hậu quả trước mắt của các vụ cháy rừng Amazon đó là một lượng rất lớn khí CO2 sẽ phát ra. Đó là chưa kể sự tàn phá đối với tính đa dạng sinh thái của rừng nhiệt đới này.
Nhưng gây lo ngại hơn cả đó là chính sách của tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro. Tại Brazil, trong những tháng khô nóng, các vụ cháy rừng thường xảy ra một cách tự nhiên. Nhưng theo các chuyên gia môi trường được hãng tin Reuters trích dẫn, các vụ cháy rừng năm 2019 tăng vọt là do nông dân đốt rừng để lấy đất canh tác (các số liệu của INPE cho thấy là diện tích rừng bị phá trong tháng 7/2019 đã tăng gần gấp bốn lần so với tháng 7/2018 ). Nông dân thoải mái đốt rừng chính là do họ cảm thấy được tổng thống Bolsonaro khuyến khích.
Sau khi lên cầm quyền vào tháng 1/2019, ông Bolsonaro đã cam kết sẽ thúc đẩy phát triển vùng Amazon bằng cách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp và khai thác mỏ. Ông còn hứa sẽ nới lỏng các quy định về môi trường và giảm số tiền phạt đối với những nhà canh tác nào vi phạm các quy định đó. Chính vì bất đồng với chính sách này của tổng thống Bolsonaro mà Na Uy và Đức gần đây đã đình chỉ các khoản đóng góp cho Fonds Amazonie, quỹ tài trợ cho việc bảo tồn rừng Amazon.
Chẳng những thế, hôm 21/08, tổng thống Brazil còn cáo buộc chính các tổ chức phi chính phủ đã đốt rừng. Hôm sau, ông Bolsonaro đã buộc phải thừa nhận có thể là một số nông dân đã đốt rừng trái phép, nhưng theo ông, « nghi ngờ lớn nhất vẫn là từ phía các tổ chức phi chính phủ » !
Thay vì nhìn thẳng vào sự thật qua các số liệu mà INPE vừa công bố, tổng thống Bolsonaro đã cách chức viện trưởng của viện này, và ra lệnh cho viện trưởng lâm thời mà ông vừa bổ nhiệm là kể từ nay, trước khi công bố các số liệu, phải đưa cho tổng thống xem trước !
Tình hình rừng Amazon đã nguy kịch đến mức đây không còn là chuyện nội bộ của Brazil hay các nước Nam Mỹ nói chung, mà đã trở thành vấn đề khẩn cấp của quốc tế. Áp lực hiện đang gia tăng lên tổng thống Bolsonaro. Nhưng không chắc là áp lực này đủ mạnh để buộc ông thay đổi chính sách.