donderdag 29 juni 2017

Cột đá Obélisque Cao 22,37 mét và nặng gần 230 tấn : Biểu tượng sức mạnh trên quảng trường Concorde, Paris + Hành trình 12.000 km từ đền Luxor thờ thần Amun ở Ai Cập tới thủ đô Paris của Pháp

Cột đá Obélisque : Biểu tượng sức mạnh trên quảng trường Concorde, Paris

Cột đá Obélisque : Biểu tượng sức mạnh trên quảng trường Concorde, Paris
 
Quảng trường Concorde và cột đá Obélisque, quận 8 Paris.CC/Mbzt

    Cao 22,37 mét và nặng gần 230 tấn, cột đá Obélisque vươn cao giữa quảng trường Concorde, quận 8 Paris. Vượt hơn 12.000 km từ đền Luxor thờ thần Amun ở Ai Cập, cột đá Luxor có niên đại khoảng 3.300 năm (thế kỷ XIII, TCN) đến Paris sau hành trình 2 năm và 9 tháng. Đây cũng là món quà Ai Cập tặng nước Pháp, đồng thời để ghi công nhà nghiên cứu Jean-François Champollion (1790-1832), người đầu tiên giải mã được chữ tượng hình Ai Cập cổ.

    Cột đá được đặt trên bệ đỡ cao 9 mét, nằm giữa quảng trường Concorde được quy hoạch lại theo yêu cầu của vua Louis-Philippe I (trị vì 1830-1848). Tên gọi của quảng trường rộng nhất Paris (8,64 ha) được thay đổi liên tục trong thế kỷ XIX cho thấy sự bất ổn về chính trị và xã hội của nước Pháp trong giai đoạn này. Từng mang tên Quảng trường Louis XV, rồi quảng trường Cách Mạng, quảng trường Concorde, trước khi được đổi thành quảng trường Louis XVI, quảng trường Charte, để cuối cùng lại được chính thức mang tên quảng trường Concorde vào năm 1835 với mục đích đề cao sự hòa giải dân tộc.
    Từ khi triều đại Charles X (1824-1830) sụp đổ, dựng bức tượng đồ sộ một vị vua ở trung tâm quảng trường không còn ý nghĩa như trước. Có lẽ vì thế, sự kiện cột đá Luxor được đưa về Paris lại là một điều may mắn cho vua Louis-Philippe I. Vì kiệt tác kiến trúc này mang tính trung lập, không gắn liền với bất kỳ khái niệm chính trị nào ngoài biểu tượng cho quan hệ Pháp-Ai Cập.
    Đặt cột đá Luxor ở quảng trường Concorde là phương án thứ hai của kiến trúc sư phụ trách quy hoạch Jacques Ignace Hittorff và được Hội đồng Thành phố thông qua ngày 24/04/1835, vì quảng trường gần bến Concorde, nơi con tầu chở cột đá sẽ neo đậu, tiện hơn là đặt trên quảng trường Invalides.
    Chính nhờ vị trí này, tháp Luxor trở thành điểm giao giữa hai trục quan trọng. Theo hướng bắc-nam, cột đá nằm giữa điện Bourbon (trụ sở Hạ Viện Pháp) và Hôtel de la Marine (từng là trụ sở của Hải Quân Pháp), nơi quyết định và thực hiện quá trình vận chuyển cột đá từ Ai Cập về Paris.
    Đặc biệt hơn, cột Luxor còn nằm trên trục đông - tây lịch sử của Paris (đường hoàng gia - voie royale), từ điện Louvre qua vườn hoa Tuileries đến đại lộ Champs-Elysées và Khải Hoàn Môn. Đến thời tổng thống François Mitterrand, trục này được kéo dài thêm về phía tây với công trình Grande Arche de la Fraternité (tạm dịch : Tương Ái Môn, thường được gọi là Arche de la Défense hay Grande Arche) và phía đông với Thư Viện Quốc Gia Pháp mới (Bibliothèque nationale de France, BNF).

    Tượng vua Louis XV cưỡi ngựa trên quảng trường Concorde. Sau này là vị trí của cột Luxor.

    Cột đá Ai Cập : Paris chỉ có 1, Roma có 13
    Cột đá Obélisque trên quảng trường Concorde chỉ là một trong số vài chục cột đá có từ thời Ai Cập cổ đại. Thường được làm theo hình trụ và đỉnh được đẽo thành hình kim tự tháp, những cột “benben” - theo tiếng Ai Cập cổ mang nghĩa “đứng thẳng và tỏa sáng” - tượng trưng cho tia sáng mặt trời hằn trong đá, được dựng lên để thờ thần Mặt Trời Amun Rê.
    Vào thế kỷ XIX, chỉ riêng thủ đô Roma (Ý) đã có 13 cột đá Ai Cập nổi tiếng, trong khi Paris chưa có một kiệt tác nào. Dưới triều đại của vua Louis XVIII (1815-1824), chính quyền Pháp thương lượng với phó vương Ai Cập Méhémet-Ali, người gốc Albani và nổi tiếng muốn hiện đại hóa Ai Cập theo mô hình phương Tây, để có được một trong những cột đá của đền Thoutmosis III ở Alexandria.
    Đến năm 1828, nam tước Isidore Taylor (1789-1879), cố vấn của hoàng đế Charles X (1824-1830), tiếp tục cuộc thương lượng. Trong thư gửi vua Ai Cập, nam tước Taylor cho rằng “Paris, dù có những lâu đài và quảng trường nhưng vẫn chưa đạt đến vẻ lộng lẫy huy hoàng mà Roma có được. Ở đây, người ta không thấy bất kỳ một cột đá nào được chuyển từ Ai Cập về châu Âu”.
    Tuy nhiên, nhà Ai Cập học Jean-François Champollion lại không ủng hộ lựa chọn cột đá ở Alexandria mà đề xuất với vua Charles X (ngày 04/07/1829) chọn hai cột Luxor, ít bị hư hỏng hơn và được trang trí nhiều chữ tượng hình hơn. Champollion thuyết phục phó vương Ai Cập Méhémet-Ali tặng nước Anh một cột đá Alexandria và một cột khác ở đền Karnak mà ông biết rõ là không thể chuyển được về châu Âu.

    Quảng trường Concorde khoảng năm 1900 (bưu thiếp).

    Hành trình 2 năm 9 tháng từ Luxor đến Paris
    Tháng 11/1829, Ủy ban Nghiên cứu Vận chuyển các cột đá Ai Cập về Pháp được thành lập và do bộ Hải Quân chỉ huy. Theo báo cáo Miêu tả các tháp đá Louqsor trên quảng trường Concorde và Invalides (*), công việc đầu tiên là đóng một con tầu lớn có sàn phẳng, đủ rộng để có thể chở được hai cột đá theo dự kiến. Ngoài ra, độ sâu của con tầu phải đủ để di chuyển được ngoài biển song cũng có thể xuôi ngược trên dòng sông Nil và sông Seine.
    Sau khi bác đề án năm 1829 của một sĩ quan Hải Quân Pháp kiêm giám đốc xưởng đóng tầu Alexandria, Ủy ban quyết định đóng một tầu vận tải chuyên biệt tại cảng Toulon (miền nam Pháp) theo thiết kế của kỹ sư Rolland (1769-1837) và đặt tên là “Luxor”. Để phân bổ đều trọng lượng của các cột đá, tầu Luxor gồm 5 khoang, dài 42 mét và rộng 9 mét. Ba cột buồm có thể hạ được để phủ bạt chống nóng tại Ai Cập và tránh những cây cầu bắc qua sông Seine ở Paris. Quá trình hạ và vận chuyển cột đá được giao cho kỹ sư Hàng Hải Apollinaire Lebas (1797-1873).
    Chở đầy lương thực và dụng cụ, con tầu xuất phát từ cảng Toulon ngày 15/04/1831 với 121 thủy thủ đoàn và cập cảng Alexandria ngày 03/05. Vẫn theo tập Miêu tả các tháp đá Louqsor trên quảng trường Concorde và Invalides, khó khăn thực sự chỉ bắt đầu khi con tầu ngược dòng sông Nil : phải mất 50 giờ mới đi được một hải lý (hơn 5,5 km) dưới cái nóng 38 độ Réaumur (khoảng 47,5 độ C). Cuối cùng, con tầu cũng đến được khu đền cổ ngày 14/08/1831. Suốt tháng Chín, thủy thủ đoàn xây cơ sở hạ tầng cho đoàn làm việc : lán trại, bếp, cối xay, vườn rau với hạt giống mang từ Pháp và bệnh viện dã chiến vì đúng lúc dịch tả hoành hành.
    Không thể chở cả hai cột đá về Pháp, kỹ sư Lebas quyết định chọn cây cột hướng tây, nhỏ hơn nhưng có tình trạng tốt hơn và dễ vận chuyển hơn. Ngày 31/10/1831, cột đá được hạ xuống nhờ hai hệ thống tời đứng và cần cẩu pa lăng cùng với 200 nhân lực. Ngay hôm sau, tháp được chuyển xuống tầu Luxor. Thủy thủ đoàn cắt phần đầu tầu và mất khoảng 1 giờ 30 để đẩy tháp lên, sau đó đóng lại như cũ. Công việc hoàn thành ngày 25/12/1831 nhưng mất 8 tháng chờ nước sông lên. Cập cảng Alexandria ngày 02/01/1833, tận ba tháng sau, tầu Luxor mới bắt đầu hành trình vượt Địa Trung Hải và được móc vào tầu Sphinx chạy bằng hơi nước.
    Đến cảng Le Havre, tầu Luxor tiếp tục cuộc hành trình trên sông Seine do một tầu hơi nước nhỏ kéo thay tầu Sphinx. Khi đến bến Concorde vào tháng 08/1834, cột Obélisque được đặt trên bờ. Phải hai năm sau, cột đá mới được chính thức dựng trên quảng trường Concorde. Người ta phải sử dụng đến 14, rồi 28 con ngựa để kéo cột đá đến trung tâm. Một con dốc dài 120 mét được dựng lên để kéo tháp lên bệ.

    Dựng cột Obélisque Luxor trên quảng trường Concorde ngày 25/10/1836. Tranh mầu nước 1837.Bảo tàng Hải Quân Quốc Gia Pháp

    Ngày 25/10/1836, khoảng 100 nhạc công chơi bản Les mystères d’Isis (tạm dịch : Những bí ẩn của nữ thần Isis) của Mozart cùng với ánh mắt hiếu kỳ của khoảng 200.000 người đổ về quảng trường. Vào lúc 11 giờ 30, 350 pháo binh được phân công vào 10 chiếc tời để kéo dựng cột Luxor. Không xuất hiện trước công chúng, vua Louis-Philippe I và hoàng tộc theo dõi từ Hôtel de la Marine sự kiện hiếm có này, vừa vì lý do an toàn, vừa sợ bị thất bại. Đến 14 giờ 30, cột đá đứng vững trên bệ và lá cờ Pháp phấp phới trên đỉnh tháp. Chứng kiến cảnh này, vua Louis-Philippe I ra hiệu cho người dân hoan hô, lúc đó vẫn còn đang nín thở theo dõi.
    Dù không dựng tượng mình giữa quảng trường như những triều đại khác, hình ảnh vua Louis-Philippe I luôn gắn liền với biểu tượng Obélisque giữa quảng trường Concorde. Năm 1839, một bản tóm tắt quá trình vận chuyển, tên những nhân vật chính tham gia... được khắc dưới chân tháp. Kiến trúc sư Hittorff tiếp tục quy hoạch quảng trường với hai đài phun nước lớn, 8 bức tượng đại diện các thành phố lớn của Pháp, 18 cột đèn trang trí hình mũi tầu chiến.
    Đến năm 1937, cột đá Luxor được xếp hạng di tích Lịch Sử. Năm 1981, chính phủ Pháp chính thức trả lại cho Ai Cập cột đá thứ hai được tặng, và vẫn ở nguyên trước đền Luxor. Năm 1998, theo đề xuất của nhà Ai Cập học Christiane Desrochers-Noblecourt, cột Obélisque được dựng thêm phần chóp, hình kim tự tháp, được làm bằng đồng và mạ vàng, theo đúng truyền thống cổ đại. Ngày nay, cứ vào ngày 14/07 hàng năm, dưới chân Obélisque là khán đài của tổng thống, chính phủ và quan khách để tham dự lễ diễu binh chào mừng Quốc Khánh Pháp.

    Quảng trường Concorde nhìn từ trên cao, khoảng năm 1915.


    (*) Alexandre de Laborde, Description des obélisques de Louqsor figurés sur les places de la Concorde et des Invalides (Miêu tả các tháp đá Louqsor trên quảng trường Concorde và Invalides), Paris : Chez Bohaire, 1833.

    Cùng chủ đề
    • TẠP CHÍ VĂN HÓA

      Dưới bóng những cây cầu cổ kính, lộng lẫy của Paris
    • TẠP CHÍ VĂN HÓA

      Nhà thờ Đức Bà Paris
    • TẠP CHÍ VĂN HÓA

      Khám phá nhà thờ Thánh Tâm Montmartre Paris - Basilique du Sacré-Cœur
    Các lưu trữ
    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >
    7.               
      http://vi.rfi.fr/phap/20170519-cot-da-obelisque-bieu-tuong-suc-manh-tren-quang-truong-concorde-paris
       

    Pháp : Ngành du lịch sống chung với... khủng bố, với 83 triệu du khách nước ngoài đến Pháp năm 2016


    Pháp : Ngành du lịch sống chung với khủng bố

    Pháp : Ngành du lịch sống chung với khủng bố
    Bà Đầm Thép "Eiffel", Paris.RFI Tiếng Việt

      Bến tầu điện ngầm Trocadéro vẫn tấp nập khách du lịch lên xuống, chỉ một ngày sau vụ tấn công khủng bố trước cửa Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame, ngày 06/06/2017). Từ quảng trường Nhân Quyền đến chân tháp Eiffel, dòng người vẫn ngược xuôi chiêm ngưỡng Bà Đầm Thép gần 130 tuổi.

      Tiếng leng keng của những chiếc móc chìa khóa mà người bán dạo rung lên để thu hút sự chú ý của du khách, tiếng vẫy gọi của những chủ xe xích lô, tiếng chào mời mua nước lạnh 1 euro... vẫn diễn ra như thường ngày, không một chút lo âu về khủng bố. Họ có vẻ đông hơn và tỏ ra dạn dĩ hơn vì ngoài câu « Đi chỗ khác! », lực lượng cảnh sát tập trung chủ yếu vào việc đảm bảo an ninh cho du khách.
      Khu quảng trường Champs-de-Mars, với những thảm cỏ dài phía sau tháp Eiffel, vẫn đông khách tham quan ngồi nghỉ dưới ánh nắng còn chút se lạnh. Một đôi uyên ương trẻ lịch lãm và yêu kiều trong bộ đồ cưới đến chụp ảnh dưới chân tháp, những du khách trẻ vẫn tạo dáng để có được những tấm ảnh đẹp nhất với công trình nổi tiếng thế giới, hay chỉ đơn giản là nhâm nhi miếng bánh « chống đói » lúc cuối ngày.
      Sau vụ tấn công trước cửa Nhà thờ Đức Bà Paris, Lâm và Xuân, một cặp vợ chồng trẻ từ Việt Nam tham quan tháp Eiffel, giải thích với RFI tiếng Việt rằng họ còn có cảm giác an toàn hơn vì lực lượng an ninh được tăng cường tại các địa điểm du lịch nổi tiếng ở thủ đô :
      « Hôm nay, bọn em đi chơi ở tháp Eiffel và một số khu vực xung quanh, thì thấy thực ra, rất an toàn vì biết rằng hôm nay cảnh sát thắt chặt hơn. Không có điều gì phải lo lắng lắm. Tất nhiên, không ở đâu mình có thể cảm thấy an toàn tuyệt đối được. Nhưng ngày mình có lịch đi chơi thì mình vẫn phải đi thôi. Chứ bây giờ cứ lo lắng là sợ cái này, sợ cái kia... Tất nhiên là bọn em cũng có những điều kiện nhất định, như tuyệt đối tránh nơi đông người. Thực ra, mình rất sợ những nơi tụ tập đông người, có dấu hiệu khả năng gây mất an toàn thì nên tránh xa ra thôi. Hôm qua bọn em đi métro rất nhiều, thì hôm nay bọn em đi quanh quanh trên này thì đi bus nhiều hơn ».
      Còn Xuân tỏ ra hơi lo lắng, « hồi nãy, đi ở phía trước kia (tháp Eiffel), thì có nghe thấy một tiếng nổ rất to, em cũng thấy mọi người đang nằm ở cỏ hơi nhớn nhác. Hôm trước bọn em đi Anh, ba hôm sau khi bọn em rời Anh thì nghe thấy có vụ khủng bố ở Borough Market và London Bridge. Sang đây (Pháp), hôm qua, lúc đấy chỉ cách khu vực xảy ra khủng bố một đoạn ngắn thôi, thật ra là em hơi lo. Chỉ là hơi lo thế thôi, chứ mình đến các địa điểm thì mình cứ đi bình thường ».
      83 triệu du khách nước ngoài đến Pháp năm 2016
      Các vụ khủng bố xảy ra tại Paris và Nice trong năm 2016 đã khiến số lượng khách du lịch nước ngoài đến Pháp giảm nhẹ so với năm 2015. Tuy nhiên, với 83 triệu du khách nước ngoài vào năm 2016, Pháp vẫn là điểm du lịch hàng đầu thế giới. Với mục tiêu đạt đến 100 triệu khách nước ngoài vào năm 2020, không chỉ các ngành nghề liên quan phải cố gắng, mà người dân Pháp cũng thể hiện tinh thần không sợ hãi, như chia sẻ của Valentine và Cloé, hai sinh viên đại học Paris 3-Sorbonne La Nouvelle, đang tắm nắng ở Champs-de-Mars.
      « Tôi nghĩ là các vụ khủng bố để lại hậu quả. Đây cũng những gì mà tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo muốn. Tại Paris, khách du lịch đóng vai trò rất quan trọng về mặt kinh tế. Thành phố đón rất nhiều khách du lịch, đặc biệt là ở Champs de Mars. Với tư cách là người Paris, chúng tôi cũng muốn chứng tỏ không sợ ra ngoài vui chơi.
      Ngoài ra, còn có rất nhiều biện pháp an ninh được áp dụng và luôn có mặt tại hiện trường. Rất nhiều cảnh sát và quân nhân thường xuyên tuần tra. Tôi nghĩ là, mặc dù vẫn có các vụ khủng bố, dù vẫn lo sợ, nhưng không nên khép mình trong nhà ».
      « Trong đầu chúng tôi luôn có chút sợ hãi, nhưng điều này không ngăn cản tôi ra ngoài đi chơi được. Hơn nữa, chúng ta đang ở Paris, không thể giam mình trong nhà mà chẳng làm gì cả ».
      Dù nguy cơ khủng bố vẫn được đặt ở mức độ cao, dù hai năm nay nước Pháp vẫn trong tình trạng khẩn cấp, dường như Paris vẫn giữ nhịp sống bình thường, như thói quen của Valentine :
      « Thực ra, các vụ tấn công khủng bố chưa bao giờ cản được tôi đi chơi, dù có thế nào. Đi chơi, đi ra ngoài vẫn tốt hơn là nhốt mình ở nhà, không làm gì cả. Nếu như cứ mỗi lần có khủng bố mà cứ nhốt mình ở nhà, không ra ngoài, đó chính là điều mà những kẻ khủng bố nhắm đến. Có nghĩa là, đẩy nước Pháp vào tình trạng khép mình. Vì vậy, cần phải thể hiện tự do, chứ không phải họ là người quyết định tự do của chúng ta ».
      Nước Pháp, hai năm sống trong « tình trạng khẩn cấp »
      Những địa điểm du lịch tại Pháp, đặc biệt là tại Paris, là nơi được ưu tiên bảo vệ. Ngoài hệ thống camera, lực lượng cảnh sát, quân đội và nhân viên giữ gìn an ninh được huy động tối đa và có mặt thường trực tại đây. Tuy nhiên, đảm bảo an ninh cho toàn bộ các công trình quan trọng hay điểm du lịch là « nhiệm vụ bất khả thi », « nguy cơ rủi ro bằng không » không tồn tại, theo phó tổng thư ký nghiệp đoàn FO của cảnh sát Pháp, trả lời đài truyền hình BFM TV ngày 06/06/2017.
      Riêng với Cloé, chừng nào còn thấy quân nhân tuần tra ở Paris, cô hiểu rằng sẽ không bao giờ được an toàn tuyệt đối trước nguy cơ khủng bố :
      « Hồi đầu tôi hơi sốc khi thấy quân nhân tuần tra ở Paris, thành phố nổi tiếng thế giới. Nhưng sau đó, tôi nghĩ đó là điều cần thiết, trấn an chúng tôi được phần nào. Nhưng dù sao, tôi hy vọng là tình trạng này không kéo dài quá, vì nó phá vỡ không khí của thành phố và một chút cảm giác vô tư lự. Sự hiện diện của họ luôn gợi cho chúng tôi là đất nước vẫn trong tình trạng khẩn cấp và rằng chúng tôi không bao giờ được an toàn tuyệt đối ».
      Còn Sempéré, một sinh viên khác từ thành phố Toulon lên theo học tại Paris, cũng ngạc nhiên khi thấy quân nhân ngoài phố. Tuy nhiên, cô thấy điều đó giúp trấn an phần nào người dân.
      Được áp dụng sau loạt khủng bố tại Paris ngày 13/11/2015, tình trạng khẩn cấp có hiệu lực đến cuối tháng 07/2017, và có thể được chính phủ kéo dài đến tháng 11 cùng năm. Tuy nhiên, về điểm này, Cloé và Valentine không có chung ý kiến :
      Cloé cho biết : « Tôi nghĩ, một mặt, đây là điều cần thiết, nhưng tôi không biết là họ còn làm thêm được nữa không vì họ được điều động thường xuyên. Nếu tình trạng khẩn cấp được kéo dài, để giúp họ làm việc tốt hơn và để được an toàn hơn, bản thân tôi không thấy bất tiện lắm ».
      Còn theo Valentine, sự hiện diện thường xuyên của cảnh sát và quân đội càng làm tăng thêm cảm giác sợ hãi :
      « Về mặt cá nhân, tôi không ủng hộ, nhưng đây chỉ là ý kiến riêng của tôi. Đã có rất nhiều biện pháp an ninh được triển khai, nhưng nếu tăng cường quá cũng khiến người dân sợ bị bao quanh quá. Sự hiện diện của quá nhiều cảnh sát và quân nhân cũng gây cảm giác bị sức ép và càng làm tăng thêm nỗi sợ. Chưa hẳn đã là điều tốt đẹp, tôi nghĩ thế ».
      Riêng với Xuân và Lâm, hai du khách Việt Nam, dù đi đâu cũng nghe thấy khủng bố trong chuyến du lịch châu Âu 2017, họ khẳng định sẽ « vẫn quay lại, thậm chí nhiều lần. Bao giờ để dành được tiền lại sang chơi ! »

      Cùng chủ đề
      • PHÁP - KHỦNG BỐ

        Pháp thành lập Trung tâm quốc gia chống khủng bố
      • PHÁP - KHỦNG BỐ

        Pháp : Kẻ tấn công trước nhà thờ Đức Bà Paris đã tuyên thệ trung thành với Daech

      Các lưu trữ
      1. 1
      2. 2
      3. 3
      4. ...
      5. trang sau >
      6. trang cuối >
      7.               
         http://vi.rfi.fr/phap/20170609-phap-nganh-du-lich-song-chung-voi-khung-bo

      Pháp thành lập Trung tâm quốc gia chống khủng bố

      mediaÔng Pierre de Bousquet de Florian lãnh đạo Trung tâm quốc gia chống khủng bố, PhápSTEPHANE DE SAKUTIN / .AFP / AFP
      Trong buổi họp ngày 07/06/2017, tại Paris, Hội Đồng Quốc Phòng Pháp đã phê chuẩn sắc lệnh thành lập một Trung tâm quốc gia chống khủng bố, nằm trong Trung tâm điều phối thông tin tình báo. Quyết định của phủ tổng thống Pháp Elysée được đưa ra chỉ một ngày sau vụ tấn công khủng bố bằng búa nhắm vào cảnh sát trước Nhà thờ Đức Bà Paris.
      Thành lập một đơn vị chống khủng bố cũng là một trong những lời hứa trong chiến dịch vận động tranh cử của tổng thống Emmanuel Macron. Trung tâm quốc gia chống khủng bố, còn gọi là « Task Force », trực thuộc tổng thống Pháp.
      Điều hành « Task Force » là ông Pierre de Bousquet de Florian, từng đứng đầu cơ quan phản gián DST (Direction de la Surveillance du territoire) thuộc bộ Nội Vụ Pháp. Theo điện Elysée, trung tâm chống khủng bố sẽ hoạt động 24/24 giờ, gồm khoảng 20 người, chủ yếu là các nhà phân tích và đại diện của các cơ quan tình báo khác nhau tại Pháp.
      Theo hãng tin AFP, Trung tâm quốc gia chống khủng bố chịu trách nhiệm « hướng dẫn chiến lược của các cơ quan tình báo » để bảo đảm sự điều phối giữa các cơ quan tình báo Pháp, nhưng « không định hướng tác chiến ». Ngoài ra, trung tâm này cũng « đề xuất lên tổng thống các kế hoạch hành động về hoạt động của các cơ quan tình báo » và « báo cáo hàng tuần với Hội Đồng Quốc Phòng, nơi thảo ra chiến lược chống khủng bố ».
      Điện Elysée nhấn mạnh, mục đích thành lập « Task Force » là xóa bỏ ngăn cách giữa các cơ quan tình báo khác nhau của Pháp, chứ « không phải tạo thêm một tầng lớp quyết định mới ». Giải thích trên được cho là nhắm vào những lời chỉ trích của giới quan sát tình báo, cho rằng « Task Force » có thể trở thành một đơn vị quan liêu mới.

      http://vi.rfi.fr/phap/20170608-phap-thanh-lap-trung-tam-chong-khung-bo-quoc-gia

      Pháp : Champs-Elysées : Từ "bãi sình lầy" tới "đại lộ đẹp nhất thế giới", một biểu tượng của thủ đô Paris hoa lệ, với những cuộc duyệt binh hoành tráng Ngày Quóc Khánh 14-7 hằng năm


      Champs-Elysées : Từ « bãi sình lầy » tới « đại lộ đẹp nhất thế giới »

      Champs-Elysées : Từ « bãi sình lầy » tới « đại lộ đẹp nhất thế giới »
      Duyệt binh trên đại lộ Champs Elysées nhân ngày Quốc Khánh Pháp 14.07.2015.REUTERS/Mal Langsdon

        Người Pháp không chỉ tự hào về các công trình văn hóa - lịch sử như tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà Paris, bảo tàng Louvre, cung điện Versailles … mà còn rất tự hào về Champs-Elysées, được mệnh danh là đại lộ đẹp nhất thế giới. Và cũng không quá lời nếu gọi Champs-Elysées là một biểu tượng của thủ đô Paris hoa lệ.

        Nhưng không mấy ai biết rằng trước khi trở thành đại lộ Champs-Elysées sầm uất, một điểm du lịch thu hút vô vàn du khách từ bốn phương tới Kinh Đô Ánh Sáng, khu vực đó xưa kia chỉ là một bãi sình lầy, một cánh đồng được trồng lúa mì, yến mạch và bạt ngàn cây cối, thậm chí có cả một bãi chăn thả gia súc.
        Năm 1667, theo ý tưởng của vua Louis XIV, bộ trưởng tài chính Pháp thời bấy giờ là Jean-Baptiste Colbert cho mở một con đường nối từ cung điện Tuileries tới các nơi ở khác của nhà vua. Hai bên lối đi được trồng nhiều hàng cây. Công việc được giao cho thợ làm vườn André Le Nôtre của vua Louis XIV.
        Con đường chỉ dành riêng cho các buổi dạo chơi của Hoàng tộc. Ban đầu, con đường đó được gọi là « lối đi Roule » (Grande allée de Roule). Đến năm 1678, « lối đi Roule » được đổi tên thành « đại lộ Grille Royale » (Avenue de la Grille Royale), rồi lại được mang tên « đại lộ Cung điện Tuileries » (Avenue du Palais des Tuileries) từ năm 1680.
        Cái tên « đại lộ Champs-Elysées » xuất hiện lần đầu vào năm 1694 nhưng phải đến năm 1709 thì mới thành tên gọi chính thức. Champs-Elysées, theo thần thoại Hy Lạp cổ đại, có nghĩa là thiên đường, là nơi yên nghỉ của những anh hùng, những người có đức hạnh ở bên kia thế giới. Nhưng từ « champs », trong tiếng Pháp có nghĩa là cánh đồng, cũng gợi nhớ tới nguồn gốc nơi này xa xưa đã từng là cánh đồng lúa mì, yến mạch.
        Đại lộ Champs-Elysées xưa kia …
        Vào thời kỳ Cách Mạng Tư Sản Pháp (1789-1799), đại lộ Champs-Elysées, cụ thể là quảng trường Concorde, ghi dấu ấn là nơi đặt máy chém hành quyết Vua Louis XVI, Hoàng hậu Marie-Antoinette (1793), nhà lãnh đạo Cách Mạng Tư Sản Maximilien de Robespierre (1794), cũng như nhiều nhân vật nổi tiếng khác thời đó.
        Cho đến những năm đầu thế kỷ XIX, đại lộ Champs-Elysées vẫn giữ nguyên dáng vẻ sơ khai, vẫn là một con đường rợp bóng cây xanh, mang dáng dấp yên ả nơi đồng quê. Năm 1806, Hoàng Đế Napoléon Đệ Nhất cho xây dựng Khải Hoàn Môn trên quảng trường Ngôi Sao (Place de l’Etoile), nay là quảng trường Charles de Gaulle, để vinh danh chiến công của quân đội Pháp. Khải Hoàn Môn được vua Louis Philippe khánh thành 20 năm sau đó, vào năm 1836. Tới năm 1896, Khải Hoàn Môn được xếp hạng di tích lịch sử của Pháp.
        Vào những năm 1820-1830, đại lộ Champs-Elysées trở thành một địa điểm dạo chơi thanh lịch, quý phái bậc nhất kinh thành Paris. Các quán cà phê, nhà hàng, quán đồ uống chế biến từ sữa, khu chơi bóng … bắt đầu mọc lên dọc hai bên đại lộ. Từ năm 1835, vua Louis Philippe cho chỉnh trang, làm đẹp đại lộ. Dáng dấp hiện đại của đại lộ Champs-Elysées có được là nhờ công quy hoạch của kiến trúc sư Hittorff vào những năm 1836-1840, rồi sau đó là quy hoạch của bá tước Haussmann vào năm 1858.

        Đại lộ Champs-Elysées, Paris. Ảnh chụp năm 1880.Wikipedia

        Trong những năm nửa cuối thế kỷ XIX, cùng với sự phát triển kinh tế, nhiều khách sạn hạng sang, ngân hàng, cửa hiệu cao cấp, nhà hàng, quán sá, rạp hát, … mọc lên dọc đại lộ. Champs-Elysées trở thành một trung tâm thời thượng của giới quý tộc Paris.
        Năm 1915, lần đầu tiên quân đội Pháp diễu hành trên đại lộ Champs-Elysées vào ngày Quốc Khánh để chuyển tro cốt của Rouget de Lisle, nhạc sĩ sáng tác bản Quốc ca La Marseillaise, tới điện Invalides. Gây nhiều ấn tượng mạnh là lễ duyệt binh trong ngày Quốc Khánh 14/07/1919, sau khi Chiến Tranh Thế Giới lần thứ nhất kết thúc. Thống chế Joseph Joffre, thống chế Philippe Pétain và thống chế Ferdinand Foch - những vị anh hùng dân tộc góp phần mang lại chiến thắng cho quân Đồng Minh trong Chiến Tranh Thế Giới lần thứ nhất dẫn đầu đoàn quân đại thắng diễu hành trên đại lộ.
        Theo một phóng sự trên kênh truyền hình Pháp France 24, « đại lộ Champs-Elysées là nơi chứng kiến những thời khắc quan trọng nhất, đôi khi là những sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử nước Pháp, như sự kiện Đức Quốc Xã chiếm đóng Paris. Tháng 07/1941, quân phát xít Đức đã rập gót giầy trên đại lộ đẹp nhất thế giới. Đây là thời khắc đen tối nhất của nước Pháp và ngay tại chính nước Pháp. Nhưng cũng chính trên đại lộ Champs-Elysées, ngày 16/08/1944, tướng Charles de Gaulle dẫn đầu đoàn quân chiến thắng đã phát biểu trước dân chúng. Paris được giải phóng khỏi Đức Quốc Xã. Hình ảnh về lòng tự hào dân tộc mà người Pháp mới giành lại được và tình đoàn kết dân tộc đã che khuất nỗi nhục nhã trong quá khứ ».
        Đại lộ Champs-Elysées ngày nay …
        Qua hơn 300 năm tồn tại và phát triển, giờ đây, đại lộ Champs-Elysées đã được vinh danh là đại lộ đẹp nhất thế giới, một trong những biểu tượng du lịch của Paris. Với lượng du khách tăng không ngừng, năm 2016, Hội đồng thành phố Paris đã quyết định đại lộ danh tiếng nhất hành tinh sẽ được dành cho người đi bộ vào Chủ Nhật đầu tiên hàng tháng, kể từ ngày 08/05/2016, mọi phương tiện giao thông đều bị cấm trên đại lộ Champs-Elsyées trong những ngày này.
        Đại lộ dài hơn 2 km cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao, xã hội, chính trị quan trọng của nước Pháp nói chung và Paris nói riêng.
        Ngày Quốc Khánh Pháp 14/07, người dân nô nức đổ tới đại lộ ngắm duyệt binh và chào đón đoàn xe diễu hành của tổng thống Pháp. Hàng năm, cứ tới ngày 08/05, kỷ niệm Chiến Tranh Thế Giới lần thứ hai kết thúc, tổng thống Pháp và giới chính trị gia thường đến thăm đài tưởng niệm chiến tranh, đặt vòng hoa tưởng niệm những người lính Pháp hi sinh trong chiến tranh.
        Năm 1998, đội tuyển bóng đá Pháp giành chức vô địch Cúp Bóng Đá Thế Giới. Hàng chục triệu người Pháp đã đổ tới Champs-Elysées hân hoan hò reo ăn mừng chiến thắng của« những chú gà trống Gaulois ». Từ nhiều năm nay, Champs-Elysées là chặng đua cuối của « Tour de France » - cuộc đua xe đạp Vòng Quanh Nước Pháp nổi tiếng thế giới và là chặng đầu của giải đua chạy việt dã Marathon de Paris thu hút vài chục ngàn vận động viên đến từ hàng trăm quốc gia trên khắp thế giới.

        Đại lộ Champs ELysées. Ảnh chụp vào mùa thu năm 2010.Wikipedia

        Từ năm 1980, theo thông lệ, vào mùa Noel, thị trưởng thành phố Paris cùng một nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, giải trí của Pháp sẽ cùng bấm nút thắp đèn Giáng Sinh trang trí đại lộ Champs-Élysées. Trong những năm gần đây, vinh dự thắp đèn đã thuộc về diễn viên Marion Cotillard (2008), ca sĩ Charlotte Gainsbourg (2009), ca sĩ - diễn viên Mélanie Laurent (2010), diễn viên Audrey Tautou (2011), diễn viên Diane Kruger (2012), diễn viên - người mẫu Laetitia Casta (2013), diễn viên Omar Sy (2014), diễn viên Jean Dujardin (2015) và nhà vô địch nhu đạo Thế Giới Teddy Riner (2016). Với hàng ngàn ngàn dây đèn, chùm đèn nhấp nháy trên hai hàng cây chạy dọc đại lộ từ nửa cuối tháng 11 tới đầu tháng 01 năm sau, Champs-Elysées vốn đã lộng lẫy lại càng trở nên lung linh.
        Từ năm 2007, mùa lễ hội cuối năm còn được ghi dấu ấn trên đại lộ Champs-Elysées với khu chợ Giáng Sinh vào hàng lớn nhất nước Pháp gồm hàng trăm gian hàng lưu niệm, quà tặng và đặc sản nhiều vùng miền của Pháp. Trong cái giá lạnh mùa đông, đi dạo bộ trên đại lộ danh tiếng nhất thế giới, ngắm chợ Noel dưới ánh đèn lung linh, với một cốc rượu vang nóng hổi trên tay, đối với du khách, quả không còn gì thú vị bằng ! Và tới đêm 31/12, hàng triệu người dân thường đổ về đại lộ lộng lẫy nhất thế giới để ngắm pháo hoa, đón chào năm mới.
        Đại lộ Champs-Elysées còn thu hút được nhiều tín đồ mua sắm trong nước và quốc tế nhờ các cửa hàng, cửa hiệu của các thương hiệu thời trang, kim hoàn, đồng hồ, mỹ phẩm … từ bình dân như Yves Rocher, H and M, Zara … tới sang trọng, đẳng cấp như Louis Vuitton, Hugo Boss, Cartier, Montblanc, Guerlain, … Không ngoa khi gọi Champs-Elysées là « thiên đường mua sắm » và nói rằng « dưới ánh mặt trời hay trong cơn mưa, vào ban trưa hay vào lúc nửa đêm, bất cứ thứ gì bạn muốn, bạn đều có thể tìm thấy, trên đại lộ Champs-Elysées » như lời bài hát nổi tiếng « Champs-Elysées ».

        Cùng chủ đề
        • TẠP CHÍ VĂN HÓA

          Dưới bóng những cây cầu cổ kính, lộng lẫy của Paris
        • TẠP CHÍ VĂN HÓA

          Trung tâm văn hóa Pompidou - Paris : « Sai lầm thế kỷ » và biểu tượng văn hóa

        Các lưu trữ
        1. 1
        2. 2
        3. 3
        4. ...
        5. trang sau >
        6. trang cuối >
        7.               
           http://vi.rfi.fr/phap/20170310-champs-elysees-tu-%C2%AB-bai-sinh-lay-%C2%BB-toi-%C2%AB-dai-lo-dep-nhat-the-gioi-%C2%BB

        Grand Paris Express : mạng lưới métro mới, hoàn toàn tự động, chạy quanh Paris. 200 km đường sắt và 68 bến métro mới sẽ được xây dựng cho đến năm 2030. Đây là một dự án thế kỷ tại vùng Paris


        Grand Paris Express - dự án métro ngoại hạng của vùng Paris

        Grand Paris Express - dự án métro ngoại hạng của vùng Paris
        Biển báo một bến métro tại Paris.AFP/Boyan Topaloff

          Một dự án lớn chưa từng có, một công trường khổng lồ, một công trình thế kỷ, một dự án ngoại hạng, cuộc cách mạng thứ ba ở Paris, cơ sở hạ tầng đặc biệt … đó là những gì người ta nói về dự án xây dựng hệ thống métro Grand Paris Express ở vùng Paris.

          Dự án Grand Paris Express - còn được gọi tắt là Grand Paris - do cựu tổng thống Nicolas Sarkozy khởi động vào năm 2007, có quy mô lớn hiếm có. Đó là dự án hạ tầng cơ sở lớn nhất châu Âu và đứng thứ tư toàn cầu, chỉ sau ba dự án của Trung Quốc. Nói như ông Xavier Huillard, tổng giám đốc Vinci - tập đoàn xây dựng hàng đầu của Pháp, « đối với một kỹ sư, đây là loại công trình mà người ta chỉ có thể gặp 1 lần duy nhất trong đời ».
          Ông Philippe Yvin, chủ tịch công ty Grand Paris, một doanh nghiệp Nhà nước được chính phủ chỉ định để điều hành dự án giới thiệu : « Grand Paris Express là mạng lưới métro mới, tự động, hoàn toàn tự động, chạy quanh Paris. 200 km đường sắt và 68 bến métro mới sẽ được xây dựng cho đến năm 2030. Đây là một dự án thế kỷ tại vùng Paris, một dự án khổng lồ.
          Hệ thống métro hiện tại dài 200 km. Như vậy là trong 15 năm tới, chúng ta sẽ nâng chiều dài mạng lưới métro Paris lên gấp đôi, và nhất là hành khách không nhất thiết phải đi qua Paris. Đây là một điểm đặc biệt. Người ta có thể đi từ thành phố ngoại ô này sang thành phố ngoại ô khác. Thời gian đi lại hàng ngày sẽ giảm đi rất nhiều. »
          Vào tháng 09/2017, khoảng 40 công trường sẽ khởi công xây dựng, các đường hầm đầu tiên của Grand Paris sẽ được hình thành. Trong hai năm 2020-2021, công việc sẽ được triển khai tại 250 công trường và 24 đường hầm métro. Một quy mô xây dựng chưa từng có !
          Tự động, nhanh chóng, an toàn và đúng giờ là những yêu cầu đặt ra cho métro Grand Paris. Khi mạng lưới mới với 4 tuyến métro tự động đi vào hoạt động, một số người dân ở Paris và vùng phụ cận sẽ giảm được một nửa thời gian đi lại hàng ngày, thậm chí nhiều hơn nữa. Chẳng hạn, hiện nay, một sinh viên sống ở Clichy-Montfermeil muốn đến đại học Créteil phải mất 1 giờ 30 phút. Sau này, thời gian đi chỉ còn 30 phút. Như vậy là tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
          Hiện nay, các tuyến métro tại Paris và vùng phụ cận dài tổng cộng 220km, với 14 tuyến métro, trong đó có 2 tuyến métro tự động (métro 14 và 1), tuyến métro 4 đang được tự động hóa và dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Dự án Grand Paris sẽ tạo ra một cuộc cách mạng đối với 8,5 triệu người dân sống ở vùng Paris và phải di chuyển hàng ngày.

          Dòng người đông đúc ở bến métro Chatelet, Paris.AFP/ BERTRAND GUAY

          Lợi ích kinh tế
          Tổng số tiền đầu tư cho dự án lên tới gần 28,3 tỉ euro và do công ty Grand Paris huy động trên thị trường với thời hạn 4 năm. Nhưng Phòng Thương Mại của vùng Paris đánh giá khi đi vào hoạt động, lợi nhuận mà hệ thống métro Grand Paris mang lại sẽ lên tới hàng trăm tỉ euro.
          Paris và vùng phụ cận hay còn gọi là vùng Paris chỉ chiếm 2,8% diện tích quốc gia, nhưng có 11,8 triệu dân (11% dân số cả nước) và đặc biệt là đóng góp 700 tỉ euro/năm (31% thu nhập quốc nội của Pháp, 4% thu nhập châu Âu). Vùng Paris thu hút 40% giới nghiên cứu khoa học của Pháp, là trung tâm nghiên cứu - phát triển lớn nhất châu Âu và đứng thứ ba trên thế giới. Khoảng một phần tư số trường đại học, trường đào tạo kỹ sư và thương mại cũng tập trung ở vùng Paris. Đây cũng là khu vực tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất châu Âu.
          Chủ tịch công ty Grand Paris, ông Philippe Yvin cho biết : « Các chuyên gia kinh tế ước tính mạng lưới métro mới sẽ tạo thêm 10% thu nhập cho vùng Paris và mang lại ít nhất 100.000 việc làm mới. » Nhà quản lý dự án sẽ ưu tiên tuyển dụng nhân công của vùng Paris trước, và nếu còn nhu cầu thì sẽ tuyển dụng nhân công ngoại tỉnh. Lao động tới từ các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu chỉ được tuyển dụng cho một số vị trí đặc biệt.
          Để chuẩn bị đội ngũ nhân công cho hệ thống Grand Paris, Trường Đào Tạo Grand Paris sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 09/2017 với hai cơ sơ ở thành phố ngoại ô Vitry-sur-Seine và Aultnay-sous-Bois. Trường sẽ đào tạo nhân lực cho 23 ngành nghề quan trọng trong lĩnh vực métro : lái tàu, thợ cơ khí, thợ đặt đường ống, thợ lắp đường ray …
          Rất nhiều sáng chế trong lĩnh vực xây dựng và đường sắt, nhiều công nghệ mũi nhọn sẽ được đưa vào dự án, nhiều phương tiện đặc biệt cũng được triển khai để theo dõi tiến độ thi công, thảo luận và cung cấp thông tin cho người dân trong khu vực có liên quan.
          Đây cũng là một dự án có nhiều đóng góp về phát triển năng lượng. Chủ tịch Philippe Yvin khẳng định: « Có rất nhiều sáng kiến cho hệ thống métro này. Chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều năng lượng vì các vật liệu chế tạo tàu cho phép tiết kiệm tới 20-30% năng lượng. Chúng tôi cũng tạo ra năng lượng trong các nhà ga nhờ nguồn địa nhiệt vì các con tàu chạy sâu trong lòng đất, trung bình là 20m dưới mặt đất. Chúng tôi tạo ra được năng lượng địa nhiệt để cung cấp cho các nhà ga và cả dân cư trong khu vực xung quanh.
          Chúng tôi cũng có tham vọng xây dựng một hệ thống métro kỹ thuật số tốt nhất thế giới để hành khách có một lộ trình đi có ích : tức là có mạng internet và sóng điện thoại di động ở cả các ga và trong tàu. Hệ thống hiện tại vẫn chưa được như vậy. »
          Như vậy, xét về nhiều khía cạnh, hệ thống métro tự động, hiện đại Grand Paris sẽ góp phần nâng vùng Paris lên một tầm vóc mới. Những người được hưởng lợi nhiều nhất từ métro Grand Paris chắc chắn là người dân vùng Paris. Nhưng điều này không có nghĩa là dân chúng ở các tỉnh thành khác không được hưởng lợi gì.
          Theo chuyên gia kinh tế Laurent Davezies, giáo sư Học viện quốc gia CNAM, những tuyến métro mới tạo điều kiện thuận lợi cho người dân từ vùng Centre hoặc từ thành phố Beauvais thuộc vùng Picardie đi làm tại La Défense, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp lớn hay ngay tại trung tâm Paris. Điều này cho phép cải thiện thị trường lao động, có nghĩa là cả các doanh nghiệp và người lao động đều hưởng lợi từ Grand Paris, không chỉ ở Paris mà ở cả các vùng khác nữa.
          Còn theo ông Etienne Guyot, giám đốc Phòng Thương Mại và Công Nghiệp của Paris và vùng phụ cận, Grand Paris sẽ mang lại việc làm cho ngành công nghiệp đường sắt của nhiều tỉnh thành, chẳng hạn, các tỉnh miền nam Marseille, Toulouse …
          Ngoài ra, du khách từ các tỉnh của nước Pháp hoặc du khách quốc tế khi tới Paris đều có thể tận dụng 2 tuyến métro Paris-Orly và Paris-Roissy để đi tới 2 sân bay quốc tế Roissy và Orly chỉ trong vòng 30 phút, thay vì hơn 1 giờ như hiện nay. 20% việc làm ở vùng Paris có liên quan tới lĩnh vực đầu tư quốc tế. Vì thế, tạo điều kiện thuận lợi cho vùng Paris phát triển cũng có nghĩa là cải thiện nền kinh tế của cả nước Pháp.

          Bến métro Belleville tại Paris.CC/Wikimedia

          Quản lý hệ thống và khai thác hoạt động
          Với quy mô khổng lồ, Grand Paris thu hút sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp có tiếng tăm, chẳng hạn các tập đoàn xây dựng, công nghệ … hàng đầu của Pháp như Vinci, BTP, Bouygues, Eiffage …
          Hệ thống métro hiện tại ở Paris là do RATP - cơ quan quản lý mạng lưới giao thông công cộng Paris độc quyền quản lý. Nhưng đối với Grand Paris, RATP chỉ độc quyền quản lý về cơ sở hạ tầng và kỹ thuật. Liên quan tới quản lý và khai thác, RATP sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ khác, nhất là Keolis - một công ty thành viên của tập đoàn đường sắt Pháp SNCF.
          Keolis có kinh nghiệm quốc tế về métro tự động. Keolis khai thác từ năm 1983 tuyến métro tự động đầu tiên trên thế giới – tuyến métro của thành phố Lille nằm ở miền Bắc nước Pháp. Keolis cũng quản lý métro của thành phố Lyon và mạng lưới métro Docklands ở Luân Đôn. Từ nay đến cuối năm, Keolis được giao quyền quản lý métro tự động Hyderabad của Ấn Độ và một tuyến métro ở Thượng Hải, Trung Quốc.
          Ông Youenn Dupuis, phó giám đốc Keolis lấy làm tiếc vì sự phân chia quyền quản lý cơ sở hạ tầng và quyền khai thác Grand Paris. Theo ông, các chuyên gia quốc tế đều khuyên nên giao cho một công ty duy nhất quản lý cả hai mảng trên để bảo đảm được cả hai yếu tố hiệu quả và an toàn.
          Các đối thủ của cơ quan quản lý mạng lưới giao thông công cộng Paris RATP hiện đang rất hy vọng là Nhà nước sẽ đưa ra các quy định rõ ràng, cụ thể về quản lý hạ tầng và khai thác hoạt động của mạng lưới Grand Paris.

          Cùng chủ đề
          • TẠP CHÍ VĂN HÓA

            Chuyện “Métro” Paris
          • TẠP CHÍ VĂN HÓA

            Champs-Elysées : Từ « bãi sình lầy » tới « đại lộ đẹp nhất thế giới »
          • TẠP CHÍ VĂN HÓA

            Dưới bóng những cây cầu cổ kính, lộng lẫy của Paris
          • TẠP CHÍ VĂN HÓA

            Điện Elysée - nơi ghi dấu quyền lực nước Pháp

          Chuyện “Métro” Paris

          Chuyện “Métro” Paris
           
          Lối vào Metro Porte Dauphine Metro quận 16, Paris.Ảnh @wikimedia

            Paris nổi tiếng là thành phố có mật độ đi lại cao, đồng thời có một mạng lưới giao thông công cộng thuận tiện. Hệ thống tàu điện ngầm Paris và vùng phụ cận hiện được đánh giá là nổi tiếng nhất thế giới, sánh ngang với thủ đô Luân Đôn và thành phố New York.

            Với tổng chiều dài 213 km, hàng năm có khoảng 1,4 tỉ lượt người sử dụng mạng lưới tàu điện ngầm được xây dựng từ hơn một thế kỷ. Ngay từ đầu thế kỷ XX, tầu điện ngầm là phương tiện đi rất phổ biến, gắn liền với tầng lớp công nhân Paris, giúp họ tới công xưởng hay nhà máy tập trung chủ yếu trong thành phố. Tới đầu thập niên 1970, tầu điện ngầm trở thành hình ảnh gắn liền với nhịp sống nhanh và buồn tẻ, với khẩu hiệu cho tới giờ vẫn phổ biến : « métro, boulot, dodo » (tầu điện, công việc, giấc ngủ)
            Hơn 100 năm lịch sử hệ thống metro Paris
            Phải nói rằng, nếu không có Haussmann thì sẽ không có tầu điện ngầm. Trong khoảng thời gian từ 1865-1869, Nam tước Georges Eugène Haussmann (1809-1891), lúc đó là tỉnh trưởng vùng Seine (Paris ngày nay), quy hoạch lại toàn bộ thành phố như hình ảnh Paris ngày nay, với các trục đường lớn và không gian sống thoáng đãng hơn. Nhờ vậy mà các tuyến tầu điện ngầm mới được xây dưới lòng những con phố và đại lộ lớn.
            Vào cuối thế kỷ XIX tới đầu thế kỷ XX, điều kiện giao thông tại Paris xuống cấp, trong khi đó, số lượng xe hơi tăng nhanh hơn. Ngoài ra, Paris đăng cai tổ chức cuộc Triển lãm Hoàn cầu năm 1900. Tất cả những yếu tố trên buộc thành phố Paris phải nghĩ tới dự án xây ựng một hệ thống giao thông ngầm. Kỹ sư cầu đường Fulgence Bienvenüe, tốt nghiệp trường đại học Giao Thông nổi tiếng của Pháp, là người thực hiện dự án được Hội đồng thành phố Paris thông qua ngày 09/07/1897. Sau này, tên của ông được đặt cho một bến tàu điện ngầm lớn, Montparnasse-Bienvenüe, dẫn tới nhà ga Montparnasse, nằm ở quận 14 của Paris.
            Công trường được khởi công ngày 04/10/1898, theo thoả thuận được ký kết giữa chính quyền thành phố và Công ty Đường xe điện ngầm Paris (CPM). Tuyến đầu tiên, đường số 1 (màu vàng), chưa có kỹ thuật khoan ngầm nên được xây hoàn toàn lộ thiên. Được khánh thành ngày 19/07/1900, chạy xuyên Paris theo hướng Đông-Tây, tuyến số 1 đi qua các khu vực thi đấu của Thế Vận Hội mùa hè được tổ chức tại khu rừng Vincennes (phía đông Paris).
            Người dân Paris nhanh chóng “mê” loại hình phương tiện giao thông mới này. Ngay năm 1901, Fulgence Bienvenüe đưa ra tham vọng xây dựng cả một mạng lưới tàu điện ngầm để bất kỳ địa điểm nào trong Paris không cách một bến tàu điện quá 500 mét. Các tuyến lần lượt ra đời và được đánh số theo thứ tự thời gian hoàn thành.
            Hệ thống tầu điện ngầm Paris được xây dựng trong một khoảng thời gian kỷ lục, từ 1898 đến 1914. Năm 1910, sáu tuyến đường métro đầu tiên được đưa vào phục vụ công chúng. Cho tới trước Thế Chiến thứ nhất, mạng lưới dài 91 km, gồm 10 tuyến đường và chuyên chở 467 triệu lượt người. Trong những năm 1920, dân cư sống tại các khu vực ven đô Paris tăng nhanh hơn nên mạng lưới tầu điện ngầm đã được nối dài tới một số thành phố nằm ở ngoại ô (như các tuyến 1, 9, 12).
            Trong giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ hai, dù thường xuyên thiếu điện, rất nhiều tuyến vẫn được kéo dài. Tuy nhiên, các trận oanh kích đã phá hủy nặng nề hệ thống tầu điện ngầm và buộc thành phố phải đầu tư trùng tu sau khi chiến tranh kết thúc, dưới sự chỉ đạo của Sở quản lý Vận tải được thành lập theo một đạo luật ký ngày 21/03/1948.
            Sau gần 20 năm ngừng phát triển, chính quyền thành phố mới nhận ra vai trò quan trọng của hệ thống giao thông đường sắt ngầm. Mọi hoạt động mở rộng được nối lại từ năm 1971 cho phép hình thành mạng lưới métro như hiện nay.
            Năm 1998, một sự kiện mới đánh dấu lịch sử métro Paris. Tuyến 14 là tuyến cuối cùng được khánh thành và là tuyến tầu điện ngầm đầu tiên trên thế giới hoàn toàn tự động, không người lái. An toàn cho hành khách trên ke chờ cũng được đảm bảo hơn nhờ hệ thống cửa tự động. Trong tương lai gần, vào khoảng trước năm 2040, dự án ‘Tầu điện Paris mở rộng’ (Métro du Grand Paris) sẽ được hoàn thành. 155 km đường sắt mới, giao với các tuyến đường đang tồn tại, cho phép hàng chục nghìn người dân Paris và các vùng phụ cận tiết kiệm được rất nhiều thời gian đi lại, và đi được xa hơn.
            Dĩ nhiên là vé tầu điện ngầm xuất hiện ngay từ khi tuyến số 1 đi vào hoạt động. Ngay ngày đầu tiên đã bán được 30.000 vé với mức giá 15 xu/vé hạng hai. Chỉ riêng năm 1900, đã có 17 triệu lượt khách sử dụng tuyến đường này. Trước khi hệ thống kiểm tra vé tự động được đưa vào sử dụng năm 1973, tại lối vào tầu điện luôn có nhân viên soát vé đứng ở cửa để bấm vé.
            Tầu điện ngầm Paris là hệ thống duy nhất trên thế giới được chia thành hai hạng, « hạng nhất » và hạng bình dân, và duy trì cho tới tận cuối năm 1991. Vào thời điểm đó, cả đoàn tầu luôn có một toa gần như không có người, trong khi đó ở các toa khác, người đứng sát nhau như « cá hộp » vào giờ cao điểm.
            Một số bí mật về tầu điện ngầm Paris
            Hầu hết tường và trần của các bến métro đều được lát gạch men vuông màu trắng vì chúng phản quang. Trước đây, hệ thống chiếu sáng rất yếu, cứ cách 5 mét mới có một bóng đèn 15 watt nên cần một lớp phủ tường đặc biệt để không mất ánh sáng.
            Độ sâu trung bình của métro là từ 4 đến 12 mét. Thế nhưng, một số bến có độ sâu tới gần 32 mét, như dưới lòng đồi Chaumont (Buttes Chaumont), ở quận 19, phía bắc Paris.
            Từ đường số 1 tới 11 là do thành phố Paris xây dựng. Để nối hai bến Cité và Saint-Michel trên tuyến số 4, nằm ở hai bên bờ sông Seine, kiến trúc sư Léon Chagnaud đã cho làm một đường hầm lớn bằng nhờ các giếng chìm bằng kim loại, dài từ 20-40 mét. Các đường ống này được lắp ráp trên bờ, sau đó lần lượt được chôn dưới lòng sông. Quá trình thực hiện ly kỳ nên thu hút rất nhiều ánh mắt tò mò. Để có thể khoan được đường hầm nối hai trạm tầu điện, nằm sâu 15 mét dưới lòng sông Seine, các kỹ sư đã cho đóng băng toàn bộ khu đất xung quanh ở nhiệt độ -24°C nhờ loại muối clorua canxi.
            Các tuyến 12 và 13 là do tư nhân đầu tư, đó là kĩ sư Berlier. Có thể dễ dàng nhận ra được các tuyến đường của ông nhờ những dấu hiệu sau : Khung viền của các tấm quảng cáo lớn gắn trên tường được lát bằng gạch men nâu, điểm xuyết một vài viên gạch có chữ N và chữ S lồng vào nhau để đánh dấu tuyến đường Bắc (Nord) Nam (Sud). Các tuyến đường của ông là những tuyến đầu tiên có các họa tiết trang trí.
            Tất cả tầu điện đều được tự động hoá từ năm 1960. Công việc duy nhất hiện nay của người lái tàu là đóng và mở cửa. Tuy nhiên, vì lý do an toàn và để tránh mất thói quen, họ phải tự lái mỗi ngày ít nhất một lần. Các toa tầu mầu xanh mà chúng ta thấy trên tuyến số 6 hay số 12 ngày nay có từ năm 1967.
            Trước đây, tại các bến tầu điện ngầm đường số 3 (Gallieni-Pont de Levallois) và số 9 (Mairie de Montreuil-Pont de Sèvres), người ta thường nghe thấy tiếng dế kêu. Nhưng hiện nay, khó tìm lại được tiếng của chúng vì một trong những lý do là RATP đã đổ bê tông thay vì dùng đá balat để cố định đường ray nên các chú dế không còn tổ ấm với nhiệt độ chừng 34°C.
            Thiết kế trang trí lối xuống đặc trưng của Guimard
            Năm 1899, kiến trúc sư Hector Guimard (1867-1940), đồng thời là nhà thiết kế, được giao xây dựng lối lên xuống bến tầu điện ngầm. Ông phát minh bốn kiểu lối dẫn xuống tầu điện ngầm theo phong cách « Nghệ thuật mới » (Art nouveau) gồm : nhà ga nhỏ (mini-gare, hiện không còn), nhà nhỏ (édicule), các lối xuống có mái che với hàng rào xung quanh hay chỉ đơn thuần là lan can bao quanh lối xuống không có mái che. Riêng kiểu « nhà nhỏ », ông lại chia thành hai loại : mẫu A là một cấu trúc có bốn trụ chống đỡ, mái che lợp kính hình bầu dục ; mẫu B có dạng cổng tròn bằng gang có hai chân, trên gắn biển « Métropolitain » (tên viết đầy đủ của métro).
            Năm 1908, Công ty đường sắt Paris (Compagnie métropolitaine de Paris, CMP) tháo dỡ hàng rào cầu thang xuống tại trạm Franklin D. Roosevelt (nằm trên đại lộ Champs-Elysées) vì cho rằng quá cồng kềnh và mẫu mã không phù hợp. Tuy nhiên, sau khi cho tháo dỡ quá nhiều mái che, công ty bắt đầu gặp phải sự phản đối của người dân muốn bảo vệ di sản Guimard. Vì vậy, theo một nghị định ngày 25/05/1965, bẩy bến tầu điện ngầm được đưa vào danh sách di sản lịch sử cần được bảo vệ, gồm bến Cité (tầu 4, giữa lòng Paris), Porte Dauphine (tầu 2), Hôtel de Ville (tầu 2), Pigalle (tầu 2), Ternes (tầu 2), Tuileries (tầu 1) và Château d’Eau (tầu 4).
            Tới ngày 29/05/1978, một nghị định khác quy định tất cả các lối xuống do kiến trúc sư Guimard thực hiện đều được ghi vào danh sách bảo tồn, gồm 87 hàng rào và 3 nhà có mái che (Porte Dauphine, Chatelet và Abbesses (nhà cũ từ bến Hôtel de Ville chuyển sang)).
            Công ty quản lý hệ thống đường sắt Paris ngày nay, RATP, là chủ sở hữu những khuôn đúc các hoạ tiết và biển chỉ của Guimard. Nhiều bản sao đã được đúc để tặng một số thành phố lớn trên thế giới như Montréal, New York, Lisboa và Mehicô.
            Những bến tầu điện ngầm đẹp nhất Paris
            Chỉ vào năm 1968, ý tưởng « bến tầu văn hoá » mới ra đời với sự ủng hộ của André Malraux. Ông vừa là nhà văn và là một chính trị gia, phụ trách về lĩnh vực văn hoá của chính phủ. Dần dần, các bến tầu điện ngầm không chỉ còn là những điểm qua lại thông thường, mà là nơi truyền tải lịch sử Paris.
            Bến Arts et Métiers, trên tuyến 11, lấy cảm hứng từ cách trang trí của Bảo tàng Nghệ thuật và Nghề nghiệp (Musée des Arts et Métiers) chuyên trưng bày các loại hình sáng tạo kỹ thuật và công nghệ. Đây là một trong những trạm khiến hành khách ngạc nhiên nhất, vì hoàn toàn được lát bằng ván đồng ghép chặt với nhau bằng đinh tán và được trang trí với những mô hình cửa tầu ngầm Nautilus lấy cảm hứng từ phim 20 vạn dặm dưới đáy biển của Jules Verne.
            Bến Concorde, trên đường 12, chứa đầy lịch sử. Trên bức tường của bến này là bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền, khai sinh nước Cộng hoà Pháp. Mỗi viên gạch lát ghi một chữ cái và không hề có một dấu chấm hay dấu phẩy nào.
            Mái che tại bến Palais-Royal-Musée du Louvre, tuyến 1 và 7, lối lên xuống dẫn tới quảng trường Colette, mang một phong cách hoàn toàn độc đáo, được nghệ sĩ Jean-Michel Othoniel thực hiện nhân kỷ niệm métro Paris tròn 100 tuổi. Tác phẩm nghệ thuật được gắn từ những quả cầu thuỷ tinh lớn đầy mầu sắc tạo nên như một ki-ốt nhỏ sặc sỡ và phá cách. Vì vậy, tác phẩm còn được gọi là « Ki-ốt của những người về đêm » (Kiosque des Noctambules).
            Cũng giống như thời kỳ đầu phong cách nghệ thuật mới của Guimard, kiểu dáng trên cũng là chủ đề tranh luận và đàm tiếu vì phá vỡ nét cổ điển sang trọng của khu phố với những công trình nổi tiếng như Nhà hát kịch Pháp, Hội đồng Lập hiến, bảo tàng Louvre hay Hoàng cung…
            Tại trạm Bastille, ke của tuyến đường số 1 được trang trí bằng những phù điêu thuật lại những sự kiện quan trọng của cuộc Cách mạng Pháp, từ thời kỳ phôi thai tới ngày cướp ngục Bastille. Ngoài ra, trên ke tuyến số 5, vẫn còn lưu lại một số vết tích thành cổ.
            Cảnh đẹp hút hồn nhất Paris có thể chiêm ngưỡng được từ métro là đoạn giữa hai trạm Passy và Bir-Hakeim, dài 230 mét, trên đường số 6 dẫn tới tháp Eiffel. Đây là tuyến duy nhất không chạy hết dưới lòng đất mà phần lớn nằm trên cầu cao. Toàn cảnh tháp Eiffel, trước mặt là cây cầu Iéna và hai bờ sông Seine thơ mộng, hoà quyện với nhau tạo thành một bức tranh hữu tình huyền ảo.
            Và những bến tầu… ma
            Bên cạnh những bến métro đẹp nhất là những bến tầu điện ngầm bị bỏ hoang, được mệnh danh là « những bến tầu điện ma », vì không mở cửa đón khách.
            Khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, chính phủ áp dụng chính sách giảm bớt tần suất phục vụ và chỉ khai thác 85 trạm, do một phần nhân viên được tổng động viên ra chiến trận. Những năm sau chiến tranh, phần lớn được mở cửa trở lại. Thế nhưng, nhiều bến không được sử dụng thường xuyên, hay quá gần với các bến lân cận nên vẫn bị ngừng hoạt động, còn một số bến khác thì được sử dụng vào mục đích khác hay biến mất theo thời gian.
            Ba bến bị đóng cửa vĩnh viễn từ năm 1939 là Arsenal, Champ-de-Mars và Croix-Rouge. Bến Arsenal (nằm ngay cạnh Quai de la Rapée, tầu 5) được cải tạo thành trung tâm đào tạo kỹ thuật viên và kỹ sư điện. Còn bến Croix-Rouge được một nghệ sĩ biến thành bãi biển với những chiếc ghế dài vào những năm 1980.
            Hai bến khác được mở cửa trở lại, song do ít hành khách nên đóng cửa là Porte des Lilas-Cinéma và một trong những lối xuống tại bến Invalides. Trạm Porte des Lilas-Cinéma được cho thuê để quay phim hay quảng cáo, trong đó nhiều cảnh trong bộ phim Amélie Poulain nổi tiếng cũng được quay tại đây.
            Bến Saint-Martin được mở cửa trở lại sau Giải phóng và có đông người sử dụng vì nằm trên trục đường Grands Boulevards. Song do chỉ cách bến Strasbourg-Saint Denis chừng 100 mét, nên bến này vẫn bị đóng cửa vĩnh viễn. Hiện giờ, tổ chức từ thiện Armée du Salut (Đội quân cứu thế) đang sử dụng làm nơi ngủ nghỉ cho người vô gia cư.
            Khoảng 20 năm sau khi chiến tranh kết thúc, các bến Varenne, Rennes, Liège mới được mở cửa trở lại. Tới tận năm 2004 và 2006, các bến Rennes và Liège mới được mở cửa theo giờ bình thường như các tuyến khác, thay vì bị đóng cửa sau 20 giờ, cũng như hai ngày cuối tuần và các ngày lễ.
            Trạm Cluny nổi tiếng cũng bị chìm trong quên lãng gần một nửa thế kỷ. Nhờ xây dựng ga tàu RER B Saint-Michel – Notre-Dame nên được mở cửa trở lại để nối với tuyến métro số 10 và được đặt tên Cluny-La Sorbonne.
            Có hai bến được xây dựng, Porte Molitor-Murat và Haxo, nhưng chưa bao giờ đón một hành khách nào và không có lối lên mặt đường. Porte Molitor được xây dựng tại điểm giao giữa hai tuyến 9 và 10, để dẫn tới sân vận động Công viên các Hoàng tử (Parc des Princes) vào các buổi tối có sự kiện. Nhưng việc khai thác quá phức tạp nên dự án bị từ bỏ, vì thế các lối lên xuống không được xây dựng. Hiện giờ, bến này được dùng làm gara tầu. Một vài chuyến tầu đặc biệt cho phép thăm quan chúng cho tới năm 2007.

            Cùng chủ đề
            1. 1
            2. 2
            3. 3
            4. ...
            5. trang sau >
            6. trang cuối >

            7. http://vi.rfi.fr/phap/20150925-chuyen-%E2%80%9Cmetro%E2%80%9D-paris