donderdag 14 april 2016

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời tại Sài Gòn, ngày 14-4-2016, thọ 77 tuổi

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời tại Sài Gòn
Tuesday, March 22, 2016 1:59:24 PM

Bài liên quan




Ðức Tuấn/Người Việt

LOS ANGELES (NV)
– 
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời lúc 12 giờ trưa (giờ Việt Nam), ngày 14 tháng Tư, 2016. Theo tin của ca sĩ Thanh Mai, dẫn lời người con dâu của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từ Sài Gòn.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. (Hình: Facebook)


Ca sĩ Thanh Mai cùng ái nữ, Fatima, vào khuya 13 tháng Tư, đưa nhạc sĩ Nguyễn Quang, con trai của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, ra phi trường Los Angeles, về Việt Nam. Ca sĩ Thanh Mai nói với Người Việt: “
Lúc đó nhạc sĩ Nguyễn Quang đã vào bên trong để lên máy bay, về lại Việt Nam gấp, ở bên ngoài này tôi nhận được điện thoại của Quang gọi ra từ bên trong ra. Lúc đầu tưởng là Quang báo đã vào máy bay rồi, không ngờ bên kia đầu dây Nguyễn Quang khóc nức nở, báo tin ba của Quang vừa mất. Lúc đó tôi nhìn đồng hồ là 11 giờ 15 phút khuya ngày 13 (giờ California), tức là khoảng 1 giờ 15 phút trưa ở Việt Nam.”
15 phút sau đó, ca sĩ Thanh Mai lại gọi về Việt Nam, gặp người con dâu của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Người con dâu cho biết thân phụ của chồng mình đã qua đời. “Bà Nguyễn Ánh 9 khóc nức nở, không thể nói chuyện điện thoại.” Theo lời ca sĩ Thanh Mai.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang, con trai nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, vừa sang California ngày 7 tháng Tư, dự định thực hiện hai show nhạc. Một cho đêm ra mắt CD đầu tay của ca sĩ Fatima, đã thực hiện xong ngày 9 tháng Tư tại hội quán Lạc Cầm. Chương trình thứ hai, mang tên Tình Khúc Chiều Mưa, dự định vào tối 17 tháng Tư, xong sẽ về lại Sài Gòn ngày hôm sau. Nhưng nhận được tin báo từ gia đình cho biết thân phụ trở bệnh nặng, bác sĩ cần giải phẫu tim gấp, nên Nguyễn Quang quyết định đổi vé máy bay về lập tức.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Ðình Ánh. Ông sinh năm 1939 tại Phan Rang, Ninh Thuận. Năm 11 tuổi ông và gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Ông chơi dương cầm từ nhỏ. Năm 18 tuổi nhạc sĩ bắt đầu theo đuổi con đường âm nhạc.
Ông khởi đầu sự nghiệp viết nhạc rất tình cờ, trong một chuyến đi Nhật biểu diễn cùng ca sĩ Khánh Ly. Khi Khánh Ly hỏi về chuyện tình cảm của ông với người cũ, sẵn cây đàn trên tay, Nguyễn Ánh 9 cất tiếng hát ngẫu hứng: “Không, tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa.” Từ đó, ca khúc “Không” trở thành bài hát phổ biến nhất thời điểm những năm 1970 và được nhiều ca sĩ tên tuổi trình bày bài hát này.
Những năm 1980 ông cho ra mắt một số ca khúc như Tình Yêu Ðến Không Giã Từ, Mênh Mông Tình Buồn, Cho Người Tình Xa, Cô Ðơn, Buồn Ơi Chào Mi... Hiện tại, nhạc sĩ không còn sáng tác nhưng ông vẫn cộng tác, đánh đàn dương cầm tại một số khách sạn ở Sài Gòn.

Tại Hoa Kỳ, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng có một đôi lần ghé thăm và xuất hiện trên sấn khấu ở vùng Little Saigon . Vào năm 2014, đêm nhạc chủ đề "Hội ngộ với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9" tại hội quán Lạc Cầm, ông và con trai Nguyễn Quang cùng với một vài ca sĩ tên tuổi đã trình bày rất nhiều ca khúc quen thuộc như Ai Đưa Em Về, Không, Cô Đơn...

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=224831&zoneid=1


Thứ năm, 14/4/2016 | 14:30 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ | Print
Thứ năm, 14/4/2016 | 14:30 GMT+7

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời

Sau gần ba tuần nằm trong phòng cách ly điều trị, nhạc sĩ "Buồn ơi chào mi" không qua khỏi căn bệnh tuổi già, ra đi vào chiều 14/4. 

Theo một nguồn tin thân cận gia đình Nguyễn Ánh 9, sáng 14/4, nhạc sĩ hôn mê trở lại. Đến chiều, ông ra đi, hưởng thọ 76 tuổi.
Anh Quang Anh - con trai nhạc sĩ - là người túc trực bên cha những giờ phút cuối. Còn nhạc sĩ Nguyễn Quang - con trai trưởng của Nguyễn Ánh 9 - đang lưu diễn tại Mỹ sắp xếp bay về.
nhac-si-nguyen-anh-9-qua-doi
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
Trước đó, ngày 20/3, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 phải vào bệnh viện Hoàn Mỹ TP HCM để cấp cứu. Ông bị bệnh về đường hô hấp kèm suy thận, suy tim khiến sức khỏe giảm sút trong nhiều năm nay. Lúc này nam nhạc sĩ nửa tỉnh nửa mê.
Sau khi hồi tỉnh, gia đình chuyển ông sang bệnh viện Đại học Y dược TP HCM để tiếp tục điều trị. Tại đây nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 được phẫu thuật và nằm trong phòng cách ly. Con trai của nhạc sĩ cho biết khi hồi tỉnh ông đòi nghe nhạc và thèm ăn cháo.
Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh năm 1940 tại Phan Rang. Ông chuyển vào Sài Gòn sống từ năm 11 tuổi.
Nhạc sĩ sáng tác không nhiều nhưng ca khúc của ông ghi dấu trong lòng nhiều thế hệ như: Không, Tình yêu đến trong giã từ, Bơ vơ, Cô đơn, Buồn ơi chào mi, Lặng lẽ tiếng dương cầm...
Ngoài viết nhạc, Nguyễn Ánh 9 còn nổi danh là nhạc công piano. Tiếng đàn của ông từng nâng đỡ giọng hát của nhiều thế hệ ca sĩ như Thái Thanh, Khánh Ly, Ý Lan, Ánh Tuyết... Khánh Ly từng nói: "Tiếng đàn của ông làm tôi thăng hoa hơn khi hát" khi mời ông tham gia liveshow tại Hà Nội vào năm 2014.
>> Xem thêm
Minh Minh

http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/trong-nuoc/nhac-si-nguyen-anh-9-qua-doi-3386990.html

Vĩnh biệt nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

  • 14 tháng 4 2016
Image caption Báo chí Việt Nam đưa tin nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã qua đời vào chiều ngày 14/4 ở tuổi 76.
Trước đó trong tháng Ba, nhạc sĩ từng phải vào viện cấp cứu ở Sài Gòn, với chẩn đoán suy hô hấp và viêm phổi.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời gia đình cho biết sức khỏe của ông không tốt trong những năm qua vì ngoài bệnh hen suyễn mãn tính, ông còn bị suy thận, suy tim.
Trao đổi với BBC sau khi nghe tin, nhạc sĩ Phú Quang, người lần đầu gặp nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 khi vào Sài Gòn hơn 30 năm trước, nói ông là “một người hiền”.
“Ông là một người hiền, một nghệ sĩ piano lãng tử, một nhạc sĩ có những bài tình ca hay.”
“Tôi rất quý ông và gia đình, và cảm thấy buồn, bàng hoàng khi nghe tin này.”
Các ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 không nhiều nhưng được yêu thích như: Cô đơn, Không, Tình yêu đến trong giã từ, Buồn ơi chào mi…
Ông nổi tiếng ở Sài Gòn từ trước 1975.
Sau biến cố 30/4/1975, ông ở lại Việt Nam, viết nhạc cho một số phim như Mảnh Tình Nghiệt Ngã, Mênh Mông Tình Buồn.
Cô đơn là một bài tình ca ông viết giai đoạn sau 1975, rất được yêu thích.

Tin liên quan


Nguyễn Ánh 9 và chiều " Giã từ sân khấu" ngày 2 tháng 3 2008
Friday, February 08, 2008 2:16:24 PM

Bài liên quan




Người Yêu Nhạc

Buổi trình diễn cuối cùng của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sẽ được tổ chức vào lúc 4 giờ chiều Chủ Nhật ngày 2 tháng 3 tới đây tại Hí Viện La Mirada (Hoa Kỳ) sau hơn 50 năm tiếng đàn dương cầm lặng lẽ đó, đã thắp sáng rực rỡ hàng ngàn, hàng vạn đêm vui... lòng tôi cảm thấy chùng xuống bùi ngùi.
Một thứ bùi ngùi hụt hẫng... khi biết rằng sau buổi nhạc này, Nguyễn Ánh 9 sẽ chính thức nói lời giã từ sân khấu, nơi đã cho ông và chúng ta biết bao kỷ niệm, biết bao những lối về. Dẫu biết chẳng có gì bất tử với thời gian nhưng làm sao cấm được trái tim buồn khi người tình nghệ thuật của mình sắp nói câu chia tay với những đêm vui còn nhiều luyến tiếc. Dẫu biết, trong nhạc phẩm Biệt Khúc của ông từng ghi xuống:
“Cuộc đời bao nổi trôi. Hợp tan rồi thế thôi. Hãy vui trong tình cuối...”
Vì thế, dẫu bận mấy, dẫu xa mấy, trên ngàn người yêu nhạc Nguyễn Ánh 9 từ khắp mọi nơi cũng sẽ đổ về. Về với La Mirada trong một buổi chiều âm nhạc - có thể gọi là chiều “vui trong tình cuối”, chiều “tình yêu đến trong giã từ”, chiều “cho người tình xa”, chiều “mênh mông tình buồn”, và buồn nhất - kể từ sau ngày trình diễn này - sẽ là chiều có những “tiếng hát lạc loài”, tiếng hát “cô đơn”, tiếng hát “bơ vơ” vì từ đây đã thiếu tiếng đàn trác tuyệt của ông...
Trong số trên ngàn khán giả hiện diện ngày đó, sẽ có nhiều nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu - bỏ hết những show diễn khác - để phải có mặt trong “chiều vui tình cuối” với ông... Một cuộc hội ngộ trùng phùng của những người bạn một thời sinh hoạt âm nhạc gắn bó với Nguyễn Ánh 9 ở trên những sân khấu phòng trà, vũ trường... của Sài Gòn, trong phòng thu, tại đài truyền hình số 9... như nhạc sĩ Trần Trịnh, nhạc sĩ Quốc Dũng, ca sĩ Elvis Phương, Thanh Mai, Phương Hồng Quế... làm người viết gợi nhớ đến hai câu thơ mà Trịnh Công Sơn đã cảm hứng ghi xuống năm 1990 khi Trịnh Công Sơn đặt chân đến Canada:
“Bỗng dưng gặp lại nơi này
Những khuôn mặt cũ một thời có nhau”
(TCS)
Ngoài những khuôn mặt cũ và ân tình tri kỷ, còn có sự hiện diện trình diễn của nhiều tài danh khác như Khánh Hà, Trần Thu Hà, Ngọc Anh, Thế Sơn, Ngọc Hạ, Thanh Hà, Quang Tuấn, Fatima... và đặc biệt tiết mục rất cảm động giữa hai thế hệ cha con là Nguyễn Ánh 9 và Nguyễn Quang (con trai trưởng của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9) tiếng đàn được coi là kế thừa và tiếp nối những tài hoa lừng lẫy của cha mình.
Ba MC Vĩnh Lạc, Thanh Mai và Trần Quốc Bảo sẽ lần lượt dìu dắt mọi người về lại “một thời để nhớ” với những tháng năm đầu tiên của Nguyễn Ánh 9 dần đến với thế giới cô đơn, thế giới lặng lẽ tiếng dương cầm.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Ðình Ánh, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1940 tại Phan Rang, nhưng lớn lên và ăn học tại Nha Trang, rồi sau đó là Ðà Lạt. Ngay từ thuở nhỏ, những giai điệu âm nhạc hình như đã vương vấn lẫn dạt dào trong tâm hồn của Ông. Xa gia đình, không có điều kiện ở trường năng khiếu âm nhạc, nhưng cậu bé Nguyễn Ðình Ánh đã tự mày mò, học hỏi và chơi dương cầm từ những đĩa nhạc cổ điển đi mượn được của bạn bè.
Trong thời gian học ở Ðà Lạt, một điều may mắn lớn nhất của Nguyễn Ánh 9 là đã được nhạc sĩ Hoàng Nguyên, tác giả của nhiều bài tình ca nổi tiếng như Ai Lên Xứ Hoa Ðào, Cho Người Tình Lỡ... tận tình chỉ dạy và dìu dắt vào thế giới âm nhạc.
Năm 1951, qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, Nguyễn Ánh 9 được vào tham gia chương trình Tuổi Xanh của đài phát thanh Ðà Lạt. Từ đó, ông như có thêm sức mạnh, đi khắp nơi biểu diễn dương cầm ở các bar, các nhà hàng nổi tiếng và những ban nhạc thanh niên.
Cuộc đời nghệ sĩ của ông tưởng chừng như dừng lại ở vai trò một nhạc sĩ hòa âm và biểu diễn dương cầm, nhưng sau chuyến đi Nhật vào tháng 8 năm 1970, cùng với Khánh Ly biểu diễn tại hội chợ Osaka (Nhật) với cảm xúc dạt dào, ông viết bài “Không” trong vòng một tiếng đồng hồ với những lời lẽ thật mới: “Không, Không. Tôi không còn yêu em nữa...”. Bài hát lúc đầu cũng có cái tên thật dài như thế, cảm hứng từ một ca khúc của Christophe: “Non, non. je ne t'aime plus”. Về sau, Nguyễn Ánh 9 cắt gọn tất cả, chỉ còn lại một chữ “Không” duy nhất.
Sau khi đi Nhật về, Khánh Ly lấy “Không” thu cho hãng dĩa 45 vòng Tình Ca Quê Hương. Một thời gian ngắn sau đó, Elvis Phương hát lại bài này trong một băng nhạc của nhạc sĩ Ngọc Chánh và thu lên đài truyền hình số 9, sau đó nhạc phẩm “Không” của Nguyễn Ánh 9 mới thật sự gây được một tiếng vang rầm rộ. Cũng chính ca khúc “Không” của Nguyễn Ánh 9 và “Mộng Dưới Hoa” của Phạm Ðình Chương là hai ca khúc Việt Nam đầu tiên đưa tên tuổi Elvis Phương lúc bấy giờ đang hát ở những Club Mỹ qua những tình khúc ngoại quốc bỗng một sớm một chiều được khán giả Việt Nam say mê và trở thành một giọng ca vàng hay nhất của nền tân nhạc Việt Nam trong gần 4 thập niên qua.
Khi bài “Không” được phổ biến, tên tuổi của Nguyễn Ánh 9 được mọi người hâm mộ, Ông mới thật sự có cảm hứng sáng tác những ca khúc mới lần lượt như Ai Ðưa Em Về, Một Lời Cuối Cho Em, Chia Phôi, Không 2, Trọn Kiếp Ðơn Côi... vào cuối năm 1971 và đầu năm 1972. Thời gian ca khúc “Không” vừa bùng lên là lúc Nguyễn Ánh 9 cộng tác với Khánh Ly và Ngọc Chánh ở phòng trà Queen Bee.
Cuối năm 1971, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về làm ở vũ trường Olympia (đường Lê Lợi) và đến năm 1972, ông về phụ trách chương trình ca nhạc ở phòng trà Hồng Hoa. Thời gian này ông sáng tác thêm hai ca khúc, đó là Ðêm Tình Yêu và Mùa Thu Cánh Nâu (viết chung với một người bạn tên Hoàng Nhu). Hai bài hát này chỉ được thu mỗi bài một lần duy nhất trong những tác phẩm băng nhạc nghệ thuật của Phạm Mạnh Cương phát hành năm 1972 bằng giọng hát Khánh Ly. Về sau này, khoảng năm 1981, trung tâm Diễm Xưa mua lại cuốn master Thương Một Người gồm 14 ca khúc chọn lọc với giọng ca Khánh Ly, trong số đó có nhạc phẩm Mùa Thu Cánh Nâu rất lãng mạn nồng nàn.
Lúc này trong số những ca nhạc sĩ trẻ cộng tác với Nguyễn Ánh 9 tại phòng trà Hồng Hoa còn có một tài năng mới rất đa dạng, đó là Quốc Dũng. Và cũng chính Nguyễn Ánh 9 là người kết hợp 2 tiếng hát Thanh Mai và Quốc Dũng thành một đôi song ca dễ thương nhất của giới trẻ Sài Gòn thời bấy giờ. Từ đó, người nghệ sĩ rất trẻ ở tuổi 21 như có thêm niềm phấn khởi, sáng tác hàng loạt những tình khúc như Quê Hương Và Mộng Ước, Bên Nhau Ngày Vui, Ðiệp Khúc Mùa Xuân, Biển Mộng, Thoát Ly... rất được tán thưởng. Năm 1974, Quốc Dũng vinh dự đoạt giải Nghệ Thuật Kim Khánh (do báo Trắng Ðen tổ chức) về lãnh vực người nhạc sĩ trẻ sáng tác ca khúc “Mai” được yêu thích nhất lúc bấy giờ.
Một thời gian dài sau năm 1975, Nguyễn Ánh 9 tạm ngưng các hoạt động âm nhạc. Ông âm thầm làm một người bình thường, bươn chải lao động kiếm sống bằng những nghề khác với chính đôi bàn tay nghệ sĩ của mình.
Năm 1982, Nguyễn Ánh 9 mới chính thức trở lại với thế giới âm nhạc, và thế là, với tất cả tâm hồn của một nhạc sĩ, ông lại tiếp tục tham gia các chương trình hòa tấu và biểu diễn dương cầm khắp nơi. Nguyễn Ánh 9 còn được mời viết nhạc nền cho một số phim như Mảnh Tình Nghiệt Ngã, Mênh Mông Tình Buồn.
Khoảng thời gian từ năm 1989 đến 1992, ông không còn sáng tác nhiều. Rất ít, nhưng trong số hiếm hoi đó, người yêu nhạc rất hạnh phúc để nghe được một tình ca mới của Nguyễn Ánh 9 mang tên Cô Ðơn. Nhạc phẩm này được ông nuôi dưỡng và hoàn tất trong 5 năm.
Với Cô Ðơn, ta không còn nghe một giai điệu u buồn như những ca khúc xưa mà là những lời triết lý về tình yêu, hạnh phúc mang tiết tấu nhạc bán cổ điển thật nhẹ nhàng. Bài hát này, đã được Khánh Hà thu băng đầu tiên ở hải ngoại trong cuốn CD Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào năm 1992 và sau đó được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Phi Khanh, Vũ Khanh, Như Mai... thu hình, video những thời gian sau đó.
Năm 1995, Nguyễn Ánh 9 sáng tác thêm ca khúc Cho Người Tình Xa là những vần thơ nhẹ nhàng, sâu lắng về một cuộc tình đã dở dang. Năm 1994, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 được mời sang Pháp viết nhạc nền cho một bộ phim viết về trẻ em ở Cửu Long của Hội Từ Thiện Pháp và tham gia Hội Sáng Tác Gia Quốc Tế của Pháp. Nhân đó, ông đã thực hiện một CD độc tấu dương cầm của mình.
Tháng 7 năm 2002, Nguyễn Ánh 9 lần đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ và đã được những nghệ sĩ thân thiết của ông là Thanh Mai, Phương Hồng Quế, Trần Quốc Bảo, Ngọc Minh, Lê Nguyễn... đứng ra làm một đêm dạ vũ “Hội Ngộ Nguyễn Ánh 9” tổ chức vào ngày 2 tháng 8 năm 2002 tại Quận Cam với sự góp mặt của rất nhiều nghệ sĩ.
Sáu năm sau, Chủ Nhật ngày 2 tháng 3 năm 2008, cũng tại Quận Cam này, đâu ngờ hí viện La Mirada là nơi để Nguyễn Ánh 9 nói lời giã từ sân khấu với những ai từng yêu dòng nhạc và tiếng đàn của ông.
Xin trích vài lời nhạc của chính ông từng viết trong ca khúc Tiếng Hát Lạc Loài:
Ngày nào có nhau, tiếng hát ngọt ngào
Rồi mình xa nhau, một ngày thương đau
Giọt buồn xanh xao, khi không còn có nhau...
(Nguyễn Ánh 9)
Ðể nói lên những luyến tiếc của người yêu nhạc khi từ đây góc sân khấu kia không còn bóng dáng người nhạc sĩ ngồi. Luyến tiếc lắm bởi bóng hình và tiếng đàn ông mãi là kỷ niệm..
Kỷ niệm một lần đến tim người và hằn sâu mãi mãi như ai đó đã từng nói: “Những người làm nghệ thuật sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh, mà những tài hoa, thanh âm hoặc sáng tác của họ sẽ in dấu mãi trên mặt đất, in dấu mãi trong trái tim người hâm mộ”.
Người Yêu Nhạc

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=73591&zoneid=1


Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chê nhiều ca sĩ Việt 
Monday, August 26, 2013 5:36:00 PM


Bài liên quan


VIỆT NAM (NV).- Lần đầu tiên, bài phỏng vấn nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, tác giả nhiều ca khúc được ưa chuộng ở Việt Nam thời gian qua, đưa nhận định về làng nghệ thuật Việt Nam hiện nay đã làm bùng nổ nhiều dư luận đối nghịch.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đang gây xôn xao dư luận vì nhận định về làng ca nhạc Việt Nam hiện thời. (Hình: kenh14.vn)

Bài phỏng vấn này xuất hiện trên trang báo VTC News cách nay mấy hôm, có ý chê bai một số ca sĩ "đương đại" của làng ca nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cho rằng "Việt Nam hiện nay chỉ để giải trí, chứ không có nghệ thuật, và nhạc bây giờ để xem nhiều hơn là để nghe."

Cho rằng nhạc Việt Nam bây giờ "không có hồn, cũng không mang cảm xúc thật của người sáng tác," nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 còn chỉ trích "đa số ca sĩ hiện nay chỉ chú trọng cách ăn mặc, make up cho đẹp, chứ không để tâm hồn vào bài hát."

Ông Nguyễn Ánh 9 cũng thẳng thắn cho rằng 'hồi xưa có những giọng ca để đời như Lệ Thu, Thanh Thúy, Thái Thanh…" và phê phán một loạt ca sĩ Việt Nam hiện nay như Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồ Ngọc Hà… hát chỉ để "vui mắt, vui tai, nghe qua xong rồi thì thôi, không để lại ấn tượng gì hết."

Đây là lần đầu tiên, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị nhạc sĩ Nguyễn Anh 9 nhắc đến với lời nhận xét không mấy thiện cảm. Theo ông, Đàm Vĩnh Hưng chỉ là "một người hát chứ không phải một ca sĩ đúng nghĩa." Ông còn kể: "Đàm Vĩnh Hưng cố hát nhạc xưa, nhạc vàng mà hát có ra đâu. Đàm Vĩnh Hưng hát bài "Ai Đưa Em Về" của tôi, tôi bảo "Con đừng hát bài của bố nữa, tội nghiệp bố lắm."

Vẫn trong câu trả lời bài phỏng vấn của VTC News, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cho rằng "nếu hồi xưa Đàm Vĩnh Hưng đi hát thì chỉ xứng là ca sĩ loại C hát lót, chứ không được liệt vào hạng ca sĩ chính của phòng trà." Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 còn nhận định rằng, thực tế có "nhiều ca sĩ hát hay nhưng chưa nổi được vì còn phụ thuộc vào công nghệ lăng xê."

Theo Việt Nam Net, bài phỏng vấn trên đã gây xôn xao dư luận, đặc biệt trên các trạng mạng xã hội. Việt Nam Net cho rằng đa số ý kiến của cư dân mạng bày tỏ sự ủng hộ nhận định của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Họ khen ông là "người can đảm khi dám nói những điều thực tế của làng âm nhạc Việt Nam hiện nay mà không mảy may sợ đụng chạm." (PL)


 http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=171992&zoneid=1

Geen opmerkingen:

Een reactie posten