zaterdag 28 februari 2015

Gia đình Mỹ chu du thế giới chia sẻ trải nghiệm du lịch ở Việt Nam

Thứ bảy, 28/02/2015

Tin tức / Ðời sống

Gia đình Mỹ chu du thế giới chia sẻ trải nghiệm du lịch ở Việt Nam

Gia đình Rivenbark đến Hà Nội đón Tết Ất Mùi.
Gia đình Rivenbark đến Hà Nội đón Tết Ất Mùi.
Trong chuyến hành trình đến thăm 30 quốc gia kéo dài một năm của mình, gia đình bốn người Rivenbark mà VOA đã có dịp giới thiệu với quý vị lần trước, đã đặt chân tới chín quốc gia châu Á tính tới thời điểm dịp Tết nguyên đán vừa diễn ra. Từ Kampot, Campuchia, gia đình Rivenbark di chuyển xuống phía nam để tiến vào biên giới Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam kéo dài khoảng ba tuần rưỡi, gia đình Rivenbark đã có những trải nghiệm thú vị và độc đáo tại những nơi họ đi qua trải dài từ Nam tới Bắc và cả không khí của dịp Tết vừa qua tại Hà Nội.
Gia đình Mỹ chu du thế giới chia sẻ trải nghiệm du lịch ở Việt Nam
Phú Quốc là điểm dừng chân đầu tiên tại Việt Nam của ông bà Rivenbark cùng hai bé Tyler và Kara.  Đã từng nghe nói hay thăm những xứ sở nổi tiếng với các bãi biển nhưng những bãi biển ở Việt Nam đã khiến ông bà Rivenbark ngạc nhiên. Bà Julie cho biết:
"Những bãi biển là điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất. Tôi chưa bao giờ nghĩ Việt Nam là một điểm đến của những bãi biển. Thường thì bạn sẽ nghĩ tới Thái Lan, Bali (Indonesia), hay Australia, chứ không phải là Việt Nam. Bãi biển ở Việt Nam thực sự tuyệt vời."
Còn hai bé Tyler và Kara thì lại ấn tượng với những trải nghiệm về giao thông ở thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hội An. Bé Tyler nói:
"Cháu sẽ kể cho bạn cháu nghe về việc đi bộ sang đường ở thành phố Hồ Chí Minh cùng với những xe máy và ô tô khác. Bạn phải nhảy qua từng làn xe thật nhanh, giống như trò Frogger vậy."
Còn bé Kara nói:
"Cháu sẽ kể cho bạn bè cháu nghe về việc đạp xe ngoài phố rất vui ở Hội An. Có rất nhiều xe máy và ô tô ở trên phố, vì thế mà hơi khó, và đôi khi họ sẽ đi cả vào phần đường của bạn. Ở TP.HCM, thậm chí còn có cả nhiều xe máy ở trên vỉa hè nữa."
Nhưng theo bà Julie, điều đó không phải là một điều gì tồi tệ bởi lẽ:
"Nó khá là thú vị và chúng tôi thực ra lại thích điều đó. Chính vì nó hơi hỗn loạn một chút nên chúng tôi mới thích."
Hai bố con ông Tim Rivenbark thuê xe máy ở Hội AnHai bố con ông Tim Rivenbark thuê xe máy ở Hội An
x
Hai bố con ông Tim Rivenbark thuê xe máy ở Hội An
Hai bố con ông Tim Rivenbark thuê xe máy ở Hội An

Không chỉ dừng lại ở việc thích sự hỗn loạn của dòng chảy xe cộ, nhà Rivenbark thậm chí còn muốn tự mình lái xe và cảm nhận giao thông ở Việt Nam. Ông Tim nói:
"Chúng tôi đã bỏ lỡ mất cơ hội thuê xe máy ở TP.HCM nhưng sau đó chúng tôi đã thuê xe máy ở Hội An và đi vòng quanh Hội An trong một ngày. Rất là vui. Chúng tôi đã có thể bắt nhịp với người dân địa phương, cùng đi xe máy ngoài đường với họ để khám phá Hội An và những khu vực xung quanh đó. Chúng tôi cảm thấy bản thân giống như người dân địa phương vậy."
Theo lời kể của bé Tyler, không có nhiều du khách như gia đình của bé tự thuê xe máy và đi trong thành phố giống người dân địa phương. Mặc dù vậy, chắc chắn việc ông Tim và bà Julie thuê hai chiếc xe máy và chở con mình tại Hội An đã đem lại cho cả gia đình nhiều tiếng cười và những kỷ niệm khó quên. Bà Julie kể lại:
"Trong một bức ảnh mà chúng tôi chụp, chúng tôi dừng lại ở một chỗ, có một số người đàn ông Việt mời chúng tôi sang cùng uống nước dừa với họ. Đó là một trải nghiệm thú vị vì chúng tôi cùng hòa vào với người dân địa phương và tương tác với họ."
Bé Kara hào hứng kể tiếp:
"Và rồi sau đó nhà chúng cháu đi tiếp và dừng lại ở một đoạn ngõ cụt. Một bên là nước, một bên là trâu bò, và có một con đường nhỏ ở kế bên. Mẹ cháu quay xe và suýt nữa thì lao cả xuống nước."
Bà Julie nói thêm:
"Chúng tôi một chút nữa là xuống nước rồi, rất sát rồi, nhưng may là chưa lao xuống."
Nhưng giao thông, xe cộ không phải là điều thú vị duy nhất trong thời gian gia đình Rivenbark lưu lại miền nam. Chuyến thăm tới địa đạo Củ Chi đã trở thành một trải nghiệm học hỏi cho cả gia đình. Ông Tim chia sẻ:
Gia đình Rivenbark tới thăm địa đạo Củ ChiGia đình Rivenbark tới thăm địa đạo Củ Chi
x
Gia đình Rivenbark tới thăm địa đạo Củ Chi
Gia đình Rivenbark tới thăm địa đạo Củ Chi

"Tôi cảm thấy bị mê hoặc khi đến địa đạo Củ Chi. Nơi đó khiến tôi cảm thấy bị ấn tượng. Khi đi qua địa đạo, tôi được nhìn thấy và học được cuộc chiến ở Việt Nam đã diễn ra như thế nào. Những chiến thuật mà người Việt sử dụng khiến tôi cảm thấy thực sự ấn tượng. Học được cách người Việt đã sống ở dưới đất khi đó như thế nào và những chiến thuật khác nhau mà họ sử dụng trong cuộc chiến. Điều đó đã để lại một sự ấn tượng lâu dài đối với tôi và khi nói tới Việt Nam, tôi sẽ nghĩ tới điều đó."
Và bé Tyler cũng đồng ý với điều đó:
"Cháu cũng cảm thấy rất hay khi nhìn cuộc chiến từ góc nhìn của phía Việt Nam trong lúc chiến đấu chống lại người Mỹ. Thật thú vị khi được biết về những chiến thuật mà họ dùng để đánh bại người Mỹ."
Chia tay thành phố Hồ Chí Minh và Hội An, gia đình Rivenbark dừng chân ở Đà Nẵng và Huế trước khi ra Hà Nội để đón Tết nguyên đán lần đầu tiên. Và đối với bé Tyler, Tết sẽ là điều mà bé nhớ ngay tới nếu như có ai đó nhắc tới Việt Nam, bởi lẽ cả gia đình của bé đã ở Việt Nam trong suốt mùa Tết vừa rồi, cùng trải nghiệm cách mà người dân chuẩn bị đón Tết, và trông thấy cả con phố tràn ngập sắc đỏ như thế nào. Chia sẻ cảm nhận về không khí đón Tết ở Hà Nội, bà Julie nói:
"Và trong hai ngày vừa rồi, cả thành phố rất yên tĩnh. Tất cả cửa hàng đều đóng cửa. Phần lớn chỉ có du khách đi lang thang ngoài phố, không biết phải làm gì, bởi vì mọi thứ đều ngưng hoạt động. Nhưng quả thật rất thú vị khi thấy thành phố trước khi Tết đến thì rất bận rộn, đông đúc, rồi bỗng chốc trở nên im ắng, tôi nghĩ là ở đây ngày mai sẽ quay trở lại bình thường. Khi tôi tìm hiểu ở trên mạng về việc liệu có nên đến Việt Nam trong dịp Tết hay không, mọi người phần lớn đều nói đừng tới Việt Nam trong dịp Tết vì đó gần như là ngày lễ dành cho gia đình, sẽ không có nhiều thứ để du khách xem hay làm đâu. Nhưng đối với chúng tôi thì chúng tôi rất thích ở đây trong dịp Tết này, chỉ để xem những điều vừa diễn ra."
Sau khi đón Tết ở Việt Nam, gia đình Rivenbark lại tiếp tục hành trình tới thăm Vịnh Hạ Long trong ba ngày trước khi tới Trung Quốc và khoảng tám quốc gia còn lại trong chuyến đi vòng quanh thế giới lần này.
Chỉ còn lưu lại Việt Nam trong ít ngày, ông Tim cho biết cảm nhận về chuyến đi tới Việt Nam lần này:
Bé Kara trải nghiệm cảm giác cưỡi trâu ở Hội AnBé Kara trải nghiệm cảm giác cưỡi trâu ở Hội An
x
Bé Kara trải nghiệm cảm giác cưỡi trâu ở Hội An
Bé Kara trải nghiệm cảm giác cưỡi trâu ở Hội An

"Rất kỳ lạ, phi thường. Quả thực rất thú vị vì trước khi bắt đầu chuyến đi, chúng tôi không nghe nhiều người nhắc tới việc thăm Việt Nam. Rất thú vị khi được tới đây, đi dọc miền đất nước từ Nam tới Bắc, học hỏi nhiều điều về văn hóa nơi đây, cách người dân sinh sống, cách họ niềm nở đón chào người Mỹ như thế nào.  Học về lối sống ở đây và trải nghiệm nó trực tiếp. Chúng tôi hy vọng thông qua blog du lịch của chúng tôi, chúng tôi có thể giúp cung cấp thêm thông tin cho họ về du lịch Việt Nam, khuyến khích họ tới khám phá, du lịch Việt Nam, và có cơ hội tự mình tận hưởng Việt Nam."
Chuyến đi ghé thăm khoảng 30 quốc gia của gia đình Rivenbark sẽ kết thúc vào tháng 7 năm nay, chỉ khoảng một tháng trước khi năm học mới bắt đầu. Ngay khi quay trở lại Mỹ, Tyler và Kara sẽ quay trở lại trường học sau một năm chu du với hai người bạn đồng hành là bố mẹ và đồng thời cũng chính là giáo viên dạy học tại nhà năm vừa rồi của các bé. Trong khi đó, khi được hỏi sẽ dự định làm gì khi quay về Mỹ, ông Tim và bà Julie đã bật cười bởi lẽ:
"Chúng tôi vẫn chưa chắc chắn lắm. Chúng tôi thực ra vẫn đang tìm cách sẽ về nhà như thế nào. Nhưng chúng tôi nghĩ là chúng tôi sẽ quay trở lại ngay cuộc sống bình thường của chúng tôi. Tim sẽ tiếp tục quay lại công việc mà anh ấy hiện tại đang nghỉ tạm thời trước khi chúng tôi đi. Tôi có lẽ sẽ làm phụ tá bác sĩ bán thời gian, công việc toàn thời gian trước đây của tôi. Nhưng chúng tôi đang cố gắng mở một công ty du lịch hoặc tôi cũng sẽ không ngại khi chuyển sang nhiếp ảnh và du lịch như là sự nghiệp mới của tôi, chỉ là tôi sẽ cần tìm hiểu làm thế nào để tôi có thể thực hiện điều đó mà thôi. Nhưng điều mà chúng tôi thực sự thích làm là khởi động một công việc kinh doanh về du lịch."
Trước khi khép lại cuộc trò chuyện với VOA, gia đình Rivenbark chia sẻ một vài lời khuyên nhỏ với những người cũng có ý định hay mong muốn thực hiện một chuyến đi vòng quanh thế giới tương tự. Bà Julie và bé Kara nói:
"Kara có một ý hay. Khi mà bạn đề ra ngân sách, bạn muốn làm sao để chi phí luôn ở mức thấp. Tôi sẽ cố gắng tiêu tiền làm sao để vẫn nằm trong mức mà mình ấn định lúc đầu nhưng thỉnh thoảng sẽ là một điều hay khi bạn có thể thoải mái tiêu tiền ở một số nơi, để cảm thấy hoàn toàn thư giãn, rồi quay trở lại với vấn đề tiền nong sau."
Còn ông Tim chia sẻ:
"Còn tôi thì nghĩ rằng đừng tranh cãi nhiều thêm nữa, hãy cứ đi thôi. Tôi biết là rất khó khăn để vượt qua cảm giác phải rời bỏ những thứ mà bạn không muốn đánh mất để đổi lấy chuyến đi như thế này. Bạn biết đấy, chúng tôi phải bán nhà, bán xe, để lũ trẻ nghỉ học từ ngôi trường rất tuyệt vời để cho chúng một trải nghiệm gia đình như thế này. Cho tới bây giờ thì chúng tôi cảm thấy rất đáng để làm như vậy. Chúng ta không thể cân đo đong đếm giá trị chính xác của trải nghiệm này được. Nhưng đối với gia đình bốn người chúng tôi, cùng ở bên cạnh nhau trong vòng một năm, cùng chia sẻ những trải nghiệm với nhau, cùng sống như chúng tôi đã sống trong thời gian qua, cùng bước ra ngoài và nhìn thế giới, trải qua tất cả những trải nghiệm này quả thực rất đáng giá. Quãng thời gian quả thực rất tuyệt vời. Nó đáng giá hơn bất cứ món tài sản nào mà bạn có."

  • Gia đình Rivenbark thăm chợ nổi ở khu vực châu thổ sông Mekong.
  •  
  • Người dân ở Huế.
  •  
  • Bé Tyler và Kara tại một ngôi chùa ở Hội An.
  •  
  • Ông Rivenbark thử gánh quang gánh ở thành phố Hồ Chí Minh.
  •  
  • Hai bé Tyler và Kara đi trên phố ở Hà Nội.
  •  
  • Gia đình Rivenbark ăn tối tại Phú Quốc.
  •  
  • Hai cha con Rivenbark đi xe máy ở Hội An.
  •  
  • Bé Kara thử cưỡi trâu ở Hội An.
  •  
  • Gia đình Rivenbark tới thăm địa đạo Củ Chi.
  •  
  • Gia đình Rivenbark tới Hà Nội đón Tết Ất Mùi.
  •  
  • Gia đình Rivenbark dừng chân tại Đà Nẵng.

  •  http://www.voatiengviet.com/content/gia-dinh-my-chu-du-the-gioi-chia-se-trai-nghiem-du-lich-o-viet-nam/2659637.html

Nhà hoạt động khiếm thị đi bộ xuyên Việt để quyên sách cho trẻ em Việt Nam

Thứ bảy, 28/02/2015

Tin tức / Việt Nam

Nhà hoạt động khiếm thị đi bộ xuyên Việt để quyên sách cho trẻ em

Anh Nguyễn Quang Thạch trong chuyến đi bộ xuyên Việt
Anh Nguyễn Quang Thạch trong chuyến đi bộ xuyên Việt
Trong khi mọi người đang đua nhau đi hành hương, đi trẩy hội, đi du xuân trong những ngày đầu năm Tết Ất Mùi, một thanh niên từ phía Bắc đơn độc khởi hành chuyến đi bộ xuyên Việt để quyên sách tặng người nghèo.
Đó là cuộc hành trình có một không hai của anh Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng hệ thống thư viện dân sự ‘Sách hóa Nông thôn Việt Nam’, một chàng trai bị hỏng mắt nhưng nhiều năm nay đã phấn đấu hiện thực hóa ước mơ khai sáng dân trí, xóa mù tri thức cho các cộng đồng nông thôn chiếm đa phần dân số Việt Nam.
Sau 8 năm áp dụng tại nông thôn, sáng kiến ‘Sách hóa nông thôn’ của anh Thạch đã giúp xây dựng hàng ngàn tủ sách các loại gồm Tủ sách Dòng họ, Tủ sách Phụ huynh, Tủ sách Giáo xứ, Tủ sách hậu phương-quê hương chiến sĩ, và Tủ sách lớp em tại nhiều địa phương từ Bắc chí Nam.
Từ năm 2010, anh đã đứng ra thành lập Trung tâm Hỗ trợ tri thức và Phát triển cộng đồng, một tổ chức NGO được giám sát bởi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, và đã bỏ việc để có thể đảm nhiệm tất cả các khâu từ quản lý, vận động chính sách, truyền thông đến gây quỹ để quyên sách cho các vùng quê nghèo khó, dân trí thấp.
Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay mời quý vị và các bạn cùng gặp gỡ nhà cách mạng thư viện trẻ tuổi trong lúc anh đang sải từng bước chân chinh phục chiều dài đất nước và trái tim của mọi người, kêu gọi sự ủng hộ của người Việt khắp nơi đóng góp mỗi tháng 1 cuốn sách cho chương trình ‘Sách hóa nông thôn’ để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu sách ở nông thôn trước năm 2017. 
Bấm vào nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn
Nguyễn Quang Thạch: Tôi đã đeo đuổi chương trình Sách hóa nông thôn 18 năm nay. Từ năm thứ hai sinh viên, tôi đã xác định  tôi sẽ trở thành một nhà cách mạng thư viện. Từ 1997, tôi đã nghiên cứu thiết kế ra các mô hình thư viện. Đến 2007, tôi đưa các mô hình đó vào áp dụng tại nông thôn trước khi chia sẻ với toàn xã hội. Trong quá trình làm có nhiều thành công ngoài dự kiến. Từ tháng 11/2011 tới nay, tôi áp dụng mô hình gây quỹ. Chính người dân địa phương ở Thái Bình tự góp tiền mỗi năm 50 ngàn để làm được hơn 30 ngàn quyển sách. Tôi đã vận động thành công ở cấp huyện và tỉnh. Cho nên, Tết này tôi muốn đi bộ xuyên Việt vận động ở cấp Bộ Giáo dục để họ ra chủ trương nhân rộng ra toàn quốc mô hình Tủ sách Phụ huynh đặt trong lớp học. Chúng tôi kêu gọi phụ huynh mỗi năm góp 50 ngàn để mua sách bỏ vào tủ sách trong lớp học của con họ, tạo nền tảng tri thức nhân văn, nuôi dưỡng sáng tạo trong mỗi cá thể công dân Việt Nam để tạo thay đổi trong tương lai. Tôi tiếp tục kêu gọi khoảng 500 ngàn người Việt trong và ngoài nước góp cho chương trình chúng tôi mỗi tháng 1 cuốn sách tương đương 20 ngàn đồng để tôi thúc đẩy chương trình Sách hóa nông thôn nhắm đạt 300 ngàn tủ sách vào năm 2017. Mỗi trường tôi ủng hộ sách cho 2 lớp, sau đó người ta tự nhân lên.
Trà Mi: Đối tượng phục vụ là học sinh cấp nào trở lên?
Nguyễn Quang Thạch: Từ cấp 1. Thời gian tới chúng tôi sẽ đưa sách vào trường mầm non để khuyến khích thầy cô giáo đọc sách cho các cháu.
Trà Mi: Nội dung sách tặng là giáo khoa, giáo dục, hay sách truyện các loại?
Nguyễn Quang Thạch: Tôi đưa sách nâng cao, chú trọng sách mang tinh thần hiện sinh, văn học phương Tây, Mỹ, Nhật nhưng loại bỏ sách Trung Quốc. Sách Trung Quốc toàn cổ vũ bạo lực, mưu hèn kế bẩn, chúng tôi không đưa vào cho học trò Việt Nam đọc. Từ nay trở đi, chúng tôi đưa sách tập làm nhà phát minh của phương Tây để học trò Việt nuôi dưỡng đam mê khoa học, kỹ năng và giá trị sống.
Trà Mi: Những đầu sách quyên tặng có nhất thiết là sách mới hay có thể là sách đã qua sử dụng?
Nguyễn Quang Thạch: Thông thường sách người ta tặng quá cũ. Cho nên, mấy năm nay, chúng tôi khuyến khích phụ huynh liên lạc với nhà sách để mua sách giá thấp. Tôi đề nghị các nhà sách giảm giá cho họ từ 30-50%. Chúng tôi cổ vũ mọi người tặng sách mới. Một phần quỹ chúng tôi quyên được thì chúng tôi mua sách mới hoàn toàn. Chúng tôi còn có các mô hình như Tủ sách Giáo xứ. Ở Thái Bình, tôi làm một tủ sách đầu tiên và người Công giáo tự nhân rộng. Sắp tới, tôi sẽ viết thư cho Tổng giám mục  Giáo hội Việt Nam đề nghị nhân rộng Tủ sách giáo xứ ra toàn quốc để mỗi nhà thờ có một hệ thống thư viện. Khi người Công giáo khám phá tri thức thoải mái, tri thức nhiều cộng với đức tin lớn thì họ có thể làm được nhiều việc tốt. Còn mô hình Tủ sách dòng họ, các dòng họ đóng tủ, chúng tôi ủng hộ sách. Số tủ sách này giờ đây quá nhiều, không thống kê nổi. Với mô hình Tủ sách hậu phương-quê hương chíên sĩ, mỗi gia đình có vợ là giáo viên ở nông thôn, chồng đi quân đội, thì chúng tôi ủng hộ khoảng 100 đầu sách để cô giáo đấy cho học trò mình đọc.
Trà Mi: Tủ sách lớp em khác với Tủ sách phụ huynh thế nào?
Nguyễn Quang Thạch: Tủ sách lớp em dành cho khu vực miền núi. Nơi đó, cha mẹ học sinh không tự góp tiền mua được, sách do chúng tôi ủng hộ, nhà trường đóng tủ. Năm nay đi xuyên Việt, tôi bắt đầu chiến lược gây quỹ trên toàn cục. Tôi sẽ đặt các thùng ‘Chia sẻ trách nhiệm xã hội’ tại các doanh nghiệp, trường học. Tôi quan niệm xã hội này xấu có lỗi của từng cá thể, chứ không phải cứ đổ lỗi xã hội rổi không làm gì cả. Phải hình thành tự cường của người Việt, phải nắm tay nhau để xây dựng ra hệ thống thư viện.
Trà Mi: Vì sao anh nảy ra ý tưởng đi bộ quyên sách chứ không phải là một hình thức vận động nào khác?
Nguyễn Quang Thạch:: 2010 tôi đã đi xe gắn máy. Năm nay tôi đi bộ. Thông qua bước chân, sự kiên trì và tận tâm của mình để hàng triệu người dân Việt phải hành động thật sự. Một ông Thạch bị hỏng 1 mắt, bị gai đôi cột sống, giờ đi bộ xuyên Việt kêu gọi mọi ngừơi chung tay. Ngày đầu tiên tôi đã phát 270 cuốn sách ở Hồ Gươm và trứơc thư viện quốc gia. Dọc đường, đến mỗi tỉnh chúng tôi xây dựng khoảng 2 tủ sách. Tôi gửi sách qua bưu điện trước. Hôm đó, tôi chỉ tới trao và nói chuyện với học trò thôi. 
Trà Mi: Đi bộ đội nắng đội mua trên một chặng đường quá dài, anh dự kiến hoàn tất chuyến đi trong bao lâu?
Nguyễn Quang Thạch: Hành trình hơn 100 ngày thôi mà giúp được hàng triệu trẻ có sách đọc vào năm 2017 là việc làm truyền cảm hứng cho xã hội. Ai cũng có thể làm được. Tôi phải hành động hết mình để tới khi bị hỏng cả hai mắt thì đã hoàn thành được sứ mạng của mình. Tôi thích đời sống của mẹ Theresa, ông Gandhi. Nhà tôi 3 thế hệ đã làm việc khuyến học. Tôi kế thừa truyền thống nâng cao dân trí để đất nước này được tôn trọng. Ông Gandhi ngày xưa đi bộ 387km, sau đó góp phần đưa độc lập lại cho Ấn Độ không tốn một viên đạn.
Trà Mi: Một mình anh, một cá nhân đơn lẻ, làm thế nào kêu gọi sự hưởng ứng của giới hữu trách và sự ủng hộ của người dân?
Nguyễn Quang Thạch: Bằng sự liêm chính và tận tâm, đó là sức mạnh của mọi thứ.
Trà Mi: Những nỗ lực của anh có nhận được sự hỗ trợ từ nhà chức trách như mong muốn hay chưa?
Nguyễn Quang Thạch: Ở cấp tỉnh và cấp Sở, như ở Thái Bình thì họ đã ủng hộ. Một đất nước 40 năm nay con trẻ không được đọc sách là quá muộn. Thư viện chậm đi 1 năm là đất nước chậm đi 10 năm. 12 năm học ở nhà trường, mỗi năm đọc 30 đầu sách tử tế thì chắc chắn đất nứơc này sẽ có hàng triệu công dân đẳng cấp. Phải nghĩ rằng nếu mình không làm cho đất nước mình giàu mạnh là một điều sỉ nhục. Sách vở sẽ giúp con người ta sáng tạo và tử tế, nhưng quan trọng nhất là nó còn nuôi dưỡng sự tự nhục trong mỗi cá thể, nhục khi đất nước nghèo, nhục khi đất nước thua lân bang.
Trà Mi: Vì sao anh hướng tới sách từ Châu Âu, Châu Mỹ. Thế còn sách nội
Nguyễn Quang Thạch: Đất nước mình rất yếu về khoa học, cho nên mình cần đưa trực tiếp các giá trị phương Tây vào.
Trà Mi: Còn về lĩnh vực nhân văn, con người? Việt Nam tự hào có nền văn hóa lâu đời, rất nhiều các tác phẩm văn chương, văn học. Vì sao anh không hướng tới các đầu sách nội địa?
Nguyễn Quang Thạch: Thời gian tới bọn tôi phải lọc cái đã. Các sách về tinh thần hòa giải như Trần Nhân Tông, chúng tôi sẽ cố gắng đưa về, hay như các bộ lịch sử về Lý Công Uẩn , Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt chẳng hạn. Tôi muốn đưa tinh thần nhân văn và các giá trị kích thích sáng tạo, dám nghĩ khác cho học trò để các em có nhận thức đa dạng, đa chiều, và tiếp xúc với nhiều nền văn hóa hơn.
Trà Mi: Anh có nghĩ trọng tâm nội dung Sách hóa nông thôn của mình hơi hướng Tây không?
Nguyễn Quang Thạch: Chúng ta cần phải đưa những thứ mới, hay ho vào, tạo các giá trị mới trong đời sống dân chúng để dần dần người ta chuyển hóa sang những thứ tử tế. Tính nhân văn và sáng tạo có trong mỗi cá thể thì nước mới mạnh được.  Tôi cũng không muốn đưa tinh thần Trung Quốc nô lệ vào đầu người Việt như Tam Quốc chí chẳng hạn. Những truyện như An Dương Vương, khi đất nước bị ngoại bang xâm chiếm mà thần Kim Quy lại bảo ‘Giặc sau lưng’ để cha giết con, tạo ra tiềm thức huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt ở đất nước này. Những cái như thế phải bỏ. Truyện Tấm Cám chẳng hạn, là một chuyện ác, tôi không đưa về cho các em. Bây giờ mình làm thế nào để dân tộc này sau 50 năm phải có dàn tên lửa hạt nhân từ biên giới Lạng Sơn mới tốt. Mình mà không nâng cao dân trí hơn vài chục lần thì mình mất nước với Trung Quốc. Dân trí phải như Mỹ, Israel thì may ra thắng lại được sức mạnh của họ. Tôi là một ngừơi rất yêu dân chủ, tôi phải tìm cách để tạo ra các giá trị đấy.
Trà Mi: Với môi trường ở Việt Nam hiện nay, một người yêu dân chủ và tìm cách tạo ra tinh thần đó như anh, có gặp những thách thức, khó khăn nào chăng?
Nguyễn Quang Thạch: Không vấn đề gì. Tôi nói mọi người thay vì suốt ngày cứ chém gió trên mạng thì hãy đến các khu nhà trọ công nhân hướng dẫn họ học sách luật để hình thành tinh thần dân chủ thì hay hơn. Muốn làm việc tử tế để ảnh hưởng cộng đồng, trứơc hết phải gần xã hội, gần cộng đồng. Đó là lý do tôi bám trụ ở nông thôn rất nhiều năm để tìm các mặt cắt của xã hội. Cái xấu còn nằm trong văn hóa xã hội, tiềm thức cộng đồng. Thật ra xã hội Việt Nam ra như thế này là do bị ảnh hưởng của Khổng giáo quá nhiều: tính háo danh và muốn làm một chức quan để kiếm chác. Muốn thay đổi thật sự phải đưa vào tiềm thức của đất nước này đầu vào những sự tử tế, tinh thần hiện sinh của Châu Âu.
Trà Mi: Là người yêu dân chủ, các đầu sách của anh cho học sinh lớp lớn có chú trọng đưa kiến thức pháp luật, kiến thức dân chủ?
Nguyễn Quang Thạch:: Có hai loại dân chủ. Một là kiến thức dân chủ thực hiện. Hai là kiến thức tiềm ẩn trong các tác phẩm. Trong các truyện như Túp lều bọc có đầy các giá trị dân chủ. Mọi người đừng phơi bày ra theo kiểu người Việt ở nước ngoài. Chúng ta đừng quá thái quá, phải tìm hiểu cặn kẽ sự biến đổi ở trong nước. Các bạn kêu gọi các giá trị Mỹ, Châu Âu, nhưng các giá trị này phải chuyển hóa vào trong mỗi cá thể chúng ta. Phải có tri thức rồi tổng hợp, chuyển hóa các giá trị phù hợp với đặc tính đời sống cộng đồng của mình thì mới bền vững. Còn nếu theo kiểu áp đặt thì gây bất ổn. Khi nào ngừơi Việt ý thức được chia sẻ tri thức là tạo dựng đẳng cấp cho người Việt thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Nơi nào có thư viện và có nhiều trẻ đọc sách thì nơi đó sẽ hình thành giá trị dân chủ, nhân văn, và phân biệt đẳng cấp sẽ dần dần mất đi.
Trà Mi: Cảm ơn anh rất nhiều vì thời gian dành cho cuộc trao đổi này.

http://www.voatiengviet.com/content/nha-hoat-dong-khiem-thi-di-bo-xuyen-viet-de-quyen-sach-cho-tre-em/2662289.html

Hối mại quyền thế : Trung Quốc dùng tiền mua giới chính trị Anh ?

Hối lộAnhTrung QuốcTham nhũngXã hộiChính trịChâu ÁQuốc tếPhỏng vấn

Hối mại quyền thế : Trung Quốc dùng tiền mua giới chính trị Anh ?

media 
Ông Malcolm Rifkind từ chức Ủy ban an ninh và tình báo của Quốc hội sau vụ bê bối "cash for access" Reuters / Stefan Wermuth
Ngay tại thời điểm các đảng phái chính trị ở Anh bắt đầu chạy nước rút cho cuộc vận động tranh cử vào Quốc hội thì lại nổ ra vụ bê bối hối mại quyền thế của các nghị sĩ nổi tiếng, Jack Straw và Malcolm Rifkind, khiến chính trường chao đảo và khiến không ít dân chúng suy nghĩ lại về vai trò của chính trị và các nghị sĩ Quốc hội trong cuộc sống hàng ngày của mình. Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải cho biết chi tiết.
Hai chính trị gia đã nhanh chóng tuyên bố rút lui khỏi chính trường để tránh làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng mình trong cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng Năm tới đây, nhưng dư âm sẽ còn kéo dài trên trường quốc tế vì mức độ nhạy cảm của vụ việc.
Mọi chuyện bắt đầu từ một phóng sự điều tra của tờ báo Daily Telegraph cùng thực hiện với kênh truyền hình Channel 4 và phát trong chương trình Dispatches nổi tiếng chuyên phanh phui các góc khuất của quyền lực trên thế giới. Họ cài phóng viên vào tiếp cận hai chính trị gia gạo cội là ông Jack Straw của đảng Lao Động và Sir Malcolm Rifkind của đảng Bảo Thủ. Hai ông đã làm chính trị từ rất lâu, và đều từng giữ chức Bộ trưởng khi chính phủ của họ cầm quyền.
Trong đoạn phim quay lén trong phòng làm việc của hai ông trong Quốc hội, thì hai vị này đã hứa hẹn sẽ giúp đối tác gặp những mối quan hệ cần thiết, đổi lại bằng những khoản tiền lớn. Vụ việc này làm chấn động dư luận Anh trước hết là vì đã động vào nỗi lo thường trực của mỗi cử tri về việc quyền lực của Quốc hội và chính phủ Anh bị lợi dụng.
Trong trường hợp của ông Rifkind, đối tác là một công ty của Trung Quốc, còn ông đang phụ trách Ủy ban an ninh và tình báo của Quốc hội. Vậy mà ông hùng hồn tuyên bố sẵn sàng tạo điều kiện cho đối tác muốn gặp ai thì gặp, và khéo léo nói về chuyện công xá.
Tờ báo Daily Telegraph trình bày đơn chào hàng của ông rằng, với số tiền 5.000 bảng Anh một ngày, công ty Trung Quốc nọ có thể gặp tất cả những nhân vật quan trọng đang nắm giữ hệ thống an ninh hạt nhân trên thế giới, vì ông từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và ngoài vị trí hiện nay làm Chủ tịch Ủy ban an ninh Quốc hội, ông còn là thành viên của các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Hội đồng chuyên trách các nghị trình toàn cầu, chuyên trách về hạt nhân.
Ban đầu thì ông Rifkind còn đòi điều tra phóng sự của báo, nhưng đảng Bảo Thủ đã tạm ngưng tư cách đảng viên của ông để điều tra, và Quốc hội tạo sức ép khiến ông từ chức Chủ tịch Ủy ban an ninh, và tuyên bố sẽ không ra tranh cử trở lại. Sự nghiệp chính trị kéo dài 41 năm nhanh chóng sụp đổ chỉ trong vòng 48 giờ đồng hồ. Trước đó, cựu Ngoại trưởng Jack Straw đã lên truyền hình tuyên bố rút lui khỏi chính trường để khỏi làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng Lao Động.
Vai trò của truyền thông Anh
Truyền thông Anh không chỉ đơn giản là thanh toán hai cá nhân chính trị gia nào đó. Những góc cạnh mà báo chính và truyền hình Anh khai thác xung quanh vụ bê bối này trong hai ngày qua còn khiến người ta phải suy nghĩ về thể chế chính trị và thế giới của các chính trị gia ở nước Anh.
Phóng sự của Channel 4 chạy đoạn video có ông Malcolm Rifkind giải thích rằng mình làm việc không có lương, và phải cân bằng thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau để ổn định cuộc sống như một người chuyên làm hợp đồng cho nhiều đối tác khác nhau.
Còn ông Jack Straw khi lên đài truyền hình BBC trả lời phỏng vấn trực tiếp thì tiết lộ rằng nhiều chính trị gia mà ông biết, đặc biệt là trong Thượng viện, coi đây như là công việc bán thời gian để kiếm thêm thu nhập đại khái kiểu như là cho vui mà thôi, còn nguồn thu nhập chính nằm ở nơi khác.
Theo tính toán của đài truyền hình Sky News, lương trong Quốc hội của ông Rifkind là 67.000 bảng, phụ thu cho chức Chủ tịch uỦy ban an ninh và tình báo là thêm 14.000 nữa. Trong khi đó thu nhập của ông từ các khoản khác có thể lên đến 270.000 bảng/năm, tức là chân ngoài dài hơn rất nhiều so với chân trong, và còn cao hơn lương của Thủ tướng, vào khoảng 160.000 bảng một năm.
Lãnh đạo đảng Lao Động là Ed Miliband đề nghị Thủ tướng Anh ra công lệnh ngăn các nghị sĩ kiếm tiền ở bên ngoài Quốc hội, thu nhập bên ngoài không được vượt quá 10-15% lương Quốc hội. Có vẻ như chính trường nước Anh dần biến chuyển từ một không gian hoạt động dân chủ của những người giàu có không phải lo cơm áo gạo tiền, sang thành nơi kiếm tiền của những ai muốn hành nghề chính trị.
Điều đó khiến người dân đặt câu hỏi và lo ngại liệu các nghị sĩ Quốc hội có còn lo lắng để đại diện cho dân chúng ở vùng đã bỏ phiếu cho họ hay không, hay dành nhiều thời gian cho những ai trả tiền để họ làm những việc khác. Tuy nhiên, có thể thấy rõ là quyền tự do báo chí đã đánh một cú đo ván (knock-out) vào tư duy lợi ích nhóm, không cho phép chính trị gia ở Anh dùng quyền lực để kiếm lợi cho cá nhân hay một nhóm lợi ích nào đó.
Anh dứt khoát giải quyết nhanh chóng vụ bê bối
Nhìn từ góc độ quốc tế, vụ xì-căng-đan này còn khiến người ta suy nghĩ thêm về vai trò của nước Anh và giới chính khách ở các nước lớn. Chương trình truyền hình Despatches chuyên làm phóng sự về các vấn đề quốc tế và phóng viên có lần sang tận những vùng chiến sự để tìm hiểu xem tác động chính trị ở Anh có ảnh hưởng như thế nào trên thực địa.
Họ có ngân sách để đầu tư nghiên cứu cơ bản trước khi dựng chương trình, và lần này không phải tình cờ mà họ đưa ra lời đề nghị từ một công ty mà họ nói rõ là của Trung Quốc.
Trong cuộc trao đổi, ông Rifkind còn tiết lộ về mối quan hệ với cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright và nhóm quan hệ bao gồm 22 Ngoại trưởng trên thế giới.
Trong bối cảnh Trung Quốc luôn sẵn sàng dùng tiền để mua quan hệ và đổ tiền vào cả những chương trình chính thức như Viện Khổng Tử lẫn những món quà ngoại giao và mối quan hệ cá nhân, thì phóng sự này chỉ ra một nguy cơ rất lớn cho các nước nhỏ đang có tranh chấp hoặc nguy cơ đối đầu với Trung Quốc, vì sẽ yếu thế trong ngoại giao, khi Trung Quốc có được những mối quan hệ trực tiếp vào các cấp cao nhất trong chính trường Anh, Mỹ và các cường quốc, cả trong đảng cầm quyền lẫn bên phía đối lập.
Đây là câu chuyện sẽ tiếp tục gây tranh cãi khi dư luận nước Anh bắt đầu lắng dịu nhờ các tuyên bố từ chức nhanh chóng của hai nghị sĩ Quốc hội Jack Straw và Malcolm Rifkind.
Thông tín viên Lê Hải từ Luân Đôn 25/02/2015 nghe

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150225-hoi-mai-quyen-the-trung-quoc-dung-tien-mua-gioi-chinh-tri-anh/

Biển Đông : Tòa án Trọng tài chấp nhận xem xét đề nghị của Việt Nam

Biển Đông : Tòa án Trọng tài chấp nhận xem xét đề nghị của Việt Nam

mediaTrụ sở Tòa án Trọng tài Thường trực, La Haye, Hà Lan(wikipedia.org)
Hai ngày sau khi hết thời hạn dành cho Trung Quốc để trả lời Philippines trong đơn kiện đường lưỡi bò tại Biển Đông, vào hôm qua, 17/12/2014, Tòa án Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration) đã chính thức yêu cầu Manila cung cấp thêm luận chứng bằng văn bản. Tòa án đồng thời cho biết đang xem xét đề nghị của Hà Nội yêu cầu bảo vệ các quyền lợi của Việt Nam trong vụ việc.
Trong một bản thông cáo báo chí về « Thủ tục trọng tài giữa Cộng hòa Philippines và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa », Tòa án Trọng tài Thường trực, trụ sở tại La Haye (Hà Lan), đã kỳ hạn cho Philippines là từ nay cho đến ngày 15/03/2015 phải cung cấp thêm luận chứng bằng văn bản liên quan đến một số vấn đề cụ thể.
Dù bị Trung Quốc nhiều lần phủ nhận vai trò trong việc phán xử về tranh chấp ở Biển Đông, Tòa án Trọng tài Thường trực vẫn tiếp tục yêu cầu Bắc Kinh phải trả lời các luận điểm mới của Manila trước ngày 16/06/2015.
Liên quan đến Việt Nam, Tòa án Trọng tài Thường trực xác nhận là đã nhận được bản tuyên bố lập trường của Việt Nam đối với vụ kiện do Philippines khởi xướng nhắm vào Trung Quốc, cùng với yêu cầu quan tâm đến quyền lợi của Việt Nam. Văn kiện này đã được Tòa án chính thức nhận được ngày 05/12 vừa qua.
Trong bản thông cáo báo chí, Tòa án Trọng tài Thường trực cho biết : « Tòa án trọng tài hiện nay đang tham khảo ý kiến các bên tham gia vụ kiện về một bản "Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam lưu ý Tòa án trong Thủ tục trọng tài giữa Cộng hòa Philippines và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" được phòng Đăng bạ nhận được ngày 05/12/2014. »
Lời lẽ trên đây có nghĩa là Tòa án Trọng tài Thường trực đã chính thức yêu cầu Philippines và Trung Quốc trả lời các yêu cầu của Việt Nam liên quan đến vụ kiện.
Bản tuyên bố lập trường của Việt Nam về vụ kiện Trọng tài Biển Đông đã được Việt Nam gởi đến Tòa án Thường Trực La Haye ngày mồng 5/12, nhưng chỉ được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam loan báo công khai hôm 11/12.
Theo giới phân tích bản tuyên bố của Việt Nam gởi đến Tòa án Trọng tài Thường trực về vụ kiện của Philippines nhắm vào Trung Quốc đã phản ánh rõ rệt lập trường của Việt Nam : Đó là công nhận thẩm quyền của Tòa án Trọng tài trong việc xem xét vấn đề Biển Đông, đối lập hẳn với quan điểm của Trung Quốc, từ trước đến nay vẫn luôn luôn phủ nhận thẩm quyền của Tòa.
Bản tuyên bố của Việt Nam gởi đến Tòa án La Haye cũng thể hiện lập trường ủng hộ Philippines một cách rõ rệt và công khai nhất từ ngày Manila khởi xướng vụ kiện.
Mặt khác, Việt Nam cũng phản bác lập luận về chủ quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, được Bắc Kinh nhắc lại trong bản Tuyên bố Lập trường về vụ kiện ngày 07/12. Việt Nam nhấn mạnh trở lại rằng các yêu sách phản ánh qua bản đồ "đường đứt đoạn" hoàn toàn phi pháp.

http://vi.rfi.fr/141218-vn-toa-an//

Việt Nam ký kết xác nhận tư cách Tòa Trọng tài Thường trực

mediaTàu tuần duyên Việt Nam theo dõi tàu Trung Quốc 130 hải lý ngoài khơi Việt Nam 16/06/2014 - REUTERS /Nguyen Minh
Hôm nay 23/06/2014 Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và Tổng thư ký Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration, PCA) Hugo Hans Siblesz đã ký kết Hiệp định nước chủ nhà và Thư trao đổi về hợp tác giữa Hà Nội và định chế quốc tế này. Đây có thể là một động thái hướng về việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia thông qua thủ tục trọng tài.
Qua việc ký kết các văn bản trên, Việt Nam đã chính thức xác nhận tư cách pháp lý của Tòa Trọng tài Thường trực tại Việt Nam, cho phép PCA tiến hành giải quyết các tranh chấp quốc tế một cách hòa bình thông qua hoạt động trọng tài, trung gian hòa giải và điều tra. Bên cạnh đó, PCA còn có những hỗ trợ khác liên quan đến việc hòa giải các tranh chấp quốc tế của định chế này tại Việt Nam, cũng như hợp tác với Hà Nội.
Theo cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam, Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho PCA hoạt động. Về phía PCA sẽ cung cấp các thông tin, tư vấn về các thủ tục thuộc quy trình trọng tài quốc tế, giúp đào tạo cán bộ pháp lý.
Tòa Trọng tài Thường trực là tổ chức quốc tế gồm 115 quốc gia thành viên, có trụ sở tại La Haye, Hà Lan, được thành lập theo Công ước La Haye năm 1899 nhằm giải quyết các tranh chấp giữa các nhà nước, tổ chức liên chính phủ và thể nhân, kể cả tranh chấp lãnh thổ trên đất liền và trên biển.
Hai ngôn ngữ chính thức là Anh và Pháp, nhưng các bên nhờ đến PCA cũng có thể thỏa thuận sử dụng một thứ tiếng khác. Việc nhờ đến PCA là một chọn lựa dựa trên các nguyên tắc chủ quyền của các Nhà nước và các bên tranh chấo đồng ý nhờ đến trọng tài, nhưng một khi đã được ra PCA thì phán quyết mang tính bắt buộc.
Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực về đường lưỡi bò 9 đoạn do Bắc Kinh tự ấn định, vi phạm Công ước Quốc tế về Luật Biển, nhưng Trung Quốc từ chối tham gia.
Một vụ kiện trước đây do Tòa Trọng tài Thường trực thụ lý là vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Hà Lan và Hoa Kỳ năm 1928. Đảo này ở giữa Mindanao của Philippines và quần đảo Nanusa. Tây Ban Nha đã chiếm đảo năm 1606 nhưng rời bỏ vào cuối thế kỷ 17, sau đó Hà Lan thiết lập chủ quyền. Theo Hiệp ước Paris 1898 sau chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha, Hoa Kỳ được quyền cai trị Philippines trong đó có đảo Palmas.
Tòa Trọng tài Thường trực đã quyết định đảo Palmas thuộc về Đông Ấn Hà Lan, nay là Indonesia. Quyết định này cho thấy trọng tài nghiêng về phía quốc gia chiếm hữu thực tế hòn đảo và tuyên bố chủ quyền một cách công khai, liên tục mà không có sự phản đối từ quốc gia phát hiện đầu tiên cũng như các chủ thể khác.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20140623-viet-nam-ky-ket-xac-nhan-tu-cach-toa-trong-tai-thuong-truc/

Việt Nam tham khảo Philippines về vụ kiện Trung Quốc

mediaBiểu hiệu của tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc
Kyodo News, ngày 22/05/2014 đưa tin, các quan chức Philippines cho biết, trong chuyến công du Manila, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam, nước hiện đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, đã « tham khảo » Tổng thống Philippines Benigno Aquino về trường hợp Manila kiện Trung Quốc lên tòa án Liên Hiệp Quốc.
Theo các quan chức này, ông Dũng đã nói với ông Aquino trong cuộc gặp tại Phủ Tổng thống Malacanang, hôm 21/05, rằng Hà Nội « theo dõi sát sao » vụ kiện.
Ông Edwin Lacierda, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines cho biết, trong cuộc gặp với Tổng thống Aquino, Thủ tướng Dũng không nói dứt khoát là Việt Nam có kế hoạch đưa vụ tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ra trước tòa án Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, trong tuyên bố gửi các cơ quan truyền thông, ông Dũng nói rằng Việt Nam « đang xem xét nhiều biện pháp phòng vệ khác nhau, bao gồm các hành động pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế ».
Ông Dũng tuyên bố : « Những hành động của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam trong nhiều ngày qua là cực kỳ nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới ».
Do vậy, ông Lacierda nói Việt Nam đang « theo dõi xem chúng tôi đã kiện như thế nào ».
Ông Lacierda cho biết, « chắc chắn đây là một việc mà Việt Nam quan tâm, bởi vì một nước nhỏ quyết định sử dụng cơ chế ngoại giao trọng tài quốc tế. Đó là điều mà Việt Nam đang theo dõi ». « Việt Nam đã quan sát vụ việc. Còn triển vọng vụ việc ra sao, nên làm vào lúc nào, thì đó là chủ đề thảo luận giữa người Việt Nam với nhau. Nhưng chắc chắn là Việt Nam đang quan sát và theo dõi diễn tiến trường hợp kiện lên tòa án trọng tài ».
Vào tháng Giêng năm ngoái, Philippines đã đưa vụ tranh chấp lãnh thổ và biển với Trung Quốc ra tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc để « làm rõ » các quyền của các bên, kể cả Trung Quốc, trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Manila muốn tòa án trọng tài, bao gồm 5 thành viên, đặt tại La Haye, Hà Lan, tuyên bố rằng đòi hỏi của Trung Quốc tại Biển Đông là vô giá trị và đi ngược lại Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Ông Lacierda nói : « Việt Nam đang dõi theo các hành động của chúng tôi, nhất là qua con đường ngoại giao, bởi vì giống như đấu quyền Anh, chúng tôi không thể nào đọ được với Trung Quốc về quân sự ». « Do vậy, chúng tôi thực sự phải dùng con đường ngoại giao và tôi nghĩ rằng cộng đồng quốc tế đang dõi theo cách thức mà Philippines tiến hành trong việc xử lý tranh chấp với Trung Quốc ».
Philippines và Việt Nam là hai nạn nhân chính của các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc nhằm kiểm soát các vùng đang có tranh chấp tại Biển Đông.
Các va chạm trên biển giữa tàu Việt Nam và Trung Quốc xẩy ra ở gần quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp, hồi đầu tháng này, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu gần vùng biển mà Việt Nam coi là thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình.
Tháng trước, Philippines đã phản đối việc Trung Quốc chiếm đóng và củng cố hạ tầng trên một bãi đá khác đang có tranh chấp ở Biển Đông.
Cả hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Aquino và Thủ tướng Dũng, đều cam kết chống lại những hành động hung hăng gần đây của Trung Quốc.
Sau cuộc gặp ngày 21/05, ông Dũng nói rằng Manila và Hà Nội « quyết tâm chống lại các hành động vi phạm của Trung Quốc và kêu gọi các nước và cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ Trung Quốc ».
Hai nhà lãnh đạo đã kêu gọi Trung Quốc « chấm dứt các hành động xâm phạm, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế », bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông mà ASEAN và Trung Quốc đã ký năm 2002.
Hai nhà lãnh đạo cũng kêu gọi ASEAN và Trung Quốc « phấn đấu sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử » ở Biển Đông.
Các cuộc thảo luận nhằm xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc về pháp lý tiến triển chậm chạp cho dù ASEAN kêu gọi thúc đẩy nhanh các cuộc thương lượng.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20140524-viet-nam-tham-khao-philippines-ve-vu-kien-trung-quoc/

Báo Trung Quốc kêu gọi dùng kinh tế để giữ Việt Nam không theo Mỹ

Báo Trung Quốc kêu gọi dùng kinh tế để giữ Việt Nam không theo Mỹ

mediaTranh minh họa bài viết trên Hoàn Cầu Thời báo (25/01/2015)
Trong ấn bản trên mạng ngày 25/01/2015, Hoàn Cầu Thời báo, dựa theo bài phỏng vấn ông Chu Phương Ngân (Zhou Fangyin), giáo sư thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Quảng Đông, đã có bài viết : « Đòn bẩy thương mại có thể ngăn chặn Việt Nam quay sang với Mỹ ».
Vòng đàm phán mới về Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương được nối lại vào vào thứ Hai, 26/01/2015. Khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, ngày 07/01, bắt tay ông Ted Osius, đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Osius đã nói với ông Dũng rằng Nhà Trắng có thể mềm dẻo hơn để các cuộc thương lượng có thể được hoàn tất vào tháng Ba và Quốc hội thông qua vào tháng Năm.
Các cuộc đàm phán kéo dài, được khởi động cách nay hơn 5 năm, dường như đi vào giai đoạn cuối khi Hoa Kỳ có một vài nhượng bộ. Hà Nội hy vọng hiệp định kinh tế này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và đặc biệt là về lâu dài, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Hơn nữa, các căng thẳng gia tăng tại Biển Đông đã thúc đẩy Việt Nam tìm kiếm người đỡ đầu nhằm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc. Hoa Kỳ là một sự lựa chọn tốt nhất.
Năm nay đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. Cho dù còn có đối kháng lâu dài, đây là dịp tạo ra một sự thúc đẩy quan trọng để hai bên xích lại gần nhau. Nhượng bộ của Washington trong đàm phán về TPP là một món quà cho Hà Nội, nhưng món quà này có cái giá phải trả của nó.
Lịch sử đã hàng triệu lần chứng mình rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ nhượng bộ trong đàm phán mà không có lý do, đặc biệt là khi Mỹ đang ở thế thượng phong. Trong trường hợp này, sự nhượng bộ của Washington không chỉ là một trò chiến thuật để hỗ trợ cho các lợi ích nhỏ mọn, mà đó một tính toán chiến lược có thể tác động đến toàn cảnh chính trị khung vực.
2015 cũng sẽ là năm sôi động chính trị đối với Việt Nam, Đại hội lần thứ 12 của đảng Cộng sản sẽ lựa chọn một ban lãnh đạo mới vào tháng Giêng năm 2016. Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng mãn nhiệm của Việt Nam, có thể đã nhắm với vị trí cao nhất là Tổng Bí thư đảng cầm quyền. Trên chính trường Việt Nam bị chia rẽ, ông Dũng, người đại diện cho phe thân Mỹ, có nhiều khả năng thay đổi mạnh mẽ chiến lược quốc gia và chính sách đối ngoại để có thêm sự dấn thân của Hoa Kỳ.
Washington đã hiểu được tiềm năng của ông Dũng như một ủy nhiệm viên hiệu quả. Biết được là Đại hội 12 có thể là cơ hội duy nhất đối với ông Dũng để nắm được quyền lực tối cao, Hoa Kỳ muốn tán dương những kết quả đạt được trong đàm phán về TPP như là một trong những thành công quan trọng của ông Dũng. Trong trường hợp này, Washington muốn dùng các trò cũ là các cuộc cách mạng mầu tại Việt Nam nhằm sử dụng Việt Nam cũng như Philippines, như một con tốt để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Vì thế, 2015 là năm quan trọng đối với quan hệ ba bên Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam. Cho dù Bắc Kinh và Hà Nội đã nhanh chóng phục hồi quan hệ vào cuối năm ngoái sau một năm trời đối mặt với nhau, ý đồ lôi kéo Hà Nội của Washington sẽ phá vỡ một cách dễ dàng khuôn khổ mong manh về an ninh trong khu vực, gây ra những nguy cơ đối với sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.
Như thế, điều mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nước láng giềng phương nam sẽ là một tình hình còn sôi động hơn những gì mà Trung Quốc đã trải qua trong năm 2014.
Ngược với Hoa Kỳ, nước trơ tráo can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, Trung Quốc có thể sử dụng những phương tiện dễ được chấp nhận hơn để giúp Việt Nam thu được những mối lợi từ quan hệ song phương tích cực. Tuy nhiên, nếu Việt Nam đứng về phía Mỹ để chống lại Trung Quốc, Bắc Kinh cũng sẽ có những biện pháp trừng phạt.
Nhằm ngăn ngừa việc Hà Nội tiếp tục nghiêng về phía Washington, Bắc Kinh cần có lập trường mềm mỏng hơn trong một số vấn đề để làm dịu tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Nếu không, khi căng thẳng gia tăng, có nhiều khả năng Việt Nam lúng túng và trở thành một đồng minh của Hoa Kỳ.
Trung Quốc cần triệt để khai thác các lợi thế truyền thống như là đối tác thương mại chính của Việt Nam và sử dụng các biện pháp kinh tế đa dạng, đặc biệt là đầu tư, nhằn thúc đẩy cơ sở hạ tầng và sức mạnh kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc phải gia tăng nỗ lực phát triển kết nối giữa hai nước, như đẩy mạnh dự án Con đường tơ lụa thế kỷ 21. Các mối lợi thực sự sẽ làm cho Việt Nam trở nên sáng suốt để cân nhắc giữa theo và chống khi đưa ra các quyết định liên quan đến Trung Quốc và Hoa Kỳ.

http://vi.rfi.fr/20150126-tq-vietnam//

Trung Quốc Việt Nam tiếp tục hàn gắn quan hệ

mediaHọc sinh Việt Nam chào mừng lãnh đạo Trung QuốcReuters
Chuyến viếng thăm Việt Nam hiện nay của Chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc Du Chính Thanh cho thấy là Trung Quốc vẫn cố hàn gắn quan hệ với Việt Nam sau một năm đầy căng thẳng do tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Du Chính Thanh là Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp), một cơ quan hoàn toàn mang tính chất hình thức, nhưng dầu sao ông cũng là nhân vật đứng hàng thứ tư trong ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc, và là một trong 7 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.
Chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Du Chính Thanh diễn ra sau những tháng căng thẳng cao độ giữa Hà Nội với Bắc Kinh, do việc Trung Quốc đưa giàn khoan đến khu vực Hoàng Sa, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam, mà một số đã dẫn đến bạo động gây chết người trong tháng 5.
Đến tháng 7, Bắc Kinh đã rút giàn khoan đi, nhờ vậy tình hình đã dịu lạì chút ít. Hai nước có vẻ như đều muốn hàn gắn quan hệ bị sứt mẻ nghiêm trọng. Vào tháng 8, tức là chỉ một tháng sau đó, cựu Bộ trưởng Công an Việt Nam Lê Hồng Anh, với tư cách đặc phái viên của Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, đã đi thăm Trung Quốc. Trong chuyến đi đó, ông Lê Hồng Anh đã kêu gọi hai nước « nghiêm túc thực hiện “Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam- Trung Quốc”, kiểm soát tốt tình hình và giải quyết ổn thoả mọi tranh chấp bất đồng trên biển, duy trì hoà bình, ổn định trên Biển Đông ».
Đến tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã đi thăm Bắc Kinh và gặp đồng nhiệm Trung Quốc Thường Vạn Toàn (Chang Wanquan). Kết quả cuộc gặp gỡ này là hai nước đồng ý nối lại quan hệ quân sự và « xử lý tốt hơn các tranh chấp chủ quyền biển đảo ».
Cũng trong tháng 10, ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã trở lại Việt Nam và lần này cuộc gặp giữa ông với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh diễn ra trong một bầu không khí hòa dịu, khác hẳn với không khí nặng nề của cuộc gặp giữa hai ông vào tháng 6, giữa lúc khủng hoảng giàn khoan lên cao độ.
Nhưng trong tháng này, quan hệ Việt-Trung đã lại nóng lên, sau khi Hà Nội chính thức yêu cầu Tòa án Trọng tài Quốc tế chú ý đến « quyền và lợi ích pháp lý » của Việt Nam khi phân xử vụ kiện của Philippines về bản đồ đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra, giành chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông.
Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp gỡ với ông Lê Hồng Anh hôm qua, Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Du Chính Thanh đã tuyên bố là Bắc Kinh muốn quan hệ với Hà Nội đi theo con đường « đúng đắn ». Ông Du Chính Thanh khẳng định là Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam theo một viễn cảnh lâu dài và với một cái nhìn chiến lược.
Nói chung, Bắc Kinh có vẻ như đang tìm cách ngăn chận những vấn đề mà tranh chấp chủ quyển Biển Đông đang gây ra cho quan hệ Việt – Trung, bởi vì điều này sẽ phần nào ảnh hưởng đến trao đổi thương mại giữa hai nước. Tình hình Biển Đông càng căng thẳng thì tâm lý chống Trung Quốc càng tăng mạnh, phong trào tẩy chay hàng Trung Quốc cũng tăng theo. Bắc Kinh cũng không muốn thấy Hà Nội ngả theo Mỹ quá nhiều, cho nên lại càng cố gắng kéo Hà Nội quay trở lại vòng ảnh hưởng của họ.
Nhưng một mặt hàn gắn quan hệ với Việt Nam, mặt khác Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động nhằm áp đặt chủ quyền của họ trên Biển Đông, đặc biệt là qua việc xây một đảo nhân tạo với sân bay trên quần đảo Trường Sa.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20141226-trung-quoc-viet-nam-tiep-tuc-han-gan-quan-he/